Tây Ban Nha: “Thế hệ bị đánh cắp” đòi lại công bằng

Chủ Nhật, 10/04/2011, 03:35

Tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ được cất tiếng nói để đòi lại những gì mình bị thiệt thòi suốt hàng chục năm qua, nhưng những người từng là nạn nhân của một chính sách tàn bạo thời nhà độc tài Francisco Franco cách đây trên 40 năm - thế hệ những đứa trẻ bị đánh cắp và thân nhân của họ giờ đây đã có thể hy vọng đòi lại công bằng.

Câu chuyện của "những đứa trẻ bị đánh cắp"

Pilar Maroto mất đứa con trai đầu lòng vừa mới sinh vào một ngày tháng 4/1972. Bà còn nhớ rất rõ tiếng khóc chào đời của nó vừa ré lên thật to, thế nhưng sau đó người ta báo cho bà một tin không thể ngờ là “đứa bé đã chết”.

Đã gần 40 năm trôi qua, Maroto vẫn luôn đau đáu nhớ về đứa con bé bỏng thân yêu của mình, và luôn cho rằng con bà đã bị người ta bắt cóc chứ không phải đã chết. Bởi thế, khi chính phủ mở phiên điều trần đầu tiên về những trường hợp "trẻ em bị đánh cắp" thời Franco, Maroto đã túc trực  bên ngoài tòa nhà Hạ viện hàng buổi với hy vọng những người nắm quyền lực trong đó sẽ nghiêm túc xem xét trường hợp của con trai bà.

May mắn hơn bà Maroto, Mar Soriano được mời vào trong tòa nhà Hạ viện để đại diện cho mẹ mình kể trước một ủy ban của Quốc hội câu chuyện mất tích đau lòng của em gái lúc mới sinh.

Cô kể: Mẹ cô sinh ra một bé gái hoàn toàn khỏe mạnh, không hề có bệnh tật gì, vào ngày 3/1/1964, tại một bệnh viện ở thủ đô Madrid. Thế nhưng ngay chiều hôm đó, bố mẹ Soriano được bệnh viện thông báo rằng con gái mới sinh của họ đã chết do bị nhiễm trùng tai, và khi bố Soriano yêu cầu được nhận xác con về chôn cất thì được thông báo đứa bé đã được chôn trong ngôi mộ tập thể ở nghĩa địa Almudena. Tổng cộng tháng 1/1964 đã có 37 bé sơ sinh được thông báo "chết" tại Bệnh viện Madrid.

Cuộc sàng lọc để "cải thiện chủng tộc Tây Ban Nha"

Theo các hồ sơ lưu trữ vừa được Giáo sư Sử học Ricard Vinyes thuộc Đại học Barcelona phát hiện, chương trình "đánh cắp trẻ sơ sinh" thời Franco được tiến hành theo 2 giai đoạn và ngoài nhà độc tài Franco còn có nhiều giới tham gia.

Giai đoạn đầu từ sau nội chiến 1936-1939 đến cuối thập niên 40 thế kỷ XX, nhà độc tài Franco - kẻ chiến thắng trong nội chiến - bắt đầu tiến hành "thanh trừng" thành phần Cộng hòa bại trận và những người chống đối chính sách cai trị của mình. Hàng trăm ngàn người bị bắt bỏ tù, trong đó có hàng chục ngàn phụ nữ.

Những ông bố bà mẹ mất con đang cùng tham gia một hiệp hội để đòi công bằng và hy vọng tìm lại được con mình.

Và khi những phụ nữ này mang thai và sinh con trong nhà tù, thì nhà độc tài Franco đã ra lệnh bắt cóc những đứa trẻ khỏe mạnh nhất và chuyển đến nuôi dạy trong các trung tâm do nhà nước quản lý hoặc trong các tu viện. Được thay tên đổi họ, những đứa trẻ này được giao lại cho những gia đình "danh gia thế tộc", có quan hệ mật thiết với chế độ Franco để nuôi cho đến lúc lớn khôn như con ruột của họ.

Giai đoạn sau của tội ác - gần đến ngày cáo chung của chế độ Franco - được tiến hành bởi các thành viên Chính phủ Tây Ban Nha nhân danh nhà độc tài Franco và thành phần các giới tôn giáo, nhà thờ, bệnh viện... từng hợp tác với nhà độc tài Franco trong giai đoạn trước. Những đứa trẻ sau này bị bắt cóc mang đi bán cho các gia đình giàu có muốn có con nuôi chứ không còn theo chủ trương "cải thiện nòi giống" như ban đầu nữa. Theo lời kể của các nhân chứng là những gia đình mua con nuôi, trung bình một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh như vậy được bán với giá khoảng 8.000 USD, do chính tay những bác sĩ, y tá đỡ đẻ mang đi bán.

Bao giờ công lý được thực thi?

Câu chuyện "những đứa trẻ bị đánh cắp" từ thời nhà độc tài Franco ở Tây Ban Nha đã tồn tại dưới dạng "tin đồn" suốt mấy chục năm sau khi nhà độc tài chấm dứt thời kỳ cai trị của mình. Rất nhiều vụ việc liên quan đến tội ác xảy ra dưới thời nhà độc tài Franco đã không được đụng đến, hoặc nếu có ai đó cất công lôi nó ra ánh sáng thì chẳng chóng thì chầy cũng phải chấp nhận “phải để cho quá khứ ngủ yên”.

Vì lẽ đó, khi Chính phủ Tây Ban Nha lần đầu tiên chịu khó lắng nghe câu chuyện đau lòng của những nạn nhân vào trung tuần tháng 3/2011, người ta xem đó như cơ hội thật tốt để những nạn nhân của một tội ác trong quá khứ hy vọng đòi công bằng cho bản thân, nhiều người hy vọng sẽ tìm lại người thân sau hàng chục năm trời biệt tích.

Điều căn bản người ta hy vọng ở đây là qua những câu chuyện của nạn nhân và nhân chứng, Chính phủ Tây Ban Nha có thể trình Quốc hội thông qua một đạo luật nhằm tạo điều kiện xét xử những kẻ đã từng gây ra tội ác năm xưa. (Từ vài năm trước đây, các vụ kiện này đã bị tòa án bác đơn vì cho rằng không đủ bằng chứng). Chính vì thế, bên cạnh việc lấy lời khai của nạn nhân, nhân chứng, Chính phủ Tây Ban Nha còn hỗ trợ bằng biện pháp cho xét nghiệm ADN miễn phí để xác định quan hệ huyết thống.

Tòa án tỉnh Valencia cho biết, họ đã nhận được trên 1.000 hồ sơ của người thân những đứa bé bất hạnh năm xưa, thời gian xem xét hồ cơ có thể kéo dài 6 tháng hoặc hơn. Các địa phương khác cũng nhận được nhiều hồ sơ đơn kiện là Xứ Basque, Madrid, Catalonia, Andalusia và quần đảo Canary. Tất cả đều hy vọng mong manh là sẽ tìm lại được con mình

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.