Tình báo Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban

Thứ Hai, 05/09/2011, 11:55

Khi NATO bắt đầu chuyển giao quyền kiểm soát an ninh, chính quyền Afghanistan càng phải dựa vào khả năng của chính mình để chiến đấu chống lại Taliban và quân nổi loạn. Nhưng, hàng loạt cuộc tấn công vũ trang xảy ra trong thời gian gần đây đã bộc lộ rõ sự yếu kém của tình báo và an ninh Afghanistan khi phối hợp hoạt động với nhau, theo nhận xét của phương Tây.

Cuộc chiến tình báo của  Tổng cục An ninh quốc gia (NDS) chống Taliban

Ví dụ như cuộc tấn công mới đây vào khách sạn Intercontinental ở thủ đô Kabul. Vài ngày trước khi 9 tay súng Taliban bắt đầu hành động, tình báo Afghanistan NDS đã có báo cáo về âm mưu khủng bố đến Bộ trưởng Nội vụ, song quan chức ở đó thẳng thừng bác bỏ bản báo cáo. Còn theo người phát ngôn của NDS, cơ quan này đã cung cấp thông tin tình báo chi tiết đủ cho lực lượng cảnh sát và an ninh ngăn chặn vụ tấn công.

Trong khi đó một quan chức Bộ Nội vụ lập luận: "Thông tin tình báo (của NDS) mơ hồ và không cụ thể. Mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 20 thông tin như thế từ NDS. Chúng hiếm khi nào rõ ràng cụ thể".

Attah Mohammad Noor (lãnh đạo tỉnh Balkh) và Hasamudin Hasam (Phó giám đốc NDS) may mắn rời khỏi khách sạn Intercontinental chỉ 20 phút trước khi cuộc tấn công khủng bố nổ ra. Sau đó lực lượng phối hợp quốc tế và Afghanistan phải mất 6 giờ để chiến đấu chống lại. Cuối cùng có hơn 20 người bị thiệt mạng, gồm 11 dân thường, 4 cảnh sát và 9 tay súng khủng bố, có 10 người khác bị thương. Một quan chức tình báo Afghanistan nói: "Nếu chiến thắng trong cuộc chiến tranh tình báo, chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này".

NDS là tàn dư của Khad, cơ quan gián điệp nổi tiếng của Afghanistan thập niên 80 thế kỷ XX bị buộc tội sử dụng các biện pháp tra tấn và giết chết hàng ngàn người Afghanistan. Từ khi chính quyền Taliban sụp đổ, NDS - với hàng ngàn nhân viên nằm trong bảng lương chính thức - được coi là một trong những cơ quan an ninh có khả năng và đáng tin cậy nhất, theo đánh giá của một sĩ quan tình báo phương Tây: "Chúng tôi tin tưởng vào năng lực của NDS, song hãy còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan an ninh với nhau nên thông tin tình báo đôi khi bị sai".

Phương Tây từng đầu tư rất nhiều tiền của và sức lực vào NDS khi lực lượng quân đội và cảnh sát của Afghanistan còn quá yếu kém. Thách thức chủ yếu của các cơ quan an ninh Afghanistan hiện nay là sự phân biệt rõ ràng trong sự đúng hay sai của thông tin tình báo. Quan chức  ở Bộ Nội vụ cũng thừa nhận nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo còn quá yếu, thường được báo cáo quá muộn hay quá mơ hồ.

Nhưng không chỉ vụ tấn công khủng bố khách sạn Intercontinental dẫn đến mối lo ngại về thu thập thông tin. NDS cũng từng bị Quốc hội và dân thường Afghanistan chê trách nặng nề sau vụ bê bối về nhà tù kiên cố ở Kandahar vào đầu năm nay - hàng chục thủ lĩnh và chiến binh Taliban vượt ngục thành công.

Trong cuộc họp báo sau vụ vượt ngục này, tướng Tahir Mohamand của NDS giải thích cơ quan đã làm tốt chức trách của mình: "Tôi có hồ sơ báo cáo đầy đủ. Chúng tôi đã cảnh báo đến cảnh sát và ban quản lý nhà tù không phải 1 lần, 2 lần tới 10 lần".

Trong khi đó người phát ngôn của Bộ Nội vụ Sidiq Sediqi bác bỏ chỉ trích về việc thu thập thông tin tình báo chỉ được thực hiện qua loa. Người phát ngôn của NDS Lutfullah Mashal cũng nhấn mạnh có "sự phối hợp tốt" giữa các cơ quan an ninh, chính vì vậy mà vụ tấn công khách sạn Intercontinental được xử lý một cách nhanh chóng.

Theo Mashal, NDS thường xuyên chia sẻ thông tin với các quan chức cao cấp ở thủ đô Kabul cũng như địa phương: "Chúng tôi có nội gián bên trong hàng ngũ quân địch. Chúng tôi có nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy - con người và kỹ thuật. Nhờ đó mà chúng tôi luôn chia sẻ thông tin về mọi sự di chuyển của kẻ thù. Công việc của cảnh sát là chống bọn tội phạm chứ không phải quân nổi loạn được trang bị vũ khí hạng nặng".

Tuy nhiên, Mashal thừa nhận đôi khi quan chức chính quyền địa phương không nhận được thông tin đầy đủ. Mới đây, nhiều quan chức ở NDS và Bộ Nội vụ Afghanistan thẳng thắn lên tiếng về lỗ hổng giao tiếp giữa những ban an ninh khác nhau trong chính quyền nước này.

Cựu Thứ trưởng Nội vụ Abdul Hadi Khalid mong muốn một sự thay đổi trong hệ thống tình báo: "Tình báo của chúng ta cần phải chui sâu vào nội bộ kẻ thù. Phải len lỏi vào chúng như chúng đã thâm nhập chúng ta".

