Tiết lộ chuyện quay, dựng phim trong cỗ máy tuyên truyền của IS

Thứ Ba, 01/12/2015, 22:25
Hoạt động tuyên truyền đóng một vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc truyền bá, gieo rắc nỗi sợ hãi của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà còn trong việc thu hút các thành phần thánh chiến, Hồi giáo cực đoan từ khắp nơi trên thế giới tìm đến tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của chúng.

Để thực hiện hoạt động này, IS có cả một bộ máy bao gồm những chuyên gia công nghệ thông tin, thợ quay phim, chụp ảnh chuyên nghiệp đến từ nhiều nước phương Tây giúp sức. Các nhân sự trong bộ máy cao cấp này được đối đãi như những “ông vua”.

Có kỹ năng công nghệ thông tin là có đặc quyền

Với bộ râu quai nón không dày, nói năng nhỏ nhẹ, nhìn bề ngoài Abu Hajer al-Maghribi không giống như các tay súng khát máu, giết người man rợ của IS. Y là một trong hàng chục thành viên IS đào thoát khỏi tổ chức khủng bố này và bị bắt giam tại Syria. Những người như Abu Hajer đã từng kể lại cho nhà chức trách và cơ quan báo chí những câu chuyện khủng khiếp về các cuộc hành quyết, về những bộ máy, cơ cấu bên trong hệ thống tổ chức của IS và sự giàu có của nó. Câu chuyện do Abu Hajer kể với tờ The Washington Post của Mỹ cho thấy IS sở hữu một bộ máy tuyên truyền hùng mạnh nhất mà một tổ chức khủng bố có được, mạnh hơn cả bộ máy tuyên truyền của Al-Qaeda trước đây.

Abu Hajer al-Maghribi.

Abu Hajer, người Morocco, tầm ngoài 30 tuổi, là một tay quay phim kỳ cựu của IS. Y hiện đang bị giam giữ tại Rabat, Morocco. Abu Hajer là một cựu thành viên trong bộ máy tuyên truyền của Al-Qaeda trước đây, gia nhập Al-Qaeda và bắt đầu tham gia các diễn đàn Hồi giáo cực đoan trên mạng Internet từ đầu năm 2003 tại Morocco, khi Mỹ tiến hành cuộc chiến xâm lược Iraq. Cũng như bao tay súng thánh chiến khác của Al-Qaeda và nay là IS, Abu Hajer xuất thân thành phần nghèo khó ở một khu vực nghèo của Morocco. Sau một thời gian làm chiến binh mạng cho Al-Qaeda, đến năm 2013, Abu Hajer chạy sang Syria để tham gia thánh chiến cùng IS. Với thành tích 10 năm thánh chiến trên mạng, Abu Hajer mau chóng trở thành quản trị một trang web hùng mạnh tên là Shamukh, có quyền thu nạp thành viên và kiểm soát nội dung đăng trên diễn đàn mạng của các phiến quân khác.

Thành tích làm quản trị diễn đàn Hồi giáo cực đoan ở Syria đã giúp Abu Hajer dễ dàng lọt vào vị trí cao cấp, được giao làm những nhiệm vụ mà các tay súng phiến quân khác thèm khát. Đó là quay phim, chụp ảnh cho IS. IS có một hệ thống đánh giá và huấn luyện những kẻ mới đến. Abu Hajer cho biết, ngay khi đến Syria, y đã được huấn luyện để tham gia đội truyền thông đại chúng của IS. Y đã trải qua 2 tháng huấn luyện quân sự trước khi được tham gia một chương trình huấn luyện đặc biệt kéo dài 1 tháng về kỹ năng hoạt động truyền thông. Chương trình này được thiết kế chuyên về kỹ năng quay phim, chạy phụ đề và kỹ năng lồng tiếng, chỉnh giọng trong các cuộc phỏng vấn sao cho phù hợp yêu cầu tuyên truyền của IS. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo, Abu Hajer được cấp cho một máy ảnh hiệu Canon, một điện thoại thông minh hiệu Samsung Galaxy và được phân công nhiệm vụ với một đơn vị truyền thông của “Đế chế Hồi giáo” ở Raqqa.

