Tiết lộ mới về giấc mơ hạt nhân của Iran

Thứ Sáu, 14/01/2011, 09:20
Cách đây hơn 3 thập niên, trước khi Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo, phương Tây đã từng cố gắng trong tuyệt vọng nhằm ngăn ngừa Vua Reza Pahlavi sở hữu vũ khí hạt nhân. Những tiết lộ mới đây cho thấy cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức nào và tại sao nỗ lực giải trừ hạt nhân của Mỹ gặp thất bại.

Mohammad Reza Pahlavi, vị vua cuối cùng của nền quân chủ Iran là một đồng minh của phương Tây cho nên Mỹ và châu Âu sẵn sàng giúp đỡ ông ta xây dựng không phải một mà là nhiều lò phản ứng hạt nhân. Nhưng kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập vào năm 1979, nước này không còn nhận được sự hào hiệp của Mỹ và phương Tây nữa.

Mới đây, những tài liệu giải mật từ thư viện tổng thống của Carter và Ford, các bộ Quốc phòng, Năng lượng và Ngoại giao cũng như từ Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), cho thấy những cuộc đối đầu hiện nay giữa chính quyền Mỹ và Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng từng xảy ra trong những cuộc thương lượng về hạt nhân với Vua Mohammad Reza Pahlavi ngày xưa.

Chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu năm 1959, với một lò phản ứng nhỏ do Mỹ giúp đỡ xây dựng cho Trường đại học Tehran như là một phần trong chương trình "Nguyên tử cho hòa bình" được Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower tuyên bố vào tháng 12/1953. Thế nhưng điều đó chỉ càng kích thích sự thèm thuồng của vua Iran. Bởi vì, cùng với lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ mang lại và tham vọng của Iran là bá chủ trong khu vực, chương trình hạt nhân đối với vua Pahlavi là biểu tượng cho sự tiến bộ và quyền lực.

Vào năm 1973, ông cho triệu Akbar Etemad, nhà vật lý hạt nhân giỏi lúc đó, đến cung điện nhà vua để bàn bạc về kế hoạch thành lập chương trình hạt nhân cho Iran. Hai tuần sau đó Etemad trình lên Vua Pahlavi tài liệu 13 trang do ông soạn thảo. Vua Pahlavi tức tốc ra lệnh cho thủ tướng cung cấp tài chính cho dự án hạt nhân hao tốn nhiều tiền bạc này.

Kế hoạch của Vua Pahlavi là thành lập "nền kỹ nghệ năng lượng hạt nhân chính thức", sản xuất 23.000 MW điện năng cho đất nước. Năm 1977, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) đã có hơn 1.500 nhân viên - những người mà theo lệnh của nhà vua được phép trở thành những cán bộ chính quyền được trả lương cao nhất.

Vua Pahlavi sắp xếp cho các chuyên gia hạt nhân của ông được huấn luyện trên khắp thế giới (bao gồm 20 triệu USD cho sự nghiệp huấn luyện ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ), đầu tư tiền bạc vào công cuộc tìm kiếm những quặng mỏ uranium ở Iran và khắp hành tinh, và thành lập một số trung tâm nghiên cứu hạt nhân trên khắp đất nước Iran. Trong thời gian này, AEOI là một trong những cơ quan tài trợ mạnh nhất cho chương trình đầy tham vọng của Vua Pahlavi.

Năm 1976, ngân sách dành cho những chương trình liên quan đến hạt nhân đã lên đến 1,3 tỉ USD, đứng sau ngân sách dành cho công ty dầu mỏ duy nhất và lớn nhất của đất nước. Trong khi Đức và Pháp háo hức bán cho Vua Pahlavi những lò phản ứng theo yêu cầu thì Mỹ ban đầu tỏ vẻ không muốn bán bất cứ thứ gì liên quan đến hạt nhân cho Iran. Công ty Đức Kraftwerk ký kết hiệp ước đầu tiên với Iran để xây dựng lò phản ứng Bushehr hiện đang được thế giới biết đến.

Lò phản ứng hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 1981 với kinh phí khoảng 3 tỉ USD. Do việc lò phản ứng Bushehr nằm trong khu vực nguy hiểm thường dễ gặp động đất mạnh, nên tiền bạc tiếp tục đổ vào việc bảo vệ cho nó. Trong khi đó, những công ty Mỹ bị cấm ký hợp đồng cung cấp lò phản ứng cho Iran cho đến khi mối lo ngại về mọi ý đồ của Vua Pahlavi được giải tỏa.

Mặc dù đã ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - trong đó yêu cầu những quốc gia tham gia Hiệp ước Không phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - nhưng Vua Pahlavi vẫn không giấu được tham vọng sở hữu một quả bom nguyên tử khi đặc biệt quan tâm đến chương trình xử lý plutonium - cách nhanh hơn để chế tạo bom hạt nhân so với uranium làm giàu.

Tháng 2/1974, sau khi ký Hiệp ước Pháp - Iran hợp tác làm giàu uranium, Vua Pahlavi nói với tờ báo Pháp Le Monde rằng, chẳng bao lâu nữa Iran sẽ sở hữu một quả bom hạt nhân. Lời nói của Pahlavi được coi như là phản ứng trước việc Ấn Độ thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1974. Sau đó có lẽ nhận thức được hậu quả của lời nói này, Pahlavi đã ra lệnh cho Tòa đại sứ Iran ở Pháp đưa ra tuyên bố rằng, những câu chuyện về kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Iran là "hoàn toàn hư cấu và không hề có bất cứ cơ sở nào".

