Thảm họa bị quên lãng ở Aberfan

Thứ Ba, 26/11/2019, 10:34
Thầy giáo của Jeff Edwards chỉ vừa mới bắt đầu bài học toán vào đầu giờ sáng thì mọi người nghe thấy tiếng ầm ầm khủng khiếp từ xa vọng lại. Jeff Edwards nhớ lại: "Điều mà tôi nhớ được chân phải của tôi bị kẹt trong bộ tản nhiệt và có nước tràn ra từ đó. Chiếc bàn ghim chặt vào bụng tôi và đầu một bé gái gác lên vai trái của tôi. Cô bé đã chết".

Trong một giờ rưỡi tiếp theo, Edwards (lúc đó chỉ mới 8 tuổi) cố gắng thở như những người bạn cùng lớp, bị mắc kẹt dưới một dòng chất thải than hóa lỏng. Khoảng 11 giờ trưa, một người nào đó phát hiện ra mái tóc vàng của Edwards giữa đống đổ nát.

Một lính cứu hỏa sử dụng chiếc rìu để giải cứu cậu bé từ bên dưới chiếc bàn và sau đó đưa đến nơi an toàn. Edwards được giải cứu là người sống sót cuối cùng được kéo ra từ đống bùn than khổng lồ. Thảm họa ngày 21-10-1966 đã giết chết 144 người, trong đó có 116 học sinh trường trung học cơ sở Pantglas ở ngôi làng Aberfan miền nam xứ Wales, Liên hiệp Anh.

Thảm họa do sai lầm của con người

Thảm kịch xảy ra do sai lầm của con người khiến cho những đứa trẻ phải trả giá - theo hồ sơ tòa án được ủy nhiệm để điều tra vụ việc. Thảm họa Aberfan xuất hiện rất nhiều trong phần 3 của loạt phim giành giải thưởng "The Crown" của Netflix.

Để đảm bảo bộ phim truyền hình mô tả sự cố một cách trung thực và có trách nhiệm, các diễn viên và đoàn làm phim đã hỏi ý kiến những người sống sót và cư dân hiện tại của Aberfan. 

Vài năm trước khi xảy ra thảm họa, hội đồng Aberfan đã liên lạc với Ủy ban Than quốc gia Anh (NCB), cơ quan điều hành mỏ Merthyr Vale Colliery gần đó, để bày tỏ mối lo ngại về núi chất thải than tích lũy được loại bỏ trong quá trình khai thác ngay phía trên trường Pantglas.

Núi bùn than sau thảm họa tại Aberfan giết chết 116 trẻ em và 28 người lớn.

Một kỹ sư viết trong bức thư tháng 6-1963: "Tôi coi nó cực kỳ nghiêm trọng vì bùn than rất lỏng và độ dốc quá lớn đến nỗi nó không thể giữ nguyên vị trí trong thời gian mùa đông hoặc trong thời kỳ mưa lớn".

Vào thời điểm xảy ra thảm họa, gần 300.000 mét khối chất thải tích tụ phía trên trường Pantglas. Bắt đầu từ sáng ngày 21-10  sau khi Abefan trải qua trận mưa lịch sử kéo dài suốt 3 tuần - những người thợ mỏ bắt đầu nhận thấy những vết trượt trên bề mặt của núi chất bùn thải này. Cách đó chưa đầy 900 mét, giờ học đầu tiên bắt đầu tại trường Pantglas.

Vào lúc 7 giờ 30 sáng, các công nhân phát hiện núi bùn than bắt đầu trượt nhưng họ không thể ngăn được thảm họa. Đến khoảng 9 giờ 15, núi bùn than bắt đầu đổ ào ào về phía ngôi làng bên dưới. Những "cơn sóng thần của bùn" cao hơn 9 mét tràn xuống đồi với tốc độ hơn 10km/giờ, phá vỡ các bức tường của 4 phòng học trường Pantreb và nhốt những người bên trong dưới một lũ bùn dày, giống như cát lún.

Hàng loạt trang trại đã bị xóa sổ, đường ống nước bị vỡ thêm lượng nước vào dòng chảy, khiến toàn bộ ngôi trường bị ngập trong những mảnh vụn. Khối chất thải hôi thối đến nghẹt thở tràn vào các lớp học, chảy nhanh qua cửa ra vào và cửa sổ, nhanh chóng phân giải thành chất rắn một khi nó ngừng di chuyển.

Ngay sau khi xảy ra thảm họa, một sự tĩnh lặng đáng sợ diễn ra khắp khu vực. Một trong những người sống sót nhớ lại đầy cay đắng: "Trong sự im lặng đó, không hề nghe thấy tiếng của một con chim hay một đứa trẻ".

Cyril Vaughan, một giáo viên tại trường trung học gần đó, kể lại: "Một bầu không khí yên tĩnh bao trùm đến mức đáng sợ. Một sai lầm to lớn do con người tạo ra và thiên nhiên chỉ biết im lặng".

