Abu Sayyaf , mối kinh hoàng ở Philippines:

Tiền đồn bắt cóc con tin của IS ở Đông Nam Á (bài 3)

Chủ Nhật, 28/02/2016, 10:40
Theo khảo sát của các tổ chức xã hội học, hầu hết những thanh niên Malaysia, Indonesia, Philippines đến với IS đều bị mê hoặc bởi cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”. Nhiều người trong số họ nghèo khó, ít học nhưng lại thừa cuồng tín.

Số phận một con người

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo ASG, ngoài những vụ đánh bom khủng bố mà mục tiêu là các cơ sở của chính phủ Philippines thì Isnilon Hapilon coi việc bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc là một trong những chiến lược hàng đầu nhằm nuôi dưỡng 300 tay súng với tham vọng biến ASG thành đại diện của IS ở Đông Nam Á. Và nếu như cậu bé Kevin 14 tuổi đã can đảm trốn thoát khỏi trại giam của ASG thì Richard Warren Rodwell, một công dân Australia bị ASG bắt cóc chỉ được tự do sau khi gia đình ông đã nộp đủ 100.000USD!

Con tin Warren Rodwell cầu cứu trong một đoạn video do ASG tung lên mạng.

Ngày 5-12-2011, Richard Warren Rodwell - một giáo viên 54 tuổi và cũng là một nhà văn cùng cô vợ người Philippines là Miraflor từ Australia đến thị trấn Ipil, tỉnh Zamboanga Sibugay, miền Nam Philippines để thăm viếng bà con bên vợ nhưng Rodwell không hề biết rằng khu vực này nằm trong vòng kiểm soát của ASG.

Chỉ vài ngày sau khi đến nơi, 4 tay súng đi trên 2 chiếc xe gắn máy, ăn mặc giả như cảnh sát đã xông vào nhà em vợ ông, bắn vào tay ông rồi lôi ông lên một chiếc xuồng cao tốc, chở đến một hòn đảo gần đó. Tiếp theo, ASG gửi cho vợ Rodwell một đoạn video cùng 4 bức ảnh, cho thấy cánh tay phải của ông có một vết thương khá lớn, hai tay bị còng và ra giá chuộc ông 2 triệu USD. Trong đoạn video, Rodwell nói như khóc: “Làm ơn giúp tôi 2 triệu USD để tôi được thả. Giải pháp duy nhất để đảm bảo sự an toàn cho bản thân tôi là hãy làm bất cứ điều gì mà họ yêu cầu…”.

Theo Đại tá Rodrigo Gregorio, phát ngôn viên quân sự miền nam Philippines thì thời điểm ấy, cả Chính phủ Australia lẫn Chính phủ Philippines đều không chấp nhận nộp tiền chuộc. Ngoại trưởng Australia - ông Bob Carr nói: “Chính phủ Australia không bao giờ trả tiền chuộc vì làm như vậy sẽ khiến mọi công dân nước này ở nhiều nơi trên thế giới sẽ trở thành mục tiêu của bọn bắt cóc”. Nhưng ông Carr cũng nói thêm rằng ông sẽ không bình luận gì về các thỏa thuận nếu có - được thực hiện giữa gia đình Rodwell và ASG, thông qua các trung gian.

Sau khi Rodwell bị bắt cóc, Chính phủ Australia lập tức gửi một đội đặc nhiệm đến Philippines để phối hợp với quân đội nước này trong nỗ lực nhằm giải cứu con tin. Về phía Chính phủ Mỹ, từ năm 2002, họ đã duy trì khoảng 500 lính Lực lượng đặc biệt trên cơ sở hoạt động luân phiên ở miền Nam Philippines để giúp chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và một phần của lực lượng này nhanh chóng chuyển sang nhiệm vụ dò tìm nơi giam giữ Rodwell. Tiếp theo, nhiều quốc gia khuyến cáo công dân của họ không nên đến miền Nam Philippines, trong đó Australia đã sử dụng những  ngôn từ cảnh báo rất mạnh mẽ: “Chúng tôi có đủ căn cứ để tin rằng bọn khủng bố có cơ sở tại miền Nam Philippines đang có kế hoạch bắt cóc người phương Tây để đòi tiền chuộc. Nếu bạn đang ở Mindanao, hãy rời khỏi nơi này ngay lập tức”.

Những ngày sau đó, với sự phối hợp của Đặc nhiệm Australia, của Lực lượng đặc biệt Mỹ, hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Philippines đã lùng sục tất cả những nơi nghi ngờ ASG giam giữ Rodwell ở bán đảo Zamboanga và đảo Basilan nhưng không tìm thấy một dấu tích gì. Sau này, khi đã được tự do, Rodwell cho biết hầu hết những kẻ canh giữ ông không phải là chiến binh ASG mà là những người dân cộng tác với bọn khủng bố.

