Tổng thống Ecuador trong tầm ngắm của cơ quan đặc biệt Mỹ

Thứ Sáu, 07/02/2014, 17:45

Rafael Correa là một trong những tổng thống bị Mỹ coi là không thể điều khiển được và do đó là cực kỳ nguy hiểm đối với Mỹ. Để loại bỏ được những chính trị gia như vậy, Washington sử dụng một loạt biện pháp từ can thiệp vào quá trình bầu cử đến ám sát.

Sau cái chết của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez - người đã lãnh đạo cuộc đối đầu của các nước khu vực Mỹ Latinh với Mỹ, Rafael Correa ngày càng được coi là người kế nhiệm - lãnh tụ của "các lực lượng dân túy" của khu vực này. Về đối ngoại, Tổng thống Correa tăng cường củng cố các tổ chức khu vực Mỹ Latinh không có Mỹ tham dự như: Cộng đồng Mỹ Latinh và Caribê (CELAC), Liên hiệp các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Liên minh Bolivia dành cho nhân dân châu Mỹ (ALBA) …

Rafael Correa luôn ủng hộ sáng kiến của người quá  cố Hugo Chavez, theo đó cho phép các nước trong khu vực giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, phủ nhận Học thuyết Monroe ở Tây bán cầu, đảm bảo sự phối hợp hành động của các nước Mỹ Latinh với các trung tâm quyền lực khác.

Về phương diện này, Ecuador là một ví dụ, nước này đã thiết lập sự hợp tác toàn diện với Trung Quốc, Nga trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Sự hiện diện của Mỹ ở Ecuador đã giảm đi. Đây là xu hướng mà chính quyền của Tổng thống Obama không thể chấp nhận và đang cố gắng để đảo ngược. Tổng thống Correa bị coi là thủ phạm chính làm cho các mối quan hệ Mỹ - Ecuador ngày càng xấu đi.

Chính Rafael Correa là người khởi xướng một chiến dịch quốc tế chống lại Tập đoàn Năng lượng đa quốc gia Chevron. Tòa án Trọng tài Quốc tế tại Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết cho công ty này không phải trả hàng tỉ USD tiền phạt vì đã gây ô nhiễm cho lưu vực sông Amazon trên lãnh thổ Ecuador. Tổng thống Correa không chấp nhận phán quyết có tính làm nhục và vô căn cứ như vậy.

Tổng thống Rafael Correa.

Ông đã đến thăm vùng bị thảm họa sinh thái, cho các phóng viên truyền hình xem hai bàn tay của mình dính đầy dầu thô còn lại ở nơi khai thác trước đây và nói: "Đây là kết quả của việc công ty này đã sử dụng công nghệ lạc hậu". Ông kêu gọi người tiêu dùng không mua sản phẩm của Chevron. Tòa án Ecuador xúc tiến việc giải quyết vụ kiện của những người dân sống trong vùng bị ô nhiễm sinh thái và buộc công ty này phải trả 19 tỉ USD để bồi thường thiệt hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Sử dụng các kinh nghiệm phong phú trong các cuộc tranh cãi tương tự, Chevron đã nhận được các phán quyết của Tòa án tại Hague có lợi cho mình. Song, Rafael Correa không đầu hàng, ông đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNASUR, ALBA và kêu gọi cộng đồng quốc tế bày tỏ tình đoàn kết với Ecuador.

Hiện nay, Chevron không có tài sản tại Ecuador, nhưng những đòi hỏi của các nguyên đơn nước này có thể được đáp ứng ở Argentina, Brazil, Canada - những nước tích cực ủng hộ vụ kiện của người dân Ecuador. Nếu không thực hiện các phán quyết của tòa án, Chevron sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề về tài chính tại các nước này. 

Chính quyền của Tổng thống Obama quyết định bảo vệ các lợi ích của công ty này bằng mọi giá, và đây là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy các cơ quan đặc biệt Mỹ quyết tâm giải quyết triệt để "vấn đề Correa".

Tổng thống Ecuador đang cản trở sự phát triển dự án địa chính trị tự do kiểu mới của Washington như Liên minh Thái Bình Dương bao gồm Mexico, Colombia, Peru và Chile. Liên minh được tạo ra để trung hòa khối ALBA, và tư cách thành viên của Ecuador trong liên minh này không phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đại sứ Mỹ Heather Hodges tại Quito, tháng 4/2011.

Sự giám sát của các cơ quan đặc biệt Mỹ đối với Tổng thống Correa được tăng cường rõ rệt. Việc nghe lén các cuộc nói chuyện điện thoại, xâm nhập hệ thống thông tin liên lạc của các trợ lý thân cận, các nhân viên an ninh và hàng rào cảnh sát cho phép các cơ quan đặc biệt Mỹ kiểm soát được những di biến động của ông: địa điểm tổ chức các hoạt động, thành phần tham gia vào các hoạt động ấy và hệ thống bảo vệ… Hoạt động theo dõi thường xuyên tạo cơ sở vững chắc nhằm xác định những điểm yếu trong việc tổ chức bảo vệ tổng thống.--PageBreak--

Gần đây, trong một buổi phát biểu trên truyền hình, ông Rafael Correa đã nói về sự tập trung đáng ngờ của các nhân viên quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Quito. Ông nói: "Tất cả các đại sứ quán đều có các tùy viên quân sự, thường không quá một người. Nhưng, ở chúng ta có tới hơn 50 người!".

