Tiết lộ về nguôn tài chính của Wikileaks

Thứ Tư, 07/08/2013, 13:00

Số tiền dùng để duy trì cuộc sống bí mật của hai nhân vật đặc biệt bị truy nã quốc tế gắt gao - Edward Snowden và Julian Assange - thật không nhỏ chút nào. Nhưng thật may mắn cho Wikileaks, tiếng tăm như sóng cồn hiện nay của Edward Snowden đã giúp tổ chức chuyên tiết lộ thông tin mật này gom góp được khá bộn tiền từ nhiều nguồn ủng hộ.

Kể từ khi Wikileaks quyết định gánh vác trách nhiệm cùng với Edward Snowden, tổ chức này nhận được rất nhiều tiền quyên góp từ những người ủng hộ “người thổi còi” sau khi tiết lộ những thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Wikileaks khao khát đến từng đồng đôla để có thể tồn tại trong bóng tối, đồng thời để chi trả cho những vụ rắc rối liên quan đến luật pháp cũng như hỗ trợ cuộc sống của người sáng lập Julian Assange và bây giờ là Edward Snowden.

Tuy nhiên, Assange cũng thừa nhận một thực tế hết sức phi lý - tổ chức này trong khi luôn nỗ lực tìm kiếm sự minh bạch từ các chính quyền trên thế giới, lại có những sự bất minh trong vấn đề quản lý các nguồn tài chính quyên góp để hoạt động lâu dài.

Những khoản tiền mà Wikileaks gom góp được - gần 90.000 USD trong năm 2012, với thêm khoảng 1.300 USD/ngày kể từ khi tổ chức quyết định che chở Edward Snowden - đến từ rất nhiều tổ chức và cá nhân khác nhau trên khắp thế giới, trong đó một số người chỉ đóng góp vài USD với mong muốn thế giới trở nên minh bạch hơn.

Mặc dù vậy, Julian Assange và đội quân bí mật của anh luôn nói rằng, họ cần nhiều tiền quyên góp hơn nữa bởi vì họ thường xuyên cảm thấy túng thiếu đến mức mang nợ. Tuy nhiên, những người đóng góp tiền bạc ủng hộ tổ chức này gần như không thể biết được đồng tiền của họ được sử dụng như thế nào, cũng như tuôn chảy vào đâu.

Ngoài Assange và Snowden, tổ chức này còn tìm kiếm nguồn tài chính để giúp đỡ Bradley Manning, binh sĩ Mỹ bị buộc tội cung cấp các tài liệu mật của chính quyền cho Wikileaks. Nhưng, kể từ khi Wikileaks bị một số công ty dịch vụ tài chính lớn như Visa, PayPal, Western Union, Bank of America và mới đây nhất là MasterCard tước mất khả năng trực tiếp thu tiền quyên góp, việc đóng góp cho tổ chức buộc phải thông qua nhiều kênh khác nhau.

Quản lý chính nguồn tiền quyên góp của Wikileaks là Wau Hooland Foundation (tiếng Đức là Wau Hooland Stiftung, WHS), một nhóm hacker thành lập năm 2001 bởi các thành viên của German Chaos Computer Club - một trong những nhóm hacker lâu đời nhất thế giới ở Đức - và bắt đầu chính thức hoạt động từ năm 2003. 3 năm sau, trang web Wikileaks mới xuất hiện và lúc đó Julian Assange còn tiếp xúc với nhóm hacker.

Tiền quyên góp cho Julian Assange và Edward Snowden đến từ khắp nơi trên thế giới.

Bernd Fix, một thành viên sáng lập Wau Holland, nói: "Lúc đó, Julian Assange còn là một hacker, mà các hacker thì không biết mặt nhau. Năm 2009, chúng tôi quyết định thành lập dự án thu thập tiền quyên góp hỗ trợ cho Wikileaks vì nhận định đó là tổ chức tốt". Fix giải thích, anh làm điều đó vì "tự do thông tin và quyền tự quyết về thông tin".

Người ta dễ biết được Wau Holland gom góp được bao nhiêu tiền cho Wikileaks song không dễ biết được danh tính của những cá nhân tài trợ bởi vì họ được quyền giữ bí mật. Trung bình số tiền đóng góp cho Wikileaks thông qua Wau Holland chỉ 20 USD/người nhưng cũng có khoản tiền lớn lên đến 50.000 USD (từ một người Mỹ mà Fix không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an ninh cá nhân của người này).

