Tình báo Đức: Cảnh báo về nguy cơ thánh chiến Hồi giáo

Thứ Hai, 19/11/2012, 16:25

Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND) bày tỏ mối lo ngại đang tăng về viễn cảnh những cuộc tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan Hồi giáo tiến hành bên trong nước Đức và lan rộng ra khắp châu Âu. Theo giám đốc BND, Gerhard Schindler, khoảng trên 10.000 người Đức đã quy theo đạo Hồi và con số này có vẻ ngày một tăng thêm.

“Những con sói cô đơn” đang quy tụ bầy đàn

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8/2012 của tờ báo Đức, Die Welt, Gerhard Schindler tuyên bố BND đặc biệt lo ngại về mối đe dọa từ phía các phần tử khủng bố nội địa - các cá nhân chào đời hay trưởng thành tại châu Âu và sau đó tìm đường sang những vùng chiến sự như Afghanistan, Pakistan, Somalia hay Yemen để được huấn luyện các phương pháp và kỹ thuật khủng bố. Những cá nhân đặc biệt này thường được gọi là "sói cô đơn".

Báo cáo của Schindler xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Tây Ban Nha bắt giữ 3 nghi can Al-Qaeda được cho là âm mưu tấn công từ trên không vào một khu mua sắm gần Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm giữa Tây Ban Nha và Bắc Phi. Cảnh báo của Schindler cũng xuất hiện giữa bối cảnh của phiên tòa an ninh nghiêm ngặt xét xử 4 nghi can Al-Qaeda diễn ra ở Đức vào ngày 25/7/2012.

Các công tố viên Đức cho biết 4 bị cáo - 3 người Đức lớn lên ở bang North Rhine-Westphalia và 1 người mang quốc tịch Morocco - âm mưu mở cuộc tấn công khủng bố quy mô ngay trong lòng nước Đức. Cũng được gọi là "nhóm Dusseldorfer", bọn chúng tiếp tục bị buộc tội âm mưu ám sát cựu chỉ huy của Lực lượng Đặc biệt Đức (KSK) cũng như tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở thành phố Grafenwohr thuộc bang Bavaria.

Chính quyền Đức bắt đầu theo dõi "nhóm Dusseldorfer" vào đầu năm 2010, khi Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo với Cảnh sát Đức về việc một phần tử Morocco tên là Abdeladim el-Kebir, 31 tuổi, đã vào nước Đức sau một thời gian được huấn luyện tại trại khủng bố của Al-Qaeda ở Waziristan nằm dọc biên giới Afghanistan và Pakistan. El-Kebir, còn gọi là Abi al-Bara, chính là tên cầm đầu "nhóm Dusseldorfer" và nhận lệnh từ một điệp viên cao cấp không rõ danh tính của Al-Qaeda để đánh bom khủng bố vào hàng loạt các tòa nhà công cộng, trạm tàu hỏa và sân bay ở Đức.

Sau nhiều tháng theo dõi chặt chẽ, Cảnh sát Đức bắt giữ El-Kebir vào tháng 4/2011. Trước khi bị bắt giữ, El-Kebir đã tuyển mộ được 3 tòng phạm khác mà hắn quen từ thời còn là sinh viên ở thành phố Bochum - Jamil Seddiki, 32 tuổi; Amid Chaabi, 21 tuổi; và Halil Simsek, 28 tuổi. Cả 3 tòng phạm này bị bắt giữ  ở Đức vào tháng 12/2011. Seddiki bị buộc tội chế tạo chất nổ; còn Chaabi và Simsek bị cáo buộc có liên lạc với giới thủ lĩnh Al-Qaeda.

Do lo ngại đang tăng về mối đe dọa khủng bố từ các phần tử Hồi giáo cực đoan, thời gian qua, chính quyền bang Lower Saxony xuất bản một cuốn cẩm nang về Hồi giáo cực đoan nhằm giúp công dân Đức nhận ra những dấu hiệu đặc trưng của những người Hồi giáo sắp trở thành phần tử cực đoan. Các quan chức tình báo Đức cho biết, mục tiêu của tập sách này là giảm nhẹ mối đe dọa của những cuộc tấn công từ bọn khủng bố lớn lên ở Đức thông qua việc giáo dục về Hồi giáo cực đoan và khuyến khích người dân tố giác những phần tử cực đoan với chính quyền.

Cuốn hồi ký "Con đường đến Thiên đàng của tôi" của phần tử thánh chiến người Đức - Eric Breininger - được đưa lên Internet.

