Tình báo Hà Lan – đồng minh bí mật của Mỹ trong cuộc chiến chống hacker

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:01
Thông tin báo chí vừa tiết lộ cho biết, Cơ quan tình báo đối nội Hà Lan (AIVD) đã từng theo dõi hoạt động tấn công mạng của các hacker Nga và đã cảnh báo cho tình báo Mỹ biết về việc can thiệp vào tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đặc biệt là vụ tấn công hộp thư của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC).

Thông tin về việc cơ quan tình báo AIVD của Hà Lan theo dõi các hacker Nga được đưa tin đầu tiên trên các tờ báo Nieuwsuur và Volkskrant số ra ngày 25-1-2018. Theo các báo, điệp viên mạng của AIVD đã bí mật theo dõi hoạt động của nhóm hacker Cozy Bear trong khoảng thời gian ít nhất một năm bắt đầu từ giữa năm 2014.

Trong thời gian này, các điệp viên mạng của AIVD đã theo dõi hoạt động tấn công mạng của nhóm hacker Nga trên nhiều đối tượng khác nhau và đã quan sát một số vụ tấn công, trong đó có những vụ từng gây dư luận xôn xao như vụ tấn công mạng máy tính bảo mật của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2014, cũng như một loạt vụ đột nhập các hệ thống máy tính không bảo mật khác của Nhà Trắng và Quốc hội diễn ra sau đó.

Các quan chức tình báo Mỹ từng thừa nhận với tờ báo Washington Post của Mỹ rằng NSA đã nhận được lời báo động về các vụ tấn công mạng đó từ một cơ quan tình báo không nêu tên của các nước phương Tây, khẳng định rằng đây là một cơ quan tình báo đồng minh của Mỹ.

Trước đó, cơ quan tình báo bí mật này đã bẻ khóa đột nhập vào các máy tính của các hacker Nga và thậm chí xâm nhập cả hệ thống camera quan sát kết nối mạng trong văn phòng làm việc của họ, thu thập luôn video hình ảnh hoạt động trong văn phòng của các hacker này. Bước tiếp theo, các điệp viên cơ quan này âm thầm theo dõi các hoạt động của nhóm hacker trong các hệ thống máy tính của Mỹ.

Hacker người Nga được cho là đã gây ra hàng loạt vụ tấn công mạng không chỉ ở Mỹ mà còn cả châu Âu.

Trong các bài báo ra ngày 25-1, báo chí Hà Lan đã công khai tiết lộ rằng cơ quan tình báo “đồng minh bí mật” của Mỹ nêu trên chính là AIVD. Không chỉ xâm nhập hệ thống máy tính và camera quan sát, các điệp viên AIVD thậm chí còn truy ra được vị trí địa lý nơi đặt văn phòng hoạt động của nhóm hacker Nga, đó là một tòa nhà của một trường đại học nằm bên cạnh Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow, Nga.

Theo hai tờ báo Nieuwsuur và Volkskrant, các thông tin do điệp viên AIVD thu thập được sau đó đã được chuyển ngay cho CIA và NSA, và có lẽ những thông tin này đã góp phần khẳng định thủ phạm gây ra các vụ tấn công trong giai đoạn 2014-2015, từ đó giúp FBI có cơ sở triển khai cuộc điều tra ban đầu về việc người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Các vụ tấn công của hacker Nga không chỉ nhắm vào các mục tiêu ở Mỹ, mà còn nhắm vào các mục tiêu khác ở châu Âu. Vụ tấn công mạng máy tính đảng Dân chủ xảy ra vào tháng 6-2016 đã gây tác động lớn trong cộng đồng tình báo Mỹ và châu Âu.

Đó là một điển hình tấn công mạng táo bạo được thực hiện trót lọt ngay trước mũi các cơ quan tình báo được trang bị công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới. Bởi thế, sau khi những vụ tấn công ở Mỹ bị phát hiện và được báo chí thông tin rầm rộ, các cơ quan tình báo và an ninh của châu Âu cũng bắt đầu khẩn trương tìm cách ngăn chặn nguy cơ tấn công.

Trong năm 2017, cộng đồng tình báo châu Âu đã ghi nhận gần 20 vụ tấn công mạng ở các mức độ khác nhau. Và một báo cáo mới công bố tháng 1-2018 của Quốc hội Mỹ cho biết có bằng chứng xác định nhiều vụ là do các nhóm hacker Nga gây ra.

Trụ sở Cơ quan Tình báo AIVD của Hà Lan.

Tuy nhiên, không phải vụ tấn công nào cũng xuất phát từ hacker Nga hoặc từ các máy tính đặt tại Nga, càng khó khẳng định chúng có liên quan đến các cơ quan chính quyền Nga. Những cái đầu nóng chống Nga triệt để thường tìm cách gán cho bằng được những thủ phạm tấn công và xu hướng chính trị chịu ảnh hưởng Nga ở châu Âu để tự suy ra rằng những vụ tấn công đó “có thể” có liên quan đến nước Nga.

Một điển hình của kiểu suy luận này là lời cáo buộc của giới chức tình báo Pháp trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017. Các nhóm cực hữu ở Mỹ có quan điểm thân Nga đã thực hiện cuộc tấn công hộp thư điện tử của ứng viên Emmanuel Macron nhằm phá hỏng cơ hội thắng cử của ông, tạo thuận lợi cho đối thủ là bà Marine Le Pen. Thế nhưng vẫn có lời cáo buộc từ cơ quan tình báo quốc gia Pháp cho rằng nhóm tấn công “rất có thể” có liên hệ với nước Nga(!?).

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định trong một phát biểu hồi tháng 6-2017 rằng, Điện Kremlin không liên quan gì đến các vụ tấn công mạng xảy ra trước đó, trong đó có vụ tấn công, can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông cũng cho rằng, rất có thể những vụ đó là do các “hacker yêu nước” ở Nga gây ra, nhưng điều đó không có nghĩa là nước Nga gây ra các vụ tấn công.

Để đối phó các vụ tấn công mạng và “can thiệp bầu cử”, một số nước châu Âu như Estonia và Phần Lan đã khẩn trương củng cố, xây dựng lực lượng an ninh mạng ngay từ năm 2015. Gần đây, nước Anh cũng tăng cường công tác đề phòng tấn công mạng, có kế hoạch xây dựng lực lượng an ninh mạng chuyên nghiệp nhằm ngăn chặn kịp thời những hành động tấn công mạng trong tương lai.

Tuy nhiên, cuộc chiến an ninh mạng không chỉ là những vụ tấn công của tin tặc (hacker), mà đó còn là cuộc chiến thông tin giả, là một cuộc đấu trí cân não giữa các cường quốc Đông - Tây nhằm gây ảnh hưởng về chính trị, xã hội tại các quốc gia đối thủ. Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn trong cuộc chiến này, dù đã rất cố gắng.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.