Tình báo Hàn Quốc thừa nhận can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2012

Thứ Sáu, 11/08/2017, 06:25
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) mới đây đã chính tức lên tiếng thừa nhận đứng sau chiến dịch giúp bà Park Geun-hye chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống thứ 18 của nước này diễn ra vào năm 2012.

Theo đó, NIS sử dụng những kỹ thuật chiến tranh tâm lý để "tranh thủ tình cảm" của cử tri Hàn Quốc. Nhưng tổng thống bị phế truất Park Geun- hye luôn phủ nhận việc cá nhân hưởng lợi từ các hoạt động của NIS.

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc NIS được thành lập năm 1961, dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Chung-Hee, với tên gọi ban đầu là Cục Tình báo Trung ương Triều Tiên (KCIA) và hoạt động theo kiểu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ban lãnh đạo quyền lực của KCIA lúc đó được phép can thiệp vào chính trường Hàn Quốc. Năm 1981, KCIA đổi tên thành Cục Kế hoạch An ninh Quốc gia (ANSP) sau một loạt cải cách dưới thời chính quyền Tổng thống Chun Doo-hwam. Cũng giống như KCIA trước đó, ANSP tiếp tục can dự vào chính trường trong nước. Năm 1999, ANSP một lần nữa đổi tên thành NIS cho đến ngày nay.

Ông Won Sei-hoon lãnh đạo NIS từ năm 2008-2013, tức giai đoạn cầm quyền của Tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak. Hiện thời, Won Sei-hoon đang bị xét xử lần thứ 2 về cáo buộc thao túng cuộc bầu cử tổng thống nước này vào năm 2012. Hãng tin Yonhap dẫn nhiều nguồn tin cho biết, đơn vị điệp viên chiến tranh tâm lý mạng của NIS (gọi là Ban chỉ huy Chiến tranh Mạng) được thành lập vào năm 2009 không lâu sau khi ông Won Sei-hoon được chỉ định lãnh đạo tổ chức này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trò chuyện với bà Park Geun-hye, ngày 18-5-2015.

Cuộc điều tra nội bộ của NIS phát hiện: lực lượng chiến tranh mạng đã lập khoảng 30 tổ, gồm các quan chức và cư dân mạng có trách nhiệm đăng tải những thông tin mang tính ủng hộ dành cho các chính khách thuộc phe bảo thủ trong suốt 2 năm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2012. Đây là một hoạt động trái phép của NIS để tác động đến cuộc bầu cử, như thuê chuyên gia chiến tranh mạng, để bảo đảm bà Park Geun-hye thuộc đảng Saenuri thắng ứng cử viên Moon Jae-in một cách sít sao và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Báo cáo điều tra nội bộ của NIS còn nêu chi tiết: trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử, các quan chức của NIS thường tổ chức chiến dịch tâm lý chiến chống CHDCND Triều Tiên, tải các thông tin bôi nhọ ứng cử viên Moon Jae-in trên mạng xã hội và các trang tin điện tử. Báo cáo viết: "Các tổ phụ trách việc phát tán các ý kiến thân chính phủ và đàn áp các quan điểm chống chính phủ, quy chụp đó là những âm mưu phá rối quốc gia của các thế lực thân Triều Tiên".

Theo giới truyền thông Hàn Quốc, đơn vị điệp viên mạng của NIS đã tung lên mạng khoảng 23 triệu tweet có lợi cho bà Park Geun-hye. Tháng 4-2012 (tức 8 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống), Won Sei-hoon tuyên bố: "Cuộc chiến tranh tâm lý của chúng tôi chống Bắc Triều Tiên là vô cùng quan trọng, song cuộc chiến tương tự chống công chúng Hàn Quốc cũng quan trọng không kém".

Một cuộc điều tra nội bộ của NIS dẫn đến một báo cáo tiết lộ các nhân viên thuộc đơn vị chiến tranh mạng đã "gây lụt" các trang web tin tức và mạng xã hội bằng hàng loạt thông điệp ủng hộ ứng cử viên Park Geun-hye đồng thời chỉ trích đối thủ trong cuộc chạy đua của 2 người vào Nhà Xanh (Dinh Tổng thống Hàn Quốc).

