Hé lộ chương trình theo dõi quan chức cao cấp nước ngoài của New Zealand

Thứ Tư, 06/05/2015, 14:50
Nằm trên con đường Great South ở vùng ngoại ô Grenlane của thành phố Auckland New Zealand là Lãnh sự quán Trung Quốc - tòa nhà hiện đại ẩn sau những hàng cây nhỏ. Tòa nhà màu xám nhỏ hơn nằm cách đó không xa, đối diện một quán cà phê, là Văn phòng Visa Trung Quốc. Và nằm giữa 2 tòa nhà thuộc quyền Trung Quốc này là đường liên kết dữ liệu được sử dụng để truyền tải những cuộc giao tiếp điện tử của các nhà ngoại giao nước này.

Năm 2013, Cơ quan An ninh Viễn thông Chính phủ New Zealand (GCSB) ngấm ngầm triển khai chương trình gián điệp tuyệt mật gọi là "Frostbite" để xâm nhập đường liên kết dữ liệu này. Chiến dịch hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chống đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của New Zealand được coi là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thủ tướng John Phillip Key - theo các tài liệu mật của cựu nhân viên NSA Edward Snowden được tờ Herald on Sunday của New Zealand tiết lộ.

Thu thập dữ liệu từ đường truyền tải thông tin giữa hai tòa nhà

Một tài liệu năm 2013 của NSA đặt "hồ sơ Trung Quốc" lên đầu bảng danh sách các mục tiêu ưu tiên được GCSB giám sát nhằm hỗ trợ cho NSA. Tài liệu xác định: "GCSB tiếp tục là tổ chức đặc biệt hữu ích có khả năng cung cấp cho NSA giám sát những khu vực và quốc gia mà NSA khó thể xâm nhập".

Các tài liệu do tờ Herald on Sunday tiết lộ cho thấy chính sách 2 mặt của chính quyền New Zealand đối với Trung Quốc và từ đó làm nảy ra những câu hỏi về việc GCSB có thật sự vi phạm các hiệp ước quốc tế cấm nghe lén những cuộc giao tiếp của các nhà ngoại giao hay không. Trong khi đó, chính quyền New Zealand công khai tuyên bố mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc có tính quyết định cho tương lai kinh tế New Zealand.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết ở Bắc Kinh năm 2008 (sau 15 vòng đàm phán kéo dài hơn 3 năm), kim ngạch trao đổi thương mại 2 chiều của New Zealand và Trung Quốc đạt 20 tỉ USD/năm và đang tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn chưa thật sự bền vững. Ví dụ, những mối quan ngại như vụ bê bối sữa bột nhiễm khuẩn Fonterra của New Zealand đã tác động xấu đến mối quan hệ giữa hai quốc gia. Và một lần nữa, mối quan hệ hai nước có nguy cơ xấu đi khi hoạt động gián điệp Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland của GCSB bị phơi bày.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser.

Chiến dịch gián điệp phối hợp giữa GCSB - NSA được tiết lộ trong tập tài liệu có tựa đề "Những hoạt động của NSA đang tiếp diễn" năm 2013. Chương về New Zealand trong tài liệu mang đề mục "New Zealand: Nỗ lực phối hợp để khai thác đường liên kết MFA (Bộ Ngoại giao) Trung Quốc" - đề cập đến chiến dịch gián điệp giữa 2 tòa nhà thuộc Trung Quốc trên con đường Great South.

Theo một tài liệu khác của NSA, tháng 4/2013, GCSB đã "nhận dạng đường liên kết dữ liệu MFA giữa Lãnh sự quán Trung Quốc và Văn phòng Visa Trung Quốc ở Auckland". Do NSA và GCSB giữ tuyệt mật khung thời gian diễn ra chiến dịch "Frostbite" cho nên các tài liệu của Edward Snowden tiết lộ không cho biết chương trình này đã hoàn tất hay chưa.

Phía New Zealand đặt tên cho chiến dịch gián điệp này là "Dự án Frostbite của GCSB", còn NSA gọi là "Dự án Basilhayden".

Theo tài liệu tháng 4/2013, GCSB cung cấp dữ liệu về Lãnh sự quán Trung Quốc và chuyển đến cho TAO - Chiến dịch Truy cập tùy biến, đơn vị hacker của NSA chịu trách nhiệm xâm nhập các hệ thống máy tính và các mạng toàn cầu như là đường liên kết dữ liệu để thu thập tín hiệu của những cuộc giao tiếp điện tử và dữ liệu.

