Tình báo Đông Đức khai thác thông tin của NATO

Thứ Hai, 28/11/2005, 09:19

Một trong những mục tiêu thu thập thông tin tình báo quan trọng nhất của Đông Đức là trụ sở của khối NATO ở Brussels. Đây là địa bàn hoạt động hàng đầu của Tổng cục Tình báo thuộc Bộ An ninh quốc gia (Stasi) và Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng CHDC Đức.

Sau khi chính quyền Đông Đức sụp đổ, phương Tây mới được biết là cho tới năm 1988, Cục 12 của Stasi (nơi trực tiếp đảm trách việc xâm nhập vào các cơ cấu quân sự của NATO và EU) có trong tay không dưới 70 điệp viên là công dân CHLB Đức, những người có những cương vị chủ chốt và khả năng tiếp cận những nguồn thông tin quan trọng nhất. Còn liên quan đến Cơ quan Tình báo quân đội (tương tự như GRU của Liên Xô), phương Tây chỉ nắm được một số thông tin sau khi may mắn tuyển mộ được một vài nhân viên của cơ quan này vào năm 1958.

Trong giai đoạn 1967-1979, Stasi có nữ điệp viên quan trọng Ursula Lorenzen (trong hồ sơ lưu trữ có mật danh "Michelle!"), người từng giữ cương vị trợ lý cho viên giám đốc người Anh của Cục Tác chiến, trực thuộc Tổng thư ký NATO. Michelle được tuyển mộ ngay từ năm 1962 bởi một điệp viên quân sự mang mật danh "Bordeaux", và về sau đã kết hôn với người này.

Hai người đã hoạt động rất hiệu quả ngay tại trụ sở NATO ở Brussels, cho tới khi được triệu hồi khẩn cấp về Đông Berlin. Chuyện này diễn ra sau khi một viên sĩ quan tình báo quân sự Đông Đức chạy sang phương Tây và khai báo về họ. Theo thú nhận bất đắc dĩ của giới lãnh đạo NATO, tầm quan trọng của những tài liệu mà Michelle đã trao cho Đông Đức là “không thể đánh giá hết được”.

Còn người thanh niên từ Tây Đức Rainer Rupp được tình báo quân sự tuyển mộ vào năm 1968 với mật danh "Mosel". Năm 1972, anh ta cưới công dân Anh Ann-Christin Bowen và thuyết phục cô hoạt động tình báo cho Đông Đức. Vào thời gian đó, Ann-Christie đang làm thư ký tại Cơ quan điều hành các hệ thống liên lạc của NATO.

Trụ sở NATO tại Brussels - nơi thường xuyên bị tình báo Đông Đức theo dõi.

Năm 1977, Ann-Christie lại chuyển sang làm việc tại bộ phận lập kế hoạch của liên minh này, trước khi được bổ nhiệm làm nhân viên Cơ quan an ninh trong Bộ Tham mưu của NATO. Hai năm sau, Ann được triệu hồi về Đông Berlin, nhưng vị trí của cô ta lại do chính người chồng thay thế.

Trong suốt 10 năm liền, tình báo Đông Đức đã nhận được từ Rainer Rupp (lúc này có mật danh mới là "Topas") khoảng 2.500 tài liệu mật thuộc loại quan trọng. Phải nói là Rupp đã hoạt động một cách rất nhiệt tình và hoàn toàn tự nguyện. Cứ 6 tuần một lần, Rupp lại có dịp vào trực tại “trung tâm tình huống” siêu bí mật của Bộ Tham mưu NATO và truyền đi những tài liệu quan trọng từ đây. Chính Rainer Rupp là nguồn tin chủ yếu, nhờ đó Đông Berlin và Moskva có thể nắm được tất cả các kế hoạch của NATO về việc triển khai các đòn tấn công hạt nhân mang tính ngăn chặn.

Năm 1987, một cựu sĩ quan liên lạc tại Quốc hội Tây Đức đã được chuyển sang hoạt động ngoại giao, và sau đó đã hoạt động rất năng nổ tại Đại sứ quán CHLB Đức ở Vienne. Tiếp đó, anh ta được cử tới Brussels, trở thành một nhân viên quan trọng trong phái đoàn quân sự Tây Đức tại Bộ Tham mưu của NATO.

Không ai trong số các đồng nghiệp mới của anh ta có thể ngờ rằng, cựu quân nhân này từ lâu đã là một trong những điệp viên quan trọng nhất của Stasi với mật danh "Cherry". Cứ mỗi tháng, anh ta gửi về Đông Berlin trung bình khoảng 800 tài liệu quan trọng khác nhau với dấu “tuyệt mật”. Dù cùng hoạt động trong một địa bàn, Topas và Cherry không bao giờ biết được sự tồn tại của nhau, và do đó thường cùng gửi về trung tâm những tài liệu giống nhau.

Tất nhiên phải kể đến vụ bê bối gián điệp lớn nhất trong lịch sử Tây Đức sau chiến tranh. Ngày 24/4/1974, Cơ quan An ninh CHLB Đức đã bắt giữ thư ký riêng 47 tuổi Gunter Guillaume của Thủ tướng Willy Brandt vì tội hoạt động gián điệp cho Đông Đức. Thủ tướng Brandt đã có quan hệ rất chặt chẽ với gia đình Guillaume, khi từng ẩn náu khỏi sự truy bắt của bọn phát xít ngay trong nhà người cha viên thư ký tương lai của mình.

Năm 1955, Brandt (khi đó đang là Thị trưởng Tây Berlin) đã giúp Guillaume - con chuyển sang sinh sống tại CHLB Đức. Thế là điệp viên bí mật của Stasi đã trở thành trợ lý thân cận nhất của Thủ tướng Tây Đức, sau khi phe xã hội dân chủ lên nắm quyền vào năm 1970 và có khả năng tiếp cận với những thông tin bí mật nhất. Sau khi bị phát hiện, Guillaume đã bị kết án 13 năm tù vì tội “phản bội Tổ quốc và hoạt động gián điệp”, còn bà vợ Christel của ông ta phải nhận bản án 8 năm tù.

Năm 1981, cả hai được trao đổi với một số điệp viên Tây Đức bị CHDC Đức bắt được. Việc Gunter Guillaume bị vạch trần đã dẫn tới sự ra đi của Thủ tướng Willy Brandt - một “kiến trúc sư” của chính sách đối ngoại xích lại gần nhau với Liên Xô và các nước Đông Âu

T.Q. (tổng hợp)
.
.