Thổ Nhĩ Kỳ “đứng bên lề” cuộc chiến chống IS vì… lăng mộ Quốc phụ?

Thứ Ba, 14/10/2014, 22:10

Câu chuyện 49 con tin người Thổ Nhĩ Kỳ sau 3 tháng bị giam cầm trong tay những phiến quân khét tiếng man rợ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bất ngờ được hồi hương vào ngày 20/9, tiếp tục gợi lên nhiều lời đồn đoán về khả năng chính quyền Ankara đã chấp nhận "đi đêm với quân khủng bố".

Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “Erdogan” một mực khẳng định rằng, các con tin đã được lực lượng tình báo nước này giải thoát trong một chiến dịch giải cứu bí mật nhưng vì ông từ chối tiết lộ chi tiết nên càng khiến dư luận căn cứ vào nhiều điểm nghi vấn mà quy kết cho hành tung đáng ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/8 đã cực lực bác bỏ một nguồn tin báo chí cho rằng, sở dĩ IS dễ dàng "nhả" số con tin trên vì đã đạt được yêu sách trong đàm phán với giới lãnh đạo Ankara về việc trao trả lăng mộ Quốc phụ Suleyman Shah mà họ đang kiểm soát tại Syria.

Tảng đá thánh tích ghi dấu chủ quyền

Theo biên niên sử của đế chế Ottoman (tên gọi của Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ XIII), vào năm 1236, thủ lĩnh chiến binh Suleyman Shah đã bỏ mạng bên bờ sông Euphrates. Truyền thuyết cho rằng ông đã chìm xuống khúc sông thuộc địa phận Anatolia, nay là Syria. Cháu trai của vị thủ lĩnh chiến binh huyền thoại chính là Đại đế Osman I, người có công từ năm 1299 khai sáng đế chế Hồi giáo Ottoman hùng mạnh với cương thổ trải dài từ Trung Đông đến một số quốc gia Đông Âu ngày nay.

Trong khi các vương quốc khác của người Thổ Nhĩ Kỳ còn mải mê chinh phạt các vùng đất nhỏ xung quanh thì Osman đã có thể mở rộng biên giới của Ottoman về phía rìa của Đế quốc Byzantine. Ông dời đô tới Bursa và định hình sự phát triển chính trị ban đầu của dân tộc.

Người ta xưng tụng ông bằng tên hiệu "Kara" vì sự anh minh và hùng mạnh từ sinh thời cho đến một thời gian rất dài sau khi ông đã mất, như được thể hiện trong thành ngữ của người Thổ Nhĩ Kỳ: "Anh ta có thể tuyệt vời như Osman".

Danh tiếng của ông cũng không ngừng được nhắc đến trong những truyền thuyết, huyền thoại thời trung đại của người Thổ Nhĩ Kỳ dưới tên gọi "Giấc mơ của Osman". Vì vậy, tảng đá ghi dấu nơi Quốc phụ Suleyman Shah tử nạn với lăng mộ được xây lên khi Osman xưng đế, nằm trên phần lãnh thổ phía bắc Syria, chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 10km được xem là linh vật quốc gia của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là biểu hiện linh thiêng của người Hồi giáo.

Syria trở thành một nước chư hầu của Đế chế Ottoman từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ  XX. Thỏa thuận Sykes - Picot giữa Anh và Pháp vào năm 1916 quyết định số phận của khu vực Tây Nam Á: Vùng phía bắc (Vùng A) gồm Syria và Liban sau này, được trao cho Pháp; vùng phía nam (Vùng B) gồm Jordan và Iraq sau này, được trao cho Anh. Hai lãnh thổ được chia cắt bởi một dải biên giới hẹp từ Jordan tới Iran. Năm 1920, Vương quốc Syria độc lập ra đời dưới sự cai trị của Faisal I. Tuy nhiên, quyền cai trị của Faisal I nhanh chóng chấm dứt chỉ sau vài tháng đối đầu với quân đội Pháp.

Cuối năm 1920, quân đội Pháp chiếm toàn Syria sau hội nghị San Remo, đặt Syria dưới sự cai trị của Pháp. Năm 1940, Syria nằm dưới sự kiểm soát của Đức sau khi Pháp đầu hàng Đức trong Thế chiến thứ II. Syria một lần nữa tuyên bố độc lập năm 1941 nhưng mãi tới đầu năm 1944 họ mới được công nhận là một nước cộng hòa độc lập. Người Pháp rút quân hoàn toàn khỏi Syria vào tháng 4/1946.