Abu Hajer cho biết, y thường nhận nhiệm vụ từ cấp chỉ huy bằng một tấm thẻ trên đó ghi những thông tin về nhiệm vụ mình phải làm, địa điểm, thời gian thực hiện. Với Abu Hajer, mỗi lần nhận tấm thẻ như thế là y phải lái xe đi hàng giờ đồng hồ từ thành phố Raqqa, nơi được xem là kinh đô của Đế chế Hồi giáo (Caliphate) hoặc từ Tổng hành dinh bộ máy tuyên truyền đặt tại thành phố Aleppo, cũng gần Raqqa, đến một nơi nào đó ở miền Trung hoặc miền Đông Syria do IS kiểm soát. Khi đến nơi thi hành nhiệm vụ, Abu Hajer gia nhập một nhóm các tay máy camera (quay phim, chụp hình) ghi lại cảnh hành quyết những binh sĩ Syria bị bắt hoặc những con tin bị bắt cóc tống tiền nhưng không được chuộc.

Abu Hajer cho biết trong suốt thời gian hoạt động trong cỗ máy tuyên truyền của IS, y chỉ một lần được tiếp xúc với một con tin người phương Tây. Đó là phóng viên John Cantlie của tờ Sunday Telegraph (Anh), bị IS bắt cóc tháng 11-2012. Abu Hajer đã tham gia ghi hình cuộc phỏng vấn Cantlie và đoạn video đó đã được IS tung lên mạng Internet vào tháng 9-2014.

Cỗ máy tuyên truyền tội ác rùng rợn

Theo lời kể của Abu Hajer, các camera, máy vi tính và các thiết bị điện tử khác phục vụ cho công tác tuyên truyền của IS đều được cung cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng đều do các chiến binh người nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và phương Tây, quản lý và sử dụng, vì những người này có kỹ năng thành thạo về các thiết bị điện tử do trước khi gia nhập IS đã từng làm việc trong các kênh truyền thông hoặc các bộ phận biên tập, xuất bản thông tin hoặc trong các công ty công nghệ cao. Lực lượng quay phim, chụp ảnh của IS có khoảng 100 người, tất cả đều là người phương Tây.

Hình ảnh hành quyết binh sĩ Syria được IS ghi lại và tuyên truyền nhằm mục đích răn đe.

Abu Abdullah al-Maghribi, 37 tuổi, một thành viên IS đào tẩu khác kể, Tổng hành dinh của bộ phận tuyên truyền đặt tại Aleppo, trong một tòa nhà hai tầng nằm lẫn trong khu dân cư. Địa điểm này được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ những người được phép của "tiểu vương" khu vực mới được vào. Mỗi tầng có 4 phòng chứa đầy máy quay phim và máy chụp hình công nghệ tiên tiến nhất.

Trên thực tế, tòa nhà là trụ sở của tạp chí điện tử Dabiq, là tạp chí tuyên truyền chủ đạo chuyên đưa những tuyên bố, hình ảnh phục vụ cho mục đích tuyên truyền cho IS. Trong tòa nhà này còn có trụ sở của nhóm al-Furqan, chuyên lo phần quay phim, chụp ảnh cho IS. Theo một thống kê của giới quan sát, trên khắp các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát có khoảng 36 cơ sở truyền thông liên hệ trực tiếp với trụ sở tuyên truyền của IS ở Raqqa để phục vụ công tác tuyên truyền. Giữa các cơ sở này cũng có sự phối hợp với nhau rất chặt chẽ và nhịp nhàng.

Thường ngày, các tay máy camera từ tòa nhà trên bủa ra thi hành nhiệm vụ khắp các vùng đất do IS kiểm soát, đưa những hình ảnh méo mó về các sự kiện xảy ra hàng ngày, nhất là những cảnh chiến đấu và chặt đầu con tin. Đôi khi, nhiệm vụ cũng bao gồm cả việc ghi lại cảnh hành lễ tại thánh đường Hồi giáo hay cảnh các tay súng IS đấu súng với phiến quân đối lập hoặc với quân chính phủ Syria. Những cảnh quay phim hay ảnh chụp đó sẽ nhanh chóng được tung lên phương tiện truyền thông đại chúng, lên Internet để cho đọc giả, khán giả toàn thế giới biết đến. Ngoài ra, Abu Hajer cùng nhóm quay phim cũng nhận nhiệm vụ quay phim những cảnh sinh hoạt thông thường ở những khu chợ, phố hoặc các sự kiện lễ hội Hồi giáo.

