Những cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mỹ và Chính phủ Syria:

Thay chiến thuật như… thay áo

Thứ Ba, 05/01/2016, 12:30
Suốt gần 5 năm qua, các quan chức Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đến Damascus để tiếp xúc không chỉ với các quan chức Chính phủ Syria mà cả Tổng thống Bashar al-Assad vì nhiều lý do khác nhau, chung quy vẫn nhằm mục đích ép ông Assad rời khỏi ghế Tổng thống và trao quyền lực lại cho phe đối lập do Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ. Kết quả chẳng đi đến đâu.


"Chính phủ Syria luôn biết cách dò xét và đi đêm"

Hạn chế bạo lực chỉ là lý do ngụy trang bên ngoài nhằm che đậy ý đồ thật sự mà Mỹ theo đuổi thực hiện trong những lần tiếp xúc với các quan chức Chính phủ Syria, kể cả Tổng thống Bashar al-Assad. Ý đồ của Mỹ trong những cuộc tiếp xúc ban đầu là tìm kiếm những rạn nứt có thể có trong bộ máy cầm quyền ở Syria để khai thác, xúi giục nổi dậy làm đảo chính quân sự, nhưng chẳng tìm được mấy.

Các quan chức Mỹ cho biết, các giao tiếp với Chính phủ Syria diễn ra không liên tục, và mỗi lần như vậy lại chú trọng vào những vấn đề khác nhau. Có khi các quan chức Mỹ nói chuyện trực tiếp với từng quan chức Syria hoặc với chung một nhóm, hoặc chuyển thông điệp gián tiếp thông qua các đối tác đồng minh của Syira là Nga và Iran. Tuy nhiên, do tinh thần đoàn kết, gắn bó của bộ máy cầm quyền ở Syria quá chặt chẽ, những cú ra đòn ban đầu không mang lại kết quả gì, và Nhà Trắng kiên trì theo đuổi mục tiêu, tiếp tục triển khai các phương án nhằm lật đổ ông Assad.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns đã bí mật nói chuyện với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Bắt đầu từ năm 2011, các cuộc biểu tình chống Chính phủ Syria diễn ra rầm rộ ở Damascus và nhiều thành phố khác, đồng thời quân đội Syria cũng có các hành động cứng rắn nhằm dẹp yên bạo loạn, xen lẫn vào đó là hành động của một số tay súng bắn tỉa bí ẩn, nhiều người nghi là của các thế lực bên ngoài muốn phá hoại nội tình, gây bất ổn nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Vào thời điểm đó, giới chức tình báo Mỹ đã xác định được một số sĩ quan quân đội Syria đang có dấu hiệu bất mãn với chế độ, có thể lợi dụng để tạo nên một cuộc đảo chính quân sự, "thay đổi chế độ". Đó là chính sách của Nhà Trắng vào năm 2011.

Tháng 8-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai lên tiếng kêu gọi Tổng thống Syria Assad từ chức. Quan điểm cốt lõi và xuyên suốt của Nhà Trắng là ông Assad phải thoái vị. Vấn đề là, những thông điệp công khai trên truyền thông không phối hợp tốt với các hoạt động tiếp xúc bí mật, do vậy mà thay vì thuyết phục ông Assad từ chức, Nhà Trắng lại càng giúp ông củng cố thêm tính hợp pháp của mình trong cuộc đấu chính trị với Washington. Thất bại đó khiến Mỹ không đạt được mục tiêu lật đổ ông Assad, đồng thời gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình tại Trung Đông.

Mặt khác, một quan chức Mỹ nói rằng, trong khi đặt vấn đề đòi hỏi ông Assad từ chức, Nhà Trắng đồng thời cũng đưa ra yêu cầu ông giảm bớt việc ném bom chùm trong cuộc nội chiến để tạo điều kiện cho thỏa thuận đình chiến. Giới chức Mỹ nhận thức rõ, Syria không giống như Cuba hay Iran, cho nên đối sách cũng phải khác, tức là nếu với Cuba và Iran chỉ cần đàm phán là có thể đạt được mục tiêu, thì với Syria phải sử dụng nhiều giải pháp phối hợp cùng lúc, vì theo nhận định của cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, "chính thể Syria rất linh hoạt về mặt chính trị, họ rất thông minh, luôn biết cách dò xét và đi đêm".