Wau Holland quản lý tiền quyên góp từ  2.000 đến hơn 20.000 USD/tháng qua chỉ riêng dịch vụ PayPal năm 2010 - thời gian sau khi hàng loạt điện tín ngoại giao Mỹ bị tiết lộ dẫn đến sự săn lùng Julian Assange. Nhưng, khi Assange quyết định gánh vác những vấn đề pháp lý của Edward Snowden thì, theo lời Fix, "số tiền như thế không đủ cho một chiến dịch lớn". Do Wau Holland cũng bị phong tỏa tài chính như Wikileaks cho nên Fix cho biết nhóm của anh thành lập một tài khoản PayPal mới mà chính quyền Mỹ không thể dò ra, ít nhất là trong lúc này.

Cửa hàng trực tuyến bán áo thun của Wikileaks.

Tuy nhiên, tiền quyên góp không chỉ đi thẳng vào tay của Assange và Wau Holland. Những người tài trợ Wikileaks ở Mỹ có thể viết ngân phiếu cá nhân cho Foundation for National Progress (FNP) - nhóm quyên góp tiền cho Freedom of the Press Foundation (FOTPF) hay đóng góp bằng tiền ảo Bitcom. Chỉ trong vòng 6 tháng bắt đầu phát động chương trình giúp đỡ Wikileaks, FOTPF đã gom góp được khoảng 300.000 USD và 40% trong số đó được chuyển thẳng đến cho Wikileaks, theo Giám đốc điều hành FOTPF Trevor Timm.

FOTPF là tổ chức chuyên đấu tranh cho quyền tự do báo chí và sự minh bạch trong chính quyền với ban giám đốc bao gồm hai tên tuổi Glenn Greenwald (nhà báo của tờ Guardian của Anh) và diễn viên John Cusack  cũng là nhà hoạt động chính trị. Ngoài ra, tổ chức Open Society Foundations của tỉ phú George Soros cũng quyên tiền cho FOTPF. Để hỗ trợ tài chính hoạt động cho Wikileaks, những người ủng hộ cũng có thể đặt mua áo thun in logo của Wikileaks trên cửa hàng trực tuyến Spreadshirt của tổ chức. Sản phẩm áo thun tuyên truyền của Wikileaks vô cùng phong phú với những dòng chữ in như là "Free Assange" hay "CyberPunk" và có nhiều màu sắc để lựa chọn.

Một số nguồn tiền khác của Wikileaks được tập trung vào một dự án duy nhất - như Quỹ Bảo vệ Bradley Manning (BMDF), nhóm quyên góp được 1.289.972 USD từ tháng 6/2010 giúp trả các chi phí pháp lý cũng như các khoản khác cho cựu binh sĩ dám tiết lộ bí mật chính quyền Mỹ. BMDF nằm dưới sự quản lý của một nhóm gọi là Courage to Resist (CTR) liên kết với Mạng ủng hộ Bradley Manning (BMSN) lớn hơn. Số tiền lớn nhất mà BMDF nhận được là 75.000 USD từ một người muốn giấu tên.

Jeff Paterson, người phát ngôn của CTR cho biết, thường thì "những người đóng góp tiền hỗ trợ ở độ tuổi 40 hay 50 và họ muốn chống lại hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan của Mỹ. Và, chúng tôi cũng nhận được sự đóng góp từ những người tự xưng là tự do chủ nghĩa". Mặc dù tiền bạc quyên góp cho Wikileaks vẫn không đủ để tổ chức chi tiêu, song những người ủng hộ vẫn muốn biết tiền của họ được xài như thế nào.

Ngân quỹ hoạt động của Wikileaks được phân chia cho công tác bảo quản vận hành các máy chủ, hoạt động PR (quan hệ công chúng), lập kế hoạch cho các tiết lộ thông tin mới cũng như chi phí pháp lý. Tuy nhiên, Julian Assange cũng có một mạng lưới chuyên gia quốc tế bao gồm các luật sư và cố vấn pháp lý và nhiều người trong số họ sẵn sàng hợp tác miễn phí vì lợi ích chung - ví dụ như Michael Ratner, luật sư riêng người Mỹ của Assange, ở Trung tâm về các quyền Hiến pháp (CCR)

Thục Miên (tổng hợp)
.
.