Tiết lộ về việc vệ tinh của Liên Xô rơi xuống lãnh thổ Canada năm 1978

Thứ Tư, 08/04/2009, 21:45
Cách đây hơn 31 năm, vào ngày 24/1/1978, vệ tinh do thám Cosmos 954 của Liên Xô đã rơi xuống vùng lãnh thổ rộng lớn phía bắc Canada. Tuy nhiên, theo đề nghị của Mỹ, Chính phủ Canada đã không công bố sự kiện này nhằm phối hợp với Mỹ tìm cách thu hồi các thiết bị do thám được lắp đặt trên vệ tinh Cosmos 954.

Mãi đến năm 2003, được sự cho phép của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) mới cho công bố vụ việc...

Vệ tinh Cosmos 954 được phóng lên quỹ đạo ngoài trái đất vào ngày 18-9-1977 để theo dõi hoạt động của tàu thuyền, nhất là tàu ngầm của Hải quân Mỹ tại Đại Tây Dương. Vệ tinh này có chiều dài 28,8m, nặng 5 tấn. Để duy trì hoạt động của vệ tinh Cosmos 954, các nhà khoa học không gian Liên Xô đã lắp đặt cho vệ tinh một lò phản ứng hạt nhân nhỏ thuộc thế hệ Romashka có công suất 100kw và được cung cấp nhiên liệu bởi 50kg uranium 235 đã được làm giàu. Lượng nhiên liệu này đủ để cung cấp năng lượng hoạt động cho vệ tinh Cosmos 954 trong vòng 73 năm.

Đến tháng 12/1977, phát hiện hiện tượng giảm dần độ cao của vệ tinh Cosmos 954, NORAD liền báo cáo tình hình cho Bộ Quốc phòng về nguy cơ rơi xuống mặt đất của vệ tinh Liên Xô trên phần lãnh thổ Bắc Mỹ. Lập tức Bộ Quốc phòng Mỹ liền liên hệ với phía Liên Xô và được xác nhận là vệ tinh Cosmos 954 đã gặp trục trặc kỹ thuật và đang rơi dần.   

Theo tính toán của NORAD, có ba kịch bản được đề ra liên quan đến vụ rơi của vệ tinh Cosmos 954. Nếu rơi vào cuối tháng 1/1978, địa điểm sẽ là vùng lãnh thổ lạnh giá phía bắc Canada. Nếu rơi vào trung tuần tháng 2/1978 thì địa điểm rơi xuống sẽ là vùng hồ Great Slave ở phía bắc bang Montana của Mỹ giáp biên giới Canada. Còn nếu rơi vào cuối tháng 2/1978 thì địa điểm sẽ là thành phố New York và nếu đúng như thế thì quả là một thảm họa khôn lường.

Tuy nhiên, trong một nỗ lực cuối cùng để cố điều chỉnh tốc độ và địa điểm rơi của vệ tinh Cosmos 954, các nhà khoa học không gian Liên Xô đã tính toán được  thời điểm rơi của vệ tinh là vào sáng ngày 24/1/1978. Và như thế thì địa điểm rơi sẽ là vùng lãnh thổ miền Bắc Canada.

Nhận được thông tin vô cùng quý giá này từ phía Liên Xô, NORAD tiến hành phối kiểm và biết rằng vệ tinh Cosmos 954 sẽ rơi xuống vùng Yellowknife ở miền Bắc Canada. Đây là một vùng rừng hoang vu quanh năm tuyết phủ hầu như không có sự hiện diện của con người. Lập tức, Mỹ và Canada quyết định triển khai một chiến dịch đặc biệt có tên gọi Morning Lights để khoanh vùng và cô lập toàn bộ địa điểm rơi của vệ tinh Cosmos 954 trong bán kính 150km.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng đề nghị Thủ tướng Canada Pierre Trudeau không công bố sự kiện vệ tinh Cosmos rơi xuống lãnh thổ Canada. Ý đồ của Mỹ là muốn bí mật thu lượm tất cả những gì còn lại của vệ tinh 954 để cố nắm bắt công nghệ chế tạo vệ tinh do thám của Liên Xô và cả thế hệ lò phản ứng hạt nhân Romashka lắp đặt trên vệ tinh do thám của Liên Xô.

Tham gia chiến dịch Morning Lights là 144 đội viên của Đơn vị Đặc nhiệm can thiệp hạt nhân khẩn cấp (NEST) của Bộ Năng lượng Mỹ và 40 đội viên của Đơn vị Cảnh báo phóng xạ hạt nhân (CFRM) của Bộ Quốc phòng Canada. Hỗ trợ cho hai đơn vị đặc biệt này là một máy bay do thám U2 và một máy bay do thám KC-135 được lắp đặt các cảm ứng để "ngửi" và tính toán tốc độ lây lan của phóng xạ phát ra từ địa điểm rơi của vệ tinh Cosmos 954.

Đội viên NEST được triển khai đến sân bay Edmonton của Canada để chuẩn bị tham gia chiến dịch Morning Lights.

Ngày 23/1/1978, một ngày trước khi vệ tinh Cosmos rơi xuống mặt đất, các máy bay vận tải quân sự C-141 của Không quân Mỹ đã vận chuyển toàn bộ 144 đội viên NEST cùng các thiết bị chuyên dụng từ căn cứ không quân Andrews ở thủ đô Washington và căn cứ không quân Travis ở bang California đến căn cứ không quân Edmonton ở Canada. Tại đây đã túc trực sẵn các đội viên CFRM của Canada.

Đúng 7h15' sáng ngày 24/1/1978, vệ tinh Cosmos 954 rơi xuống vùng lãnh thổ Yellowknife phía bắc Canada và vỡ tan. Lập tức máy bay do thám U2 và máy bay KC-135 làm nhiệm vụ "ngửi" phóng xạ cũng cất cánh để thi hành nhiệm vụ. Kết quả sau hai ngày "ngửi" của hai chuyên cơ đã xác định phóng xạ đã lan trên một diện tích rộng đến 120.000km2, chủ yếu tại vùng rừng lạnh giá không có người sinh sống.

Đến ngày 26/1/1978, các đội viên NEST và CFRM được lệnh xuất phát để thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, những gì còn lại của vệ tinh Cosmos 954 rơi vãi trên tuyết lạnh đều được thu lượm và chuyển ngay về Mỹ.

Bí mật về sự kiện vệ tinh do thám của Liên Xô rơi xuống lãnh thổ Canada vào tháng 1/1978 được giữ kín suốt một thời gian dài. Và khi được công khai vào năm 2003 liền gặp phản ứng của dư luận, nhất là về khả năng và thời gian lây lan của phóng xạ mà theo tính toán của các nhà khoa học thì phải mất đến 713 triệu năm mới hết tác dụng.

Cũng theo tiết lộ của NORAD, chiến dịch Morning Lights đã thu giữ được 12 mảnh vỡ lớn nhỏ và một số thiết bị của vệ tinh Cosmos 954 nhưng không cho biết trong đó có thiết bị do thám hay lò phản ứng Romashka hay không

Văn Hòa (theo Secrets of the Cold War)
.
.