Tình báo Anh-Mỹ bí mật hợp tác với tình báo Libya như thế nào?

Cuộc truy lùng LIFG và cái kết không có hậu

Thứ Ba, 09/01/2018, 13:25
Khi cách mạng “Mùa xuân Arab” thắng thế, với sự giúp sức của NATO và EU, Gaddafi - người “bạn thân” của nước Anh - đã bị lật đổ và bị sát hại vào tháng 10-2011. Lúc này, sự hợp tác bí mật giữa tình báo Anh-Mỹ với Libya bắt đầu được tiết lộ.

Việc nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân vào cuối năm 2003 không chỉ là một thắng lợi ngoại giao của Anh, Mỹ trong chiến lược Trung Đông, mà đó còn là bước mở đầu quan trọng cho một cuộc chiến khác - cuộc chiến ngăn chặn khủng bố được triển khai trên đất Libya, với sự hợp tác nhiệt tình của tình báo Libya.

Tuy nhiên, cuối cùng, khi cách mạng “Mùa xuân Arab” thắng thế, với sự giúp sức của NATO và EU, Gaddafi - người “bạn thân” của nước Anh - đã bị lật đổ và bị sát hại vào tháng 10-2011. Lúc này, sự hợp tác bí mật giữa tình báo Anh-Mỹ với Libya bắt đầu được tiết lộ.

Ngày 25-11-2002, ESO chuyển cho MI-6 một bản danh sách 79 người Libya chống đối chế độ ông Gaddafi đang sinh sống ở Anh. Hầu hết trong danh sách này là người của nhóm LIFG. LIFG là một nhóm Hồi giáo cực đoan bí mật hình thành từ năm 1995 bởi những người Libya từng tham gia chiến đấu chống Liên Xô ở Afghanistan.

Mục tiêu hoạt động của LIFG được biết đến chủ yếu là nhằm lật đổ ông Gaddafi và thiết lập một chính phủ Hồi giáo ở Tripoli. LIFG hoạt động chủ yếu ở vùng Đông Libya. Sau khi hình thành, nhóm này bắt đầu ra “tuyên ngôn” bằng súng đạn, với một loạt vụ đụng độ với quân đội chính phủ Libya ở miền Đông.

Suốt thời gian dài, LIFG có hai thủ lĩnh cùng nhau chỉ huy: Belhaj là chỉ huy cánh quân sự, còn Sami al-Saadi là thủ lĩnh tinh thần. Mặc dù không ủng hộ hoạt động khủng bố phương Tây của Al-Qaeda, nhưng LIFG có đến hàng trăm thành viên gia nhập Al-Qaeda ở Afghanistan kể từ sau vụ ám sát nhà lãnh đạo Gaddafi bất thành năm 1996.

Sau sự kiện khủng bố ngày 11-9, chính quyền Mỹ đã liệt tổ chức này vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, thời điểm này LIFG không bị cấm tại Anh. Nhiều thành viên nhóm đã phải bôn tẩu ra nước ngoài, kẻ đến Anh, kẻ đến Trung Quốc, Iran; trong đó thủ lĩnh tinh thần Al-Saadi và vợ là Karima từng đến London trước khi chạy sang Iran lánh nạn.

Thủ tướng Anh Tony Blair thăm nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tại căn lều truyền thống của ông.

Ở Anh, nhóm LIFG được Chính phủ Anh dung dưỡng. Họ được phép tái họp nhóm và quyên góp gây quỹ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tình hình đó đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng khó khăn hơn từ cuối năm 2002, khi quan hệ giữa London và Tripoli dần dần ấm trở lại. Những người Libya cư trú tại Anh bắt đầu bị chặn xét và “hỏi thăm” tại các cửa khẩu sân bay, đồng thời cảnh sát Anh bắt đầu có những cuộc bố ráp ban đêm ở London và Manchester. Người Libya chống Gaddafi sinh sống ở Anh bắt đầu cảm thấy bất an.

Các tài liệu mật tiết lộ ông Allen thường xuyên họp với Kappes để thảo luận phương án khả dĩ nhằm bảo đảm ông Gaddafi chịu từ bỏ tham vọng chế tạo các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Và cả hai đi đến thống nhất là phải đồng ý giúp ông ấy diệt trừ những phần tử chống đối.

