Tình báo Anh - Australia: Bấn loạn vì có công dân trong hàng ngũ phiến quân ISIS

Thứ Hai, 21/07/2014, 15:50
Ngày 19/6, bà Julie Bishop, Ngoại trưởng Australia đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa công dân nước này đang gia nhập lực lượng chiến binh Hồi giáo ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông) và biến thành những phần tử cực đoan hết sức nguy hiểm cho an ninh quốc gia khi trở về nước. Cảnh báo của bà Bishop phát đi vào đúng lúc có bằng chứng cho thấy Khaled Sharrouf 31 tuổi đã trốn khỏi Australia hồi đầu năm để gia nhập ISIS.

Sharrouf là một trong "9 tên khủng bố" bị bắt giữ trong cuộc điều tra mang tên "Chiến dịch Pendennis" năm 2005 đập tan âm mưu tấn công một mục tiêu không xác định ở thành phố Sydney của Australia.

Ngày 9/11/2013, Cảnh sát Australia phát hiện Sharrouf lảng vảng tại một khu vực gần thị trấn Lithgow, bang New South Wales, cùng vài người đàn ông khác mang vũ khí trái phép. Sharrouf bị bắt giữ nhưng vì lý do giữ bí mật cho chiến dịch điều tra, cho nên lúc đó hắn không bị buộc tội và được tự do.

Sharrouf rời khỏi Australia sau khi cảnh sát liên bang nước này bắt giữ 2 người đàn ông được cho là trung gian gửi các công dân người Australia Hồi giáo sang Syria chiến đấu chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo luật pháp Australia, những người ủng hộ các nhóm khủng bố như ISIS sẽ đối mặt với mức án tối đa là 25 năm tù giam.

Trước khi bùng nổ bạo lực sắc tộc tại Iraq, Tổ chức An ninh Tình báo Australia (ASIO) cũng như các cơ quan tình báo khác của nước này được cho phép tăng cường sức mạnh gián điệp tín hiệu nhờ một dự luật do chính quyền Thủ tướng Tony Abbott dự kiến đệ trình lên Quốc hội vào tháng 7 tới.

Chính quyền của ông Abbott cũng tìm cách thiết lập chế độ thu thập dữ liệu bắt buộc, theo đó các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và Internet bắt buộc phải thu thập và lưu giữ dữ liệu của khách hàng trong thời hạn 2 năm.

Thủ tướng Tony Abbott cho biết, các biện pháp mới sẽ giúp Australia đối phó với mối đe dọa đặt ra bởi nhóm 300 công dân nước này bay đến Iraq để chiến đấu bên cạnh lực lượng nổi dậy ISIS.

Ông Tony Abbott phát biểu với báo chí trong nước: "Chúng ta đã ngăn chặn được những thuyền nhân bất hợp pháp thì cũng phải bảo đảm chặn đứng được đạo quân thánh chiến. Điều chúng ta lo lắng là số công dân trên trở thành những phần tử cực đoan khu vực Trung Đông trở về tạo ra mối nguy hại cho đất nước. Điều quan trọng là phải bảo đảm chính sách cùng với các cơ quan an ninh của chúng ta có đầy đủ phương tiện trong tay để chắc chắn rằng cộng đồng chúng ta được an toàn".

Trong số những khuyến cáo mà Ủy ban Phối hợp tình báo và an ninh  Australia đưa ra trong báo cáo tháng 5/2013, là ASIO phải được trao cho một số quyền lực mới để có thể ngăn cản các máy tính mục tiêu có cơ hội gây ra nguy cơ cho an ninh quốc gia; để giám sát toàn bộ mạng lưới mà một máy tính mục tiêu kiểm soát và sử dụng một máy tính "bên thứ 3" làm cửa ngõ để truy cập vào  một máy tính hay mạng đáng nghi ngờ. Ủy ban Phối hợp tình báo và an ninh Australia nhận định chế độ lưu giữ bắt buộc dữ liệu khách hàng của các công ty viễn thông trong thời hạn 2 năm sẽ là "biện pháp đáng kể" cho các cơ quan tình báo của nước này.

