Tổng Thư ký Ban Ki-Moon kháng lệnh Tòa án nội bộ Liên Hiệp Quốc

Thứ Ba, 25/05/2010, 17:35
Một cuộc đối đầu quyền lực giữa Tổng thư ký (TTK) Ban Ki-moon với Tòa án nội bộ Liên Hiệp Quốc đang diễn ra căng thẳng sau khi ông Ban Ki-moon đã nhiều lần kháng lệnh của tòa. Uy tín cũng như năng lực hoạt động của tổ chức lớn nhất thế giới này lại một lần nữa bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự "đấu tranh quyền lực" nội bộ này.

Vụ việc bắt đầu bùng nổ sau khi công dân Mỹ James Wasserstrom, cựu Trưởng đại diện LHQ tại Kosovo đâm đơn kiện Văn phòng đạo đức lên Tòa án khiếu nại LHQ, cho rằng mình đã bị đối xử bất công và yêu cầu TTK Ban Ki-moon cung cấp hồ sơ điều tra của Văn phòng đạo đức để xác minh tính chính xác và công bằng của quyết định sa thải ông. Wasserstrom trước đây được ký hợp đồng làm giám đốc Văn phòng Điều phối Giám sát các Công ty công cộng (OCOPOE).

Tháng 2/2007, Wasserstrom bắt đầu hợp tác với cơ quan LHQ trong một cuộc điều tra chống tham nhũng nằm trong chương trình trong sạch hóa các cơ quan trực thuộc LHQ do nước Mỹ khởi xướng. Cuộc điều tra này nhắm vào các quan chức hàng đầu của LHQ phụ trách việc cung ứng năng lượng cho tỉnh Kosovo thuộc Cộng hòa Serbia.

Người Mỹ cho rằng Wasserstrom là "người thổi còi" trong hệ thống cơ quan LHQ, do vậy cần được hưởng các chế độ ưu tiên và được đối xử công bằng hơn. Thế nhưng, khoảng 2 tháng sau, Wasserstrom bất ngờ nhận được thông báo rằng LHQ sẽ đóng cửa OCOPOE và hợp đồng làm việc của ông sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6.

Mới đến tháng 5, Wasserstrom đã vội vàng nhận làm cố vấn điều hành cho Ban giám đốc sân bay lớn nhất ở Kosovo. Thế là Văn phòng Đạo đức LHQ mở cuộc điều tra "xung đột lợi ích" đối với Wasserstrom. Ngày 1/5/2007, Wasserstrom bị cảnh sát LHQ bắt giam, nhà ở của ông ta bị lục soát và văn phòng làm việc bị niêm phong. Một bản cáo thị có dán hình Wasserstrom khuyến cáo các cơ quan LHQ không được để ông ta lui tới.

Bị thiệt thòi trong công việc tại các cơ quan LHQ, Wasserstrom quyết định "trả đũa" bằng cách khiếu nại Văn phòng đạo đức. Để xem xét khiếu nại này, tòa án buộc phải nắm trong tay các hồ sơ điều tra được lưu giữ tại Văn phòng TTK Ban Ki-moon. Tuy nhiên, việc TTK Ban Ki-moon từ chối trát lệnh của Tòa án khiếu nại đã khiến cho vụ việc lâm vào bế tắc.

Chưa bao giờ cơ quan LHQ gặp phải trục trặc nội bộ nhiều như hiện nay, và cũng chưa bao giờ người đứng đầu tổ chức này bị soi mói và bị nhân viên dưới quyền khiếu nại nhiều như vậy, nhất là từ khi Tòa án khiếu nại LHQ được thành lập vào tháng 7/2009 nhằm thay thế thủ tục khiếu nại rườm rà trước đây.

