Tiết lộ về hoạt động của tình báo New Zealand tại Bangladesh

Thứ Năm, 28/06/2018, 20:22
Một loạt hồ sơ tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị tiết lộ trên báo chí cho thấy Cục An ninh truyền thông chính phủ (GCSB) của New Zealand đã từng hỗ trợ NSA trong việc theo dõi, thu thập thông tin về người dân Bangladesh trong nỗ lực chống khủng bố toàn cầu giai đoạn sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001.

Hồ sơ NSA đã thể hiện rõ GCSB đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động do thám điện tử tại Bangladesh. Tờ báo New Zealand Herald hợp tác với tạp chí The Intercept của Mỹ đưa ra nhận định trên dựa theo thông tin có được từ các tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden cung cấp.

Một trong những tài liệu nêu trên là một báo cáo tình báo của NSA vào tháng 4-2013 liên quan đến quan hệ hợp tác tình báo giữa Mỹ và New Zealand, nhan đề “Mối quan hệ của NSA với New Zealand”. Trong phần nói về “Những thông tin đối tác cung cấp cho NSA”, báo cáo viết rằng “GCSB là cơ quan tình báo hàng đầu về các mục tiêu chống khủng bố tại Bangladesh kể từ năm 2004”. GCSB “cung cấp một trong những nguồn tin tình báo tín hiệu quan trọng nhất về hoạt động chống khủng bố ở Bangladesh cho cộng đồng tình báo Mỹ” – báo cáo viết.

Những quả cầu chứa ăng-ten bắt sóng vô tuyến mà GCSB dùng trong hoạt động nghe lén toàn cầu.

Bên cạnh NSA, thông tin tình báo của GCSB còn được chia sẻ cho các cơ quan tình báo nước ngoài khác, kể cả cơ quan tình báo quốc gia của chính Bangladesh. Trong những năm gần đây, các nhóm vận động vì quyền con người đã vài lần tung ra báo cáo về tình trạng các cơ quan an ninh và tình báo Bangladesh phớt lờ các điều ước quốc tế cấm tra tấn, đồng thời còn tham gia nhiều vụ giết người vì động cơ chính trị. Vào năm 2014, chính phủ Bangladesh cũng đã từng bị kiện lên Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye với cáo buộc phạm tội chống lại loài người.

Trên thực tế, Bangladesh chỉ là một quốc gia bình thường, không phải là mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại của New Zealand. Website của Bộ Ngoại giao New Zealand khẳng định quan hệ giữa New Zealand và Bangladesh vẫn duy trì thân thiện, mặc dù giữa hai nước rất hạn chế hợp tác.

Tuy vậy, một nguồn tình báo khẳng định Bangladesh là mục tiêu quan trọng của ICT, một trong 4 bộ phận do thám của GCSB, và đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan này suốt hơn 10 năm qua. ICT được thành lập vào tháng 4-2002 nhằm mục đích đáp ứng tình hình thế giới sau sự kiện 11-9, đó là chống khủng bố. Dự án tình báo tại Bangladesh bắt đầu được triển khai từ năm 2003, dưới thời Thủ tướng Helen Clark. New Zealand buộc phải chấp nhận những yêu cầu hỗ trợ tình báo của Mỹ như một hành động bù đắp, bởi vì nước này đã từ chối đưa quân đội tham gia cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

Báo cáo tình báo 2013 của NSA xác định thời điểm triển khai dự án là năm 2004, nhưng một sĩ quan tình báo của NSA đã biết một báo cáo tóm tắt về GCSB vào tháng 12-2003 trong đó ghi nhận rằng GCSB đã “đóng góp vào cuộc chiến chống khủng bố bằng cách báo cáo về hoạt động của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại địa bàn Bangladesh và Miến Điện.

Một tài liệu tình báo khác từ năm 2009 đã cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động tình báo tại Bangladesh đã diễn ra như thế nào. Tài liệu này nói rõ rằng các nhân viên tình báo thuộc OCR (Đội Phát triển tình báo tín hiệu), một đơn vị của GCSB, đã tham gia vào việc vạch kế hoạch hoạt động tình báo. Có vẻ như GCSB không trực tiếp thực hiện việc can thiệp viễn thông và thu thập dữ liệu, thay vì thế sử dụng thiết bị do thám do một cơ quan tình báo đồng minh cung cấp. Tài liệu 2009 cũng tiết lộ rằng GCSB có một địa điểm thu thập tình báo đặc biệt đặt tại thủ đô Dhaka của Bangladesh để nghe lén các giao tiếp viễn thông của người dân địa phương. Tài liệu NSA đưa ra dự đoán rằng địa điểm thu thập tình báo này ắt hẳn nằm bên trong một toà nhà do người Mỹ kiểm soát.

Báo cáo 2009 tiết lộ rằng việc thu thập qua tin nhắn điện thoại di động vẫn tiếp tục được triển khai tại Bangladesh, với sự mở rộng của chương trình mang tên Dhaka F6, vốn là chương trình phối hợp của NSA và CIA nhằm nghe lén các giao dịch viễn thông xung quanh các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài.

Báo cáo cho biết, vị trí nghe lén bí mật chủ yếu được GCSB sử dụng để can thiệp nghe lén cuộc gọi di động. Thông tin tình báo sau đó được GCSB chia sẻ với các cơ quan tình báo nước ngoài. Báo cáo tháng 4-2013 của NSA nói rằng báo cáo chống khủng bố tại Bangladesh của GCSB cung cấp những thông tin đầu mối duy nhất giúp cho hoạt động phối hợp chống khủng bố của CIA, Cơ quan Tình báo quốc gia Bangladesh (BSIS) và Ấn Độ đạt được thành công trong năm qua.

Bangladesh có một số cơ quan tình báo khác nhau, ngoài BSIS còn có Tổng cục Tình báo các lực lượng (DGFI), Cục Tình báo An ninh quốc gia (NSI) và Tiểu đoàn phản ứng nhanh (RAB). Các đơn vị này đều tham gia vào hoạt động chống khủng bố của nhà nước, đồng thời hợp tác với các cơ quan tình báo nước ngoài, như GCSB của New Zealand trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, cũng giống như CIA, hoạt động của các cơ quan này đã gây ra tai tiếng và những lời cáo buộc từ các tổ chức bảo vệ quyền con người.

Chẳng hạn, năm 2008, tổ chức Human Rights Watch đã tố cáo BSIS đã sử dụng tổng hành dinh của một đơn vị đặc nhiệm để tra tấn nghi can khủng bố. Năm 2010, một nhà hoạt động nghiệp đoàn tố cáo NSI đã bắt bớ, tra tấn và dọa giết ông. Hai năm sau, người ta phát hiện nhà hoạt động này chết một cách bất thường.

Tháng 2-2017, NSA đã tạm dừng hợp tác với RAB của Bangladesh để phản đối những vi phạm quyền con người. Riêng GCSB dường như không quan tâm những cáo buộc của các tổ chức nói trên và tiếp tục hợp tác với tình báo Bangladesh.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.