Tài liệu NSA về chương trình gián điệp lãnh sự quán Trung Quốc ở New Zealand.

Một bài báo đăng tải trên tạp chí Foreign Policy năm 2013 cho biết TAO đã xâm nhập thành công các hệ thống viễn thông và máy tính của Trung Quốc từ 15 năm qua - hoạt động được NSA gọi là Khai thác mạng máy tính, hay CNE. Tác giả bài báo này là Matthew Aid, chuyên gia tình báo Mỹ và là tác giả cuốn sách về NSA "The Secret Sentry: The Untold History of The National Security Agency" (tạm dịch: Canh gác bí mật: Câu chuyện chưa kể về Cơ quan An ninh Quốc gia").

Vai trò của GCSB trong các hoạt động xâm nhập máy tính ít được biết đến hơn so với NSA. Trước đây ít có người biết đến sự tồn tại của một đơn vị hacker bí mật bên trong trụ sở GCSB ở Wellington gọi là Ban Chiến dịch với nhiệm vụ phân tích mạng. Có lẽ, chính Ban Chiến dịch của GCSB nghiên cứu các cơ sở của Lãnh sự quán Trung Quốc và tìm thấy đường liên kết dữ liệu của các nhà ngoại giao nước này.

Được biết, New Zealand đã ký kết Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao (VCDR) năm 1961 và Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự (VCCR) năm 1963 - các thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ "tính bất khả xâm phạm" của các lãnh sự và các giao tiếp liên lạc của họ. Điều đó cho thấy New Zealand đã vi phạm 2 công ước quốc tế.

Gián điệp các ứng cử viên chức Tổng Giám đốc WTO

Không chỉ có "Dự án Frostbite", các tài liệu tuyệt mật của Edward Snowden còn cho thấy một chương trình khác gọi là "Dự án WTO" của New Zealand mục tiêu nhằm vào các ứng cử viên giành chiếc ghế tổng giám đốc (WTO).

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser chính là một trong 9 ứng cử viên sáng giá cho vị trí tổng giám đốc WTO, tổ chức quốc tế quyền lực đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ với chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Ông Roberto Carvalho de Azevêdo, tân Tổng Giám đốc WTO.

Hoạt động gián điệp của GCSB là một phần trong nỗ lực giúp Tim Groser giành được chiếc ghế tổng giám đốc WTO theo mong muốn của chính quyền New Zealand. Nhưng cuối cùng Tim Groser vẫn thất bại.

Tài liệu tuyệt mật mà tờ New Zealand Herald có được tiết lộ GCSB đã sử dụng hệ thống giám sát Internet của NSA - XKEYSCORE -  để thu thập thông tin về những cuộc giao tiếp điện tử của các ứng cử viên WTO.

XKEYSCORE được sử dụng để phân tích hàng tỉ email, hoạt động duyệt web và trò chuyện trực tuyến được "thu gom" từ khoảng 150 địa điểm trên toàn thế giới.

GCSB được quyền truy cập XKEYSCORE bởi vì New Zealand là thành viên của liên minh tình báo sử dụng tiếng Anh "Five Eyes" cùng với Mỹ, Anh, Canada và Australia.

Với sự hỗ trợ từ XKEYSCORE, GCSB dễ dàng thu thập thông tin từ khối lượng khổng lồ email và các dạng giao tiếp điện tử khác của các ứng cử viên WTO.

Bà Una Jagose, Quyền Giám đốc GCSB (bên trái).

Hồ sơ về WTO của GCSB ngừng lại với ngày "sửa đổi cuối cùng" là 6/5/2013, tức khoảng một tuần trước có quyết định chính thức ai sẽ là tân tổng giám đốc WTO .

"Dự án WTO" của GCSB gồm 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, GCSB giám sát email của 8 ứng cử viên gồm: Alan John Kwadwo Kyerematen (Ghana), Amira Mohamed (Kenya), Anabel Gonzalez (Costa Rica), Herminio Blanco (Mexico), Mari Elka Pangestu (Indonesia), Taeho Bark (Hàn Quốc), Ahmad Thougan Hindawi (Jordan) và Roberto Carvalho de Azevêdo (Brazil).

