Tiết lộ mới về kế hoạch tác chiến hạt nhân của Lầu Năm Góc

Thứ Sáu, 06/01/2006, 13:21

Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ (National Security Archive) vừa cho công bố 29 tài liệu vừa hết thời hạn bảo mật dựa theo điều khoản "Tự do thông tin" của luật pháp liên bang. Tất cả số tài liệu này mô tả việc Mỹ âm mưu chuẩn bị một cuộc chiến tranh hạt nhân chống Liên Xô.

Tài liệu đầu tiên soạn thảo những kịch bản chiến tranh hạt nhân của Mỹ đã xuất hiện từ cuối năm 1945, ngay sau khi Mỹ trở thành quốc gia “độc quyền” về bom nguyên tử. Ngày 14/12, Ủy ban Kế hoạch quân sự thống nhất đã ra Chỉ thị số 432/D, trong đó đặt ra nhiệm vụ chuẩn bị các đòn tấn công hạt nhân vào khoảng 20 trung tâm hành chính - công nghiệp lớn của Liên Xô.

Tháng 12/1960, JCS đã thông qua phương án đầu tiên của Kế hoạch tác chiến hợp thành đơn phương (SIOP - Single Integrated Operational Plan) – SIOP trong năm tài chính 1962, trong đó có liệt kê một danh sách các mục tiêu trên lãnh thổ các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warsaw sẽ phải chịu đòn tấn công hạt nhân của Mỹ, với đa phần trong số này thuộc về Liên Xô. Một vài mục tiêu trong danh sách này là ở Trung Quốc và một số quốc gia khác được coi là đồng minh của Liên Xô. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, hậu quả của những đòn tấn công này có thể gây ra cái chết của khoảng từ 360 đến 525 triệu người.

Tuy nhiên, Tổng thống Kennedy khi vừa bước chân vào Nhà Trắng đã bãi bỏ ngay kế hoạch này vì cho rằng có nhiều chi  tiết “thừa”. Ông ta chỉ thị cho Robert McNamara (khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng) phải chuẩn bị một phương án tối ưu hơn với quan điểm phải đạt được cả những mục tiêu về chính trị và quân sự. Trong thời kỳ làm ông chủ Lầu Năm Góc, McNamara đã cho tổ chức một loạt những nghiên cứu khác nhau nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân theo quan điểm “tấn công trước để ngăn ngừa”.

Với việc Richard Nixon lên cầm quyền, chiến lược hạt nhân của Mỹ đã có bước thay đổi về căn bản. Ngày 27/1/1969, tức là chỉ một tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống mới của nước Mỹ đã có mặt tại Lầu Năm Góc, tới Trung tâm chỉ huy quốc gia để làm quen với các tình huống chính của kế hoạch SIOP. Nội dung chính của chuyến thăm này, chủ yếu là bàn về việc đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phiên bản của kế hoạch SIOP mới, theo yêu cầu của Nixon, phải chuẩn bị được đầy đủ mọi phương án, trong đó có khả năng Liên Xô tấn công trước. Nước Mỹ phải chuẩn bị sẵn đòn đánh trả với 3.018 quả bom nguyên tử và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Ước tính của người Mỹ cho rằng, trong cuộc chiến này cả hai bên sẽ thiệt hại tổng cộng hơn 80 triệu người, trong đó riêng Liên Xô mất khoảng 40% dân số.

Nghiên cứu những tình huống chính trong kế hoạch SIOP của những người tiền nhiệm, Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger đã bàn bạc tìm kiếm những phương án nhằm giảm bớt mức độ tổn thất về người, đồng thời đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự bằng những cách “mềm dẻo” hơn. Sau khi có được đầy đủ thông tin về những hậu quả thảm họa có thể xảy ra trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường, Kissinger đã đưa ra một ý tưởng mới - xây dựng các kịch bản của những đòn tấn công hạn chế.

