Tình báo Pakistan xây dựng hệ thống gián điệp điện tử

Thứ Sáu, 31/07/2015, 06:35
Cơ quan Tình báo quân đội Pakistan (ISI) đang nỗ lực xây dựng hệ thống gián điệp điện tử quy mô tương tự Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nhằm phục vụ những chương trình giám sát hàng loạt các cuộc gọi điện thoại, email cũng như các loại hình giao tiếp khác của hàng trăm triệu người dùng trên khắp thế giới. Hiện thời, chính quyền Pakistan đang tìm kiếm hợp đồng từ nhiều công ty phương Tây và quốc tế để sớm hoàn thành mục đích.

Báo cáo hôm 21/7 vừa qua của Tổ chức nhân quyền Anh về quyền riêng tư Privacy International (PI) bày tỏ mối lo ngại không nhỏ về dự án xây dựng cho riêng mình hệ thống gián điệp điện tử hàng loạt của chính quyền Pakistan - quốc gia bị buộc tội cung cấp nơi trú ẩn cho Taliban cũng như có lịch sử đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền - để không còn phụ thuộc vào NSA.

Pakistan là một trong số những đối tác bên thứ 3 được chấp nhận tham gia vào hoạt động thu thập thông tin tình báo từ tín hiệu điện tử với NSA. Trong suốt nhiều năm dài, chương trình gián điệp điện tử do Mỹ điều hành ở Pakistan đã tiến hành chặn những cuộc giao tiếp bên trong nước này và cung cấp dữ liệu cho các chiến dịch quân sự do quân đội Mỹ triển khai trong khu vực.

Mặc dù đã có trong tay bộ công cụ gián điệp khá lớn, song Pakistan vẫn đang tìm mua công nghệ mới từ các công ty như Blue Coat (Mỹ) cho đến Huawei (Trung Quốc). Đây là những công ty nổi tiếng với phần mềm cho phép người dùng tìm kiếm những cuộc giao tiếp trên Internet. Báo cáo PI cũng nêu tên Công ty Finfisher có trụ sở tại Anh chuyên phát triển và bán những hệ thống giám sát dùng vào mục đích gián điệp người dùng máy tính để bàn và smartphone.

Chuyên gia Matthew Rice (phải).

Mới đây, Tòa án Tối cao Lahore (LHC) của Pakistan yêu cầu chính quyền nước này báo cáo về các hoạt động của họ theo kiến nghị từ tổ chức nhân quyền Bytes for All của Pakistan. Tuy nhiên, không một hoạt động nào của chính quyền được lập báo cáo theo yêu cầu từ LHC! Đáp lại, Công ty Blue Coat yêu cầu người dùng ký thỏa thuận "cấm sử dụng các sản phẩm của chúng tôi vào các mạng Internet công cộng có tính chất vi phạm quyền riêng tư và quyền tự do thể hiện quan điểm".

Vụ rò rỉ thông tin khách hàng mới đây của Công ty phần mềm gián điệp gây tranh cãi Hacking Team trụ sở tại thành phố Milan (Italia) cũng tiết lộ cơ sở này thương lượng với ISI để bán sản phẩm. Báo cáo PI cũng cho biết, tướng Javed Malik, Phó giám đốc bộ phận kỹ thuật của ISI, là người chịu trách nhiệm đánh giá mọi sản phẩm gián điệp.

Các công ty được nêu tên trong báo cáo PI cung cấp phần mềm gián điệp cho chính quyền Pakistan từ đầu năm 2004 và đến năm 2013 Pakistan bắt đầu tăng cường khả năng tình báo của mình. Các tài liệu do PI cung cấp đã đưa ra ánh sáng những cuộc giao tiếp giữa ISI và một công ty không được nêu tên để đặt mua hệ thống gián điệp cho phép mắc nối vào 3 mạng cáp quang ngầm dưới biển - hoạt động trước đây chỉ có NSA mới tiến hành được ở Pakistan! Trong 2 năm qua, Pakistan đã tạo lập hệ thống gián điệp mới gọi là "Hệ thống giám sát IP mục tiêu" cho phép ISI xây dựng các trung tâm chỉ huy tập trung ở thành phố cảng Karachi, miền Nam nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn của BuzzFeed News, nhân viên các công ty đang hoạt động tại Pakistan cũng như giới chức phương Tây đang làm việc tại nước này cho rằng Công ty Trovicor - trước đây gọi là NSN - có triển vọng giành được hợp đồng xây dựng dự án mạng gián điệp hàng loạt. Theo PI, NSN là một trong những công ty đầu tiên cung cấp cho chính quyền Pakistan hệ thống chặn tín hiệu điện tử hợp pháp vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước.

Cảnh sát đặc nhiệm Pakistan.

NSN - ban đầu là liên doanh giữa Siemens AG và Nokia - được đổi tên thành Trovicor sau những tiết lộ hồi năm 2009, cho rằng NSN bán thiết bị giám sát cho Iran. Các tài liệu giao dịch của Pakistan công bố trên Internet cho thấy Trovicor chuyển hơn 2.500 tấn thiết bị máy tính đến một trong những nhà mạng di động lớn nhất nước này - Warid - hồi tháng 9/2014. Hai đối thủ cạnh tranh - Narus và Alcatel - cho biết, mới đây họ có nghe nói Trovicor gia tăng kinh doanh tại Pakistan nhưng không biết được chi tiết của các giao dịch.

Các tổ chức nhân quyền, bao gồm PI, mới đây kêu gọi cơ quan lập pháp Pakistan mở cuộc điều tra về dự án mở rộng hệ thống gián điệp hàng loạt của ISI. Matthew Rice, chuyên gia PI, nhận định: "Quy mô hệ thống gián điệp được mở rộng của ISI không chỉ tác động đến những người sống tại đất nước này mà còn cả với những người dân trong khu vực và bất cứ ai thực hiện những cuộc giao tiếp thông qua các mạng viễn thông của Pakistan. Do đó, một lượng khổng lồ dân thường vô tội sẽ bị giám sát. Chúng tôi cần biết dự án có thật sự được phê chuẩn hay không".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.