Tình báo quân đội Mỹ... chống tham nhũng ở Afghanistan

Thứ Hai, 28/06/2010, 17:20
Mạng lưới tình báo của quân đội Mỹ ở Afghanistan - được tổ chức ban đầu nhằm xác định và truy tìm những tên khủng bố và quân phiến loạn - hiện đang ngày càng tập trung mọi nỗ lực vào mục tiêu tìm kiếm và phát hiện những hành vi tham nhũng đang lan tràn trong bộ máy chính quyền Afghanistan, lực lượng an ninh, cảnh sát và các nhà thầu an ninh tư nhân của nước này...

Các sĩ quan tình báo của quân đội Mỹ ở Afghanistan đang cố gắng nghiên cứu những tài liệu tịch thu được và thẩm vấn những chiến binh bị bắt giữ - nhưng không chỉ để phát hiện về những kế hoạch tấn công, cài bom ven đường hay chỉ định kẻ đánh bom liều chết của quân phiến loạn, mà họ cũng tìm kiếm thông tin cần thiết nhằm có kế hoạch chống lại nạn tham nhũng lan tràn trong bộ máy cầm quyền của Afghanistan.

Ngay đến những thành viên trong gia đình của Tổng thống Hamid Karzai cũng từng bị buộc tội dính líu đến buôn lậu ma túy và làm giàu nhờ vào những hợp đồng làm ăn béo bở trong bóng tối. Và thay vì lật đổ Tổng thống Hamid Karzai, một số quan chức trong Chính phủ Mỹ đang toan tính một cách giải quyết khác hơn. Do đó chiến dịch tình báo bí mật chống tham nhũng của quân đội Mỹ được hình thành và phối hợp hoạt động với hệ thống thực thi pháp luật và tư pháp của Afghansitan.

Mục tiêu trọng tâm trong chiến dịch chống quân phiến loạn ở Afghanistan của chính quyền Obama - dưới sự chỉ huy của tướng Stanley A. McChrystal - là lôi kéo và thuyết phục người dân nước này tích cực ủng hộ chính quyền trung ương ở Kabul, chứ không ngả theo sự cai trị của Taliban hiện đang tồn tại trong nhiều địa phương. Để đạt mục đích đó, người Mỹ nhận thấy những nỗ lực chống tham nhũng cũng  không kém phần quan trọng.

Trong tháng 10/2009, bộ phận chỉ huy của lực lượng NATO ở Afghansitan thậm chí còn thành lập một đơn vị đặc nhiệm mới chống tham nhũng và kết quả là nhiều sĩ quan an ninh địa phương của nước này bị phát hiện có những hành vi phạm pháp khá trầm trọng và sau đó họ buộc phải ra hầu tòa. Đơn vị đặc nhiệm chống tham nhũng của NATO - dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Michael T. Flynn, Giám đốc Tình báo quân đội của khối đồng minh ở Afghanistan - bí mật thu thập những thông tin có giá trị cho phép quan chức chính quyền Afghanistan bắt giữ và truy tố một chỉ huy lực lượng cảnh sát biên phòng đã bỏ túi riêng số tiền lương của những "cảnh sát ma" trên bảng lương của ông ta, cũng như tranh thủ lấy cắp tiền tuất dành cho vợ góa của những cảnh sát hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, một số sĩ quan cảnh sát chỉ huy cấp địa phương khác cũng bị cách chức do họ dính líu đến các hành vi tham nhũng bị các chiến dịch tình báo bí mật của đơn vị đặc nhiệm NATO phát hiện. Tuy nhiên, số sĩ quan này đã không bị đưa ra tòa án Afghanistan xét xử do thiếu bằng chứng theo luật của nước này.

Mặc dù chiến dịch tình báo chống tham nhũng của đơn vị đặc nhiệm NATO còn giới hạn về mặt thẩm quyền, song nó cũng phục vụ khá hiệu quả cho các bộ phụ trách an ninh của Afghanistan. Một sĩ quan tình báo Mỹ giấu tên nói: "Trong cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi không thể xử lý hành vi lạm quyền của cảnh sát và cũng không thể làm gì được trước hành vi tham nhũng của cảnh sát".

Tuy nhiên, các quan chức ở Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng nỗ lực chỉ giới hạn ở địa phương này phải được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Obama nhằm có thể giải quyết nạn tham nhũng ở cấp độ cao hơn nữa trong bộ máy chính quyền Afghanistan. Quân đội Mỹ đã làm việc cụ thể với hệ thống cơ quan thực thi pháp luật của Afghanistan để thành lập những phiên tòa xét xử  tại trại tạm giam dành cho những phạm nhân bị buộc tội tham nhũng hay dính líu đến ma túy.

Chiến dịch tình báo bí mật mới chống tham nhũng ở Afghanistan của quân đội Mỹ.

Cơ cấu công tố mới cũng giúp chính quyền Afghanistan loại trừ những thống đốc tham nhũng. Tuy nhiên, người Mỹ cũng thấy rằng một số người có thể lợi dụng chiến dịch tình báo chống tham nhũng để đưa ra những lời buộc tội giả nhằm mục đích hất cẳng những đối thủ chính trị của họ. Do đó, tình báo quân đội buộc phải có "thuốc giải độc" riêng của mình - tức là ráp nối nhiều nguồn thông tin và xác minh khác nhau trước khi có quyết định khởi tố cuối cùng.

Một sĩ quan tình báo quân đội Mỹ nói: "Đó là bài học mà chúng tôi học được ở Iraq - tức là "tập trung" thông tin để chống lại một cá nhân. Chúng tôi tập trung lại tất cả những nhà phân tích, chuyên gia thẩm vấn và chuyên gia khai thác thông tin trước khi có quyết định cuối cùng".

Đối với các hoạt động tình báo của quân đội Mỹ, việc quét sạch tham nhũng ở Afghanistan hoàn toàn khác với hoàn cảnh ở Iraq. Ở Iraq - một xã hội công nghệ cao và trí thức cùng với các mạng lưới quân phiến loạn có tổ chức chặt chẽ - quân đội Mỹ sẽ thu giữ những ổ đĩa cứng máy vi tính và điện thoại di động chứa đựng rất nhiều thông tin chi tiết về hoạt động của chiến binh Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả những chi tiết về chiến binh nước ngoài thâm nhập vào Iraq. Nhưng ngược lại ở Afghanistan trình độ người dân thấp hơn, công nghệ thông tin cũng kém cỏi hơn và có không nhiều máy vi tính, ổ đĩa cứng máy tính và các trang thiết bị thông tin khác để có thể khai thác.

Thêm vào đó, các mạng lưới quân phiến loạn ở Afghanistan manh mún hơn và thiếu tổ chức hơn so với ở Iraq. Do đó, số lượng các nhà điều tra dân sự và quân đội Mỹ đã tăng gấp đôi từ mùa hè năm ngoái - đến khoảng 75 người - và đội ngũ những người chịu trách nhiệm thu thập và xử lý thông tin tình báo cũng được triển khai ngoài phạm vi tổng hành dinh ở Kabul và trải rộng ra khắp đất nước Afghanistan

Thục Miên (tổng hợp)
.
.