Thiết bị chống lại vũ khí có độ chính xác cao

Thứ Bảy, 06/11/2004, 18:04

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến Iraq 2003, người Mỹ đã phải đương đầu với một hiện tượng lạ lùng: một số vũ khí thông minh của họ không thể đến đúng mục tiêu hoặc lao vào các mục tiêu không hề định trước. Đầu tiên, thất bại này đã được đổ lỗi cho sai sót trong chế tạo. Nhưng cuối cùng, các chuyên gia đã tìm ra nguyên nhân. Đó là một thiết bị gây nhiễu có nguồn gốc từ Nga.

"Người phi công đầy vẻ căng thẳng xem lại băng ghi hình giám sát mục tiêu. Cả hai tên lửa mà anh ta đã phóng một giờ trước đây vào boongke của một đơn vị Vệ binh cộng hòa ở ngoại ô Baghdad (Iraq) đến giai đoạn cuối đã làm 'một đường lượn chào khó hiểu' và lao xuống một khu vực sa mạc không có người." Đây là trích đoạn một bài phóng sự đăng trên tờ báo tiếng Arập Al-Akbar về nguyên nhân thất bại của vũ khí thông minh mà quân đội Mỹ sử dụng tại chiến tranh Iraq 2003.

Chỉ vài ngày sau bài báo trên, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã có một bản báo cáo trước các thành viên Thượng viện. “Nếu Moskva không ngăn chặn các hãng tư nhân cung cấp phương tiện kỹ thuật quân sự cho Iraq thì đây sẽ trở thành vấn đề chủ yếu trong các mối quan hệ Nga - Mỹ,” người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ phẫn nộ tuyên bố như vậy nhằm vào nước Nga.

Nguyên nhân dẫn đến sự tức giận của ông Powell trên thực tế chính là các thiết bị Glusilka có nguồn gốc từ Nga. Đây là một trang bị quân sự để tạo nhiễu trong các máy thu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS).

Các phi công Mỹ cũng chính là những người đầu tiên phát hiện sự có mặt của thiết bị này. Họ nhận thấy “những tín hiệu khó hiểu phát về phía mình” kèm theo quỹ đạo khác thường của bom và tên lửa, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của đường bay. Trên lãnh thổ Iraq và Kuwait, người Mỹ xác định được ít nhất 5 chiếc Glusilka có xuất xứ từ Tập đoàn Aviaconversia ở Moskva.

Thật ra, thiết bị phát gây nhiễu đối với GPS đã được trình làng tại triển lãm hàng không Zhukovski năm 1997. Người Mỹ ngay lập tức mua một vài chiếc, tất nhiên là để nghiên cứu chế tạo phương tiện vô hiệu hóa chúng. Nhưng đến nay họ vẫn không thể thành công. Ngay trước chiến tranh Iraq, Đại sứ quán Mỹ tại Moskva đã liên hệ với Aviaconversia đề nghị mua toàn bộ các thiết bị này, nhưng tập đoàn này đã không đồng ý.

Glusilka hoạt động theo một nguyên tắc vật lý rất cơ bản: tự động xác định tần số làm việc của “đối tượng”, sau đó phát ra tín hiệu của bản thân mình với cường độ mạnh hơn một chút, qua đó làm cho “đối tượng” đi lệch một khoảng cách tới vài chục kilômét.

Giám đốc Oleg Antonov của Aviaconversia đã không che giấu về việc, trong 4 năm trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Iraq đã có tới 15 phái đoàn từ Iraq tới gặp họ. Lần nào họ cũng đưa ra yêu cầu ký hợp đồng mua loại thiết bị trên, nhưng lại rút lui vào giờ chót khi phía Nga nêu yêu cầu về giá cả. Về nguyên tắc theo quy định cấm vận của LHQ, sản phẩm tương tự như trên hoàn toàn có thể được cung cấp cho Iraq vì nó có thể ứng dụng trong lĩnh vực dân sự, trong khi về mặt quân sự chỉ sử dụng cho phòng thủ.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, ngay trước khi đẩy mạnh chiến dịch chống Iraq, một nhóm tùy viên quân sự thuộc các nước NATO đã đến tham quan một trong những trung tâm nghiên cứu về vô tuyến điện tử ở Moskva. Tại đó, họ đã được xem một thiết bị có kích thước chỉ như một chiếc cặp ngoại giao thông thường. Thiết bị này được chế tạo với mục đích “vì hòa bình” - để nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ lên khí quyển của trái đất. Tuy nhiên, một trong những tác động “tiêu cực” của nó chính là việc tạo ra các loại gây nhiễu điện từ bền vững, tác động lên tất cả các thiết bị điện tử trong phạm vi bán kính tới vài chục kilômét.

Thật ra, người Iraq hoàn toàn có thể mua những thiết bị này ở bất cứ đâu, do chúng được cung cấp một cách hợp pháp sang hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới: từ Ấn Độ cho tới Nam Tư và ngay cả Mỹ. Chính vì vậy, không thể buộc tội nước Nga vào chuyện có những “thương vụ không thiện chí”.

Trong khi chưa thể tìm ra giải pháp vô hiệu hóa các Glusilka, người Mỹ vẫn còn phải đau đầu trước một thực tế: những thiết bị nhỏ gọn trên lại có thể vô hiệu hóa những “đầu đạn thông minh” với hệ thống GPS trị giá hàng tỉ USD của họ. Đó là còn chưa kể đến tuyên bố của các kỹ sư từ Aviaconversia rằng những phiên bản mới hoàn thiện hơn có thể dẫn đường bom đạn tới một vị trí không nguy hiểm, hay thậm chí tấn công trở lại vào chính nơi phóng đi

Trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”, các hệ thống dẫn đường có độ chính xác cao chỉ được trang bị cho khoảng 7% bom và tên lửa. Trong cuộc chiến chống Iraq, chỉ số đó đã tăng lên thành 90%. Bước nhảy vọt về chất lượng này diễn ra trong giai đoạn 1995-1996, khi Lầu Năm Góc bố trí trên quỹ đạo khoảng 24 vệ tinh dẫn đường. Về mặt lý thuyết, hệ thống này cho phép bắn trúng bất cứ một mục tiêu nào trong vòng 10 phút sau khi bị phát hiện với sai số không quá 9 mét. Với cuộc cách mạng công nghệ này, sự khác biệt về độ chính xác giữa tên lửa và bom thông thường gần như đã được san bằng. Hiện một phần đáng kể trong kho vũ khí của Mỹ đều được trang bị các hệ thống dẫn đường laser, đa phần đều sử dụng các tín hiệu của GPS. Điển hình nhất trong số này là các loại bom có lắp đặt “thiết bị tấn công trực tiếp mục tiêu” (JDAM).

Quỳnh Lai (theo Bình luận quân sự độc lập)
.
.