Tuy nhiên, Ủy ban Phối hợp tình báo và an ninh cũng thừa nhận chế độ như thế có thể làm nảy sinh "các vấn đề về quyền riêng tư cơ bản" cũng như "các mối lo ngại về quyền tự do công dân" cần được quan tâm. Phó lãnh đạo đảng Lao động đối lập Tanya Plibersek tuyên bố ủng hộ chế độ lưu giữ dữ liệu bắt buộc dành cho các cơ quan tình báo Australia với lý do là dữ liệu được thu thập chỉ là "phong bì" chứ không phải nội dung chứa bên trong.

Trong một diễn biến khác, Bộ Nội vụ Anh vừa qua đã tiết lộ một bí mật động trời. Trong số khoảng 50 chiến binh ISIL bị quân đội Iraq bắt giữ, có 3 người là điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc nội Anh (MI-5). Nhân vật nổi trội là Nasser Muthana, 20 tuổi, là sinh viên Y khoa, chiến đấu trong hàng ngũ ISIS với bí danh là Abu Muthanna al-Yemen.

Theo điều tra và nhận dạng của nhóm CIA tại Baghdad, Nasser là con của ông Ahmed Muthana thuộc gia đình Hồi giáo Sunni sống ở thành phố Aleppo của Syria, sau khi chiến sự bùng nổ giữa quân chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad với phe nổi dậy và thành phố này rơi vào tay phe nổi dậy, cậu ta đã cùng gia đình và nhiều họ hàng thân thuộc di tản đến Anh và tạm cư tại thủ đô London.

Theo giới phân tích quân sự, sau khi rút quân khỏi Iraq, Washington tỏ ra không mấy hài lòng với cách điều hành chính phủ của Thủ tướng Maliki (vốn là người Hồi giáo Shiite được Chính phủ Iran ủng hộ), do đó MI-5, MI-6 (Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh) cùng với FBI và CIA vạch kế hoạch ứng phó sau khi Mỹ và đồng minh trao trả quyền hành, kể cả lĩnh vực an ninh, cho tân chính phủ.

Với kế hoạch này, như đã từng thực hiện trước đây ở Afghanistan, một số nước Trung Đông và châu Phi, MI-5 đứng ra tuyển mộ một lực lượng tình báo dự bị để sau này sử dụng khi cần thiết, và Nasser đã được MI-5 chiêu dụ. Cùng với Nasser, hàng trăm thanh niên Hồi giáo dòng Sunni từ Iraq, Syria, Jordan… chạy sang lánh nạn tại Anh, cũng đã bị MI-5 chiêu dụ.

Sau hơn nửa năm rèn luyện, Nasser cùng 3 thanh niên khác đã được chính thức gia nhập MI-5, cùng với khoảng 500 thanh niên khác do MI-5 tuyển mộ và rèn luyện, số thanh niên này được bí mật gửi đến phía bắc Iraq qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, cố tránh chạm trán với lực lượng người Kurd ly khai đòi thành lập chính phủ riêng tại Bắc Iraq.

Sau khi Nasser và một số thành viên do MI-5 tuyển mộ và huấn luyện tại London bị bắt cùng với những khẩu Kalashnikov sáng loáng, chính điệp viên CIA cũng đã nhận ra điều này, nhưng đã nhanh chóng ỉm đi, bí mật đưa tất cả về London giao cho MI-5 quản lý, và chính lãnh đạo MI-5 cũng muốn vụ này nhanh chóng "chìm xuồng"! Lý do cũng không khó hiểu: từ xưa tới nay, MI-5 và MI-6 vốn không ưa gì Bộ Nội vụ.

Việc Nasser là điệp viên MI-5 cũng đã được cha thừa nhận khi được nhiều phóng viên Iraq và nước ngoài hỏi. Và tất nhiên Bộ Nội vụ cũng biết scandal mà họ cho là "đáng xấu hổ" này. Khi đã cho là "đáng xấu hổ", Bộ Nội vụ nhanh chóng tung tin này ra dư luận để hạ đo ván MI-5!

Diên San - Tường Quyên (tổng hợp)
.
.