Đây là một thành phần trong hệ thống tư pháp nội bộ mới nằm trong chương trình cải cách của cơ quan LHQ, nhằm phục vụ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của khoảng 50.000 nhân viên LHQ. Hệ thống tư pháp mới này bao gồm các tòa án ở cấp sơ thẩm và tòa phúc thẩm. Tòa khiếu nại mới bao gồm các thẩm phán tòa án ở New York, NairobiGeneva. Các đương sự có thể "kháng cáo" phán quyết của tòa khiếu nại và tòa cấp cao hơn sẽ cử một hội thẩm gồm 3 thẩm phán để xem xét.

Theo nhận định của giới quan sát, việc triển khai hệ thống tòa án mới chứng minh được tính hiệu quả, giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hệ thống LHQ. Sau gần 1 năm hoạt động, tòa án này đã tiếp nhận và giải quyết hơn 160 vụ việc khiếu nại, tố cáo của nhân viên LHQ, trong đó có 35 vụ việc khiếu nại nhắm vào TTK Ban Ki-moon, các luật sư của ông Ban Ki-moon đã kháng nghị và giúp ông thắng 33 vụ.

Nhìn vào con số vụ việc nhắm vào TTK Ban Ki-moon, rõ ràng một cuộc tranh chấp quyền lực giữa TTK Ban Ki-moon với hệ thống tòa án đã bắt đầu diễn ra từ khi thành lập hệ thống tư pháp mới. Martin Nesirky, phát ngôn viên trưởng của TTK Ban Ki-moon, cho biết việc kháng cáo các phán quyết của tòa án khiếu nại là cách ông Ban Ki-moon thực hiện đúng đắn các quyền của mình trong khuôn khổ hệ thống tư pháp mới.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các luật sư của ông Ban Ki-moon đã buộc phải từ chối dứt khoát trát lệnh của tòa án để bảo đảm đặc quyền của TTK không bị xâm phạm bởi các phán quyết của tòa án. Quyền đưa ra quyết định của TTK Ban Ki-moon được ví tương đương với các nguyên thủ quốc gia, do vậy các luật sư của ông Ban Ki-moon cho rằng Tòa án LHQ không thể tước đi đặc quyền đó của ông và làm suy yếu quyền lực của ông trong hệ thống cơ quan LHQ.

Trước vụ Wasserstrom, TTK Ban Ki-moon đã từng bị thẩm phán Michael Adams của tòa án khiếu nại phê bình gay gắt vì tội "cố ý bất tuân lệnh tòa án" trong vụ việc một quan chức LHQ khiếu nại vì cho rằng mình bị TTK Ban Ki-moon từ chối thăng chức một cách không công bằng. Thẩm phán Adams đã không cho luật sư của ông Ban Ki-moon phát biểu trước tòa vì không giao nộp các tài liệu nội bộ liên quan vụ việc.

Thẩm phán Adams cho rằng việc từ chối chuyển giao tài liệu như thế đã xúc phạm tính nghiêm minh của luật lệ tòa án. Tuy nhiên, các luật sư của LHQ phản bác rằng thẩm phán Adams và Tòa khiếu nại không có quyền can thiệp vào công việc bổ nhiệm nhân sự của TTK Ban Ki-moon.

Theo các luật sư, nếu Tòa khiếu nại đưa kháng nghị lên Tòa phúc thẩm và Tòa phúc thẩm phán quyết thuận theo Tòa khiếu nại thì ông Ban Ki-moon vẫn có quyền đưa vấn đề ra Đại hội đồng LHQ và vận động Đại hội đồng vô hiệu hóa phán quyết đó để phục hồi các đặc quyền cho ông.

Và vụ này cho thấy việc triển khai công tác cải cách tại cơ quan LHQ đang vấp phải nhiều khó khăn về mặt cơ chế lẫn hệ thống pháp lý LHQ. Nhận định của giới luật sư là, Wasserstrom khó giành phần thắng trước TTK Ban Ki-moon, vì xét về mặt tư pháp thì Tòa án khiếu nại không có thẩm quyền tư pháp để xử lý các khiếu nại có liên quan đến Văn phòng đạo đức do văn phòng này là một cơ quan độc lập và không trực thuộc TTK

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.