Tiết lộ vụ trộm hồ sơ theo dõi công dân Mỹ của FBI hơn 40 năm trước

Thứ Tư, 05/02/2014, 15:45

Cách đây hơn 40 năm, vào buổi tối ngày 8/3/1971, một nhóm người bí mật tiến hành một vụ trộm táo bạo gây chấn động Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) lúc bấy giờ và cho đến tận hôm nay - họ đột nhập văn phòng FBI ở Media, ngoại ô thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania để lấy cắp bộ hồ sơ mật về chương trình gián điệp các nhóm chống chiến tranh và các tổ chức nhân quyền trong nước. Hàng trăm đặc vụ FBI đã cố gắng truy lùng các hung thủ nhưng nhóm người này không bao giờ bị bắt giữ.

Vụ án vẫn nằm trong bí ẩn suốt hơn 40 năm qua cho đến tận ngày nay mới được phơi bày ra ánh sáng nhờ sự lên tiếng của những “hung thủ” - nhóm người tham gia đánh cắp tài liệu. Lần đầu tiên, một cuốn sách tiết lộ chân tướng những “siêu trộm” này là những nhà hoạt động chống chiến tranh muốn mở ra một cuộc tranh luận về quyền lực vô hạn của FBI trong chương trình gián điệp công dân Mỹ.

Sau những tiết lộ động trời về các chiến dịch gián điệp gây tranh cãi của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từ người tố giác Edward Snowden, một lần nữa người Mỹ giật mình với chương trình theo dõi công dân của FBI.

Vụ trộm diễn ra ngay trong đêm khi mà hàng triệu người Mỹ đang dán mắt vào màn hình tivi xem trận so găng quyết liệt giữa Muhammad Ali và Joe Frazier để giành giải vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới.

Kế hoạch chu đáo đến từng chi tiết

Nhóm trộm tài liệu mật của FBI hết sức hài lòng khi biết rằng hành động của họ đã khiến cho một cơ quan tình báo nội địa đầy quyền lực và thanh thế trong suốt thời gian hoạt động dưới quyền của J. Edgar Hoover một phen choáng váng.

Keith Forsyth, một người trong nhóm cuối cùng quyết định công khai sự dính líu của mình trong vụ trộm, nói: "Khi nói chuyện với mọi người về những gì mà FBI đang làm, chắc chắn sẽ không ai tin. Do đó, chỉ còn một cách duy nhất là cung cấp bằng chứng giấy trắng mực đen".

Forsyth, nay đã 63 tuổi, cùng với những thành viên khác trong nhóm có thể không còn bị truy tố về vụ trộm táo bạo diễn ra trong một đêm cách đây hơn 40 năm, nên vừa qua họ đồng ý trả lời phỏng vấn của báo chí trước khi cuốn sách của một trong những nhà báo đầu tiên nhận được bộ tài liệu đánh cắp được phát hành vào đầu năm 2014.

Betty Medsger, cựu nữ phóng viên tờ Washington Post, là tác giả cuốn sách tiết lộ một giai đoạn lịch sử đầy phức tạp của FBI - tựa đề "Vụ trộm: Khám phá FBI bí mật của J. Edgar Hoover".

Không giống như Edward Snowden, người đánh cắp tài liệu mật của NSA bằng các phương tiện kỹ thuật số hiện đại, nhóm trộm tài liệu ở Media bao gồm 8 người cả nam lẫn nữ thực hiện công việc của họ theo cách của thế kỷ XX: họ lặng lẽ nghiên cứu kỹ lưỡng văn phòng của FBI trong suốt nhiều tháng, mang găng tay khi bỏ tài liệu đánh cắp vào túi xách rồi tẩu thoát bằng ôtô. Sau khi chiến dịch thành công, mỗi người đi một ngả.

Hai vợ chồng John và Bonnie Raines, nay đã ở tuổi 80 - không giấu niềm “tự hào” xem vụ trộm là hành động thiết thực góp phần chống chiến tranh Việt Nam. Vụ trộm là ý tưởng của William C. Davidon, giáo sư Khoa Vật lý Đại học Haverford và là nhà hoạt động kiên cường chống chiến tranh Việt Nam ở Philadelphia, thành phố mà vào đầu thập niên 70 là trung tâm của phong trào đấu tranh đòi hòa bình.

