Thuốc tác động thần kinh trong hoạt động tình báo

Thứ Năm, 23/12/2010, 06:20
Igor Sutyagin - một trong 4 người Nga được trao đổi với Mỹ trong vụ scandal điệp viên giữa hai nước Nga và Mỹ vào đầu tháng 7/2010 - tuyên bố ông ta bị cho uống rượu cognac pha thuốc tác động tâm thần trong suốt cuộc thẩm vấn tại trung tâm giam giữ Lefortovo ở Moskva. Nhưng người phát ngôn của mật vụ Nga đã bác bỏ cáo buộc này.

Một quan chức Nga nói: "Không có gì lạ khi Sutyagin đưa ra tuyên bố cáo buộc vào thời điểm đặc biệt này, bởi vì ông ta muốn lợi dụng scandal gián điệp vừa qua để mọi người chú ý đến mình. Tuyên bố được đưa ra theo lệnh của những người mà Sutyagin làm việc".

Theo Sutyagin, từng là nhà nghiên cứu giải trừ quân bị Nga và hiện đang sống ở Anh nói, loại thuốc tác động tâm thần này làm cho ông dễ bị tác động trong cuộc thẩm vấn. Sutyagin cũng nói sau cuộc thẩm vấn ở trung tâm giam giữ Lefortovo ông bắt đầu rơi vào tình trạng đãng trí kỳ lạ.

Vào mùa xuân năm 2004, khi Sutyagin làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu chính trị nước ngoài của Mỹ và Canada của Viện Hàn lâm khoa học Nga, một tòa án Moskva đã tuyên xử ông 15 năm tù vì tội làm gián điệp phản bội đất nước. Sutyagin bị buộc tội chuyển giao dữ liệu bí mật về tàu ngầm và hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga cho một công ty Anh theo chỉ thị của CIA. Tuy nhiên, nhà khoa học Sutyagin đã không nhận tội.

Tháng 7/2010, Sutyagin và 3 người Nga khác (tất cả đều bị Nga buộc tội làm gián điệp cho nước ngoài) được trao đổi điệp viên với phía Mỹ. Toàn bộ câu chuyện này có nghĩa là Sutyagin vẫn còn được phương Tây quan tâm đến.

Nhưng liệu có thật sự mật vụ Nga sở hữu và sử dụng thuốc tác động tâm thần? Nhà sử học Nga Alexander Kolpakidi nêu ý kiến ông không loại trừ khả năng Sutyagin bị cho uống rượu có pha thuốc tác động tâm thần như người này tuyên bố.

Ông nói: "Về mặt kỹ thuật, loại thuốc như thế có thể được sử dụng đối với Sutyagin. Hơn nửa thế kỷ trước đây,  có một cơ quan gọi là Phòng thí nghiệm X do Tiến sĩ Mairannovsky lãnh đạo, nơi nghiên cứu thử nghiệm "thuốc nói sự thật". Những cuộc thử nghiệm này được thực hiện trên cơ thể những tù binh (tức là người Đức) trong Chiến tranh thế giới lần 2. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm này đã bất ngờ đóng cửa vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước.

Tình báo Xôviết đã có được những tiến bộ đáng kể trong phát triển những chất gây sự thèm muốn đối với tình báo phương Tây và Mỹ. Ví dụ như Cơ quan Dân ủy nội vụ (NKVD) của Liên Xô cũ có loại thuốc mạnh gây buồn ngủ. Họ cũng có những loại thuốc giảm đau và tăng cường sinh lực mạnh.

Alexander Kolpakidi nói: "Tất cả những điệp viên nội gián người Đức tham gia Chiến dịch Tu viện (Monastery) ở Moskva trong năm 1943 - 1944 đều bị bắt giữ mà không phải tốn một viên đạn nào cũng nhờ loại thuốc gây ngủ này. Nhưng phần lớn mọi công nghệ này của Liên Xô đã tuyệt tích sau khi Phòng thí nghiệm X chấm dứt hoạt động".