Thổ Nhĩ Kỳ xem lăng mộ này thuộc chủ quyền của nước mình và điều này đã được quy định trong một hiệp ước được ký kết với Pháp hồi năm 1921, khi Syria vẫn đang bị Pháp đô hộ. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát khu lăng mộ Suleyman Shah ở miền Bắc Syria như một khu vực chủ quyền tách khỏi lãnh thổ quốc gia này và thậm chí có cả quyền đưa lực lượng vũ trang đồn trú lâu dài tại đây để bảo vệ công trình lịch sử mang trong mình thánh tích của dân tộc. Trong những năm 70 thế kỷ trước, khi con đập ngăn sông Euphrates được xây dựng, Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa một đội đặc nhiệm đến đây bảo vệ lăng mộ nghiêm ngặt.

Câu chuyện Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chủ quyền và thể hiện chủ quyền đối với khu lăng mộ Suleyman Shah trên lãnh thổ Syria được xem là điều lạ thường trong lịch sử thế giới. Và bây giờ nó có thể trở thành tâm điểm của cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 3 năm qua ở Syria. Khu lăng mộ nằm gần thị trấn biên giới Kobane, mà phiến quân của "Nhà nước Hồi giáo" đã giành được từ quân đội người Kurd ở Syria, đương nhiên sẽ là một trong những mục tiêu mà Mỹ và các đồng minh Arập cùng các nước phương Tây nhằm vào trong các trận không kích.

Thời gian đầu khi cuộc nội chiến Syria bùng phát, Recep Tayyip Erdogan, người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng kêu gọi "liên quân quốc tế" nhanh chóng hành động phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Năm 2012, với tư cách là một thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), trước lời đe dọa sẽ tấn công ngôi mộ của một nhóm vũ trang chống Chính phủ Syria, ông Erdogan tuyên bố: Bất kỳ hành động quân sự nào xâm phạm đến khu lăng mộ linh thiêng phải được xem là hành động tấn công vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là tấn công vào NATO!

Nhượng địa của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria?

Cuối tháng 3/2014,  một tài khoản nặc danh tung đoạn ghi âm lên YouTube ghi lại cuộc họp kín giữa Giám đốc Tình báo Hakan Fidan, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu (hiện là thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ) và Phó tổng tham mưu trưởng Yasar Guler cùng một số quan chức cấp cao khác. Nội dung cuộc họp được cho là xoay quanh các biện pháp đưa quân vào Syria để bảo vệ lăng mộ Suleyman Shah, cũng như ngăn chặn các hành động "xâm phạm" của Syria.

Lính đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ canh gác lăng mộ Suleyman Shah.

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Erdogan đã lên án hành động tung đoạn ghi âm về cuộc họp kín nói trên là "hèn hạ" - "Họ còn có thể tiết lộ cả một cuộc họp an ninh quốc gia. Đây là hành động đê hèn, bất lương. Các người phục vụ cho ai khi ghi âm một cuộc họp quan trọng như vậy?", ông Erdogan giận dữ nói và ra lệnh chặn đường truy cập YouTube ngay lập tức.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Davutoglu xác nhận có cuộc họp này, đồng thời khẳng định "đã có một cuộc tấn công điện tử được tiến hành để chống phá Thổ Nhĩ Kỳ. Đây rõ ràng là một lời tuyên chiến đối với Thổ Nhĩ Kỳ".

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tường trình rằng, cuộc thảo luận mật nói trên là một cuộc họp mang tính xử lý khủng hoảng, bàn về các mối đe dọa từ cuộc nội chiến tại Syria và khẳng định một số đoạn trong băng ghi âm đã bị chỉnh sửa. Sau đó, ông Erdogan còn ra lời cáo buộc ngược lại giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, một cựu đồng minh chính trị, là người đã phát động một chiến dịch hạ uy tín mình trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 30/3. Giáo sĩ Gulen, người được rất nhiều thành viên trong quân đội cũng như lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kính trọng, đã bác bỏ việc mình có liên quan đến các tin nặc danh trực tuyến trên.

Ngày 11/6, trong cuộc tấn công chớp nhoáng chiếm thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq, các phiến quân IS đã xông vào Tòa lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 49 người, trong số các con tin có cả vị Tổng lãnh sự và phu nhân, nhiều nhà ngoại giao cùng con cái và một số nhân viên lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ.