Khách sạn Intercontinental ở Kabul bị tấn công.

Cựu lãnh đạo NDS Amrullah Saleh: "Đừng bao giờ tin Taliban"

Sau khi rời khỏi chức vụ lãnh đạo NDS vào năm 2010, Amrullah Saleh chuyển sang hoạt động chính trường và thành lập một nhóm chính khách đối lập có ảnh hưởng chống đối kế hoạch dàn xếp chính trị với Taliban của Tổng thống Hamid Karzai và phương Tây.

Saleh nói với cánh báo chí: "Rất đơn giản, Taliban là kẻ thù chứ không phải anh em của chúng ta. Chúng tôi không chấp nhận. Dàn xếp chính trị với Talban là thảm họa thật sự cho đất nước Afghanistan".

Quan điểm rõ ràng của Amrullah Saleh gây khó chịu cho phương Tây, khi mà NATO đang gấp rút tìm kiếm một giải pháp chính trị hợp lý cho phép lực lượng quân sự thoát khỏi Afghanistan một cách đàng hoàng trong vài năm tới. Cảnh báo của Amrullah Saleh được đưa trong tháng đẫm máu cho liên quân và một tuần sau khi Taliban bắn rơi chiếc máy bay trực thăng Chinook giết chết 38 binh sĩ đặc nhiệm.

Những cuộc thương lượng bí mật mang tính thăm dò giữa Taliban và Mỹ buộc phải ngưng lại khi chi tiết về chúng bị rò rỉ. Mặc dù vậy, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ nhóm chính khách của Amrullah Saleh, London và Washington vẫn khăng khăng cho rằng, sự dàn xếp chính trị là câu trả lời để nhanh chóng kết thúc vũng lầy bạo lực ở Afghanistan.

Amrullah Saleh là đồng minh đáng tin cậy nhất của phương Tây, cũng như đồng nghiệp của ông ở CIA và MI-6 coi ông là một trong những đối tác có năng lực nhất của họ. Đặc biệt Saleh là nhân vật có bàn tay sạch sẽ hơn so với nhiều quan chức thân phương Tây khác, như là Ahmed Wali Karzai, em của Tổng thống Karzai, người bị buộc tội dính líu đến buôn lậu ma túy và giết người ở Kandahar trong tháng 7.

Amrullah Saleh buộc phải từ chức cùng với đồng minh của ông - cựu Bộ trưởng Nội vụ Hanif Atmar - sau khi Taliban tấn công một hội nghị hòa bình trong mùa hè 2010. Lý do chính thức là Saleh đã không ngăn chặn được cuộc tấn công, nhưng đằng sau đó còn có sự đối đầu căng thẳng giữa Saleh và Tổng thống Karzai - người mà Saleh buộc tội không chỉ tham nhũng mà còn thân thiện với Pakistan, nhà nước tài trợ chính cho Taliban.

Hiện không còn đứng đầu NDS nữa, Amrullah Saleh đã có thể nói thẳng mọi suy nghĩ của mình và cố gắng dẫn đầu một "liên minh lớn" chống Taliban. Saleh, cũng như người dân Afghanistan, lo sợ cựu đồng minh của mình ở phương Tây một ngày nào đó sẽ trao quyền lực cho Taliban khi liên quân lũ lượt rút khỏi nước này.

Amrullah Saleh bộc bạch: "Tôi có thể chọn cho mình một cuộc sống thư thái, sung túc và an toàn. Nhưng tôi cảm thấy mình còn mắc nợ đất nước Afghanistan". Có một thời Amrullah Saleh là sĩ quan phụ tá của thủ lĩnh nổi tiếng chống Taliban Ahmad Shah Massoud, người đánh đổ quyền lực Taliban dưới sự hỗ trợ của Mỹ năm 2001. Mối lo lắng lớn nhất của nhóm chính khách do Amrullah Saleh dẫn đầu là Pakistan đang cố gắng phục hồi quyền lực cho Taliban ở miền Nam Afghanistan.

Saleh luôn to tiếng chỉ trích sự can thiệp của Pakistan trong thời gian ông còn lãnh đạo NDS khiến một số người cho rằng, ông đã vượt quá quyền hạn nên từ đó buộc phải từ chức dưới sức ép từ Islamabad. Saleh cho biết ông và nhóm chính khách đang chuẩn bị cho một kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất khi mà Taliban được phép cai quản các tỉnh miền Nam Afghanistan bằng "vũ khí và cơ cấu chính quyền riêng" sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Tổng thống Karzai.

Saleh tuyên bố: "Điều đó có nghĩa là sự phân tán quyền lực ở Afghanistan, sự nổi lên của một nhà nước khác bên trong Afghanistan. Nếu tình huống đó xảy ra, chúng tôi sẽ đứng lên chống lại quyết liệt. Điều đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Taliban nhảy vào các khu vực khác".

Theo nhận định của Saleh, Taliban không bị đánh bại hay bị làm cho suy yếu, và bọn chúng vẫn còn giữ trong tay mọi thứ cần thiết để tiếp tục nổi loạn. Bộ phận lãnh đạo của Taliban vẫn còn trong an toàn, có tiền mặt lẫn những nơi ẩn náu bí mật ở Pakistan cho phép chúng sắp đặt kế hoạch tấn công, quản lý bệnh viện và những trại huấn luyện khủng bố. Trong khi đó, Mỹ và liên quân cứ tiếp tục thất bại nặng nề trên chiến trường. Còn chính quyền Karzai vẫn chưa thể lấp được khoảng trống sau khi liên quân rút đi và quyền lực vẫn chưa được mở rộng

Trần Phong (tổng hợp)
.
.