Thực hư về nhà máy sản xuất vũ khí bí mật của Iran tại Sudan

Thứ Hai, 28/06/2010, 16:30
Mới đây, tờ Rai al-Shaab (Công luận) - do lãnh đạo phe đối lập Hassan al-Turabi của Sudan sở hữu và kiểm soát - tiết lộ một thông tin mới và quan trọng liên quan đến mối quan hệ ngầm giữa Sudan và Iran.

Bài báo cho biết Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Hồi giáo của Iran (IRGC) - một tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố - hiện đang điều khiển một nhà máy sản xuất vũ khí bí mật ở gần thủ đô Khartoum của Sudan nhằm cung cấp vũ khí cho các tổ chức khủng bố được Iran tài trợ ở châu Phi và Trung Đông.

Một vài blogger đã tích cực khai thác thông tin vào đầu tháng 6 năm nay. Hiện nay các blog này là bằng chứng duy nhất cho thấy bài báo của tờ  Rai al-Shaab thật sự tồn tại. Và, chẳng bao lâu sau khi bài báo được công bố, chính quyền Sudan đã ra lệnh tịch thu toàn bộ số báo phát hành nhạy cảm và người chịu trách nhiệm biên tập của tờ báo Abu Zur al-Amin bị bắt giữ với các tội "khủng bố, gián điệp và gây mất ổn định chính thể lập hiến", theo như Reuters đưa tin.

Theo thông tin của tờ báo, Quds Force - một nhánh vũ trang của IRGC từng bị Mỹ cáo buộc cung cấp vũ khí cho Taliban và các lực lượng chống Mỹ khác ở Afghanistan - xây dựng một nhà máy gần Khartoum như là một phần trong chi tiết không được công bố của Hiệp ước Quốc phòng ký kết năm 2008 giữa Iran và Sudan. Về phía mình, Israel cũng được cảnh báo về sự tồn tại của nhà máy vũ khí bí mật của IRGC trên đất Sudan. Và Israel cũng từng tấn công phá hủy số vũ khí được sản xuất tại nhà máy này.

Tháng 3/2009, chính quyền Mỹ tuyên bố Israel đã tiến hành 3 cuộc không kích ở Sudan vào đầu năm 2009 nhằm vào mục tiêu là những chuyến hàng chở vũ khí được cho là cung cấp cho các chiến binh Hamas ở Dải Gaza. Một cuộc không kích trong tháng 1/2009 nhằm vào đoàn 17 chiếc xe tải giết chết 39 người - theo thông tin từ CBS News, cơ quan thông tấn đầu tiên của phương Tây tiết lộ câu chuyện này. Tuy nhiên, Israel không xác nhận hay bác bỏ thông tin trên của CBS News.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (bên trái) và Tổng thống Sudan Omar Hassan Al-Bashir.

Mặc dù bài báo của tờ Rai al-Shaab vẫn chưa được xác nhận, nhưng khả năng về sự hợp tác quân sự giữa Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir và Cộng hòa Hồi giáo Iran chắc chắn đã diễn ra từ lâu. Các giáo sĩ Hồi giáo giúp đỡ Sudan mở rộng cơ sở hạ tầng khủng bố của mình sau khi người Hồi giáo đưa Bashir lên nắm quyền lực thông qua một cuộc đảo chính đẫm máu năm 1989.

Năm 1991 - theo tác giả và nhà hoạt động nổi tiếng thuộc phe đối lập của Iran Mohammad Mohaddessin - Tổng thống Iran Ali Akbar Hashemi Rasfsanjani cùng với khoảng chục cố vấn quân sự và quan chức chính phủ có cuộc viếng thăm chính thức đến Khartoum, nơi ông cam kết tài trợ 17 triệu USD và tổ chức những chuyến hàng giao vũ khí đến Sudan. Tổng thống Iran tuyên bố: "Cách mạng Hồi giáo của Sudan sát cánh với cuộc cách mạng tiên phong của Iran chắc chắn sẽ là nguồn khơi dậy cách mạng trong toàn thế giới Hồi giáo". Sau đó khoảng 2.000 binh sĩ của IRGC được gửi đến Sudan để giúp huấn luyện quân đội nước này.