Phe đối lập trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lập tức quy kết chính phủ đã không di tản phái bộ ngoại giao tại Mosul dù đã thấy trước mối đe dọa có lẽ vì sự… thân cận với tổ chức IS. Nhật báo Taraf, cơ quan truyền thông đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin: IS đã cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thời hạn 3 tuần để từ bỏ quyền kiểm soát lăng mộ lịch sử nói trên nhằm đổi lấy sự an toàn cho các con tin. Tiếp đó, tờ nhật báo đưa ra bằng chứng cáo buộc Ankara "đã có động thái nhượng bộ yêu sách của bọn khủng bố" khi thông báo cho lực lượng vũ trang nước này rút các binh sĩ đang đồn trú thường trực xung quanh khu lăng mộ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định những chứng cứ trên là "không có cơ sở" và chỉ trích tờ Taraf đã đăng tải thông tin này "một cách vô trách nhiệm". Tuyên bố của bộ này nêu rõ: "Ankara đang thực hiện các nỗ lực nhằm đảm bảo việc phóng thích các nhân viên lãnh sự sớm nhất có thể"."Từ những ngày đầu các con tin bị bắt cóc, cơ quan tình báo của chúng ta đã kiên trì theo dõi sự an toàn của các con tin, cuối cùng cơ quan tình báo của chúng ta đã chỉ đạo chiến dịch giải cứu thành công" - Tổng thống Erdogan chỉ công bố ngắn gọn như thế trên một bản tin.

Lăng mộ Suleyman Shah bên dòng sông Euphrates. (Nguồn: worldbulletin.net).

Trong khi đó, nhiều nguồn thân cận với Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: Không có món tiền chuộc nào được chi ra để đổi lấy tự do cho các con tin. Địa điểm giam giữ số người này đã được thay đổi ít nhất 6 lần và chiến dịch giải cứu phải hoãn lại nhiều lần. Từ 3 tháng qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn duy trì "mối liên hệ với các bên" để đạt được giải pháp cuối cùng. Niềm vui giải thoát cho các con tin chưa tày gang thì Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã "muối mặt" với luồng dư luận lên án là đã hỗ trợ và vũ trang cho các nhóm phiến quân Syria cực đoan nhất, trong đó có IS, với hy vọng đẩy nhanh sự sụp đổ của Tổng thống Al-Assad. 

Vừa khiến nhật báo Taraf "im mồm" thì Cemil Bayik, nhân vật lãnh đạo cao cấp đảng Công nhân người Kurd (phong trào đối lập PKK, từng bị chính phủ Ankara liệt vào thành phần khủng bố), tiết lộ với trang mạng Al-Monitor rằng, đội quân đồn trú bảo vệ khu lăng mộ đã được biết trước thời điểm phiến quân IS tiến chiếm thị trấn Kobane nên họ hoàn toàn không phản ứng gì.

Cemil Bayik sau khi dẫn một số bằng chứng cho thấy trong khi giao tranh với đội quân người Kurd, nhiều phiến quân IS bị thương còn được giúp đỡ vượt biên sang chữa thương tại các cơ sở y tế trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, ông tố cáo: "Nhân lúc biến thị trấn Kobane thành nơi không có chút sức kháng cự nào, Ankara đã mưu toan đục nước béo cò, biến vùng đất quanh khu lăng mộ Suleyman Shah thành nhượng địa cho Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria".

Trước luồng phê phán Ankara đã không toàn tâm toàn ý cùng Mỹ và các nước đồng minh trong cuộc tập kích tổng lực tiêu diệt IS, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục thể hiện thái độ nước đôi khi một mặt chính thức liệt IS vào danh sách những nhóm khủng bố, một mặt lại không cho phép máy bay của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu sử dụng không phận của mình để tấn công IS (?). Tuyên bố này của ông chẳng khác nào việc "bồi thêm gáo nước lạnh" vào khí thế của liên quân.

Đến hôm 22/9, Tổng thống Erdogan lại có thái độ khác khi cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay đổi ý kiến ít ra là vì các con tin đã được tự do: "Lẽ ra chúng tôi có thể đồng ý gia nhập liên minh nhưng không thể vào lúc ấy". Sau đó ít ngày, tại New York, trong cuộc gặp mặt với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Erdogan đưa ra đề xuất lập "vùng an toàn" tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, tức an toàn cho lãnh địa khu lăng mộ Quốc phụ Suleyman Shah, Quốc phụ của Đế chế Ottoman 700 năm hiên ngang một cõi, nên ai cũng hiểu chủ đích của sự tử tế đó không nhằm vào sự an nguy cho người dân Syria

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.