Bên cạnh đó, ASG cũng không giam Rodwell trong trại giam, mà giam ông ngay tại các căn nhà của những người dân như vừa nói. Bi đát hơn, một cảnh sát Philippines biến chất tên Malban lại chính là kẻ trung gian giữa gia đình Rodwell và ASG trong vụ nhận tiền chuộc. Khi Malban bị bắt, các cuộc điều tra cho thấy gã là anh em họ với Khair Mundos, một trong những kẻ lãnh đạo ASG ở Basilan, phụ trách về tài chính, được Chính phủ Mỹ treo giải 500.000USD cho ai cung cấp thông tin dù còn sống hay đã chết.

Trong suốt 472 ngày giam cầm, Rodwell bị ASG chuyển đi tổng cộng 27 địa điểm. Thoạt đầu, nơi ở của ông là một cái chòi lá nằm trong rừng. Cả ngày lẫn đêm, hai tay ông bị còng vào cột nhà. Mỗi khi đi vệ sinh, những kẻ canh giữ vẫn còng ông. Thức ăn cho ông chỉ duy nhất là cơm với muối trắng.

Tiếp theo, ông được đưa vào nhà của các nông dân, trong những căn phòng tối om và bị bắt phải nằm chứ không được ngồi. Ông kể: “Mỗi lần chuyển chỗ giam, tôi phải đi bộ 5 - 6km qua những cánh đồng lúa hoặc những khu rừng trong điều kiện hai tay bị còng. Mỗi lần thấy tôi bước chậm lại, những kẻ áp giải lại đá hoặc đánh tôi bằng báng súng”. Gần cuối năm 2012 - nghĩa là sau 1 năm bị bắt cóc, từ 70kg Rodwell chỉ còn 40kg. Ông kể tiếp: “Cứ 2 tháng, ASG lại lôi tôi ra trước máy quay phim, đọc lời kêu gọi gia đình nộp tiền chuộc để chứng minh rằng tôi còn sống. Rất nhiều lần, họ vung dao dọa chặt đầu tôi vì mãi mà không thấy có tiền”.

Một số con tin hiện vẫn bị ASG cầm giữ để đòi tiền chuộc.

9 ngày trước lễ Giáng sinh năm 2012, mệt mỏi và hốc hác, Rodwell xuất hiện trong một video clip. Ông nói sau một năm bị giam cầm, ông không còn hy vọng được tự do: “Cá nhân tôi bây giờ chẳng biết tin tưởng vào ai nữa nếu không có 2 triệu USD”. Theo nhận định của các ngành chức năng Philippines, bắt cóc đòi tiền chuộc hiện là ngành kinh doanh béo bở của ASG. Và mặc dù Hapilon đã cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng xem ra động cơ hoạt động của ASG hiện tại là kinh tế chứ không còn là tôn giáo cực đoan. Nhiều du khách nước ngoài bị bắt từ năm 2000 đến nay đã được tự do sau khi gia đình họ trả hàng triệu USD tiền chuộc nhưng đồng thời cũng có khá nhiều người đã bị chặt đầu vì thân nhân họ không chịu trả tiền.

Đầu năm 2013, gia đình Rodwell nhận được điện thoại của một người tự xưng là cảnh sát Philippines. Trong cuộc nói chuyện, anh ta cho biết có thể dàn xếp để Rodwell tự do với số tiền chuộc ít hơn. Sau nhiều lần thương lượng, hai bên đồng ý với giá 100.000USD.

Ngày 20-3-2013, vợ Rodwell từ Australia đến Philippines. Tại đảo Basilan, bà gặp viên cảnh sát trung gian rồi giao cho gã số tiền như đã thỏa thuận. 7 ngày sau, Rodwell được phóng thích. Ông kể: “sẩm tối ngày 22-7, khi thủy triều lên, 3 tay súng ASG gọi tôi lên một chiếc thuyền máy. Sau 2 tiếng chạy hết tốc lực trên biển, nhóm ASG giao tôi cho mấy ngư dân của một chiếc thuyền đánh cá. Mất thêm một tiếng nữa, thuyền vào cách bờ chừng 5m thì họ bảo tôi xuống”. 1 giờ 30 phút sáng ngày 23-7-2013, một người dân tên Nathaniel Tampos nhìn thấy Rodwell ốm trơ xương, mặc chiếc áo thun màu đen và chiếc quần short bẩn thỉu đi thất thểu bên vệ đường ở bến cảng Pagadian, thành phố Pagadian, tỉnh Zamboanga del Sur. Lập tức, người này gọi thêm mấy công nhân làm việc ở cảng, đưa ông đến đồn cảnh sát địa phương.

Về phía vợ ông, sau khi nộp 100.000USD tiền chuộc, Cảnh sát Philippines đề nghị bà giúp nhận diện “nhân vật trung gian” qua hình ảnh. Rất nhanh chóng, bà chỉ ngay vào tấm ảnh chụp sĩ quan Malban. Ông Rodwell cũng khẳng định đã nhiều lần nhìn thấy Malban tại nơi giam giữ nhưng ông chưa hề thấy Malban mặc quần áo cảnh sát bao giờ.