Khi truyền đạt thông điệp của Pahlavi, Tòa đại sứ Mỹ ở Tehran một lần nữa cam đoan với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, vua Iran "chắc chắn chưa nghĩ đến việc rời khỏi NPT hay gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí hạt nhân". Cho dù cố gắng trấn an Washington về những ý định của mình, nhưng Vua Pahlavi cũng cho biết nếu bất cứ quốc gia nào trong khu vực phát triển vũ khí hạt nhân thì Iran cũng sẽ có hành động tương tự - theo những tài liệu được giải mật về những bàn luận giữa Pahlavi với đại sứ Mỹ.

Lò phản ứng hạt nhân Bushehr của Iran.

Theo tài liệu giải mật của Bộ Quốc phòng và Năng lượng, lúc đó Washington đặc biệt lo lắng đối với "sản lượng plutonium hàng năm từ chương trình năng lượng hạt nhân Iran với kế hoạch 23.000 MW, tương đương với 600 đến 700 đầu đạn hạt nhân". Cuối cùng, vào tháng 6/1974, Mỹ quyết định bán cho Tehran một số lò phản ứng hạt nhân với điều kiện phải có sự giám sát hai bên cộng với sự có mặt của lực lượng bảo vệ quốc tế.

Trong nhận thức của các quan chức Mỹ, lực lượng bảo vệ này không chỉ do mối lo ngại về những ý định của Vua Pahlavi, mà còn nhằm ngăn ngừa nguy cơ những cá nhân chống đối trong nước cũng như bọn khủng bố nước ngoài đánh cắp bất kỳ chất liệu hạt nhân đặc biệt nào được cất giữ ở Iran để sử dụng chế tạo bom hạt nhân. Khi đó Iran thỏa thuận với các công ty của Đức và Pháp để xây dựng 4 nhà máy năng lượng hạt nhân và thêm 8 nhà máy khác với Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ sẵn lòng bán số lò phản ứng của mình mà còn khích lệ Bechtel Corporation thuyết phục Vua Pahlavi đầu tư 300 triệu USD để cùng sở hữu cơ sở làm giàu uranium ở Mỹ. Những đề nghị này được đưa ra sau khi Vua Pahlavi chấp thuận các điều kiện giám sát chương trình xử lý plutonium của Mỹ - một trong những mối lo ngại đặc biệt của Washington.

Mặc dù nhiệt tình đưa ra những cam kết, nhưng Vua Pahlavi vẫn dứt khoát bác bỏ trao cho người Mỹ quyền phủ quyết đối với việc tái xử lý nhiên liệu do Mỹ cung cấp. Khi những cuộc thương lượng về các vấn đề này cứ kéo dài và dường như đi đến ngõ cụt cũng như việc Vua Pahlavi cứ khăng khăng không chấp thuận cho Mỹ bất cứ quyền phủ quyết nào, Bộ Quốc phòng Mỹ khuyên Washington nên xem xét lại chính sách cứng rắn của mình mà chấp nhận những yêu cầu của Vua Pahlavi. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng bày tỏ mối lo ngại sự bất mãn của Pahlavi về vấn đề có thể dẫn đến một đe dọa "đầu độc những lĩnh vực khác trong quan hệ Mỹ - Iran".

Trước sự việc Pháp và Đức sẵn sàng bán cho Tehran những gì mà Mỹ ngăn cấm, và việc Iran có những động thái cho thấy sẽ hợp tác với Ấn Độ trong chương trình hạt nhân, Mỹ càng buộc phải khẩn cấp xem xét lại chính sách của mình. Tổng thống Gerald Ford, và sau này là người kế nhiệm Jimmy Carter, đồng ý giúp đỡ Iran nhưng với điều kiện mối lo ngại của Mỹ phải được giải tỏa. Cuối cùng, dưới thời chính quyền Carter, Vua Pahlavi đã tìm cách chứng tỏ cho thấy ông ta không tìm kiếm vũ  khí hạt nhân - như là cho dừng những cơ sở xử lý plutonium.

Năm 1978, Washington cho phép các công ty Mỹ bán những lò phản ứng cho Iran. Nhưng vào thời gian này, những dấu hiệu đầu tiên về sự bất ổn chính trị trong nước đã xuất hiện lờ mờ ở Tehran. Do đó Vua Pahlavi bắt đầu quan tâm đến cuộc khủng hoảng trong nước hơn là những cuộc thương lượng hạt nhân. Chính bối cảnh rối ren này đã tạo cơ hội cho những thế lực Hồi giáo nổi dậy và mở đường cho sự thành lập một nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Chẳng bao lâu sau khi Ayatollah Ruhollah Khomeini lên nắm quyền lực, ông ra lệnh mọi hoạt động trong chương trình hạt nhân của Iran phải dừng lại. Song lúc đó phương Tây càng hoài nghi những ý định của Iran hơn nữa.

Sự rạn nứt quan hệ ngoại giao lộ ra khi phương Tây biết được người Iran đã cho xây dựng ở Natanz một cơ sở làm giàu uranium cùng với 50.000  thiết bị ly tâm. Còn Mỹ bị phương Tây buộc tội là có thái độ lập lờ trong chính sách hạt nhân với Iran. Đồng thời thế giới hoài nghi Iran xây dựng lò phản ứng Bushehr nhằm cố gắng khôi phục lại chương trình hạt nhân đầy tham vọng trong quá khứ

Diên San (tổng hợp)
.
.