Chính quyền Đức đặc biệt quan ngại nhóm Hồi giáo Salafi sau khi chúng công khai tuyên bố sẽ thiết lập Luật Sharia Hồi giáo tại nước Đức cũng như khắp châu Âu. Cuốn cẩm nang dày 54 trang có tựa đề "Tiến trình cực đoan hóa trong bối cảnh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố" - cung cấp rất nhiều chi tiết về hiện trạng người Hồi giáo ở Đức, mô tả bức tranh u tối về mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước này. Tập cẩm nang cũng nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, "các phân tích tình báo cho thấy những tân tín đồ Hồi giáo người Đức có nhiều khả năng bị cực đoan hóa"

Mối đe dọa từ người Hồi giáo ở Đức

Tại phiên tòa xét xử ở Stuttgart vào tháng 8/2012, 624 euro (khoảng 768 USD) là số tiền Ramazan B., 25 tuổi, khai nhận đã chuyển vào tài khoản ngân hàng của một thành viên thuộc tổ chức gọi là "Islamic Jihad Union" (IJU), và có khả năng nó sẽ được sử dụng để ủng hộ các hoạt động khủng bố. Theo hồ sơ tòa án, IJU muốn giải thoát Afghanistan khỏi mọi ảnh hưởng của phương Tây đồng thời tái lập vương quốc Hồi giáo cho Taliban. Nhưng muốn đạt mục đích, chúng cần rất nhiều tiền, và đó là lý do chúng cố gắng tranh thủ quyên góp từ những người Hồi giáo ở Đức. Những trường hợp như thế này không lạ gì với Mikhail Logvinov, chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan ở Viện Nghiên cứu chủ nghĩa cực quyền Hannah Arendt đặt trụ sở tại Dresden, Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Die Welt, Logvinov cho biết có nhiều người Đức như Ramazan B. tích cực ủng hộ tài chính cho các nhóm Hồi giáo cực đoan. Logvinov giải thích: "Châu Âu quan tâm đến các nhóm Hồi giáo không chỉ vì những cuộc khủng bố tiềm ẩn mà còn vì nguồn tài chính". Logvinov đánh giá những người Hồi giáo Đức sẵn sàng ủng hộ từ hàng trăm đến hàng chục ngàn euro vì mục đích này. Năm 2010, Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức đã tiến hành 350 cuộc điều tra về người Hồi giáo ở nước này.

Hình ảnh trong một video gọi là "Taliban người Đức" đe doạ tiến hành thánh chiến tại các thành phố nước Đức. Thông điệp được minh hoạ với hình ảnh Cổng Brandenburg của Đức.

Trong hai năm 2010 và 2011, Cơ quan An ninh nội địa Đức ghi nhận có 2.950 người Hồi giáo sống ở nước này sẵn sàng có hành vi bạo lực. Còn giới chức BND thống kê có khoảng 1.140 người Đức có nguy cơ cao trở thành phần tử khủng bố. Ngoài ra, thông tin tình báo cho biết có hơn 250 người Đức lên đường đến Afghanistan và Pakistan để được huấn luyện khủng bố và sau đó hơn một nửa trong số này quay trở về Đức. Jorge Ziercke, Giám đốc Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức, tuyên bố mối quan tâm lớn nhất của chính quyền vẫn là nhóm Salafi.

Sử dụng Internet để tuyên truyền thánh chiến

Denis Cuspert từng một thời là ca sĩ nhạc rap với nghệ danh Deso Dogg.

BND cho biết, hiện nay một cộng đồng người Hồi giáo nói tiếng Đức đã phát triển mạnh trên Internet, hô hào thánh chiến và kêu gọi tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào nước Đức. Lần đầu tiên một nghiên cứu mới về sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo trên Internet - do Quỹ Khoa học và Chính trị (SWP) ở Berlin thực hiện - cảnh báo chiến dịch tuyên truyền như thế có thể cổ vũ cho sự ra đời của một thế hệ mới những tên khủng bố người Đức.

Nam ca sĩ nhạc rap Denis Cuspert - nghệ danh là Deso Dogg, nổi lên vào năm 2010 sau khi quy theo đạo Hồi với tên mới là Abu Malik - càng trở nên nổi tiếng sau khi trở thành người tuyên truyền thánh chiến qua các bài hát của anh.

