Tình báo Anh đánh cắp thông tin kinh tế của Đức

Thứ Sáu, 27/09/2013, 20:20

Sau 60 năm, hết thời hạn bảo mật, một tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia ở London (Anh) đã được công bố rộng rãi, bóc trần kế hoạch đánh cắp thông tin kinh tế của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Anh (IC).

Bản tài liệu tuyệt mật dày 155 trang với tiêu đề "Báo cáo bí mật về các thiết kế ở Đức", do IC soạn thảo năm 1958 nhằm tóm lược quá trình hoạt động thiên về mục đích kinh tế của các nhân viên phản gián trên đất Đức, diễn ra ngay sau thời điểm Thế chiến thứ II vừa kết thúc. Theo đó, bị "mê hoặc" trước các sản phẩm của Đức mà những người lính Anh từng tham chiến mang về quê hương, Bộ Thương mại và Công nghiệp Hoàng gia Anh dưới thời cố Thủ tướng Clement Richard Attlee (1883-1967) đã yêu cầu Tổng cục Tình báo Quốc phòng với màng lưới điệp viên sẵn có của mình, tích cực hỗ trợ nhằm thâm nhập tìm hiểu bí quyết kinh tế của người Đức.

Ban lãnh đạo IC liền giao nhiệm vụ cho Cục Phản gián công nghiệp (DIE) triển khai chiến dịch đánh cắp thông tin, tập trung chủ yếu vào những ngành mũi nhọn của nền kỹ nghệ Đức lúc ấy.

Bắt đầu từ năm 1946, các điệp viên DIE nhân danh lực lượng chiếm đóng tại những vùng lãnh thổ do quân Đồng minh kiểm soát trên phần đất Tây Đức, đã tỏa vào mọi cơ sở công nghiệp ở các thành phố hàng đầu như Berlin, Munich, Frankfurt, Offenbach, Stuttgart, Krefeld và Bielefeld. Họ ráo riết tiến hành những cuộc thẩm vấn đối với giới doanh nhân, các nhà quản lý chuyên môn, kỹ thuật viên, kiến trúc sư và nhà thiết kế sản phẩm, đồng thời chụp ảnh các bản vẽ thiết kế, thu thập những phương pháp sản xuất rồi bí mật gửi về London.

Sản phẩm tiêu biểu của Hãng Porsche SE là "đích ngắm" về kiểu dáng cho kỹ nghệ xe hơi Anh.

Trong thực tế là ngay từ thập niên 30 trước thời điểm Thế chiến II nổ ra, khi người Anh chưa mấy coi trọng hình thức mẫu mã sản phẩm, thì người Đức đã đi đầu trong lĩnh vực này đưa đến thành công mang tính quyết định trên thương trường. Vì vậy, mục tiêu hàng đầu của DIE lúc ấy là nắm bắt được những bí quyết thiết kế của 3 công ty khổng lồ là Telefunken, Porsche SE và AEG.

Hãng Telefunken là tổ hợp chuyên về thiết bị truyền thông lớn nhất ở Đức, Công ty Porsche SE nổi tiếng như là thương hiệu dẫn đầu trong ngành chế tạo ôtô du lịch, còn Công ty AEG lại chuyên về sản xuất các thiết bị điện. Những mục tiêu kế tiếp mà Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh nhắm tới là kỹ nghệ sản xuất vũ khí, công nghiệp hóa chất, hàng không, điện năng, đóng tàu ngầm... bằng cách "vay mượn" những phương thức thiết kế đúc kết từ kinh nghiệm của người Đức, người Anh mới mong thúc đẩy đà xuất khẩu hòng vực dậy nền kinh tế Anh kiệt quệ sau chiến tranh.

Các báo cáo gửi về từ giới nhân viên của DIE được Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh chuyển thẳng cho Hiệp hội Thiết kế công nghiệp Hoàng gia, để cơ quan này nghiên cứu và áp dụng cho các sản phẩm sắp được khoác nhãn "Made in UK" do Anh xuất khẩu ra nước ngoài.

Để biện minh cho những hoạt động mờ ám trong quá khứ của mình, cũng như xoa dịu đồng minh quan trọng là Cơ quan Tình báo Đức (BND), Tướng không quân Nick Houghton vừa được bổ nhiệm lãnh đạo IC vào đầu tháng 5 vừa qua, đã nêu một ví dụ điển hình rằng không chỉ người Anh mới thu thập thông tin từ nền kỹ nghệ Đức.

"Các bạn cứ thử so sánh mà xem. Ví như sản phẩm nghe nhạc iPod đặc trưng cũa hãng điện tử Mỹ Apple, thực ra là bản sao thu nhỏ từ kiểu máy thu thanh bỏ túi hiệu "T" do Công ty Brown của người Đức sản xuất vào năm 1958. Brown chính là hãng chuyên sản xuất các thiết bị truyền tin phục vụ đế chế đệ tam của trùm phát xít Hitler", N. Houghton lên tiếng giãi bày

Thu Hường (theo Secret Services)
.
.