Thách thức mới của tân Giám đốc CIA Gina Haspel

Thứ Ba, 22/01/2019, 06:56
Một loạt sự cố gián điệp ở nước ngoài trong vài năm qua đã khiến hoạt động tình báo của CIA ở nước ngoài bị giảm sút nghiêm trọng.

Tiếp quản CIA trong hoàn cảnh như thế, bà Gina Haspel, tân Giám đốc, đã tự đặt ra cho mình mục tiêu sắp tới là phải nhanh chóng khắc phục những thiệt hại trong thời gian qua. Tuy nhiên, giới phân tích tình báo cho rằng đó sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong điều kiện hiện nay.

Giám đốc CIA Gina Haspel được biết đến như một nữ quan chức tình báo đặc biệt nhất cơ quan này, xuất thân từ tầng lớp điệp viên ngầm hoạt động tại hải ngoại nhiều năm, đã từng cắm chốt tại những địa bàn khó khăn nhất đối với một điệp viên CIA. Vì vậy không có gì khó hiểu khi Haspel đặt ưu tiên hàng đầu cho hoạt động tình báo đối ngoại ngay sau khi nắm quyền điều hành CIA.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là “CIA sẽ phát triển mạng lưới điệp viên ngầm tại hải ngoại bằng cách nào?”, nhất là trong bối cảnh ngày nay, hoạt động này đang gặp rất nhiều thách thức đến từ nhiều phía. Jonna Mendez, cựu trưởng bộ phận tạo vỏ bọc cho điệp viên ngầm tại CIA, cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc bảo vệ danh tính cho điệp viên ngầm và các “tài sản”, nguồn nội gián ở nước ngoài mà họ cùng làm việc.

Giám đốc CIA Gina Haspel. 

Bà Mendez giải thích, thách thức đối với điệp viên ngày nay là bất kỳ ai cũng có thể bị nghi ngờ là điệp viên. Một người Mỹ bình thường đến cư trú và làm việc tại một quốc gia châu Âu, chỉ cần để người xung quanh biết mình là người Mỹ thì chắc chắn không tránh khỏi bị nghi ngờ và theo dõi. Mendez cho rằng, muốn không bị nghi ngờ, theo dõi thì chỉ có cách là giả dạng làm người bản xứ. Nhưng giả dạng làm người bản xứ cũng không phải dễ.

Chính thói quen, phong cách khác biệt nhau quá rõ ràng giữa người Mỹ và người châu Âu là rào cản rất lớn để giả dạng. Sự khác nhau không chỉ trong giọng nói, cách nói chuyện, mà còn khác biệt cả thói quen ngồi, đứng, đi lại, vung tay,… Từng cử chỉ nhỏ đều thể hiện phong cách, cá tính dân tộc khác nhau. Nếu giả dạng mà bị phát hiện thì khả năng rất cao là sẽ bị phát hiện làm gián điệp.

Một vấn đề nữa của điệp viên ngầm truyền thống là vấn đề vỏ bọc giả mạo ngày càng quá dễ bị bóc mẽ. John Sipher, sĩ quan CIA đã nghỉ hưu kể rằng, thời ông mới bắt đầu làm điệp viên (thập niên 1980), tình hình không khó khăn, phức tạp như bây giờ. Thời đó, các thủ tục kiểm soát dân cư rất đơn giản. Sipher chỉ cần sử dụng các giấy tờ tùy thân thông thường, kể cả bằng lái xe, để xuất trình khi có yêu cầu tại một khách sạn hoặc khi lái xe vượt qua biên giới.

Còn ngày nay, mọi chuyện khó khăn hơn rất nhiều. An ninh được siết chặt tại hầu khắp thế giới, với nhiều hàng rào kiểm tra hết sức chặt chẽ, nhiêu khê. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ đã được ứng dụng triệt để vào công tác kiểm soát an ninh. Thêm vào đó, ngày nay nhiều quốc gia đã và đang xây dựng các cơ sở dữ liệu khổng lồ để lưu trữ các thông tin cơ bản về từng cá nhân con người, kể cả dữ liệu sinh trắc để cơ quan chức năng thuận tiện trong quản lý.

Quan trọng hơn, các cơ sở dữ liệu này còn được các quốc gia chia sẻ với nhau theo những thỏa thuận song phương hoặc đa phương, từ đó chỉ cần một cơ sở kiểm soát nào đó dò tìm, đối chiếu dữ liệu, thông tin của một cá nhân bất kỳ trên hệ thống cơ sở dữ liệu, ngay lập tức thông tin, dữ liệu của cá nhân đó sẽ được truy xuất. Ngày nay, nhiều sân bay, khách sạn, các trung tâm hội nghị quan trọng toàn cầu đã sử dụng máy quét sinh trắc (quét mống mắt, khuôn mặt, vân tay,…) để kiểm tra khách ra vào cửa hoặc đăng ký lên máy bay. Chỉ cần đối chiếu các dữ liệu này trên hệ thống, nhân thân thật sự của đối tượng kiểm tra sẽ được thể hiện ra đầy đủ.

Vì vậy, sẽ rất khó để một điệp viên ngầm mang vỏ bọc một nhân vật nào khác, hoặc một người sử dụng nhiều tên giả, hoặc nhiều hộ chiếu, giấy tờ giả để ra vào một quốc gia nhiều lần trong một thời gian không lâu lắm. Đó là chưa kể một điệp viên ngầm cố tình lên mạng xã hội bằng một cái tên giả nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ hay mục đích nào khác, anh ta cũng dễ dàng để lại dấu vết trên mạng xã hội khiến người khác có thể tình cờ hay cố ý phát hiện ra nhân thân bất nhất của anh ta.

Sheronda, cựu quan chức tuyển trạch của CIA cho biết, với trình độ công nghệ ngày càng cao và Internet ngày càng phát triển phong phú, người ta chỉ cần lấy ra chiếc điện thoại thông minh để dò tìm. Và nếu một cái tên được gõ lên mạng mà không có thông tin nào trùng khớp, chắc chắn sự nghi ngờ sẽ rất lớn. Một phương án được giới tình báo ủng hộ là các điệp viên ngày nay nên thôi dùng vỏ bọc giả, thôi dùng giấy tờ giả, chỉ nên sử dụng tên thật, hồ sơ giấy tờ thật và một quá khứ bản thân có thật để khi đối chiếu thông tin, cơ sở dữ liệu không bị sai lệch, từ đó không bị nghi ngờ và lật tẩy.

Trong một phát biểu hiếm hoi trước công chúng kể từ khi nắm quyền tại CIA, bà Haspel không nêu cụ thể bà sẽ tăng cường mạng lưới điệp viên ngầm tại quốc gia nào, nhưng giới phân tích cũng dễ dàng đoán ra được không ngoài nhóm các quốc gia thường xuyên “hục hặc” với Mỹ.

Trong tình hình hiện nay, giới chuyên gia nhận định bà Haspel sẽ rất khó cử điệp viên đến các quốc gia này, nhất là việc đó càng khó khăn hơn gấp bội bởi hiện tại vẫn theo đuổi chính sách thù địch nên trong một số trường hợp Mỹ không có đại sứ quán tại đó. Trong khi đó, công nghệ ngày càng phát triển cao, sẽ không tránh khỏi sự kết hợp giữa tình báo bí mật, sử dụng con người theo kiểu truyền thống, với loại hình tình báo mới là tình báo điện tử, kỹ thuật số. Một khi trí tuệ thông minh có thể thay thế con người làm nhiều việc, kể cả ra chiến trường chiến đấu, thì không lý do gì nó không được dùng vào công việc tình báo.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.