Thứ hai, GCSB nhắm riêng vào Pangestu, cựu Bộ trưởng Thương mại và chuyên gia kinh tế người Indonesia, do đặc biệt lo ngại ứng cử viên này sẽ vượt trội hơn Tim Grose. Không chỉ giám sát email của Pangestu, GCSB còn tập trung gián điệp mọi giao tiếp trên Internet có tên "Pangestu" cũng như các từ khóa "Indonesia", "WTO" và "candidacy" (sự ứng cử).

Toàn bộ các thông điệp đánh chặn tín hiệu sau đó được chuyển đến "bộ phận đảm trách thương mại" của GCSB để phân tích. Ứng cử viên Hàn Quốc Taeho Bark cho biết, ông không hề biết mình là mục tiêu gián điệp và riêng ông cũng không nhận được sự hỗ trợ của cơ quan tình báo trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng ông dự đoán các ứng cử viên khác có lẽ sẽ rất khó chịu trước tiết lộ về "Dự án WTO" của GCSB đặc biệt là Pangestu!

Hiện nay, ông Taeho Bark là viện sĩ Đại học Quốc gia Seoul và đại sứ về kinh tế và thương mại quốc tế cho Hàn Quốc.

Bà Meredith Kolsky Lewis, chuyên gia luật kinh tế quốc tế chuyên về WTO, nói rằng bà "rất sốc" trước tin New Zealand gián điệp email của các ứng cử viên.

Andrew Little, lãnh đạo đảng Lao động New Zealand, chỉ trích mạnh mẽ "Dự án WTO" của GCSB đồng thời mô tả nó là "hoàn toàn bất hợp pháp".

Bà phát biểu: "Điều đó thật là xúc phạm. Tôi cho đó là hành động lạm quyền của các cơ quan an ninh và tình báo của đất nước chúng tôi. Đối với tôi, điều đó nằm ngoài trách nhiệm của GCSB. Không có gì phải làm với các mối đe dọa an ninh cả".

"Dự án WTO" bắt đầu hình thành vào cuối năm 2012 khi Tim Groser được đề cử cho vị trí tổng giám đốc WTO.

Cuốn sách "The Secret Sentry" của Matthew Aid.

Trong nỗ lực tranh cử của mình, Bộ trưởng Thương mại New Zealand tiến hành chiến dịch vận động hành lang để tranh thủ sự ủng hộ từ các thành viên của Đại hội đồng WTO bao gồm đại diện từ 160 quốc gia trên thế giới.

Tim Groser cũng liên tục du hành khắp châu Âu, Mỹ, châu Phi, các đảo quốc vùng Caribe và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Tim Groser đã không thành công và cuối cùng ứng cử viên Roberto Carvalho de Azevêdo của Brazil trở thành tân Tổng giám đốc WTO vào ngày 14/5/2013. Ngay sau đó, Thủ tướng New Zealand John Key đã không giấu được nỗi thất vọng lớn lao của mình.

Vào lúc "Dự án WTO" được triển khai, John Key là người chịu trách nhiệm về GCSB cho nên câu hỏi đặt ra là liệu ông có biết về hoạt động gián điệp giúp Tim Groser của GCSB và sau đó có biện pháp trừng phạt hay không.

Người phát ngôn cho Thủ tướng John Key chỉ tuyên bố: "Các cơ quan tình báo New Zealand đã và sẽ tiếp tục có đóng góp đáng kể vào việc duy trì an ninh quốc gia và an ninh cho người New Zealand trong cũng như ngoài nước".

Về phần mình, Tim Groser nhấn mạnh: Chính phủ sẽ không bàn luận về "những thông tin rò rỉ như thế" bởi vì chúng "thường sai lệch và cố tạo ra sự tổn hại chính trị".

Còn bà Una Jagose, quyền Giám đốc GCSB được bổ nhiệm vào ngày 28/2/2015, thì: "GCSB tồn tại để bảo vệ New Zealand và người New Zealand. Chúng tôi có sự ủy quyền về tình báo nước ngoài. Chúng tôi không bình luận về những vấn đề có thể hay không có thể xảy ra. Mọi chuyện chúng tôi làm đều hoàn toàn được phép và luôn tuân thủ sự giám sát độc lập".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.