Tình báo Mỹ thu thập tất cả thông tin để sử dụng lâu dài

Thứ Năm, 11/04/2013, 22:25

Cộng đồng tình báo Mỹ đang nỗ lực mở rộng chương trình an ninh mạng nhằm kiểm soát chặt chẽ những giao lưu trực tuyến của các nhà thầu quốc phòng cho đến thu thập thông tin về cơ sở hạ tầng do tư nhân hay dân sự quản lý. Ngoài ra, theo tài liệu của Bộ Tài chính Mỹ ngày 4/3 vừa qua, chính quyền tổng thống Obama cũng cho phép các cơ quan tình báo Mỹ toàn quyền sử dụng hệ thống dữ liệu khổng lồ chứa đựng thông tin tài chính của công dân Mỹ cũng như những người có giao dịch với ngân hàng nước này.

Tuy nhiên, kế hoạch - được các chuyên gia cho biết phù hợp với luật pháp Mỹ - có thể gây nên sự chỉ trích dữ dội từ phía các nhóm bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Kinh nghiệm thất bại trong vụ “quả bom đồ lót”

Điều đó có nghĩa là, có thêm nhiều nhân sự hơn trước kia -  bao gồm những người làm việc cho các ngân hàng lớn, nhà máy hay các công ty vận tải quan trọng bên trong nước Mỹ - phải chịu sự giám sát e-mail cũng như truy cập Internet trong khuôn khổ chương trình mà Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) gọi là phòng ngừa những cuộc tấn công mạng có thể xảy ra.

Nói chuyện trước đông đảo chuyên gia tham dự Hội nghị Dữ liệu do GigaOm - Công ty công nghệ truyền thông hàng đầu thế giới được thành lập vào năm 2006, là nguồn phân tích các công nghệ mới nhất trên toàn cầu - tổ chức vào hai ngày 20 và 21/3 vừa qua ở New York City, Trưởng ban Công nghệ (CTO) của CIA Ira "Gus" Hunt cho biết, thế giới hiện nay đang tràn ngập thông tin và CIA rất muốn sở hữu tất cả đồng thời nhấn mạnh cơ quan tình báo rất chú trọng công nghệ Big Data (Dữ liệu lớn) trong nỗ lực gọi là "thu thập tất cả để sử dụng mãi mãi".

Ira Hunt giải thích, bởi vì sự thất bại trong phân tích dữ liệu có thể dẫn đến mối nguy hiểm chết người như vụ "quả bom đồ lót" Umar Farouk Abdulmutallab được phép lên máy bay cùng với thiết bị nổ bất chấp trước đó từng có nhiều cảnh báo về phần tử này.

Trong vụ việc này, Nhà Trắng chỉ trích CIA đã không ngăn chặn được "quả bom đồ lót" mặc dù đã có trong tay mọi dữ liệu cần thiết để xác định phần tử khủng bố tiềm tàng này. Bài nói chuyện của Ira Hunt trước Hội nghị Dữ liệu của GigaOm diễn ra 2 ngày sau khi có thông tin CIA ký hợp đồng trị giá 600 triệu USD với Amazon để cung cấp dịch vụ máy tính đám mây trong vòng 10 năm.

Trong quá khứ, những nỗ lực giám sát Internet chủ yếu giới hạn ở các mạng chính quyền và các nhà thầu Bộ Quốc phòng Mỹ. Song, do mối lo ngại về những cuộc tấn công mạng nguy hiểm đang tăng, chính quyền Tổng thống Barack Obama quyết định ra sắc luật mở rộng chương trình.

Sắc luật mới cho phép chính quyền liên bang cung cấp thông tin mật về mối đe dọa tấn công mạng cho lĩnh vực kinh tế tư nhân để giúp các công ty của Mỹ tự vệ hiệu quả hơn.

Giám đốc FBI Robert Mueller (trái), Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper (giữa) và Giám đốc CIA John Brennan.

Lee Tien, luật sư của Tổ chức Biên giới điện tử (EFF) phi lợi nhuận, cho rằng sắc luật mới không làm suy yếu những luật về quyền riêng tư mặc dù những giao tiếp điện tử cá nhân chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền.