Trong các cuộc nói chuyện giữa hai ông với trùm tình báo Libya Moussa Koussa, không hề có một lời đe dọa cấm vận nào được nhắc tới nữa. Trong các cuộc nói chuyện đó, chủ đề không chỉ xoay quanh vấn đề WMD, mà về sau đã chuyển dần sang thảo luận phương án để diệt trừ các phần tử Libya chống đối ông Gaddafi trên khắp thế giới. Các sĩ quan tình báo Anh thông tin cho các đại diện Libya biết là đã can thiệp nghe lén được điện thoại gọi từ nhà riêng của Sami al-Saadi ở Tehran.

Tại một cuộc họp giữa ESO, MI-6 và MI-5, tình báo Anh đã trao cho các đồng nghiệp Libya xem một “thư ngỏ” viết: “Chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị những thông tin chúng tôi có được có thể khiến quý vị quan tâm”.

Nội dung “thư ngỏ” chứa đựng những chi tiết về nơi ở của những người chống đối ông Gaddafi ở London, Brighton, Peshawar và Los Angeles. MI-5 cũng trao cho ESO nhiều thông tin chi tiết về “những phần tử cực đoan Libya ở Anh”, ám chỉ các thành viên nhóm LIFG đang lẩn trốn ở Anh sau vụ ám sát hụt năm 1996. Để hợp tác với tình báo Libya, tình báo Anh đã bắt đầu theo dõi các lãnh đạo của LIFG. Qua đó, ESO yêu cầu tình báo Anh giúp bắt giữ Belhaj (thời điểm đó đang lẩn trốn ở Trung Quốc).

Tháng 2-2004, chỉ huy quân sự Belhaj của LIFG và cô vợ người Morocco, Fatima Bouchar tìm cách lên một chuyến máy bay từ Bắc Kinh đi London, với hy vọng có thể xin tị nạn ở Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Trung Quốc đã không cho y đạt được ước muốn, đã trục xuất vợ chồng y sang Malaysia. Và khi vừa đặt chân đến Kuala Lumpur, vợ chồng Belhaj bị bắt. Trong số các tài liệu mật được tìm thấy trong văn phòng làm việc của ông Koussa sau khi ông bị bắt có tờ fax từ MI-6 đề ngày 1-3-2004, trong đó thông báo cho tình báo Libya những thông tin về nơi ở của vợ chồng Belhaj.

Abdel Hakim Belhaj chỉ huy nhóm phiến quân LIFG trong cuộc nội chiến năm 2011.

Bên cạnh đó còn có những bức thư của Koussa gửi cho Đại sứ Malaysia tại Libya yêu cầu hỗ trợ bắt giữ Belhaj. Ngoài ra còn có một bản fax từ CIA đề ngày 6-3-2004 với nội dung về việc bắt giữ và luân chuyển Belhaj.

CIA thông báo về kế hoạch điều chuyển vợ chồng Belhaj từ nhà tù ở Bangkok trên một chuyến bay bí mật đến Libya. Chiều ngày hôm sau, các cơ quan chức năng Malaysia đưa vợ chồng Belhaj lên một chuyến bay thương mại đi London, quá cảnh qua Bangkok.

Khi đến Bangkok, cặp vợ chồng bị đưa ra khỏi máy bay, trùm đầu và áp giải đến một trung tâm giam giữ bí mật của CIA tại sân bay quốc tế Don Mueang. Một màn tra tấn sơ bộ đã diễn ra bên trong buồng giam bí mật trước khi cả hai được đưa lên máy bay luân chuyển về Libya. Sau 5 ngày biệt giam, vợ chồng Belhaj được đưa lên máy bay của CIA, bay 17 tiếng đến Tripoli.

Vợ chồng Belhaj bị tách ra giam riêng trong nhà tù Tajoura ở phía đông thành phố. Đích thân ông Koussa đến “thăm” Belhaj trong tù, và sau đó bắt đầu những màn tra tấn. Ngay sau đó, hai cơ quan tình báo MI-5 và MI-6 của Anh đã liên tục gửi cho tình báo Libya những câu hỏi mà họ muốn tình báo Libya giúp họ khai thác Belhaj. Tài liệu mật lưu lại tổng cộng đến 1.600 câu hỏi trong suốt quá trình hỏi cung Belhaj.

