Tình báo Pháp theo dõi đối thủ chính trị của ông Sarkozy

Thứ Tư, 26/10/2011, 23:55

Cuộc tranh cử tổng thống Pháp 2012 đang nhuốm màu sắc chính trị "nghe lén" kiểu Mỹ khi dư luận được biết rằng tình báo nước này đã có những hoạt động do thám đời tư của ông Francois Hollande, cựu Chủ tịch đảng Xã hội và là ứng cử viên sáng giá ra tranh cử tổng thống vào năm 2012.

Theo Tạp chí L'Express, một số cảnh sát Paris đã được tuyển chọn để làm nhiệm vụ do thám này. Nhiệm vụ đã được tiến hành cách đây vài tháng, khi ông Hollande tuyên bố ý định ra tranh cử tổng thống sơ bộ trong nội bộ đảng Xã hội.

Ông Hollande khi đó đã bị các mật thám theo dõi mọi lúc, mọi nơi, bất kể nơi nào ông đến để vận động chính trị. Mục đích của việc theo dõi này, theo L'Express, là nhằm tìm hiểu về các hoạt động cá nhân của ông Hollande, đồng thời thông qua đó xây dựng hồ sơ về nhân thân của nữ nhà báo Valérie Trierweiler - người được xem là "vợ" (người tình) hiện nay của ông Hollande, có khả năng sẽ là đệ nhất phu nhân Pháp nếu ông Hollande thắng cử. Việc do thám nhắm vào những mối quan hệ cá nhân của bà Trierweiler nhằm tìm hiểu những hoạt động của bà và cả những người có quan hệ với bà.

Vụ việc theo dõi ông Hollande và bà Trierweiler đang trở thành đề tài tranh cãi giữa báo chí và Bộ Nội vụ Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Claude Gueant đã chối bỏ những cáo buộc của báo chí, cho rằng không có bằng chứng để cáo buộc các mật thám Pháp đã do thám ông Hollande và bà Trierweiler, nhưng tạp chí L'Express nhất quyết cho rằng vụ việc không thể chối cãi này đã góp thêm vào những vụ việc các cơ quan tình báo thuộc Bộ Nội vụ Pháp, nhằm mục đích "bảo vệ" cho ông Sarkozy trong những bê bối tham nhũng gần đây xảy ra ở Pháp.

Bà Trierweiler, đối tượng bị theo dõi cho biết bà rất sửng sốt khi nghe thông tin mình bị mật thám theo dõi. Còn ông Hollande thì phản ứng một cách cụ thể hơn, yêu cầu làm rõ những vấn đề liên quan đến thông tin về vụ việc do thám bà Trierweiler. Nếu vụ việc được xác minh đúng như những gì báo chí nêu, Tổng thống Sarkozy sẽ khó ăn khó nói với báo giới và các đối thủ chính trị vì những hoạt động "chơi không đẹp" này. "Điều này quả thực là khó có thể chấp nhận" - ông Hollande nói.

Vụ việc tình báo Pháp theo dõi bà Trierweiler không phải là trường hợp hiếm ở Pháp. Đã từng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra trước đây, chẳng hạn như vụ Cơ quan Tình báo nội địa (DCRI) theo dõi một phóng viên báo Le Monde bị phanh phui vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua. Theo  L'Express và Le Monde, thẩm phán Tòa án Paris Sylvia Zimmermann đang tiến hành điều tra những cáo buộc rằng Điện Élysée đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Pháp đã theo dõi, nghe lén và thu thập thông tin cá nhân của nhà báo Gérard Davet, phóng viên của tờ Le Monde.

Theo thẩm phán Zimmermann, vào ngày 19/7/2010, tức một ngày sau khi ông Davet đăng bài báo viết về vụ bê bối tiền quỹ của đảng UMP có liên quan tới nữ thừa kế Liliane Bettencourt của Hãng L'Oréal, Ban giám đốc Trung tâm Thám báo nội địa (DCRI) - Cơ quan Tình báo phản gián của Pháp - đã ra lệnh cho Công ty viễn thông Orange phải cung cấp thông tin chi tiết các cuộc gọi điện thoại của ông Davet trong khoảng thời gian 4 ngày, bao gồm các số điện thoại đi và đến, thời gian thực hiện cuộc gọi và cả tọa độ GPS của ông Davet. 2 ngày sau, những thông tin tương tự của David Sénat, một quan chức trong Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Michèle Alliot-Marie, cũng được thu thập.

Phát biểu trên tờ Le Monde, Bộ trưởng Nội vụ Guéant khẳng định việc thu thập thông tin cuộc gọi điện thoại của phóng viên Davet là nhằm mục đích truy tìm đầu mối cung cấp thông tin trong nội bộ chính quyền để phóng viên Davet viết bài báo phanh phui vụ bê bối tiền bạc giữa bà Bettencourt và đảng UMP.