Vào mùa hè năm 1970, nhiều tháng sau khi Tổng thống Richard Nixon thông báo về cuộc xâm lược của Mỹ vào Campuchia, giáo sư Davidon bắt đầu tập hợp một số nhà hoạt động chống chiến tranh thành một nhóm để tiến hành đánh cắp tài liệu mật của FBI. Nhóm này - ban đầu gồm 9 người nhưng sau đó một thành viên tự rút khỏi nhóm - có nhận định ban đầu là hành động đột nhập văn phòng FBI an ninh vô cùng nghiêm ngặt ở khu trung tâm thương mại Philadelphia là vô cùng mạo hiểm. Cuối cùng, nhóm chọn văn phòng nhỏ khác của FBI trong một tòa nhà đối diện với tòa án khu vực ở vùng ngoại ô Media của thành phố Philadelphia.

Quyết định này cũng gặp khó khăn không nhỏ: không ai biết chắc chắn văn phòng này có cất giữ các tài liệu gián điệp những người chống chiến tranh của FBI hay không, hay nơi đây có hệ thống báo động sẽ bất ngờ vang lên ngay khi nhóm mở được cửa vào hay không?

Nhóm của giáo sư Wlliam C. Davidon phải mất nhiều tháng nghiên cứu tòa nhà, lái ôtô qua nó nhiều lần vào bất cứ thời gian nào cả ngày lẫn đêm để ghi nhớ sinh hoạt của cư dân. John Raines, giáo sư Khoa Tôn giáo Đại học Temple lúc đó, cho biết: "Chúng tôi ghi nhận khi nào người dân địa phương về nhà sau giờ làm việc, khi nào họ đi ngủ và họ thức dậy vào giờ nào vào buổi sáng hôm sau. Chúng tôi phải nắm chắc chắn mọi hoạt động về đêm bên trong cũng như xung quanh tòa nhà nơi đặt cơ sở của FBI".

Nhiều tuần trước khi tiến hành vụ trộm táo bạo, Bonnie Raines đóng giả làm nữ sinh viên tìm đến văn phòng FBI ở Media để xin việc làm, với mục đích là tìm hiểu xem nơi đây có hệ thống báo động hay không.

Nữ phóng viên Betty Medsger của tờ Washington Post.

Keith Forsyth, một thành viên khác của nhóm, được giao nhiệm vụ vô cùng khó khăn: nghiên cứu phá ổ khóa an ninh cửa vào văn phòng FBI. Forsyth và các thành viên khác chọn một cái tên gọi cho nhóm. John Raines kể lại: "Chúng tôi đặt tên nhóm là Hội đồng Công dân điều tra FBI".

Sau khi nhét vội các tập tài liệu vào túi xách, cả nhóm tẩu thoát riêng rẽ bằng ôtô rồi gặp nhau tại một căn nhà trong nông trại ở Pottstown để phân loại các tài liệu vừa đánh cắp được. Không lâu sau vụ trộm thành công, phóng viên Betty Medsger của tờ Washington Post - người đầu tiên ở Washington nhận được các tài liệu mật đánh cắp của FBI.

Medsger nói: "Lần đầu tiên nước Mỹ biết được một FBI dưới quyền của J. Edgar Hoover hoàn toàn khác với một FBI mà người dân tin tưởng".--PageBreak--

Một sự thật được phơi bày

Hai tuần sau vụ trộm, phóng viên Betty Medsger viết bài báo đầu tiên dựa theo các tài liệu mật được những người giấu tên cung cấp. Ngay sau đó, chính quyền của Tổng thống Richard Nixon cố gắng thuyết phục tờ Washington Post trao trả các tập tài liệu cho FBI nhưng không thành công.

Các tờ báo khác cũng nhận được bản sao tập tài liệu này, bao gồm tờ New York Times, và họ tiếp tục đưa tin giật gân. Bài báo của Medsger tiết lộ tài liệu quan trọng nhất cho thấy nỗi ám ảnh của Hoover đối với những người chống đối chính quyền.

Một tài liệu khác, được Hoover ký tên, tiết lộ chương trình gián điệp mở rộng của FBI đối với mục tiêu là các nhóm sinh viên da đen trong các trường đại học. Có một tài liệu (đề năm 1968) tác động mạnh vào các hoạt động gián điệp trong nước của FBI với nhan đề bí ẩn: "Cointelpro".

Nhưng nhóm trộm ở Media và các phóng viên báo chí không hiểu được nghĩa của "Cointelpro" là gì. Mãi đến vài năm sau đó, sau khi có trong tay thêm nhiều tài liệu mật khác của FBI nhờ Luật Tự do Thông tin (FOIA, có hiệu lực từ năm 1967), phóng viên Carl Stern của NBC News mới công bố nghĩa của "Cointelpro" thật ra là chữ viết tắt của "Counterintelligence Program" - "Chương trình phản gián"!