9 ngày sau khi vợ chồng Belhaj được chuyển về giam ở nhà tù Tajoura, Allen gửi cho ông Moussa một bản fax quan trọng nhất trong các thư tín trao đổi giữa hai ông. Đó là bức thư tín ghi nhận việc bố trí an ninh cho chuyến thăm Libya của Thủ tướng Anh Tony Blair. Chuyến thăm của ông Blair có báo chí tháp tùng, và Allen muốn Koussa sắp xếp cho chu đáo để chuyến thăm tạo được tiếng vang tốt. Trong bản fax, Allen cũng cám ơn ông Koussa vì sự “đến nơi an toàn” của Belhaj.

Allen khẳng định, việc bắt giữ và dẫn độ Belhaj từ Malaysia về Libya là kết quả hợp tác quan trọng đầu tiên giữa tình báo Anh với tình báo Libya. Ông cũng tiết lộ với Koussa rằng, CIA muốn mọi yêu cầu về thông tin tình báo khái thác được từ Belhaj phải được chuyển thông qua CIA nhằm mục đích “ngư ông đắc lợi”, nhưng tình báo Anh đã không chấp nhận phương án đó, mà chỉ muốn trực tiếp phối hợp với ESO.

Sáu ngày sau bức fax Allen gửi đến tay ông Koussa, Thủ tướng Blair đến thăm Libya vào ngày 25-3-2004. Đây là chuyến thăm Libya đầu tiên của Thủ tướng Anh sau hàng chục năm.

Trong chuyến thăm đó, ông Blair đã phát biểu những “lời có cánh” về mối quan hệ và cơ hội hợp tác với giữa hai nước, cho rằng Libya và Anh có “chung mục tiêu trong cuộc chiến chống khủng bố”. Trong khi đó, ở London, một thông báo được phát ra rằng hãng dầu khí Shell (liên doanh Anh-Hà Lan) đã ký một thỏa thuận trị giá 110 triệu bảng Anh quyền thăm dò khí đốt ngoài khơi bờ biển Libya trong Địa Trung Hải.

Hai ngày sau sự kiện đó, thêm một chuyến bay luân chuyển tù nhân hợp tác giữa Anh-Mỹ-Libya được tiến hành. Sami al-Saadi, lãnh tụ tinh thần của LIFG, đã cùng vợ Karima và 4 đứa con bay đến Trung Quốc.

Cả gia đình đến Hồng Công sau khi Al-Saadi hỏi MI-5 (thông qua một trung gian) rằng, mình có được trở về London hay không. Al-Saadi nghĩ rằng mình có thể sẽ được phỏng vấn với các nhà ngoại giao Hồng Công. Nhưng thực tế, cả gia đình Al-Saadi bị cơ quan quản lý di trú Hồng Công bắt giữ. Những đứa trẻ (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi) được tách riêng khỏi bố mẹ chúng để “người lớn làm việc của người lớn”.

Tuy nhiên, khoảng một lúc sau, cả gia đình Al-Saadi được thông báo là sẽ phải quay về Libya. Khi máy bay đáp xuống sân bay quốc tế ở Tripoli, vợ chồng Al-Saadi bị trùm đầu dẫn đi trước sự chứng kiến của con cái họ.

Sau này, trong hồ sơ kiện chính phủ Anh, Al-Saadi viết rằng ông ta đã bị tra tấn, bị đánh đập và giật điện. Sau 10 ngày, người vợ Karima và 4 đứa con được thả ra, chỉ có Al-Saadi tiếp tục bị giam và khảo cung. Al-Saadi và Belhaj đều bị giam trong nhà tù Libya đến 6 năm.

Mùa hè năm 2004, Allen rời MI-6, không còn tham gia chương trình hợp tác tình báo Anh-Libya nữa, nhưng ông vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè với Koussa. Cuối năm, Allen được phong tước Hiệp sĩ. Sau MI-6, Allen làm cố vấn cho tập đoàn dầu khí BP của Anh.