Ông đã yêu cầu Ngoại trưởng Ricardo Patino: "Phải kiểm tra thông tin này! Không được như vậy. Họ phải được đưa về mức độ bình thường".

Tổng thống Correa cũng đã yêu cầu điều tra vụ đụng độ ở biên giới Ecuador - Colombia, khi máy bay trực thăng bị bắn mà lại có một số binh sĩ Mỹ trên đó. Mối lo ngại của ông là hoàn toàn dễ hiểu: Căn cứ của Mỹ tại Manta đã đóng cửa vào năm 2009, còn các cố vấn quân sự của Lầu Năm Góc, các quan chức tình báo Mỹ đang hoạt động trên lãnh thổ Ecuador mà không có bất kỳ sự hạn chế nào.

Hoạt động tình báo và phá hoại của các cơ quan đặc biệt Mỹ ở Ecuador trong thời gian gần đây được tăng cường rất rõ ràng. Theo nhận định của các chuyên gia Cuba, số lượng nhân viên chỉ riêng của CIA đang hoạt động tại Ecuador trong các năm 2012 - 2013 tăng gấp đôi. Hàng chục nhân viên mới của CIA đã đến đây. Mọi hoạt động của họ không chỉ xuất phát từ Đại sứ quán Mỹ ở Quito, nơi có tới không dưới 100 nhà ngoại giao, mà Lãnh sự quán tại Guayaquil cũng được sử dụng.

Để đảm bảo có "một mái nhà" cho số lượng các nhân viên tình báo Mỹ ngày càng tăng tại thành phố cảng có tầm quan trọng chiến lược này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải xây cho lãnh sự quán một tòa nhà mới có bố trí các thiết bị điện tử của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Ô nhiễm quanh mỏ dầu Lago Agrio – Ecuador.

Điều hành chung lãnh sự quán này là David Lindwall, người vừa rời chức vụ cố vấn về chính trị và quân sự tại Iraq. Lindwall cũng đã từng làm việc tại các Ban Chính trị của các Đại sứ quán ở Bogota, Managua, Tegucigalpa, Asuncion và ở thủ đô của các nước Mỹ Latinh khác. Trong các công bố của trang web Wikileaks, tên của ông ta thường được nhắc đến.

Thậm chí, chỉ cần phân tích lướt qua các bức điện mà ông ta đã ký cũng đủ cơ sở để kết luận rằng Lindwall - một nhân viên CIA chuyên nghiệp có kinh nghiệm, rất thông thạo trong các vấn đề về châu Mỹ Latinh và được phái tới Ecuador để “giải quyết các công việc rất nhạy cảm”. 

Tổng thống Correa đã nhiều lần nhận xét: Mỹ là một cường quốc "kiêu ngạo" cố tình áp đặt lên thế giới các quan điểm về "những giá trị dân chủ vạn năng" của họ, cho người khác "các bài học đạo đức và cách hành xử tốt" và rằng nước Mỹ có hệ thống bầu cử không hoàn thiện nhất, nó cho phép "người thua chiến thắng".

Rafael Correa coi những mưu toan của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) áp đặt khuôn mẫu dân chủ kiểu Mỹ cho Ecuador và các nước khác là "sự xúc phạm", chẳng khác nào đây là các nước thuộc địa. Mới đây, khi nhận xét về việc Văn phòng đại diện của USAID chấm dứt tài trợ cho một loạt dự án ở nước này với số tiền là 32 triệu USD, Tổng thống Correa đã mỉa mai đề nghị Washington giúp đỡ tăng cường nền dân chủ theo kiểu Mỹ với số tiền tương tự.

Văn phòng đại diện của USAID đã rời khỏi Ecuador, nhưng những hoạt động của các cơ quan đặc biệt Mỹ nhằm gây bất ổn cho đất nước này vẫn không dừng lại. Các cuộc tấn công mới sẽ được thực hiện theo hướng lợi dụng  kế hoạch cắt giảm quân số lực lượng vũ trang của Tổng thống Correa và chuyển một phần các binh sĩ sang các cơ quan cảnh sát.

Hiện nay, đã có "những nhà bất đồng chính kiến vô danh trong quân đội" ra tuyên bố có tính thù địch chống lại Rafael Correa và những cố gắng của ông nhằm "thay thế vị trí của Hugo Chavez ở lục địa". Cách diễn đạt này cho thấy rõ những lực lượng nào đang đứng đằng sau chiến dịch chống lại Correa. Trong một cuộc nổi loạn của cảnh sát vào tháng 9/2010, Tổng thống Ecuador đã bị trúng đạn của các tay súng bắn tỉa và ông đã sống sót một cách thần kỳ.

Với  những động thái trên, dư luận sẽ không ngạc nhiên khi biết các cơ quan đặc biệt của Mỹ đang chuẩn bị một cái gì đó tương tự như vậy dành cho Tổng thống Ecuador trong thời gian tới

Hoàng Tuất (theo Fondsk.ru)
.
.