Báo cáo NIS viết: "Đội điệp viên mạng phải chịu trách nhiệm về việc lan truyền những quan điểm ủng hộ chính quyền trong khi ngăn chặn những ý kiến chống chính quyền cho rằng đó là âm mưu gây rối loạn xã hội Hàn Quốc của lực lượng thân Bắc Triều Tiên". Báo cáo điều tra nội bộ của NIS còn phát hiện những nỗ lực tác động cử tri trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2011 và 2012, thời Tổng thống cánh hữu cứng rắn Lee Myung-bak, người tiền nhiệm của bà Park và là người giới thiệu bà làm ứng cử viên tổng thống năm 2012.

Trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực tối cao của Nhà Xanh năm 2012, ứng cử viên Park Geun-hye giành được 15,7 triệu số phiếu bầu và đánh bại đối thủ Moon Jae-in thuộc đảng Hàn Quốc Tự do chỉ đạt 14,7 triệu phiếu. Trong cuộc đua này, Moon Jae-in giành được đại đa số phiếu tại thủ đô Seoul và vùng Jeolla trong khi bà Park được ủng hộ mạnh mẽ trong phần còn lại của Hàn Quốc bao gồm vùng Gyeongsang miền nam nước này.

Trong loạt hành động vận động hậu trường, Giám đốc NIS đã yêu cầu các quan chức cấp cao của NIS "bằng quyền hạn và trách nhiệm của mình" can thiệp vào cuộc bầu cử.  Won Sei-hoon nói với thuộc cấp rằng, "cuộc chiến chống các thế lực chống chính phủ" là một phần chiến dịch ngầm gây bất ổn ở Bắc Triều Tiên.

Cũng trong năm 2012, NIS bị nhiều cơ quan công luận tố cáo sử dụng một phần mềm mua ở Italy nhằm theo dõi và nghe trộm thông tin trên điện thoại thông minh cũng như máy tính của người dân nước này. Lúc đó, những người có trách nhiệm ở NIS phản biện rằng, họ sử dụng chương trình này để tăng khả năng chống lại chiến tranh mạng từ phía Triều Tiên và theo dõi những người nước ngoài có quan hệ với Bình Nhưỡng. Họ không sử dụng chương trình này với người dân trong nước.

Cựu Giám đốc Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Won Sei-hoon bị tống giam năm 2013 vì tội can thiệp quá sâu vào nội chính.

Các hoạt động của NIS chống lại giới chính khách theo đường lối tự do có lẽ bắt đầu từ năm 1997. Trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong cùng năm, Kwon Young-hae - lúc đó là lãnh đạo NIS- tiến hành nghe lén với ý đồ chống lại ứng cử viên Tổng thống Kim Dae-jung. Cuối cùng Kim Dae-jung vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và sau đó nổi tiếng với "Chính sách Ánh Dương" nhằm hòa giải với CHDCND Triều Tiên.

Kwon Young-hae từng ngồi tù 5 năm cũng vì các hoạt động gián điệp trong nước bất hợp pháp của mình. Trên trang mạng Mediapart ngày 15-6-2016 từng đăng tải bài phóng sự điều tra do tác giả có bút danh Jacques Kim thực hiện.

Trong bài phóng sự điều tra này, các hoạt động của Cơ quan tình báo Hàn Quốc được điểm lại với những… sai lầm hoặc sơ sót rất đáng chê trách: NIS từng loan tin một viên tướng cao cấp của Bình Nhưỡng bị hành quyết để rồi 3 tháng sau, cả thế giới trông thấy nhân vật này xuất hiện bên cạnh lãnh tụ tối cao CHDCND Triều Tiên và còn được thăng quan tiến chức.

Đó là trường hợp của tướng Ri Yong Il. Cũng NIS vào năm 2013 đã loan tin: cô Hyon Song Wol, bạn gái cũ của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un "đã bị thủ tiêu", nhưng rồi ít lâu sau, cô gái xinh đẹp này xuất hiện khá đều trên các phương tiện truyền thông ở Bình Nhưỡng!

Lại cũng NIS đã bịa ra nhiều bằng chứng để cáo buộc người Bắc Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc làm gián điệp cho chế độ Bình Nhưỡng. Bài báo trên mạng của Mediapart nêu lên trường hợp vào tháng 10-2014, hai nhân viên tình báo Hàn Quốc phải ra tòa vì tội ngụy tạo bằng chứng để cáo buộc một công dân Bắc Triều Tiên trốn sang Seoul làm gián điệp cho Bình Nhưỡng. Mỗi người Triều Tiên đào thoát sang miền Nam đều bị cách ly trong nhiều ngày, họ bị đưa về trụ sở của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc để thẩm vấn trong vòng bí mật. Mãi sau này mới biết là có nhiều người trong số đó bị tra tấn.

