Tình báo Mỹ hoạt động ngầm chống phá các chính quyền Nam Mỹ

Thứ Tư, 02/12/2015, 09:05
Trong thời gian qua, người thổi còi Edward Snowden đã tiết lộ các hoạt động gián điệp giới lãnh đạo, chính quyền và các tổ chức tư nhân ở Nam Mỹ; trong khi đó những cuộc điều tra khác (như của trang web Wikileaks) phơi bày sự thật về một loạt những chiến lược và chiến thuật được tình báo Mỹ sử dụng để tài trợ cho các đảng phái chính trị, xây dựng những phong trào đối lập và phá hoại ngầm các tổng thống dân cử.

Những chiến dịch ngầm, các sứ mạng đặc biệt, cung cấp nguồn tài trợ bí mật, phát động chiến tranh tâm lý và các chiến thuật thay đổi chế độ cầm quyền mà Mỹ sử dụng ở Nam Mỹ trong suốt nhiều thập niên vẫn được tiếp tục cho đến tận ngày nay trong bí mật hay công khai.

Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) John Negroponte.

Sau khi đắc cử Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez đã mở đường cho các lãnh đạo cánh tả khác nắm lấy quyền lực ở khắp các quốc gia Trung và Nam Mỹ - bao gồm Brazil, Argentina, Bolvia, Nicaragua, Paraguay, Uruguay, Honduras và El Salvador. Những cuộc điều tra cho thấy chính quyền Mỹ trong nhiều năm liên tục đã ngấm ngầm tài trợ cho những cuộc đảo chính chống các tổng thống dân chủ ở Nam Mỹ - bao gồm Evo Morales ở Bolivia năm 2008, Manuel Zelaya ở Honduras năm 2008, Rafael Correa ở Ecuador năm 2010 và Fernando Lugo ở Paraguay năm 2012. Nhưng hàng loạt những hoạt động chống phá của tình báo Mỹ không những gặp thất bại mà còn dẫn đến sự ra đời của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribea (CELAC) nhằm thoát khỏi sự ảnh hưởng từ Mỹ và Canada.

Tổng thống Hugo Chavez đã làm Washington khó chịu khi bắt đầu thực hiện những thay đổi mạnh mẽ như quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên chiến lược trong đó có dầu khí. Sau cuộc đảo chính được Mỹ hỗ trợ năm 2002, doanh nhân Pedro Carmova trở thành nhà độc tài được chọn để thay thế Hugo Chavez.

Một thời gian sau, khi người dân Venezuela đổ xuống đường đòi dân chủ và đưa Chavez trở lại nắm quyền, Washington vẫn tiếp tục tài trợ cũng như giám sát một số nỗ lực ở hải ngoại nhằm gây mất ổn định chính quyền Chavez. Mục đích của Mỹ là phá hoại các chính sách và nền kinh tế của chính quyền Chavez. Sau khi ông Chavez qua đời năm 2013, Tổng thống kế nhiệm Nicolas Maduro tiếp tục là mục tiêu của tình báo Mỹ. Năm 2014, Mỹ chi ra hơn 18 triệu USD thông qua các tổ chức "bình phong" như USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) và NED (Quỹ Quốc gia ủng hộ dân chủ) để tài trợ cho các nhóm chống chính quyền ở Venezuela. 

Đằng sau hoạt động viện trợ của USAID là cộng đồng tình báo Mỹ.

Trong 2 năm 2014 và 2015, NED chuyển gần 3 triệu USD cho các nhóm chống chính quyền ở Venezuela, trong đó khoảng 125.000 USD dành cho nhóm đối lập Sumaté do NED tạo ra năm 2003 để chống Hugo Chavez. Maria Corina Machado, nhân vật đối lập hàng đầu thành lập Sumaté, nhận tiền từ Mỹ để gây mất ổn định và can thiệp vào những cuộc bầu cử ở Venezuela.

Năm 2015, NED cung cấp hơn 500.000 USD cho các nhóm chống chính quyền ở Venezuela giúp họ sử dụng mạng xã hội như Twitter để tuyên truyền. Khoảng 474.000 USD khác được bơm cho các nỗ lực tuyên truyền xuyên tạc tình trạng nhân quyền ở Venezuela, bao gồm hoạt động kiện cáo chống chính quyền nước này thông qua một số tổ chức quốc tế - như Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ (IACHR), Tòa án Nhân quyền liên Mỹ (IACtHR), Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Năm 2005, sau khi cộng đồng tình báo Mỹ được tái cơ cấu, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) John Negroponte ưu tiên thành lập các phân ban đặc biệt để giải quyết "những thách thức tình báo" mà Washington đang đối mặt.

Các phân ban - gọi là "Các giám đốc Sứ mạng" chịu trách nhiệm về những mục tiêu quốc phòng và an ninh quan trọng nhất của Mỹ. Cụ thể có 3 "Giám đốc Sứ mạng" được tạo ra phục vụ mục đích Chống khủng bố, Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và Phổ biến hạt nhân; với 3 quốc gia mục tiêu: Giám đốc Sứ mạng về Iran, Giám đốc Sứ mạng về CHDCND Triều Tiên và Giám đốc Sứ mạng về Cuba-Venezuela. Giám đốc Sứ mạng đầu tiên về Cuba-Venezuela là cựu sĩ quan Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Norman A. Bailey - chuyên gia thu thập thông tin tình báo ngay trong lãnh thổ đối phương thời Chiến tranh lạnh. Norman Bailey đảm nhận chức vụ một năm và người kế nhiệm là Timothy Langford - sĩ quan tình báo CIA với hơn 25 năm kinh nghiệm.

Theo tài liệu tuyệt mật năm 2008 và 2009 “Đánh giá Ngân sách Quốc hội về Chương trình tình báo Quốc gia (hay còn gọi là "ngân sách đen"),  mục tiêu cốt lõi của DNI là tiến hành bí mật gián điệp nội tình Iran, CHDCND Triều Tiên và Cuba-Venezuela.

Một trong những mục tiêu của "Giám đốc Sứ mạng Cuba-Venezuela" là phân tích những bước chuyển tiếp lãnh đạo ở Cuba. Báo cáo trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Timothy Langford mô tả những chiến dịch đặc biệt diễn ra bên trong "Trung tâm hỗn hợp tình báo" (IFC) ở Colombia - nơi tập trung những hoạt động tình báo ưu việt của NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ), CIA, DEA (Cơ quan Bài trừ ma túy) và DIA (Tình báo quân đội). Năm 2015, ngân sách dành cho DNI vượt quá 53 tỉ USD trong đó một khoản lớn dành cho những ưu tiên tình báo chiến lược như Venezuela. Tại sao chủ yếu là Venezuela? Bởi vì, Venezuela là quốc gia có nguồn trữ lượng dầu mỏ lớn nhất hành tinh đồng thời đại diện cho chính sách Mỹ ở Mỹ Latinh.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.