Những câu hỏi và yêu cầu đã được gửi đến cố vấn của ông Assad là Bouthaina Shaaban, trong đó đặt vấn đề về việc Syria liên lạc trực tiếp với chính quyền Obama đã không được ông Shaaban phản hồi. Trong suốt quá trình chính quyền Mỹ nỗ lực xử lý vấn đề Syria đến nay, 2 yếu tố cốt lõi trong chiến lược của Washington đối với Damascus - gây áp lực về chính trị lẫn quân sự lên chính thể của Tổng thống Assad - luôn gặp phải trở ngại khó vượt qua, từ đó khiến cho Nhà Trắng liên tục phải thay đổi chiến thuật.

Vào mùa hè năm 2012, chiến lược giật dây đảo chính "thay đổi chế độ" của Nhà Trắng chính thức thất bại. Mỹ chuyển sang hỗ trợ phiến quân đối lập, nhưng các nỗ lực được triển khai quá chậm chạp, vì Washington lo ngại các hỗ trợ có thể lọt vào tay phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda mà báo chí đã đăng tải rùm beng. Cũng trong mùa hè năm 2012, Nhà Trắng gửi các thông điệp thông qua các quan chức Nga và Iran cho ông Assad yêu cầu ông không sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô lớn. Các quan chức Mỹ cũng nói chuyện trực tiếp với các đồng nghiệp Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns (nghỉ hưu năm 2014) cũng đã thực hiện cuộc gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem nhờ chuyển lời cảnh báo đến Tổng thống Assad. Lo ngại ông Assad bất chấp lời cảnh báo mà leo thang sử dụng vũ khí hóa học, tháng 8-2012, Tổng thống Obama lên truyền thông vạch một "lằn ranh màu đỏ" trước công chúng về vấn đề vũ khí hóa học.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns phát biểu với báo chí, đánh giá các cuộc nói chuyện bí mật với Syria là "chân thật".

Tuy nhiên, tháng 8-2013, vũ khí hóa học (khí sarin) vẫn được sử dụng khiến cho 1.400 người chết. Không có bằng chứng cụ thể nào, nhưng Mỹ vẫn cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Obama đe dọa dùng vũ lực quân sự đối với chính quyền Damascus, nhưng sau đó, với sáng kiến và sự trung gian của Nga, Tổng thống Obama chấp nhận giải pháp cho Syria giao nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế quản lý.

Giai đoạn 2 năm tiếp theo (2013-2015), Washington lại thay đổi chiến thuật; chuyển trọng tâm các thông điệp giao tiếp với Syria sang yêu cầu kiềm chế xung đột. Thêm một lý do nữa để Mỹ tiếp tục duy trì kênh giao tiếp bí mật với Damascus: 5 công dân Mỹ vẫn đang mất tích hoặc bị bắt cóc ở Syria. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anne Patterson đã nói chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad ít nhất hai lần về vấn đề này.

Vì sao Damascus không phản đối Mỹ tiến hành không kích tấn công IS trên lãnh thổ Syria?

Sau đó, chính quyền Obama lại quay trở lại con đường ngoại giao để thuyết phục chính quyền của ông Assad bước đến bàn đàm phán, cũng do sự gợi ý của Nga. Nhân vật trung tâm của những nỗ lực ngoại giao này là một doanh nhân Syria, một người thân cận của Tổng thống Assad tên là Khaled Ahmad, người đã nhiều năm đóng vai trò người trung gian đối thoại chính của Tổng thống Assad với các quan chức phương Tây, kể cả các quan chức ngoại giao Mỹ.

Vào cuối năm 2013, cựu Đại sứ Ford - giai đoạn này là Đặc sứ của Nhà Trắng về Syria - đã gặp riêng ông Ahmad ở Geneva, Thụy Sĩ, ngay trước khi diễn ra hội nghị hòa bình theo kế hoạch đã định trước. Tại cuộc gặp này, ông Ford đã nói với ông Ahmad rằng, Mỹ vẫn tìm kiếm một sự chuyển tiếp chính trị tại Syria không có sự lãnh đạo của ông Assad. Ông Ahmad phản bác lại: Mỹ và phương Tây nên giúp Chính phủ Syria chống khủng bố thì hay hơn.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đã có những cuộc tiếp xúc riêng với "đặc phái viên" Khaled Ahmad của ông Assad.

Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2013 khiến chính quyền Mỹ bất ngờ, không kịp trở tay. Và bỗng dưng ông Assad rơi vào vị thế như một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố mới trong khu vực và trên toàn thế giới. Phương Tây, trong đó có Mỹ đang rúng động vì các hành động khủng bố phiên bản mới, tinh vi và nguy hiểm hơn Al-Qaeda gấp bội, cho nên không thể không tìm đến ông Assad để tìm kiếm sự hợp tác.

Tháng 8-2014, Mỹ triển khai hoạt động ném bom và bắn tên lửa chống IS ở Iraq. Nhưng hoạt động này hiệu quả không cao, không thể ngăn chặn đà mở rộng lãnh thổ chiếm đóng của IS, tổ chức này chiếm thành phố Mosul, Bắc Iraq; tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq và đe dọa chiếm luôn Baghdad. Đến ngày 22-9-2014, chiến dịch ném bom IS đã được mở rộng sang lãnh thổ Syria, nhưng cũng như tại Iraq, cũng không mang lại được bao nhiêu hiệu quả.

Khi mở rộng chiến dịch không kích vào lãnh thổ Syria, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã gọi điện thoại cho các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao Syria chia sẻ thông tin và để bảo đảm rằng các máy bay chiến đấu của Syria "né" các máy bay của Mỹ làm nhiệm vụ không kích IS trên bầu trời Syria. Đó là lý do vì sao, mặc dù biết Mỹ đưa máy bay vào không phận mình để ném bom mà không xin phép hay thông báo chính thức các mục tiêu IS nhưng Chính phủ Syria vẫn không lên tiếng phản đối hay can thiệp.

Sự xuất hiện của IS đã khiến Mỹ phải thay đổi chiến lược đối với ông Assad, quay sang thuyết phục ông đàm phán.

Cho đến ngày nay, mỗi khi Washington muốn thông báo với Damascus về vị trí mà quân Mỹ triển khai huấn luyện các tay súng đối lập chiến đấu chống IS trên đất Syria nhằm tránh trường hợp bắn nhầm quân "phe nhà", Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power đều cử cấp phó của mình đến nói chuyện với người đồng cấp  Bashar Jaafari. Nhà Trắng cho rằng, những thông báo như thế không có nghĩa là Washington hợp tác với Syria. Nhưng trên thực tế việc đó đã được nhìn nhận là sự hợp tác ngầm, và nó đã giúp ông Assad tái khẳng định giá trị pháp lý cũng như vai trò chiến lược của mình trên bàn cờ Trung Đông.

Đầu xuân năm 2015, Steve Simon, cựu quan chức Nhà Trắng vừa rời khỏi chức vụ vào năm 2014, đã đến Damascus để gặp Tổng thống Syria Assad qua sự sắp xếp của doanh nhân Ahmad. Trước chuyến đi Damascus, Simon đã tiếp xúc với Ahamd ít nhất vài lần. Simon nói rằng chuyến đi Damascus gặp Tổng thống Assad với tư cách cá nhân, theo lời mời của Damascus.

Nhưng trước khi đi Damascus, ông Simon đã thông báo kế hoạch làm việc tại Syria của mình cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ biết và đã gặp những đồng nghiệp cũ tại Hội đồng An ninh Quốc gia để thông báo lại sau khi từ Damascus trở về. Simon đã phác họa các bước mà Chính phủ Syria có thể thực hiện ngay để tạo thiện chí với cộng đồng quốc tế: ngừng ném bom chùm; tăng cường chống IS, giảm chiến đấu chống phiến quân đối lập; và hợp tác trong nỗ lực quốc tế do LHQ dẫn đầu để xây dựng các lệnh ngừng bắn cục bộ. Tổng thống Assad đã phản hồi với luận điểm không thay đổi, đó là chiến đấu chống khủng bố. Assad cũng cởi mở chia sẻ một số phương án ngừng bắn cục bộ theo các điều kiện của Chính phủ Syria.

Những tháng sau cuộc gặp đó, một cuộc tranh luận nổ ra bên trong bộ sậu Nhà Trắng về 2 lựa chọn: Tăng gấp đôi sự chống đối ông Assad hay tập trung ưu tiên cho cuộc chiến chống IS thay vì lo chống ông Assad.

Nguyên Khang (theo Wall Street Journal)
.
.