Tháng 3-2016, Quốc hội Hàn Quốc đã mở rộng quyền hạn của NIS, cho phép Cơ quan Tình báo Quốc gia theo dõi, điều tra những đối tượng đối lập và "đáng nghi ngờ". Một phần công luận Hàn Quốc, đặc biệt là đảng đối lập đã phẫn nộ trước quyết định trên, nhưng theo Jacques Kim, đó là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng liên Triều liên tục diễn ra. Chế độ CHDCND Triều Tiên vốn khép kín với thế giới bên ngoài, lại có vũ khí nguyên tử để răn đe. Thu thập được thông tin từ Triều Tiên là cả một thách thức lớn đối với ngành tình báo của Hàn Quốc cũng như của thế giới.

Theo phân tích của Cheong Seong Chang, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Đại học Sejong ở Seoul, được Mediapart trích dẫn, NIS nắm được nhiều thông tin nhất về CHDCND Triều Tiên nhưng cơ quan này "thỉnh thoảng" cũng phạm phải một số sai lầm bởi vì NIS muốn sử dụng những thông tin thu thập được từ Triều Tiên để phục vụ một số những mục đích chính trị được giới lãnh đạo ở Seoul đề ra.

Theo đó, đa phần giới lãnh đạo Hàn Quốc luôn muốn chứng minh rằng, Bình Nhưỡng luôn "sống trong sợ hãi" với bất ổn chính trị ở thượng tầng cơ quan quyền lực. Và Seoul muốn công luận trong nước hiểu rằng, các nhà lãnh đạo ở miền Bắc "luôn tìm cách thanh toán lẫn nhau".

Tổng thống Moon Jae-in (trái) và tân Giám đốc NIS - ông Suh Hoon.

Tháng 6-2013, Won Sei-hoon bị truy tố với tội danh ra lệnh tiến hành một chiến dịch bội nhọ trên mạng nhằm vào các ứng cử viên đối lập và chính đảng của họ để hỗ trợ ứng cử viên đảng cầm quyền và đến tháng 2-2015 thì bị Tòa án tối cao Seoul tuyên án 3 năm tù giam do can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào tháng 12-2012 với thắng lợi thuộc về ứng viên Park Geun-Hye. Trong năm này, cựu giám đốc NIS Won kháng cáo thành công trong vụ xét xử đầu tiên. Lúc đó, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra lệnh mở phiên tòa xét xử lần thứ 2 do thiếu chứng cứ thuyết phục.

Sau khi nắm giữ quyền lực điều hành đất nước, Tổng thống Moon Jae-in cam kết cải tổ triệt để NIS nhằm phòng tránh tổ chức tình báo này có thể can thiệp vào những cuộc bầu cử trong tương lai. Ông Moon cũng yêu cầu NIS tập trung hết mình vào những vấn đề đối ngoại bao gồm việc đối phó mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Theo luật pháp Hàn Quốc, NIS không được phép thu thập thông tin về những vấn đề trong nước, ngoại trừ những vụ việc liên quan đến khủng bố, gián điệp hay tội phạm có tổ chức. Ngay khi nhậm chức, tân tổng thống Moon Jae-in nhanh chóng bổ nhiệm giám đốc và 3 phó giám đốc mới cho NIS.

Về phần mình, tân Giám đốc NIS Suh Hoon cũng hứa hẹn kết thúc sự dính líu kéo dài trong nhiều thập niên của tổ chức này đến chính trường Hàn Quốc. Suh Hoon cũng cam kết giải tán bộ phận gián điệp nội địa của NIS và chuyển giao nhiệm vụ này cho Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNPA).

Hồi tháng 7-2017, Suh Hoon tuyên bố trước Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhằm chấm dứt sự dính líu vào chính trường đồng thời củng cố mọi khả năng tình báo tập trung vào vai trò truyền thống với những chiến dịch an ninh quốc gia đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài bao gồm Bắc Triều Tiên và khủng bố".

Duy Ân- Quang Học (tổng hợp)
.
.