Từ việc huấn luyện cho chiến binh Hamas cho đến cung cấp vũ khí cho một nhánh của Hezbollah ở Ai Cập trong năm 2009, Sudan đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của Iran trong khu vực. Tổng thống Bashir của Sudan bị phương Tây buộc tội là người cố gắng lấy lòng Osama bin Laden, xâm phạm quyền con người và gây chết chóc tang thương ở Dafur, khu vực miền Tây Sudan. Năm 2009, Tòa án Hình sự quốc tế buộc tội Bashir với nhiều điểm về tội chống nhân loại.

Bài báo trên tờ Rai al-Shaab lập luận rằng nhà máy sản xuất vũ khí bí mật gần Khartoum là một sự mở rộng trong khuôn khổ những nỗ lực nói trên. Bài báo nói rõ, vũ khí được cung cấp cho những thành phần cực đoan ở châu Phi và Trung Đông, bao gồm sự cung cấp tên lửa cho "Houthis (ở Yemen), chiến binh Somali, và... Hamas ở Dải Gaza".

Tại sao Tehran xây dựng một nhà máy vũ khí ở Sudan trong khi có thể sản xuất vũ khí trên đất Iran một cách dễ dàng? Theo bài báo, đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất việc cung cấp vũ khí cho các tổ chức bị coi là khủng bố, và né tránh sự nhòm ngó của quốc tế về chương trình hạt nhân đang bị lên án của nước này.

Cũng theo tờ báo trên, IRGC kiểm soát hoàn toàn nhà máy vũ khí ở Sudan, nhưng kho vũ khí này lại không mang nhãn mác của Iran. IRGC còn đánh dấu riêng một số vũ khí dành để vũ trang cho Hamas, trong đó bao gồm những tên lửa phóng vác vai, những bộ phận của tên lửa đất đối không và các hệ thống điện tử kiểm soát vũ khí - theo  Wall Street Journal. Cho đến bây giờ, chỉ có Israel buộc tội Iran cung cấp số hàng nguy hiểm này cho Hamas.

Hiện nay, chính quyền Sudan đang có những biện pháp trừng trị thẳng tay những nhà báo vi phạm luật báo chí của nước này, trong đó có quy định "chịu trách nhiệm đối với sự công bố những thông tin giả trên mặt báo". Turabi là một trong những người bị bắt giam mới đây trong làn sóng bắt bớ này. Mặc dù đã có sẵn lý do hợp lý để bắt giam Turabi - ông thân cận với Osama bin Laden trong thời gian trùm khủng bố có mặt ở Sudan trong thập niên 90 thế kỷ trước - song Al Jazeera cho biết, Tổng thống Hassan al-Bashir ra lệnh bắt Turabi vì thông tin tiết lộ trên tờ Rai al-Shaab. Sự tồn tại nhà máy vũ khí của IRGC ở Sudan chắc chắn sẽ gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế, mà điều này chỉ làm cho chính quyền Sudan thêm rắc rối.

Cuối cùng, IRGC bị chính quyền Mỹ coi là thành phần chủ chốt ở Iran đang nỗ lực tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, vũ khí của nhà máy này có thể cũng được cung cấp cho chiến dịch diệt chủng mà chế độ Sudan tiến hành ở Dafur. Tổng thống Bashir bị quốc tế buộc tội đã đạo diễn và liên can đến kế hoạch diệt chủng 3 nhóm tộc người chính ở Dafur là Fur, Masalit và Zaghawa.

Nhiều câu hỏi đặt ra về sự tồn tại của một nhà máy bí mật sản xuất vũ khí của IRGC ở Sudan vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng điều có khả năng xảy ra sắp tới là các cơ quan tình báo phương Tây sẽ tranh nhau để trở thành nơi có câu trả lời trước tiên

Diên San (tổng hợp)
.
.