Tình báo viễn thông Anh tuyển hacker làm điệp viên

Thứ Tư, 21/12/2011, 18:20

Cơ quan tình báo viễn thông Anh (GCHQ) đang nỗ lực tìm kiếm nhân lực mới từ giới hacker vốn bị chính quyền coi là tội phạm nguy hiểm. Những người phá được bộ mã do GCHQ đề nghị trên Internet sẽ được dẫn đến trang tuyển dụng của cơ quan. Game phá mã trực tuyến kéo dài trong một tháng (kết thúc vào ngày 11/12/2011) với tổng chi phí lên đến hàng trăm ngàn bảng Anh, nhưng với cách tuyển mộ điệp viên khá bất ngờ này, tình báo Anh hy vọng sẽ tìm được những chuyên gia giỏi mật mã đủ khả năng đảm trách nhiệm vụ kiểm soát viễn thông của Anh.

Theo báo cáo, có ít nhất 50 người đã phá được mật mã của GCHQ tung lên Internet vào tháng 11/2011 và hiện đã kết thúc. Bộ mã trực tuyến của GCHQ được đóng khung trong hình chữ nhật với tất cả 160 chữ số màu xanh trên nền đen và dòng chữ bên dưới: "Bạn có thể phá mã được không?" Bên dưới khung mã là đồng hồ số đếm giờ cho đến khi kết thúc trò chơi thi giải mã khá thú vị trên trang web "www.canyoucrackit.co.uk" của tình báo Anh.

GCHQ là một trong những tổ chức tình báo nghe lén lâu đời và thành công nhất của nước Anh. Tổng hành dinh của GCHQ là khu liên hợp - tọa lạc trong khu cây xanh gần Cheltenham, cách London 193km về phía tây - có hình dạng tựa như chiếc nhẫn, được bao bọc bởi những đĩa vệ tinh khổng lồ. Nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - nguồn cung cấp đường truy nhập vào dữ liệu tải từ mạng lưới vệ tinh gián điệp dày đặc của Mỹ - GCHQ có thể theo dõi những cuộc gọi điện thoại, email và máy tính ở khắp nơi trên thế giới. GCHQ, với đội ngũ chuyên gia ngôn ngữ hùng hậu thông thạo đến 70 thứ tiếng, đóng vai trò chủ chốt trong việc phát hiện một số âm mưu khủng bố chống phương Tây lớn nhất trong những năm gần đây.

Sau khi phá được bộ mã của GCHQ, những người dự tuyển sẽ thực hiện một vài thao tác để vào trang web tuyển dụng và trả lời một số câu hỏi của nhóm gọi là "Các chuyên gia an ninh mạng" - đơn vị mới được GCHQ thành lập với nhiệm vụ chống mối đe dọa gián điệp mạng từ các tổ chức khủng bố, tội phạm có tổ chức và bọn buôn lậu ma túy và vũ khí cũng như những mối đe dọa an ninh lớn nhất khác của Anh.

Những câu hỏi đại loại như: "Bạn có thể sử dụng kỹ năng và tài trí của mình để chống lại bọn khủng bố và những mối đe dọa an ninh mạng không? Là một trong số chuyên gia của chúng  tôi, bạn sẽ giúp bảo vệ an ninh quốc gia và mạng sống của hàng ngàn người hay không?" Những người được chọn sau đó sẽ được mời làm đơn xin việc chính thức và vào đầu năm 2012 sẽ trải qua cuộc phỏng vấn chuẩn bị cho tất cả 35 vị trí trong GCHQ.

Một số người hoài nghi cho rằng cách tuyển dụng này không có gì đặc biệt mới mẻ trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, và cách này từng được cơ quan tiền thân của GCHQ sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ II để tuyển một số chuyên gia từ hai trường đại học danh tiếng Oxford và Cambridge.

Số người khác thì cho rằng, bộ mã trực tuyến của GCHQ chỉ là trò đùa vì chẳng có gì là khó cả. Nhưng GCHQ nhấn mạnh kỹ thuật tuyển mộ điệp viên là hoàn toàn nghiêm chỉnh. Người phát ngôn của cơ quan tình báo mô tả bộ mã trực tuyến là sự tiếp nối của những phương pháp bất thường từng được sử dụng trong quá khứ nhằm tìm được những ứng viên tiềm tàng trong thời đại vi tính. Theo người phát ngôn, kỹ năng phá mã là yếu tố quan trọng bảo đảm tài năng ưu việt có đủ năng lực giúp GCHQ hoàn thành sứ mạng chống những mối đe dọa an ninh mạng.

Nhiều chuyên gia máy tính viết bài cho các tờ báo Anh và các trang web nhận định thông điệp của GCHQ nhằm tìm kiếm người tài giỏi trong cộng đồng hacker vốn mang tiếng xấu sau vụ bê bối nghe lén liên quan đến “vương quốc” báo chí của Rupert Murdoch gây ầm ĩ ở Anh lẫn Mỹ trong thời gian qua.

Bộ mã trực tuyến của GCHQ.

Về phẩm chất đòi hỏi nơi tân binh, GCHQ cho biết chỉ tuyển chọn công dân Anh và dứt khoát loại bỏ những đối tượng từng dính líu đến hoạt động "hacking" bất hợp pháp. Cơ quan tình báo cũng cho biết sẽ không có bất cứ sự thiên vị nào khi tìm kiếm những "người tốt" song ứng viên cần có tài trí khôn ngoan.

Tuy nhiên, phương pháp của GCHQ cũng nhận được không ít sự phản đối từ giới chức lãnh đạo trong Chính phủ Anh, cả Thủ tướng David Cameron cũng yêu cầu gỡ bỏ bộ mã khỏi Internet. Chính phủ của Cameron cho rằng, trong quá khứ GCHQ không có khả năng trong kỹ thuật tuyển mộ điệp viên để xây dựng được một nhóm chuyên gia Internet phù hợp, một phần bởi vì tiền lương không có sức cạnh tranh - trung bình thấp hơn so với những công ty tư nhân cũng đề nghị những kỹ năng tương tự.

Mới đây Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague tuyên bố chính quyền nước này là mục tiêu của khoảng 600 cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống máy tính mỗi ngày. Do đó, với bộ mã trực tuyến tuyển điệp viên của GCHQ, chính quyền Anh cho rằng họ sẽ đối mặt với cuộc chiến khó khăn hơn, một phần do cộng đồng hacker không được họ hoan nghênh, thậm chí bị coi là kẻ thù của nhà nước.

Hiện tại, nhân lực tại tổng hành dinh của GCHQ, cánh tay phải của Chính phủ Anh trong lĩnh vực tình báo, ở Cheltenham vào khoảng 5.000 người. GCHQ đang cố gắng tăng cường nhân lực đồng thời mở rộng các lĩnh vực thu thập thông tin tình báo qua hoạt động nghe lén viễn thông. Cũng giống như MI-6 và MI-5, Cơ quan tình báo viễn thông Anh không còn giới hạn tuyển mộ điệp viên từ các trường đại học danh tiếng mà muốn mở rộng mạng lưới điệp viên của mình tới nhiều thành phần khác nhau trong xã hội

Thục Miên (tổng hợp)
.
.