Tuy nhiên, tờ Le Monde cho rằng việc thu thập thông tin cuộc gọi điện thoại và thông tin cá nhân của phóng viên Davet là trái pháp luật, vi phạm một đạo luật do chính ông Sarkozy ban hành hồi tháng 1/2011.

Nữ thừa kế Liliane Bettencourt và nhà báo Gérard Davet.

Cũng cần biết thêm, các nguyên thủ ở Pháp thường có thói quen sử dụng các cơ quan tình báo làm công cụ theo dõi các đối thủ chính trị, nhất là những người theo cánh tả.

Một ví dụ tiêu biểu là Tổng cục Thám báo (RG) - vốn là cơ quan tình báo nội địa đầy tai tiếng của Pháp. Phương thức hoạt động và cung cấp thông tin của RG rất tinh vi, thường là chuyển thông tin dưới dạng tin mật báo nặc danh nhằm tránh để lại dấu vết quan hệ với người nhận thông tin. Những hoạt động bí mật đó của RG đã bị lôi ra ánh sáng cách đây 3 năm, khi quyển nhật ký ghi chép công việc của cựu Giám đốc RG Yves Bertrand bị rò rỉ cho báo chí.

Các ghi chép của Bertrand bao gồm các chi tiết bí mật động trời trong hậu cung Pháp, như việc Tổng thống Jacques Chirac từng đi thẩm mỹ viện căng da mặt, hay như vụ việc ông Sarkozy từng dan díu với vợ của một bộ trưởng nội các, cũng như việc một số bộ trưởng nội các đã từng sử dụng cocaine,…

Bản thân ông Sarkozy, hồi còn làm Bộ trưởng Nội vụ vào năm 2002 cũng đã từng tuyên bố là sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng tình báo, mật thám. Thế nhưng trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2007, chính ông Sarkozy lại bị cáo buộc đã sử dụng mật thám để theo dõi bà Ségolène Royal, ứng cử viên tổng thống Pháp của đảng Xã hội.

Tháng 11/2010, tờ Le Canard Enchainé đã cáo buộc Tổng thống Sarkozy sử dụng các cơ quan tình báo để do thám và theo dõi các nhà báo viết về những đề tài nhạy cảm. Tờ báo này dẫn nguồn tin tình báo cho biết mỗi khi các phóng viên làm phóng sự điều tra "phiền phức", lập tức DCRI được lệnh phải theo dõi 24/24 giờ. Một nhóm cựu điệp viên đã được tập hợp lại để thực hiện nhiệm vụ này.

Cách đây vài tháng, ông Sarkozy cũng bị cáo buộc đã lập một "sổ đen" ghi chép lại những chuyện bê bối của các đối thủ chính trị, chẳng hạn như trong đó có một ghi chú nói rằng ông Dominique Strauss-Kahn từng bị cảnh sát bắt quả tang đang ở cùng một cô gái điếm trong một khu rừng ngoại ô Paris.

Theo tờ Le Monde, thông tin này được Cảnh sát Paris ghi nhận vào năm 2007, nhưng vào đầu năm nay thông tin đó đã được ông Sarkozy phục hồi lại để lưu vào "sổ đen" nhằm theo dõi và khi cần có thể sử dụng cho mục đích chính trị. Thời điểm đó là khi ông Strauss-Kahn còn là một ứng cử viên tổng thống sáng giá có khả năng đánh bại ông Sarkozy và vụ việc bê bối tình dục chưa đổ bể.

Nay đến lượt ông Hollande được xem là ứng cử viên sáng giá nhất bên đảng Xã hội ra thách đấu với ông Sarkozy, kiểu thu thập thông tin cá nhân ấy lại xuất hiện. Một cuộc thăm dò vào đầu tháng 10 vừa qua cho thấy ông Hollande nhiều khả năng sẽ giành nhiều phiếu hơn ông Sarkozy, và đấy chính là lý do để báo chí Pháp lao vào cáo buộc ông Sarkozy lợi dụng các cơ quan tình báo và mật thám Pháp để theo dõi đối thủ.

Điều đáng quan tâm là, các cáo buộc tình báo, do thám nhà báo và ngầm theo dõi đối thủ chính trị của ông Sarkozy lại xuất hiện vào thời điểm bạn bè và phụ tá thân cận của ông đang dính đến nhiều vụ bê bối, như vụ gây "quỹ đen" của đảng UMP, vụ thừa kế ở Hãng L'Oréal,…

Bộ sậu của ông Sarkozy ra sức biện hộ cho ông, bác bỏ tất cả những điều báo chí nêu ra. Tuy nhiên, một số nghị sĩ cánh hữu lại đang âm thầm phát đi tín hiệu rằng họ đang muốn một người khác thích hợp hơn để thay thế ông Sarkozy ra ứng cử vào năm tới

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.