Học thuyết mới này được coi là cơ sở của Nhà Trắng để giải quyết các mục tiêu chính trị bằng phương tiện ngoại giao, còn trong trường hợp không thể tránh khỏi xung đột cần phải đảm bảo kiểm soát được việc leo thang sử dụng vũ khí hạt nhân với mục đích ngăn ngừa một thảm họa toàn cầu.

Cho dù Henry Kissinger cũng có được một vài người ủng hộ tại Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ (nơi kiểm soát phần lớn kho vũ khí hạt nhân), đa phần các tướng lĩnh đều tỏ ý hoài nghi đối với những kế hoạch này của ông ta. Một số quan chức cho rằng, chỉ có đòn tấn công ồ ạt mới có thể ngăn ngừa được cuộc chiến hạt nhân. Còn một số khác thì khẳng định, không thể kiểm soát được sự tiến triển của một xung đột hạt nhân trên thực tế.

Dù sao đến năm 1971, Mỹ cũng chính thức thông qua chiến lược “đòn đe dọa trên thực tế”. Tới thời điểm đó, các tiềm năng hạt nhân của Mỹ và Liên Xô đang ở mức tương đương nhau. Đó là lý do khiến Nhà Trắng đặt ra nhiệm vụ phải đạt được ưu thế so với Liên Xô về vũ khí hạt nhân. Mỹ đã ra sức đẩy mạnh phát triển các công nghệ tên lửa, tập trung vào loại tên lửa liên lục địa có nhiều đầu đạn dẫn hướng riêng. Kết quả là chỉ trong vòng 5 năm, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã tăng từ 5.100 đến 8.500 đơn vị.--PageBreak--

Nội dung của kế hoạch SIOP theo đó cũng có những biến đổi với phiên bản thứ tư có tính toán đến sự phối hợp của cả 3 thành phần có trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Bản kế hoạch này đã đưa vào tầm ngắm khoảng 16.000 mục tiêu khác nhau trên lãnh thổ Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác trong khối Hiệp ước Warsaw - trong đó có một số mục tiêu cần phải được xóa sổ hoàn toàn.

Những kế hoạch tiến hành chiến tranh hạt nhân của Mỹ vẫn tồn tại cho tới ngày nay và được Lầu Năm Góc chuẩn y theo nhiều phương án khác nhau - cụ thể như các xung đột trên phương diện toàn cầu hay một khu vực cụ thể có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo một số nguồn tin, hàng năm, Lầu Năm Góc chuẩn bị trung bình khoảng 70 kế hoạch khác nhau, 48 trong số đó thường là kế hoạch tác chiến của quân đội trong nhiều tình huống. Thay thế cho kế hoạch SIOP trước đây là kế hoạch tiến hành chiến tranh hạt nhân toàn cầu mang tên OPLAN 8044.

Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ là nơi chịu trách nhiệm soạn thảo kế hoạch OPLAN 8044. Ngoài ra, cơ quan này còn đảm trách xây dựng các kế hoạch về những đòn tấn công thông thường và hạt nhân nhằm vào CHDCND Triều Tiên và Iran (CONPLAN 8022), kế hoạch phòng thủ chống tên lửa (CONPLAN 8055) cũng như kế hoạch tiến hành chiến tranh thông tin.

Hiện nay, việc soạn thảo những kịch bản có thể xảy ra của các đòn đánh hạt nhân được thực hiện trong khuôn khổ Mạng phân tích và lập kế hoạch chiến lược (ISPAN - Integrated Strategic Planning and Analysis Network). Trong giai đoạn 2004-2005, Lầu Năm Góc đã chi gần 27 triệu USD để hiện đại hóa hệ thống này, và trong 5 năm tới dự định sẽ đầu tư vào đây khoảng 80 triệu USD nữa.

Khi công bố những tài liệu vừa được giải mật trên, Cơ quan lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ còn khẳng định, nhiều chi tiết về các kế hoạch của Mỹ chuẩn bị cho khả năng của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba vẫn còn nằm trong chế độ bảo mật trong một thời gian dài nữa

Hồng Sơn (theo Bình luận quân sự độc lập)
.
.