Từ năm 1956, FBI tiến hành chiến dịch mở rộng gián điệp các lãnh đạo nhân quyền, các nhà tổ chức chính trị, các nhóm chống chiến tranh Việt Nam và những người bị nghi là thành viên đảng Cộng sản. FBI còn sử dụng những người chỉ điểm trà trộn vào cộng đồng người da đen để gây chia rẽ, đồng thời cố gắng gieo rắc sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhóm chống đối chính quyền.

Trong số các tài liệu mật đánh cắp được có một lá thư hết sức bỉ ổi được đặc vụ FBI gửi nặc danh đến nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Jr. trong đó đe dọa sẽ phơi trần những vụ ngoại tình của ông nếu ông không chịu tự sát. Nhưng King vẫn phớt lờ bức thư đe dọa.

Hai vợ chồng John và Bonnie Raines trong căn nhà ở Philadelphia cùng với những đứa cháu.

ace="Times New Roman">J. Edgar Hoover có cả một danh sách dài bao gồm những phần tử khủng bố, những đảng viên Cộng sản và gián điệp hay bất cứ ai mà Hoover cho là nguy hiểm cho chính quyền. Về sau, trong danh sách của Hoover có thêm những người chống chiến tranh Việt Nam và những nhà hoạt động nhân quyền.

Nhà văn đoạt giải Pulitzer Tim Weiner, tác giả cuốn sách "Những kẻ thù: Lịch sử FBI", cho biết: "Hoover nhìn thấy phong trào nhân quyền từ thập niên 50 trở đi và phong trào chống chiến tranh Việt Nam từ thập niên 60 trở đi là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của chính quyền Mỹ. Trong đó đặc biệt Martin Luther King Jr. là kẻ thù của quốc gia. Và Hoover tự cho mình có bổn phận gián điệp tất cả".

Loch K. Johnson, giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế công chúng Đại học Georgia và phụ tá của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Frank Church, nhận định: "FBI không chỉ gián điệp công dân Mỹ. Mục đích của Cointelpro còn là hủy hoại cuộc sống cũng như làm mất thanh danh của những đối tượng mục tiêu".

Căn nhà trong nông trại ở Pottstown, bang Pennsylvania miền đông nước Mỹ, nơi cả nhóm trộm trải qua 10 ngày phân loại các tài liệu đánh cắp được.

Cuộc điều tra của Thượng nghị sĩ Frank Church vào giữa thập niên 70 còn tiết lộ thêm nhiều điều xấu xa mà FBI đã làm trong suốt nhiều thập niên và từ đó dẫn đến sự giám sát mạnh mẽ hơn của Quốc hội Mỹ đối với FBI cũng như các cơ quan tình báo khác của nước này. Khoảng 200 đặc vụ FBI được giao nhiệm vụ điều tra vụ trộm Media không đạt được kết quả gì cả và sau đó cho đóng lại vụ án vào ngày 11/3/1976 - tức 3 ngày sau khi thời gian cho phép truy tố vụ trộm hết hiệu lực. Đến lúc này, nhóm trộm ở Media mới thật sự thở phào nhẹ nhõm song họ vẫn tiếp tục giữ im lặng.

Cả nhóm trộm Media trở lại cuộc sống bình thường, cam kết không bao giờ nói chuyện hay gặp lại nhau để giữ tuyệt đối bí mật của họ. Theo cuốn sách của phóng viên Betty Medsger, chỉ một người trong nhóm trộm ở Media nằm trong danh sách nghi can của FBI bao gồm khoảng 2.000 người trước khi vụ án được khép lại.

Giáo sư William C. Davidon mất trong năm 2012 vì những biến chứng của bệnh Parkinson. Davidon từng có kế hoạch lên tiếng công khai về vai trò của ông trong vụ trộm tài liệu FBI ở Media cùng với 3 người khác là Keith Forsyth, hai vợ chồng John và Bonnie Raines và một người tự nhận là Bob Williamson. Nhưng 3 người còn lại trong nhóm quyết định vẫn tiếp tục giấu kín tên tuổi của mình. Thời gian trôi qua, hai vợ chồng Raines có vẻ như đã giảm bớt sự hăng hái của tuổi trẻ nhưng họ vẫn cảm thấy có "quan hệ họ hàng" với người tố giác Edward Snowden.

John Raines thừa nhận nhóm của ông đã làm một việc hết sức táo tợn nhưng "nếu chúng tôi không làm điều đó thì sẽ không có ai làm cả"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.