Năm 2005, LIFG bị cấm hoạt động tại Anh. Ba thành viên nhóm này đã bị truy tố và tuyên án tù vì tội cung cấp tài chính và hộ chiếu giả. Một số người ủng hộ LIFG ở Anh cũng bị tạm giữ dựa theo những thông tin khai thác từ Belhaj và Al-Saadi. Họ bị tạm giữ và chờ lệnh trục xuất về Libya. Một số người đã được cấp quy chế tị nạn và buộc phải sống một cách “hòa bình” ở Anh. 

Thời điểm đó, Chính phủ Anh đã ký với chính quyền Libya một bản ghi nhớ hiểu biết (MOU), theo đó Libya buộc phải cam kết không được đối xử tàn bạo với bất cứ người nào bị trục xuất từ Anh về Libya. Để thực thi MOU, Anh và Libya thỏa thuận lập ra một cơ chế giám sát, thành lập tổ chức giám sát thực thi MOU mang tên Gaddafi Foundation và giao cho Saif, người con du học ở Anh của ông Gaddafi, điều hành. Nước Anh ghi nhận sự hợp tác tích cực của ông Gaddafi trong giai đoạn đó với việc tuân thủ MOU một cách nghiêm túc.

Tháng 4-2007, Thủ tướng Anh Blair gửi cho ông Gaddafi một bức thư cá nhân. “Muammar thân mến” – bức thư mở đầu như thế. Nội dung thư, ông Blair cám ơn ông Gaddafi vì sự hợp tác, phối hợp tích cực trong việc trục xuất và tiếp nhận hồi hương những người Libya trốn chạy; đồng thời thông báo cho ông Gaddafi biết về một số “trục trặc” tại tòa án ở Anh. Ông Blair đặc biệt nhấn mạnh sự hợp tác tuyệt vời giữa các cơ quan tình báo hai nước.

Chương trình hợp tác giữa tình báo Anh-Libya đã vấp phải trở ngại lớn từ phía các tòa án ở Anh trong giai đoạn từ năm 2005 trở đi. Tòa án xác định: việc trục xuất người Libya chống đối ông Gaddafi về nước sẽ không đảm bảo họ sẽ được xét xử một cách công bằng.

Trong khi đó tại Tripoli, Belhaj và Al-Saadi tiếp tục bị hỏi cung bởi hai sĩ quan tình báo Anh. Nhiều giới ở Anh đã bắt đầu tìm hiểu về hoạt động của chương trình hợp tác. Họ đến thăm nhà tù ở Tripoli, nơi Belhaj và Al-Saadi đang bị giam giữ và hỏi cung. Và họ đã phần nào hiểu được tình trạng của các tù nhân Libya khi được trả về nước. Chính vì thế, các cơ quan tình báo Anh xác định những thông tin về hợp tác tình báo giữa Anh và Libya trong chương trình luân chuyển và khảo cung các thành viên LIFG phải được giữ bí mật, không được để lọt ra công chúng.

4 năm sau bức thư “Muamar thân mến” của ông Blair, cuộc “cách mạng” do các phiến quân miền Đông Libya, trong đó có Belhaj, đã lật đổ nhà lãnh đạo Libya. Khi phiến quân tràn vào Tripoli, chiếm trụ sơ các cơ quan an ninh, tình báo của ông Gaddafi, những tài liệu mật đầu tiên về chương trình hợp tác tình báo Anh-Mỹ-Libya bắt đầu được tiết lộ công khai, trong đó có bức thư “Muamar thân mến” của ông Blair, cùng nhiều tài liệu khác. 

Nhờ đó, Belhaj và Al-Saadi cùng một số thành viên khác của LIFG có bằng chứng để kiện đòi Chính phủ Anh bồi thường. Kết quả là vào năm 2012, Al-Saadi đã chấp nhận mức bồi thường 2,23 triệu bảng của Chính phủ Anh. Còn Belhaj tiếp tục đâm đơn kiện không chỉ Chính phủ Anh mà cả ông Allen và cựu Ngoại trưởng Jack Straw (kiêm phụ trách MI-6), với mức bồi thường từ 1 đến 3 triệu bảng.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.