Đá vụn và nước từ các đường ống dẫn bị vỡ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã thảm khốc. Như lính cứu hỏa Len Haggett kể lại, những người cứu hộ đến hiện trường đã tìm thấy những vùng nước đen dâng cao đe dọa nhấn chìm Phil Thomas - cậu bé 10 tuổi người bị kẹt trong bùn khi đang đi bộ đến trường.

Len Haggett kể: "Nước bùn đen đang dâng lên dần đến đầu cậu bé. Chúng tôi nghĩ rằng cậu bé có thể bị chết đuối". Nhưng một nhóm lính cứu hỏa đã cố gắng nâng bức tường đổ lên người Thomas và cuối cùng cậu bé trở thành một trong số ít người được giải cứu thành công. Năm học sinh sống sót sau thảm họa nhờ Nansi Williams - người đã hy sinh bản thân khi che chắn các em khỏi bùn thải bằng chính cơ thể mình.

Trong khi đó, giáo viên David Beynon đã chết khi cố gắng cứu vài học trò nhỏ của mình. Nhưng, số học trò còn lại trong lớp học của Beynon không thể sống sót. Cậu học trò Jeff Edwards được giải cứu khỏi đống đổ nát vào khoảng 11 giờ sáng, là người cuối cùng được tìm thấy còn sống.

Các nhân viên cứu hộ tạm nghỉ tìm kiếm sau vụ lở bùn than thảm khốc ở làng Aberfan miền nam xứ Wales.

Các bậc cha mẹ, thợ mỏ, cảnh sát, lính cứu hỏa và tình nguyện viên bị sốc vẫn tiếp tục đào bới rất lâu sau khi nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ cuối cùng. Như Alix Palmer, nữ phóng viên đến khảo sát tình trạng lộn xộn vào ngày hôm sau, đã viết trong một lá thư gửi cho mẹ cô: "Những người đàn ông bắt đầu đào bới lúc 9 giờ 30 sáng hôm trước vẫn đang tiếp tục công việc của họ, với cơ thể đổ mồ hôi mặc dù trời lạnh giá".

Charles Nunn, một thám tử được giao nhiệm vụ phân loại các thi thể được đưa đến nhà xác tạm thời trong Nhà nguyện Bethania của Aberfan, lục tìm túi áo của người chết để cố tìm kiếm một chiếc khăn tay, đồ ngọt hay bất cứ thứ gì có thể giúp nhận dạng.

Các bậc cha mẹ bước qua dãy xác chết, nâng tấm chăn đắp trên thi thể cho đến khi họ phát hiện ra một khuôn mặt quen thuộc. Những người không tìm thấy xác con mình tiếp tục công việc tìm kiếm hàng ngày và mọi người phải đứng xếp hàng trong nhà nguyện cũng như cố giữ chỗ phía bên ngoài.

Mười lăm ngày sau trận lở đất, Nunn và nhóm của ông cuối cùng đã rời Aberfan. Họ xác định được 144 thi thể - trong đó có 116 trẻ em hầu hết đều ở độ tuổi 7 đến 11. Trong Tập 3 bộ phim "The Crown", Nữ hoàng Elizabeth II - do diễn viên Olivia Colman thủ vai - tranh luận về cách tốt nhất để giải quyết tình huống.

Thủ tướng Anh Harold Wilson (do Jason Watkins đóng), thúc giục bà đến thăm ngôi làng khai thác than để an ủi những cư dân đang đau buồn. Nhưng mãi đến 8 ngày sau thảm họa, Nữ hoàng Elizabeth mới quyết định đến thăm Aberfan. Nhiều thập niên sau, Nữ hoàng được cho là đã bày tỏ "sự tiếc nuối lớn nhất của mình" do quyết định quá trễ.

Cuộc điều tra và thảm họa bị quên lãng

Một tòa án được giao nhiệm vụ điều tra thảm họa Aberfan công bố kết quả vào ngày 3-8-1967. Trong suốt 76 ngày, bộ phận điều tra đã phỏng vấn 136 nhân chứng và kiểm tra 300 tang vật. Dựa trên số bằng chứng này, tòa án kết luận bên duy nhất chịu trách nhiệm về thảm họa là NCB.

Ngôi làng Aberfan ở xứ Welsh nằm gọn trong một thung lũng, bao quanh bởi một dãy núi chứa quặng than. Năm 1966, ngôi làng có 5.000 người dân, hầu hết làm việc ở mỏ than. Phía trên sườn núi, gần đường dẫn vào làng, có một đống chất thải khổng lồ sau quá trình khai thác. Đích thân NCB đã phê duyệt vị trí của đống chất thải này, mặc dù nó quá gần với thị trấn.

Vấn đề là đống chất thải vốn đã kém ổn định hơn so với đá núi, lại dễ bị hóa lỏng sau khi bị nước mưa làm bão hòa. Điều nguy hiểm nữa là đống chất thải này còn nằm trên một con suối tự nhiên.

