Tình báo Mỹ "phơi áo" trong vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên?

Thứ Tư, 01/11/2006, 08:30
Những tài liệu phân tích gần đây của tình báo Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là mập mờ và có chất lượng thấp, hậu quả đã ngăn cản các nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong việc ngăn ngừa vụ thử nghiệm hạt nhân ngầm dưới đất vừa qua.

Đó là kết luận mới đây của một số quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ về hoạt động của các cơ quan tình báo nước này.

Chỉ vài ngày trước khi vụ thử diễn ra, những báo cáo bí mật của tình báo đều khẳng định, Bình Nhưỡng không có vũ khí hạt nhân, và tất cả những gì họ đã tuyên bố chỉ là những “trò nghi binh”. Đáng chú ý trong những tài liệu này là bản tóm tắt đánh giá tình hình của Cơ quan Tình báo quốc gia, thực chất là một bản báo cáo thống nhất của tất cả các cơ quan mật vụ Mỹ được tổng hợp và soạn thảo từ bộ máy của Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia John Negroponte.

Đánh giá từ các nguồn tin của Nhà Trắng cho rằng, họ đã rút ra khoảng 10 sai lầm liên quan đến các bản tin tình báo về các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, gây thiệt hại đáng kể tới các nỗ lực của chính quyền trong cuộc đối đầu ngoại giao với CHDCND Triều Tiên. Cụ thể là các báo cáo đều bày tỏ sự nghi ngờ rằng, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một mối đe dọa thực sự, rằng nước này có thể chế tạo được bom hạt nhân có hiệu quả về mặt quân sự, rằng họ có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất v.v... Tựu trung lại, nhận định của cơ quan tình báo đều cho rằng, những gì Bình Nhưỡng đã tuyên bố thực chất chỉ là đòn “tung hỏa mù” hay thổi phồng quá mức các khả năng của mình.

Nếu xem xét một cách có hệ thống, việc "phơi áo" mới trên chỉ là một trong hàng loạt những yếu kém của tình báo Mỹ đã được nhắc tới trong báo cáo của các tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ từ vài năm gần đây. Những sai lầm nghiêm trọng của tình báo Mỹ trước đó có thể nhắc tới sự bất lực trong việc phát hiện và ngăn chặn vụ khủng bố 11/9, những đánh giá không chính xác về chương trình vũ khí của Saddam Hussein, không thể dự đoán trước về chuỗi những vụ thử hạt nhân của Ấn Độ và Pakistan, cũng như những dự đoán quá lạc quan về phản ứng của người dân Iraq đối với việc Mỹ đổ quân vào nước này.

Còn một thất bại nữa là họ đã không thể dự đoán trước vụ CHDCND Triều Tiên vào ngày 4/7 đã phóng một loạt 7 quả tên lửa thử nghiệm chỉ trong một thời gian ngắn. Một báo cáo trước đó của tình báo chỉ nói rằng, CHDCND Triều Tiên đang thử nghiệm một tên lửa tầm xa Taepodong-2, tuy nhiên không xác định rõ thời điểm nước này sẽ phóng tên lửa trên (đã bị rơi sau 42 giây kể từ khi phóng) về phía quần đảo Hawaii ở Thái Bình Dương.

Cơ quan tình báo còn dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ đồng ý với việc triển khai một loạt biện pháp cấm vận cứng rắn của Mỹ đối với việc xuất nhập khẩu vũ khí của CHDCND Triều Tiên – trên thực tế vẫn chưa hề xảy ra. Sự thiếu rõ ràng của thông tin về vấn đề này là một trong những nguyên nhân khiến cả Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã không đưa ra những lời kêu gọi nghiêm túc hơn với Bắc Kinh, đề nghị họ gây áp lực mạnh mẽ để có thể ngăn chặn CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, những đánh giá yếu kém của tình báo Mỹ đã “phá hỏng” chuyến đi thăm Trung Quốc mới đây của tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người đã không đủ thông tin tình báo để có thể thuyết phục Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng, vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang tới gần, rằng Bắc Kinh cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để ngăn chặn họ. Các cố vấn của ông Abe (theo các nguồn tin của Mỹ) đã rất thất vọng vì không thể giúp ông này tìm hiểu rõ về các kế hoạch thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trước những cuộc gặp với phía Trung Quốc.

Hồi năm 2003, Trung Quốc đã từng tạm thời ngừng cung cấp dầu cho CHDCND Triều Tiên. Nhưng trong cuộc gặp gỡ với ông Abe, Trung Quốc đã từ chối áp dụng lại biện pháp này để ngăn ngừa những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên với lý do không có bằng chứng rõ ràng.

Trước làn sóng phê phán trên, phát ngôn viên Carl Kropf của Giám đốc Tình báo quốc gia Negroponte, vẫn tìm mọi cách biện hộ khi khẳng định, “hoàn toàn sai lầm” khi cho rằng các báo cáo của tình báo Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên là “kém chất lượng”. Tuy nhiên, nghị sĩ Peter Hoekstra của phe Cộng hòa trong vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực của Hạ viện về tình báo đã nói rằng, ông không hề ngạc nhiên khi vụ thử nghiệm hạt nhân đã diễn ra trái với phân tích của cơ quan tình báo.

Ông Hoekstra tuyên bố, ủy ban của ông sẽ xem xét lại các tài liệu phân tích của tình báo trước thời điểm diễn ra vụ thử hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên. Nghị sĩ này cũng nhận xét, các chuyên gia phân tích của tình báo hiện giờ khó có thể đưa ra những dự báo rõ ràng về tương lai, một phần là vì những thất bại trước đó (chẳng hạn như về vụ đánh giá chương trình vũ khí của Iraq) đã có tác động tâm lý khá lớn đến việc xây dựng các báo cáo hiện giờ.

Cũng theo một số nguồn tin cao cấp, tội lỗi về sự yếu kém trong các đánh giá của cơ quan tình báo về vụ CHDCND Triều Tiên hiện đang được đổ lên đầu Thomas Fingar, chuyên gia phân tích cao cấp nhất trong bộ máy của Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia. Ông Fingar, hiện đang là Phó giám đốc Tình báo quốc gia phụ trách mảng phân tích thông tin, từng là nhân vật có bất đồng duy nhất đối với nội dung báo cáo của tình báo quốc gia hồi năm 2002, trong đó nói rằng Iraq đang sở hữu một trữ lượng vũ khí hóa học lớn. Ông này cũng bày tỏ sự hoài nghi về các chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên.

Hiện Tổng thống Bush vẫn chưa có phản ứng chính thức nào liên quan đến những phê phán về sự yếu kém của bộ máy tình báo. Nhiều quan chức trong cộng đồng này vẫn hy vọng rằng, ông Bush sẽ lên tiếng bênh vực cho hoạt động của tình báo Mỹ trong vụ CHDCND Triều Tiên, một thông lệ mà Tổng thống Mỹ thường làm sau những thất bại trước đây của hệ thống mật vụ

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.