Pháp:

Toà án tối cao sẽ mở phiên toà xét xử tội diệt chủng ở Rwanda

Thứ Tư, 22/11/2006, 08:00

Theo lệnh của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michele Alliot-Marie, ngày 13/11/2006, nhân viên văn thư của bộ đã gửi lên Tòa án tối cao hồ sơ mật có liên quan về việc một số lính Pháp tham gia đến những vụ tàn sát người Tutsi và Hutu ôn hòa tại đất nước châu Phi nghèo đói Rwanda vào năm 1994 sau khi cuộc nội chiến sắc tộc đẫm máu ở đấy bùng nổ.

Hồ sơ này là kết quả của cuộc tranh đấu không mệt mỏi của 4 người bộ tộc Tutsi vốn là nạn nhân đã trốn thoát khỏi các trại tị nạn do một số nhà lãnh đạo bộ tộc Hutu lập ra với mục đích làm một cuộc thanh trừng lật đổ chế độ của Tổng thống Juvenal Hubyarimana (Tổng thống Juvenal Hubyarimana là người Tutsi, sau đó bị phe đảo chính sát hại ngày 6/4/1994. Lên thay ông là Paul Kagame - một người Hutu ôn hòa).

Sau khi nội chiến kết thúc, 4 người trốn đến sống tại Pháp, rồi lần lượt nhờ những nhân vật có uy tín hoạt động trong các tổ chức nhân quyền lập hồ sơ tố cáo tội diệt chủng của một số lính Pháp lúc đó được biệt phái đến Rwanda trong màu áo của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Cả 4 người trên, tuổi từ 25 đến 29, khẳng định với các nhà làm luật rằng chính tận mắt họ trông thấy một số lính Pháp cưỡng dâm phụ nữ, giết một số người Tutsi trong các trại tị nạn hay trong một số nhà thờ sát với biên giới Zaire (tên gọi thời đó, nay là Congo). Họ tố cáo một số lính Pháp biến chất có liên quan đến “tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người”.

Họ nộp hồ sơ lên Bộ Quốc phòng Pháp với lời chú thích là nếu Bộ cho vụ này “chìm xuồng” thì họ sẽ khởi kiện lên Tòa án Rwanda hiện hữu (lâu nay cũng đã thụ lý hồ sơ một số vụ kiện tội diệt chủng tại Rwanda trước đây) và Tòa án quốc tế La Haye ở Hà Lan.

Bốn nạn nhân cũng cáo buộc Chính phủ Pháp thời đó đã tổ chức tuyển mộ lính Hutu hung dữ rồi huấn luyện cho họ cách bắn súng, đánh võ, sau đó viện trợ vũ khí, lương thực, tin tình báo và tiền bạc để cho họ tiến hành những cuộc thảm sát người Hutu (!?).

Các tổ chức nhân quyền Pháp và quốc tế đã trình hồ sơ này lên cho Bộ Quốc phòng từ tháng 10/2006 và sau khi nghe Ủy ban bảo mật Bộ Quốc phòng tường trình, vào ngày 4/11/2006, bà Bộ trưởng Marie đã khuyến cáo về vấn nạn này, đồng thời chuẩn y việc sẽ đưa hồ sơ qua Tòa án tối cao để nghiên cứu, sau đó lần lượt mở những phiên xử một số lính và nhân viên dân sự Pháp có liên quan. Số tài liệu lên tới 150 trang, trong bối cảnh bà Bộ trưởng Quốc phòng Marie đã chịu giải mật hồ sơ liên quan đến tội ác diệt chủng của một số lính Pháp mất phẩm chất.

Cũng trong chuỗi sự kiện này, vào ngày 9/11/2006, Tòa án Gacaca ở thủ phủ Kigali đã mở các phiên xử một nữ tu Thiên Chúa giáo - bà Theophister Mukakabibi - phạm tội diệt chủng. Sau khi quân Hutu của Kagame tiến chiếm Kigali cùng những tỉnh thành khác, Mukakabibi là một y tá của Bệnh viện Butare gần Kigali - nơi mà sau này phóng viên báo The Times của Vương quốc Anh điều tra phát hiện rằng đó chính là cái “lò mổ” của những người Tutsi cực đoan nhằm tàn sát người Hutu chống đối.

Khai với cảnh sát và nhân viên các toán điều tra đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Mukakabibi thú nhận rằng dạo đó mình đã tiếp tay cho tội ác bằng cách tiêm thuốc độc “giúp” những nạn nhân Hutu bị thương chết một cách nhanh chóng. Thỉnh thoảng bà cũng tiêm cho những người khỏe mạnh.

Theo Reuters, trong cuộc nội chiến sắc tộc đẫm máu vào những năm 90 của thế kỷ trước, tại đất nước Rwanda khốn khổ có hơn 800.000 nạn nhân đã bị giết, vùng Butare chiếm hơn 100.000.

Chủ tọa phiên tòa xét xử nữ tu là thẩm phán Jean Baptiste Ndahumba. Vào buổi chiều, Jean đã tuyên Mukakabibi 30 năm tù vì tội tham gia diệt chủng.

Liên quan đến tội diệt chủng tại Rwanda, trước đây một số người và tổ chức đã bị đưa ra tòa. Vào năm 2001, Tòa án Bỉ đã xử 1 linh mục và 2 nữ tu làm y tá có liên quan đến vụ thảm sát 2.000 người trong một bệnh viện ở Kigali sau khi bắt đầu 100 ngày thảm sát. Theo báo Le Monde, sau khi nghiên cứu kỹ bộ hồ sơ của 4 nạn nhân do Bộ Quốc phòng chuyển qua, tới đây Tòa án tối cao Pháp sẽ mở các phiên xử những binh lính, sĩ quan Pháp trước đây có liên quan

Tường Quyên (theo The Times)
.
.