Thủ lĩnh Công đoàn Anh từng là điệp viên Xôviết suốt 45 năm

Chủ Nhật, 18/10/2009, 10:40

Theo một bài báo mới đây trên tờ The Daily Mail, nữ nhà báo Sue Reid sau một số hoạt động điều tra riêng đã khẳng định, nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng Jack Jones từng là điệp viên của Liên Xô. Theo đó, Jack Jones đã tham gia cung cấp thông tin tình báo cho Liên Xô suốt 45 năm liền, kể từ khi được tuyển mộ vào năm 1938.

Mùa xuân năm 1983, ngay trước cuộc bầu cử Quốc hội Anh, chỉ huy KGB khi đó là Viktor Chebrikov đã chỉ thị cho bộ phận tình báo tại London phải làm rõ hai vấn đề: Liệu khả năng tái đắc cử của Margaret Thatcher có thể phá hỏng bộ máy của các tổ chức công đoàn Anh, từ 30 năm qua đã có quan hệ thân thiện với nước Nga? Điều gì sẽ xảy ra với lời hứa của phe Công đảng sẽ biến nước Anh thành một khu vực phi hạt nhân? 

Thật ra, Chebrikov khi đó đã biết rõ về một người có thể trả lời cả hai câu hỏi trên - một nhân vật đã nghỉ hưu ở ngoại ô London, người đã hoạt động cho Kremlin trong suốt 45 năm qua. Cherbikov đã ra lệnh cho Đại tá KGB Oleg Gordievsky (khi đó mới chân ướt chân ráo tới London) phải trực tiếp liên lạc với nhân vật trên. Chỉ vài ngày sau tại một tiệm ăn Italia ở Anh, Gordievsky (kẻ khi đó đã được mật vụ Anh bí mật tuyển mộ) đã trực tiếp đặt câu hỏi trên cho Jack Jones nhằm làm rõ những triển vọng sắp tới của phe Công đảng Anh cũng như của chủ nghĩa xã hội.

"Ông ta là một người cộng sản giáo điều. Ông ấy coi việc giúp đỡ nước Nga Xôviết là một nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Ông ấy đã làm việc cho KGB trong rất nhiều năm mà không khiến chính phủ mảy may nghi ngờ" - Gordievsky kể lại. Cũng theo cựu điệp viên này của KGB, ông ta đã trao tận tay cho Jones 200 bảng tiền mặt trước khi chia tay.

Xuất thân từ một công nhân bốc vác ở Liverpool, Jack Jones vào giai đoạn 1960-1970 dưới thời chính phủ Công đảng đã từng lãnh đạo cả một nghiệp đoàn lớn trong ngành vận tải và công nhân nói chung (TGWU - Transport and General Workers' Union), đồng thời là thành viên Ủy ban Quốc tế liên minh các nghề nghiệp - những vị trí cho phép ông có thể tự do đi lại khắp nơi.

"Vào thời điểm đó, các thủ lĩnh Công đảng thường vào họp tại Downing Street với bia và bánh sandwich. Jones chỉ cần búng tay là cả chính phủ cũng phải e ngại" - The Daily Mail đã nói như vậy về ảnh hưởng của Jones khi đó. Nhận xét trên hoàn toàn không phải là nói quá nếu biết rằng, Jones có thể tuyên bố bãi công với sự tham gia của 2 triệu thành viên trong tổ chức công đoàn của mình. Thậm chí có thời điểm Jones được công luận đánh giá là người đàn ông quyền lực nhất nước Anh. Trong danh sách những quan chức ủng hộ Jones khi đó còn có được kim Thủ tướng Gordon Brown, người đã được TGWU ủng hộ trong cuộc bầu cử vào Hạ viện. Trong bài cáo phó đọc tại lễ tang (Jones vừa mất trong năm nay ở tuổi 96) Thủ tướng Brown đã gọi ông là "thủ lĩnh công đoàn vĩ đại nhất thế giới".