Làm tuyên truyền viên "oai" hơn cầm súng

Ở Syria, các thành viên IS hoạt động trong bộ phận thông tin tuyên truyền được đối đãi như những "emir" (tiểu vương) với cùng đẳng cấp như các chỉ huy quân sự. Họ được tham gia trực tiếp vào việc bàn bạc các quyết định về chiến lược và lãnh thổ. Họ có thể được giao chỉ huy, điều hành hàng trăm tay máy camera, chuyên gia sản xuất và biên tập video. Tất cả những thành phần này thuộc tầng lớp chuyên nghiệp, có địa vị và được hưởng các đặc quyền, đặc lợi, lương bổng cao và điều kiện sống vương giả mà các tay súng chiến đấu ngoài mặt trận không thể mơ thấy.

"John thánh chiến" - biểu tượng tuyên truyền của IS ở phương Tây.

Theo Abu Abdullah, những người tham gia công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng hơn chiến binh thánh chiến. Họ có sức mạnh khuyến khích các tay súng chiến đấu ở bên ngoài, đồng thời có uy lực thu hút thêm thánh chiến quân đến gia nhập IS. Càng ngày, sức mạnh đó đã vượt ra ngoài lãnh thổ IS kiểm soát. Vụ đánh bom máy bay 7K9268 của Nga trên bán đảo Sinai (Ai Cập) và vụ tấn công hàng loạt làm 129 người chết ở Paris (Pháp) là minh chứng cho sức mạnh "bên ngoài" đó của cỗ máy tuyên truyền IS. Cả nhóm nhận trách nhiệm đánh bom máy bay Nga ở Sinai và nhóm thực hiện loạt tấn công ở Paris đều là những lực lượng tại chỗ, tự nhận là người của IS do đã được tuyên truyền quá hiệu quả.

Lực lượng tuyên truyền kiểm soát chặt chẽ nội dung của các đoạn phim, thường xây dựng theo hướng "ai hiểu sao cũng được" nhằm tạo ảnh hưởng lên nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Những cảnh chặt đầu, cắt cổ hay hành quyết khác đều được dàn dựng có dụng ý nhằm mục đích răn đe "kẻ thù" ở phương Tây, đồng thời nhằm thu hút thành phần Hồi giáo cực đoan mong muốn thực hiện hành vi khủng bố tàn ác. Còn có những video với nội dung hấp dẫn, mô tả cảnh tượng ở những khu vực do IS kiểm soát tốt đẹp như "thiên đường" nhằm thu hút thành phần ít bạo lực hơn, xem trọng cuộc sống xã hội văn minh. Trong những video này, các "cảnh sát tôn giáo" tươi cười thân thiện nhằm mời gọi những kẻ sùng đạo mù quáng đi theo. Ngay cả khái niệm về "Đế chế Hồi giáo" (Caliphate) cũng mang hai hàm nghĩa. IS lớn mạnh chủ yếu do nó thể hiện sức mạnh quân sự và đặc điểm các vùng đất xa xôi, hẻo lánh, được bảo vệ lỏng lẻo nên dễ đánh chiếm. Còn mặt khác của Đế chế Hồi giáo là một hình ảnh được lý tưởng hóa trên mạng Internet. Và đây chính là sức mạnh thật sự của IS.

Theo các thành viên IS đào tẩu, lực lượng tuyên truyền của IS hiện nay chủ yếu là nhân sự kỳ cựu của bộ máy tuyên truyền Al-Qaeda chuyển sang, cộng với các thành viên trẻ mới tuyển mộ giỏi về công nghệ và kỹ năng truyền thông. Tính tổ chức, kỷ luật của bộ phận này cũng được mang đến từ những thành viên từng làm việc trong các cơ quan nhà nước hay công ty lớn ở phương Tây. Chỉ những đội quay phim được giao nhiệm vụ mới được mang máy quay, và ngay cả họ cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt khi xử lý tư liệu quay. Sau một ngày làm việc, các tay máy camera phải chuyển toàn bộ phim đã quay vào máy vi tính xách tay (laptop), chuyển sang thẻ nhớ USB và giao cho các chỉ huy cao cấp theo quy định.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.