Tháng 6-2013, khi Cảnh sát Philippines đã có đủ chứng cứ kết luận Malban là “nội gián” của ASG trong vụ bắt cóc Rodwell và đã chuẩn bị để khởi tố vụ án thì Malban trốn sang Malaysia. Tháng 1-2015, Cảnh sát Philippines bắt 5 tay súng ASG - những kẻ đã giả danh cảnh sát để bắt cóc Warren Rodwell. Đến tháng 6, phía Malaysia theo yêu cầu của Philippines, đã bắt giữ Malban tại thành phố Kota Kinabalu rồi giao cho Philippines. Hiện tại, ngoài các nhà báo Kalynda Davis, Peter Greste, nhà quay phim Ramil Vela Atyani, vẫn còn có 7 người nước ngoài nằm trong tay ASG gồm 1 người Nhật, 1 Thụy Sĩ, 1 Hà Lan, 1 Jordan và 3 người Malaysia.

Quốc tế hóa ASG?

Cho đến nay, có thể thấy mối liên kết khá chặt chẽ giữa những nhóm ủng hộ IS ở Malaysia, Indonesia và ASG ở Philipines qua việc nhiều tay súng Malaysia, Indonesia đã sang Philippines để chiến đấu bên cạnh ASG, chưa kể ASG còn có kế hoạch bắt tay với nhóm phiến quân “Quân đội nhân dân mới - NPA” - là một tổ chức hoạt động chủ yếu tại các khu vực miền Đông và miền Nam Philippines, đã tiến hành cuộc nổi dậy chống chính phủ trong hơn 40 năm qua. Bên cạnh đó, một số nhóm khủng bố ở Indonesia còn chuyển tiền sang Philippines để nhờ ASG mua giúp vũ khí.

Có nhiều tay súng nước ngoài trong hàng ngũ ASG.

Ông Muhammad Yusuf, Giám đốc Trung tâm Báo cáo giao dịch và phân tích tài chính cho biết tiền được chuyển từ một cá nhân ở Indonesia đến tài khoản của một cá nhân khác ở Philippines. Các cuộc điều tra sau đó đã cho thấy số tiền nay được dùng để mua vũ khí từ một nhà cung cấp ở Manila. Một bài báo trên tờ Philippines Daily Inquirer cho biết số súng đăng ký hợp pháp ở Philippines là 930.000 khẩu, còn súng lậu là khoảng 1,1 triệu khẩu - trong đó khoảng 21.500 khẩu nằm trong tay tổ chức khủng bố ASG,  “Mặt trận giải phóng quốc gia Moro” (MNLF) và các băng nhóm tội phạm.

Tại Malaysia, sau khi Hapilon công khai lên tiếng ủng hộ IS, chính quyền bang Sabah đã đưa ban bố tình trạng báo động ở mức cao nhất vì lo ngại rằng Hapilon và ASG có thể dễ dàng tiếp cận bang Sabah từ căn cứ của chúng ở miền  Nam Philippines. Theo ông Rohan Gunaratna, chuyên gia về khủng bố tại Trung tâm Quốc tế nghiên cứu bạo động chính trị và khủng bố - có trụ sở tại Singapore, IS đã và đang lên kế hoạch nhằm tạo ra một vùng đệm an toàn trên đảo Basilan và Sulu để chuẩn bị cho các cuộc tấn công ở cả Philippines lẫn Malaysia láng giềng.

Tại Indonesia, 10 ngày sau khi vụ đánh bom khủng bố xảy ra tại thủ đô Jakarta (14-1-2016), tướng Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia cho biết nhóm thực hiện vụ đánh bom làm thiệt mạng 4 thường dân hôm 14-1 đã nhận khoảng 100.000USD từ Raqqa (Syria) và 70.000USD từ Australia.

Chất nổ dùng trong cuộc tấn công được cung cấp bởi “một nhóm thân IS” ở Mindanao, miền Nam Philippines - mà thực chất là ASG vì tướng Pandjaitan tránh né gọi thẳng tên nhóm này mặc dù từ lâu, người ta đều biết ASG có quan hệ thân thiết với các nhóm khủng bố ở Indonesia như Jemaah Islamiyah. Vũ khí, chất nổ từ Mindanao được đưa vào miền Đông Indonesia qua những tuyến đường biển khét tiếng buôn lậu, rồi được phân tán nội địa bởi các mạng lưới bí mật.

Theo khảo sát của các tổ chức xã hội học, hầu hết những thanh niên Malaysia, Indonesia, Philippines đến với IS đều bị mê hoặc bởi cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”. Nhiều người trong số họ nghèo khó, ít học nhưng lại thừa cuồng tín. Họ tin vào những điều xằng bậy về Hồi giáo mà IS đưa lên mạng rồi xác quyết rằng mình phải “thánh chiến” vì nếu chết, họ sẽ đi thẳng lên “thiên đàng”…

Cao Trí (theo Philippines and Abu Sayyaf)
.
.