Thông tin về việc Jones bị nghi ngờ cung cấp thông tin mật cho Liên Xô chỉ vừa mới được tiết lộ trong công luận vài ngày gần đây, sau khi cuốn sách "The Defence Of The Realm" của tác giả Christopher Andrew về tiểu sử của Cơ quan Mật vụ MI-5 được xuất bản. Theo cuốn sách, MI-5 thật ra từ lâu đã có nhiều nghi ngờ và lo ngại về Jones.

Jack Jones (trái) cùng Thủ tướng Harold Wilson.

Với sự cho phép của tân Thủ tướng Edward Heath, các nhân viên mật vụ Anh sau khi nghe trộm các cú điện thoại của Jones vào năm 1970 đã kết luận, ông không còn có quan hệ với Liên Xô, còn với đảng Cộng sản đã rời bỏ từ những năm 1930-1940. Nhưng theo sĩ quan đào tẩu Gordievski từ KGB, Jones vẫn còn liên hệ với tình báo Nga cho đến những ngày cuối cùng của mình.

Các phóng viên tờ Daily Mail khi phỏng vấn các cựu điệp viên Xôviết đều khẳng định chắc chắn về hoạt động của Jones và bà vợ ông là Evelyn (được đánh giá là một đảng viên cộng sản, nhà hoạt động cho phong trào nữ quyền có quan điểm cấp tiến). Theo khẳng định của những phóng viên trên, kho tài liệu lưu trữ của KGB tại Moskva có lưu giữ hồ sơ dày tới 300 trang về Jones. Ông này được biết đã trao cho KGB tài liệu về các kế hoạch của chính phủ về giải trừ hạt nhân, các bí mật quân sự, những ý kiến trong hậu trường của các Thủ tướng Harold Wilson và Jim Callaghan, cũng như của nhiều chính trị gia cao cấp và nhà hoạt động công đoàn khác có cảm tình với Liên Xô.

Tại KGB, Jones hoạt động dưới mật danh "Dream". Những nguồn tin cho biết, các báo cáo của Jones có chứa nhiều tư liệu nhạy cảm về các quan chức cao cấp của Anh, trong đó có nhiều chỉ huy quân đội, MI-5, MI-6 - tất cả đều có thể được Moskva tận dụng làm công cụ để tiếp tục tuyển mộ những người này. Chi tiết về việc KGB tuyển mộ Jones cũng mới được giải mật trong kho lưu trữ về Quốc tế Cộng sản. Theo đó, Jones khi 25 tuổi đã tham gia cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha trong phe Cộng hòa. Sau khi bị thương, ông phải nằm suốt một tháng rưỡi tại một quân y viện dã chiến, là nơi các phái viên từ Moskva đã thuyết phục được ông hoạt động tình báo cho Liên Xô.

Trở về Anh, Jones yêu và cưới Evelyn Brown, vợ góa một người bạn đã hy sinh tại Tây Ban Nha. Evelyn cũng như người chồng đầu tiên của mình, là một nữ đảng viên Cộng sản nhiệt thành. Bà từng làm việc tại Moskva trong bộ phận kế toán của Quốc tế Cộng sản, sau đó là nhân viên liên lạc giữa hàng ngũ những điệp viên và người hoạt động chống phát xít tại Đức và Italia. Khi quay về định cư tại Anh, Evelyn vẫn tiếp tục làm việc cho Moskva. Tuy nhiên, theo lời của Gordievsky, tình báo Xôviết đã cắt đứt quan hệ với Evelyn vào cuối những năm 50, khi quan điểm công khai ủng hộ Liên Xô của bà được đánh giá là nguy hiểm cho hoạt động bí mật.

"Toàn bộ sự thật về Jones chỉ có thể làm sáng tỏ sau khi các tài liệu trong kho lưu trữ của KGB được chính thức công bố" - bài báo trên tờ Daily Mail kết luận

Thái Quân (tổng hợp)
.
.