Tàu ngầm Trung Quốc và sự điều chỉnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương

Chủ Nhật, 29/05/2005, 07:01
Từ trước đến nay, Mỹ luôn tự hào là nước có lực lượng Hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Đặc biệt, lực lượng Hải quân Mỹ luôn được coi là có khả năng khống chế toàn bộ biển Thái Bình Dương cho dù họ mới chỉ triển khai có 40% lực lượng hiện có.

Thế nhưng, bước sang năm 2005 thì tình hình đã khác trước rất nhiều, người Mỹ bắt đầu phải quan ngại đến một đối thủ tiềm tàng, đó chính là lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

 

Hạm đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc

Từ sau năm 1960, lực lượng Hải quân Trung Quốc đã có một hạm đội tàu ngầm với khoảng hơn 70 chiếc, chạy bằng động cơ diezel và chủ yếu được chế tạo theo kiểu tàu ngầm thế hệ Romeo của Liên Xô. Mặc dù, xét về số lượng thì Hải quân Trung Quốc đứng thứ ba trên thế giới nhưng hạm đội tàu ngầm của nước này vẫn không được đánh giá là mạnh.

Trong những năm từ 1992 đến 1996, Trung Quốc đã quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch thay thế các lớp tàu ngầm cũ bằng những lớp tàu ngầm mới do nước này tự chế tạo. 20 chiếc tàu thế hệ mới thuộc lớp Ming đã thay thế 20 chiếc tàu lớp Romeo. Lớp tàu ngầm Ming là tàu ngầm hiện đại nhất của Trung Quốc có khả năng chống tàu vận tải và rải các thủy lôi điện từ. Lớp tàu này còn được trang bị hệ thống siêu âm và các chân vịt được thiết kế theo tiêu chí không tạo âm thanh khi hoạt động.

Tiếp đó, Trung Quốc bắt đầu chế tạo thêm một thế hệ tàu ngầm khác, đó là các tàu ngầm lớp Song. Thế hệ tàu ngầm này được ứng dụng công nghệ tạo áp lực đẩy không tiếng động đặc biệt và đã bắt đầu được trang bị các tên lửa hành trình “hạm - đối - hạm”. Theo các chuyên gia kỹ thuật của Mỹ thì những chiếc tàu ngầm này có khả năng hoạt động sâu dưới mặt nước trong nhiều tuần liền mà không gây ra bất cứ tiếng động nào dù là nhỏ nhất.

Chính vì thế, ngay từ năm 2002 việc Trung Quốc biên chế 7 tàu ngầm thế hệ này cho Hạm đội Bắc Hải đã khiến cho các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ bắt đầu cảm thấy băn khoăn.

Trong năm 2003, Trung Quốc còn cho hạ thủy 13 chiếc tàu ngầm thuộc các lớp khác nhau, trong đó có 2 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân được chế tạo theo lớp Yuan. Đây là một thế hệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế hoàn chỉnh nhất theo mô phỏng của hai lớp tàu là lớp Song của Trung Quốc và lớp Kilo của Nga. Tuy vậy, cho tới nay đối với các thế hệ tàu ngầm nguyên tử chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc thì lớp tàu ngầm tấn công Han vẫn được coi là hiện đại nhất.

Mỹ điều chỉnh lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương

Theo báo “Washington Post” thì lực lượng phản gián chống ngầm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã là cơ quan đầu tiên nắm được hoạt động di chuyển của tàu ngầm 406 của Trung Quốc ngay từ khi nó rời căn cứ. Trong thời gian chiếc tàu này hoạt động, các máy bay trinh sát, vệ tinh viễn thám và các tàu săn ngầm của Hạm đội 7 đã liên tục theo dõi, giám sát.

Tuy nhiên, người Mỹ vẫn cảm thấy bất an bởi vì họ đã quá quen với tình huống không có đối thủ, còn giờ đây họ cho là đang bị đe dọa tại chính các căn cứ quân sự lớn nhất của mình trên Thái Bình Dương.

Trước sự phát triển của tàu ngầm Trung Quốc, tháng 12/2004, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành kế hoạch điều chỉnh lực lượng quân đội của mình tại khu vực Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ bổ sung một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Houston đến căn cứ Guam nâng tổng số tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại căn cứ này thành 3 chiếc. Đó  là các tàu USS San Francisco, tàu USS City of Corpus Christi và tàu USS Houston. Chỉ một tháng sau đó, tàu USS San Francisco đã bị gặp nạn tại khu vực phía Nam đảo Guam khiến cho 31 trên tổng số 135 thủy thủ đoàn bị thương nặng.

Theo báo “Pacific Daily News” thì trong thời gian tới, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tái bố trí lực lượng và tăng cường thêm ít nhất khoảng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến căn cứ Guam. Không những thế, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng William J. Gegger còn cho biết lực lượng không quân Mỹ sẽ phải tăng cường các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay săn ngầm đến căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam.

Thêm vào đó, trong báo cáo tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã khẳng định rằng trong thời gian từ 5 đến 10 năm nữa, Mỹ sẽ tăng cường từ 2 đến 5 tỉ USD cho việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng tại căn cứ Guam. Đồng thời với các hoạt động này, một trung tâm trinh sát chống ngầm từ xa cũng đang được Bộ Quốc phòng Mỹ vội vã cho xây dựng tại căn cứ quân sự ở San Diego với nhiệm vụ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như khả năng tác chiến chống ngầm

Minh Thi (Tổng hợp)
.
.