Nữ hoàng Elizabeth II đặt vòng hoa tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa Aberfan năm 1966.

Các nhà điều tra đã viết trong báo cáo: "Thảm họa Aberfan là một câu chuyện đáng sợ về sự vô dụng của những người bị buộc tội không hoàn thành nhiệm vụ, không chú ý đến những cảnh báo rõ ràng và hoàn toàn thiếu sự chỉ đạo từ cấp trên. Đó là những người - lạc lối bởi sự ngu ngốc hoặc do sự thiếu hiểu biết hoặc bởi cả hai kết hợp - phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì đã xảy ra tại Aberfan".

Tuy nhiên chủ tịch NCB là Lord Robens lại trơ tráo phủ nhận mọi hành vi sai trái. Ông cho rằng thảm họa xảy do con suối chưa được biết đến trước đây nằm bên dưới núi bùn than.

Hình ảnh và cảnh quay về trận lở bùn than đã gây chú ý trên toàn cầu, và trong những tháng sau thảm họa, các nhà tài trợ đã đóng góp tổng cộng 1.750.000 bảng Anh. (Ngày nay, số tiền này tương đương khoảng 20 triệu bảng Anh, vào khoảng hơn 25 triệu USD). Nhưng, phần lớn số tiền này đã không đến được với dân làng có cuộc sống bị tàn phá bởi thảm kịch.

Ủy ban phụ trách phân phối số tiền được phân bổ 150.000 bảng cho việc loại bỏ các bãi bùn than còn lại của thị trấn sau khi NCB từ chối chi trả các chi phí. Trong khi đó, các nhà quản lý quỹ xem xét phân phối bồi thường trên cơ sở mức độ gắn bó của cha mẹ đối với con cái đã mất của họ.

Rất may, Ủy ban đã sớm từ bỏ kế hoạch này mà thay vào đó cung cấp cho cha mẹ bị mất con số tiền 50 bảng mỗi người. Sau đó, con số này đã được nâng lên 500 bảng. Những vết sẹo tâm lý mà những người sống sót phải chịu đựng vẫn còn dai dẳng sau thảm họa năm 1966.

Edwards, đứa trẻ cuối cùng được lôi ra khỏi ngôi trường bị san bằng, nói với giới truyền thông rằng anh vẫn cứ nhớ mãi cơn ác mộng vào "nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau đó".

Edwards thú nhận: "Tôi sợ tiếng ồn, sợ đám đông, sợ phải đi học. Trong nhiều năm sau đó tôi không dám đi học vì sợ điều gì đó ghê gớm sẽ xảy ra với tôi". Melvyn Walker, 8 tuổi vào thời điểm xảy ra thảm họa, chia sẻ: "Tôi rất lo lắng cho đến ngày nay. Mỗi khi nghe thấy tiếng trẻ con, giọng nói của chúng nhanh chóng đưa tôi quay trở lại quá khứ kinh hoàng".

Trong dòng người đổ về Aberfan sau thảm họa có John Barker, một chuyên gia tâm thần học rất quan tâm đến các hiện tượng siêu nhiên. Ông tin rằng, một sự kiện bi thảm như vậy hẳn phải có điềm báo trước. Và Barker đã thuê một tờ báo đăng tin tìm những người đã linh cảm thấy thảm họa.

Thật đáng ngạc nhiên là chỉ trong một thời gian ngắn, ông nhận được khoảng 60 lời hồi âm. Cha mẹ một bé gái 10 tuổi đã chết trong thảm họa viết thư kể rằng, một ngày trước đó, con gái họ đã mơ thấy mình đi học, nhưng "trường không còn ở đó nữa" vì "một thứ màu đen đã chôn vùi tất cả".

Một phụ nữ mô tả tỉ mỉ giấc mơ bà đã trải qua vào đêm trước vụ sạt lở. Trong mơ, bà thấy một nhóm trẻ bị kẹt trong một căn phòng hình chữ nhật, cuối phòng bị chặn bởi nhiều thanh gỗ lớn. Một người khác cho biết hơn 2 tháng trước đó, bà đã mơ thấy một ngôi trường trên sườn đồi và một vụ lở đất mà nạn nhân hầu hết là trẻ em.

Sau thảm họa Aberfan, Nữ hoàng Anh trở lại thị trấn nhỏ bé xứ Wales thêm 3 lần nữa. Cuộc điều tra chỉ trích chính NCB và một số nhân viên vì đã tạo tiền đề cho thảm họa, nhưng không dẫn đến việc truy tố hay hình phạt nào. Mỏ than Aberfan tiếp tục hoạt động cho đến năm 1989. Thảm kịch chỉ được nhớ đến nhiều nhất ở chính ngôi làng Aberfan, nơi có nghĩa trang tưởng niệm, còn gần như bị lãng quên trong ký ức con người. 

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.