Theo điều tra của Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp ở Berlin, đầu năm 2012 Cuspert có 3 bài hát được xem là đầu độc giới trẻ Đức do có nội dung tuyên truyền thánh chiến và khủng bố. Hiện nay, Cuspert là một trong những người tuyên truyền thánh chiến nói tiếng Đức nổi tiếng nhất trên Internet. Các tổ chức khủng bố quốc tế như Al-Qaeda nhận thức được tầm quan trọng của Internet trong sứ mạng tuyển mộ thành viên mới từ rất sớm, và chi nhánh Đức của "Mặt trận truyền thông Hồi giáo toàn cầu" (GIMF) - nhóm tự coi là tiếng nói của mọi phần tử thánh chiến trên toàn thế giới - bắt đầu nổi lên trước năm 2005. Chi nhánh Đức của GIMF được thành lập bởi Mohamed Mahmoud, ngưới Áo gốc Ai Cập.

Ngoài Cuspert, Mahmoud cũng là một trong những gương mặt nổi bật nhất trong cộng đồng người Hồi giáo Đức. Chính quyền Đức nhanh chóng chú ý đến Mahmoud khi người này bắt đầu tuyên truyền về tổ chức Al-Qaeda trên Internet vào năm 2005. Sau khi GIMF đưa lên Internet một video đe dọa tấn công khủng bố nhằm vào lãnh thổ Đức và Áo hồi tháng 3/2007, Mahmoud và vợ bị bắt giữ.

Sau khi được trả tự do vào tháng 9/2011, Mahmoud nhanh chóng bắt tay với người bạn mới Cuspert ở Berlin. Ít lâu sau, cả hai di chuyển đến thành phố Solingen miền Tây nước Đức và tại địa điểm mới này, Mahmoud biến giáo đường Hồi giáo Millatu Ibrahim thành nơi gặp mặt của mọi thành viên Salafi trên toàn nước Đức. Tuy nhiên, giáo đường không có nhiều lợi thế hơn Internet - do đó Nahmoud, Cuspert và những người ủng hộ họ thành lập các trang web để tuyên truyền tuyển mộ thành viên khủng bố trẻ tuổi.

Sân bay Frankfurt ở Đức bị Arid U. tấn công vào tháng 3/2011.

Theo báo cáo từ BND, việc đóng cửa các trang web tuyên truyền thánh chiến đến giới trẻ và bắt giữ những người đằng sau chúng có thể kiềm chế được số thành viên Salafi đang tăng ở Đức. Sau khi chính quyền Liên bang Đức cấm nhóm Millatu Ibrahim của Mahmoud hoạt động vào tháng 6/2012, trang web của chúng đã bị đóng cửa song các blog và trang web mới khác lại nhanh chóng xuất hiện để tiếp tục phổ biến các thông điệp nguy hiểm nhằm lôi kéo giới trẻ tham gia thánh chiến và khủng bố. Mahmoud, Cuspert và những kẻ đồng lõa lợi dụng những trang web độc hại này để giao tiếp với những người ủng hộ chúng ở Đức.

Sau quyết định cấm hoạt động đối với nhóm Millatu Ibrahim và sự va chạm đổ máu giữa nhóm Salafi và cảnh sát tại một cuộc mít tinh ở thành phố Cologne, Mahmoud và Cuspert cùng với nhiều nhân vật chủ chốt trong cộng đồng Hồi giáo Đức biến mất. Giới chức BND cho là chúng đã bay sang Ai Cập. Tháng 9-2012, Cuspert phát đi thông điệp trong một video: "Các người đã tiêu tốn hàng triệu và hàng tỉ đồng vào cuộc chiến chống Hồi giáo. Và, đó là lý do tại sao Cộng hòa Liên bang Đức đang là vùng chiến tranh".

Chính quyền Đức đánh giá chiến dịch tuyên truyền thánh chiến Hồi giáo trên Internet là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt sau vụ Arid U - người thanh niên sống ở Frankfurt chưa từng tiếp xúc ngoài đời với bất cứ phần tử thánh chiến nào nhưng sau đó đã trở thành một phần tử cực đoan trên Internet! Tháng 3/2011, Arid U. đã giết chết 2 lính Mỹ và làm nhiều người khác bị thương tại sân bay Frankfurt.

Giới chức BND đánh giá Arid U. là ví dụ điển hình về hiện tượng gọi là "thánh chiến không có người lãnh đạo". Những phần tử nguy hiểm này không đến các trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan hay Afghanistan, cũng không hề nhận lệnh trực tiếp từ cấp thủ lĩnh Al-Qaeda. Chúng hành động độc lập theo sự kích động thánh chiến trên Internet. Guido Steinberg, người kiểm tra nội dung nghiên cứu SWP, cảnh báo: "Chúng ta có thể đoan chắc rằng bọn thánh chiến cũng rút được những bài học đắt giá từ những cuộc tấn công giống như của Anders Breivik ở Na Uy để có được hiệu quả hơn trong tương lai"

Diên San (tổng hợp)
.
.