Tình báo Arập Xêút huấn luyện phe nổi dậy ở Syria

Thứ Năm, 21/11/2013, 15:30

Sau khi thất vọng trước quyết định của Tổng thống Barack Obama không tấn công chính quyền Bashar al-Assad, Arập Xêút bắt đầu có nỗ lực mới để huấn luyện phe nổi dậy Syria. Theo các nguồn tin thân cận, Riyadh cũng nhờ đến sự trợ giúp của Cơ quan Tình báo quân đội ISI của Pakistan.

Pakistan và Arập Xêút, cũng như Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), cùng ủng hộ các chiến binh Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô trong thập niên 80 và sự hợp tác này vẫn kéo dài cho đến ngày nay do chính quyền mới của Afghanistan không đủ khả năng kiểm soát đất nước mở đường cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban.

Riyadh mô tả chương trình huấn luyện phe nổi dậy có hai mục đích - đó là lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và làm suy yếu các nhóm liên kết với tổ chức khủng bố Al  -Qaeda bên trong  Syria.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Hoàng thân Turki - cựu lãnh đạo tình báo Arập Xêút và đại diện ngoại giao nước này ở Washington - cho biết lực lượng nổi dậy ở Syria cần được tăng cường sức mạnh để tự vệ trước những kẻ cực đoan từ bên ngoài muốn áp đặt hệ tư tưởng của chúng vào nước này.

Trong chương trình huấn luyện của Arập Xêút, vai trò của Pakistan tương đối mờ nhạt mặc dù một nguồn khác cho biết kế hoạch đang gây tranh cãi hiện nay của Riyadh đề nghị Pakistan chịu trách nhiệm huấn luyện cho 2 nhóm nổi dậy bao gồm khoảng từ 5.000 đến 10.000 chiến binh trong lãnh thổ Jordan.

Trong khi đó, Yezid Sayigh - chuyên gia Trung tâm Trung Đông Carnegie và người đầu tiên chú ý đến kế hoạch sử dụng các huấn luyện viên người Pakistan của Riyadh - nhận định tình báo Arập Xêút có kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng một đội quân nổi dậy hùng mạnh từ 40.000 đến 50.000 binh sĩ. Một quan chức tình báo Syria cho biết: "Cách duy nhất khiến cho ASad phải từ bỏ quyền lực là khi ông ta đối mặt với lực lượng vũ trang hùng mạnh".

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về chương trình huấn luyện của Riyadh. Quyết định hành động độc lập với Mỹ của chính quyền Arập Xêút cho thấy dấu hiệu mới nhất về sự chia rẽ giữa mối quan hệ đồng minh lâu đời Riyadh và Washington.

Hoàng thân Bandar bin Sultan, lãnh đạo tình báo Arập Xêút, không được Washington báo trước về quyết định hủy chiến dịch tấn công Syria nhằm trừng phạt việc quân đội nước này dùng vũ khí hóa học chống quân nổi dậy mà thật ra ông chỉ biết tin qua Đài CNN. Do đó, Arập Xêút hiện giờ chỉ trông cậy vào chương trình huấn luyện phe nổi dậy để lật đổ Tổng thống Assad và nỗ lực này dựa vào sự giúp đỡ của các đồng minh khác như Pakistan, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Pháp.

Các chiến binh phe nổi dậy ở Syria.

Theo chuyên gia về khu vực Trung Đông Yezid Sayigh, Arập Xêút có ý định xây dựng "một quân đội quốc gia mới" cho phe nổi dậy ở Syria - một lực lượng được cho là mang "hệ tư tưởng Sunni công khai". Ngoài chương trình huấn luyện được tiến hành trên lãnh thổ Jordan, tình báo Arập Xêút cũng giúp tổ chức này quy tụ khoảng 50 lữ đoàn phe nổi dậy vào "Đội quân Hồi giáo" dưới sự lãnh đạo của Zahran Alloush, một chỉ huy thuộc nhóm Hồi giáo bảo thủ cực đoan Salafist có cha là giáo sĩ.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch tăng cường Hồi giáo hóa các lực lượng của phe nổi dậy ở Syria chỉ có thể thành công khi mà Arập Xêút ủng hộ các nhóm chiến binh Salafist.

Charles Lister, nhà phân tích thuộc Trung tâm về khủng bố và nổi dậy IHS Jane's, nhận định: "Các nhóm chiến binh này tình cờ trở thành các tổ chức hùng mạnh về mặt chiến lược ở Syria. Nếu Arập Xêút quả thực ủng hộ thì họ sẽ trở thành phe nắm giữ quyền lực quan trọng trong cuộc xung đột".

Chính quyền Pakistan hiện nay đặc biệt quan hệ thân thiết với Arập Xêút hơn bao giờ hết, mặc dù hai bên cùng chia sẻ quan hệ quốc phòng từ lâu. Theo cựu sĩ quan CIA Bruce Riedel, Arập Xêút trợ giúp cho Pakistan nhiều hơn bất cứ quốc gia không phải Arập nào khác và cũng được cho là tài trợ rất mạnh cho chương trình hạt nhân của Pakistan. Đáp lại, quân đội Pakistan đã nhiều lần đóng quân ở Arập Xêút trong hơn 30 năm qua.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị lật đổ năm 1999 trong cuộc đảo chính quân sự và người Arập Xêút được cho là có nỗ lực đưa nhân vật này ra khỏi nhà tù. Sau đó, Sharif trải qua 7 năm sống lưu vong và chủ yếu lưu trú ở Arập Xêút. Arif Rafiq, chuyên gia Viện Trung Đông, cho biết: "Đối với người Arập Xêút, Sharif là đối tác chủ chốt trong một liên minh chủ chốt".

Nhưng, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ trong quá khứ, Arập Xêút cũng nhận ra rằng, các đồng minh cũ đang bực tức khi nước này thể hiện quá nhiều tham vọng ở Syria. Pakistan đang khổ sở với bạo lực giáo phái đẫm máu và phải suy xét mối quan hệ với Iran, trong khi chính sách đối ngoại của Islamabad là tập trung đàm phán với Taliban về tương lai của Afghanistan cũng như mối quan hệ cạnh tranh lâu đời với Ấn Độ.

Theo đánh giá của chuyên gia Yezid Sayigh, thách thức lớn nhất hiện nay của Arập Xêút không chỉ gây thiệt hại lớn cho quân đội Syria mà còn là vấn đề tổ chức một lực lượng nổi dậy có mối liên kết chặt chẽ có thể phối hợp hành động trên khắp đất nước Syria. Nói khác đi, nếu Arập Xêút muốn thành công ở vùng đất mà các nước khác như Mỹ và Pháp đã thất bại thì họ phải thuyết phục cho được các nhóm nổi dậy cùng bắt tay nhau vì mục đích chung, mà điều này nói thì dễ hơn làm.

David Ottaway - chuyên gia Trung tâm Wilson và là tác giả một cuốn tiểu sử về hoàng thân Banda bin   Sultan - cũng không tin Riyadh có khả năng thống nhất các lực lượng nổi dậy ở Syria

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.