Thông tin tài chính của công dân cũng bị dòm ngó

Theo luật pháp Mỹ, các tổ chức tài chính hoạt động tại nước này có nhiệm vụ báo cáo về các "hoạt động đáng ngờ của khách hàng", như là những vụ chuyển tiền hay các tài khoản ngân hàng bất thường, đến Mạng chống tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan tình báo khác như CIA và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) hiện đang nỗ lực cung cấp những thông tin cần thiết đến cho FinCEN.

Kế hoạch của Bộ Tài chính Mỹ cho phép các cơ quan tình báo phân tích nguồn dữ liệu tài chính thô nhiều hơn trước đây, giúp truy tìm và phát hiện sớm các mạng lưới khủng bố cũng như các tổ chức kinh doanh tội phạm.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các tổ chức tài chính đã thành lập hơn 15 triệu báo cáo vào mỗi năm. Ví dụ, các ngân hàng có nhiệm vụ báo cáo về mọi hoạt động chuyển tiền vượt quá 10.000 USD cũng như những vụ nghi ngờ rửa tiền, xâm nhập máy tính hay lưu thông tiền giả.

Theo tài liệu của Bộ Tài chính Mỹ, hệ thống dữ liệu của FinCEN sẽ kết nối với mạng máy tính được các cơ quan quốc phòng và thực thi pháp luật sử dụng để chia sẻ thông tin mật gọi là Hệ thống Thông tin tình báo phối hợp toàn cầu (JWICS). Ngoài ra, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) - được thành lập sau ngày 11/9/2001 nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tình báo Mỹ - cũng làm việc với Bộ Tài chính.

Hiện nay, hơn 25.000 cơ quan tài chính - bao gồm các ngân hàng, các tổ chức giao dịch chứng khoán, casino và các cơ quan chuyển tiền - thường xuyên cung cấp báo cáo cho FinCEN.

Những báo cáo của các cơ quan tài chính đặt ra khả năng các chi tiết tài chính của công dân bình thường cuối cùng đều rơi vào tay của cộng đồng tình báo Mỹ. Stephen Vladeck, giáo sư Trường Luật Washington  cho biết, các nhóm bảo vệ quyền riêng tư đã lên tiếng chống lại mọi hoạt động chia sẻ dữ liệu ngày càng tăng giữa các cơ quan chính quyền Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Michael German, chuyên gia cố vấn chính sách cho Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), nhận định giới chức Mỹ từng có chương trình chia sẻ dữ liệu tương tự cách đây một thập niên, song sau đó kế hoạch bị xếp lại do Quốc hội không thông qua ngân sách hoạt động.

Theo German, trong quá khứ Trung tâm Chống khủng bố quốc gia (NCTC) - cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm thông tin về các mối đe dọa an ninh được chia sẻ giữa các cơ quan khác nhau - bị bắt buộc phải "xác định và loại bỏ thông tin của bất cứ công dân Mỹ bình thường nào".

Nhưng, trên thực tế, những thông tin cá nhân được lưu giữ trong suốt nhiều năm để có thể được tiếp tục sử dụng. Điều đó có nghĩa là quyền công dân bị cộng đồng tình báo Mỹ vi phạm một cách nghiêm trọng.

Một số tổ chức giám sát dân quyền bày tỏ mối lo ngại sau khi Hãng tin Reuters công bố kế hoạch của Bộ Tài chính Mỹ. Sharon Bradford Franklin, chuyên gia cố vấn luật cho Dự án Hiến pháp - một tổ chức giám sát dân quyền phi lợi nhuận, cho rằng kế hoạch của Bộ Tài chính Mỹ "làm tăng thêm mối lo ngại về việc người dân có thể tìm thấy thông tin của họ nằm trong hồ sơ về các nghi can khủng bố tiềm tàng mà không có cơ sở nào cho điều này và có thể bị buộc tội sai".

Nhưng, bất chấp mối lo ngại chính đáng, các chuyên gia pháp luật nhấn mạnh kế hoạch chia sẻ dữ liệu được luật pháp Mỹ cho phép. Các chuyên gia an ninh quốc gia nhận định hệ thống dữ liệu khổng lồ được chia sẻ giúp cải thiện khả năng xác định các cá nhân âm mưu tấn công nước Mỹ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.