Mật vụ Nga cũng sử dụng những chất sinh học gây tê liệt đối tượng trong chiến dịch đặc biệt giải cứu con tin ở Moskva năm 2004. Loại thuốc như thế có thể giết chết một người mà không để lại bất cứ dấu vết bạo lực nào và các chuyên gia pháp y sẽ kết luận nạn nhân chết do cúm, viêm phổi v.v... Có loại thuốc gây lão hóa nhân tạo về mặt sinh học và làm giảm tuổi thọ thê thảm, và loại thuốc gọi là 2.4-Pyrolo làm mất trí nhớ hoàn toàn. Rượu khi được pha với những hóa chất nào đó có thể gây hiệu quả theo mong muốn.

Những dạng đơn giản của thuốc tác động tâm thần từng được sử dụng vào thời Cổ La Mã, theo quan điểm "in vino veritas" - tức là "trong rượu là sự thật". Những chất tác động đến tâm thần con người hiện vẫn còn được sử dụng ở phương Tây.

Năm 1998, các nhà hoạt động nhân quyền đã khởi kiện ra Tòa án nhân quyền châu Âu về hành vi sử dụng chất tác động tâm thần. Đây là vụ kiện chưa từng xảy ra trước đó. Tuy nhiên, hành vi này không bị cấm và các nhà điều tra lợi dụng điều đó để có được sự thú tội của một nghi phạm.

Giới y khoa thấy rằng, khi sử dụng chất tác động tâm thần gây mê nhưng vẫn còn ý thức, phụ nữ thường tiết lộ những bí mật mà họ không bao giờ muốn thổ lộ với bất cứ ai. Mỹ là nước đi tiên phong trong sử dụng những chất này.

Năm 1992, bác sĩ Mỹ Robert E. Haus - cha đẻ của "thuốc nói sự thật" - viết một bài báo về việc sử dụng scopolamine (một loại chất lỏng độc, hơi đặc và không màu) trong ngành tội phạm học. Nhà khoa học kết luận rằng, việc sử dụng chất này là cách chắc chắn nhất để có được bằng chứng cần thiết phục vụ điều tra tội phạm. Sau khi bị tiêm chất scopolamine, đối tượng sẽ nói hết sự thật ra như trẻ con - hoàn toàn không giấu giếm chi tiết gì.

Ở Mỹ, người ta cũng sử dụng những chất như là mescaline, một chất tác động tâm thần chiết xuất từ peyote (cây xương rồng Mexico). Các nhà khoa học Đức Quốc xã đã sử dụng mescaline trong các trại tập trung gây cho tù nhân rơi vào trạng thái mất hết cả ý chí. Người Mỹ sử dụng marijuana trong những cuộc điều tra - như  trường hợp Augusto del Garcio đã chỉ điểm trùm tội phạm New York Lucky Luciano do chịu ảnh hưởng của marijuana.

Trong thập niên 70 thế kỷ XX, CIA đã tiến hành những thí nghiệm với chất ma túy gây ảo giác psilocybin để chống lại điệp viên Nga. Ví dụ CIA đã sử dụng chất psilocybin để bắt cóc sĩ quan KGB Yuri Nosenko vào năm 1964 và đại tá KGB Vitaly Yurchenko năm 1985 ở Rome.

Bằng chứng quan trọng nhất chứng minh Mỹ sử dụng những chất tác động tâm thần được tiết lộ từ cuốn "Cẩm nang thẩm vấn phản gián KUBARK" được giải mật năm 1997. Và CIA đã sử dụng KUBARK từ năm 1963 đến 1985.

Theo cuốn cẩm nang, CIA đã dùng đến những chất ma túy như thế này để làm rối loạn nhịp sinh học con người nhằm khai thác thông tin tại những quốc gia có xung đột vũ trang.  Năm 2001, các tòa   án liên bang Mỹ đã phê chuẩn sử dụng "thuốc nói sự thật" trong nỗ lực truy tìm trùm khủng bố Osama bin Laden

Thục Miên (tổng hợp)
.
.