Toronto, điểm nóng gián điệp thời Chiến tranh lạnh

Thứ Năm, 17/09/2015, 14:30
Trong các tài liệu vừa giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) theo yêu cầu của Luật Tự do Thông tin (FOIA) - luật có hiệu lực tại Mỹ từ năm 1967 - để cung cấp cho tờ Toronto Star của Canada, vào thời cao điểm của Chiến tranh lạnh, thành phố Toronto của Canada trở thành điểm nóng của cuộc chiến gián điệp căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô. Các tài liệu cung cấp một số chi tiết mới như việc CIA và Cơ quan Tình báo KGB của Liên Xô đã giám sát cộng đồng dân nhập cư tăng cao xuất phát từ Đông Âu sang Canada như thế nào...

Các chi tiết này gây sững sờ cho "một mục tiêu giám sát của CIA" từng sống và làm việc tại Toronto giữa thời Chiến tranh lạnh. Đó là người phụ nữ gốc Ukraine tên là Natalie Bundza, nay đã 78 tuổi, làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty nằm trên đại lộ Bloor nối liền phía đông và phía tây thành phố Toronto.

Do tính chất công việc buộc thường xuyên đi ra hải ngoại cho nên Bundza trở thành mục tiêu lựa chọn của CIA lẫn KGB. Trong một chuyến du hành của Natalie Bundza đến Ukraine vào cuối thập niên 60 thế kỷ XX, CIA đã thu thập đầy đủ thông tin  về bà - từ những người mà bà gặp gỡ ở hải ngoại cho đến hành lý của bà. Một tài liệu của CIA mô tả trong vali của Bundza có "quá nhiều cuốn sách về Ukraine".

Natalie Bundza và tài liệu CIA giải mật trên tay.

Trở thành hướng dẫn viên du lịch ở tuổi 30, Natalie Bundza - hiện đang sống ở khu Etobicoke, thành phố Toronto - thường xuyên đi theo các nhóm nghệ sĩ và du khách băng qua Bức tường Sắt để đến Liên Xô. Bundza tin rằng chính tính chất đặc thù của công việc và những người bạn trong giới nghệ thuật của bà đã khiến cho bà trở thành mục tiêu của CIA. Những người bạn thuộc "giới trí thức Ukraine" của Bundza bao gồm: nam diễn viên Ivan Mykolaychuk, nhà điêu khắc nổi tiếng Ivan Honchar, nhà thơ Ivan Drach và nhà hoạt động chính trị Dmytro Pavlychko - tất cả những cái tên này đều được CIA ghi chép cẩn thận. Không chỉ có CIA, mà KGB cũng âm thầm giám sát Bundza.

Bà kể: "Tôi bị người của KGB theo dõi thường xuyên. Họ nắm rõ lai lịch của tôi. Họ biết tôi là người yêu nước song tôi không phải là người Cộng sản". Bundza thường xuyên theo dõi tin tức từ quê nhà Ukraine và bà không sợ mạo hiểm. Bundza nhớ lại ở tuổi 30 bà là hướng dẫn viên du lịch thạo nghề và cũng là người "rất gan lì". Ở Toronto, nhiều người phục vụ làm tai mắt cho CIA và những người vượt qua Bức tường Sắt là nguồn thông tin quan trọng cho chính quyền Mỹ. Richard Immerman, nhà sử học về Chiến tranh lạnh, Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ), cho biết hoạt động gián điệp từ trên không trong thời Chiến tranh lạnh của Mỹ còn nhiều hạn chế trong một số trường hợp, do đó việc tìm kiếm sự hợp tác cung cấp thông tin từ những du khách đến Liên Xô là điều hết sức cần thiết. Immerman cũng nhấn mạnh: "Đây không phải là khoảng thời gian mà người phương Tây dễ dàng du lịch đến Liên Xô".

Đối với CIA, Toronto cũng là thành phố nhan nhản những kẻ thù tiềm tàng của chính quyền Mỹ. Trong một tài liệu năm 1959 được giải mật của CIA, một điệp viên mô tả 18 người Canada (11 người trong số đó sống ở Toronto) bị nghi ngờ làm việc cho KGB. Theo báo cáo của điệp viên này, phần lớn trong số này được tình báo Mỹ gọi là điệp viên mật không chính thức (NOCs). Đội quân NOCs này bí mật du hành đến Liên Xô sau khi được KGB tuyển mộ.

Igor Gouzenko.

Họ được huấn luyện làm điệp viên trong vài năm và sau đó quay trở về Canada với danh tính mới. NOCs ở Canada cũng có công việc làm bình thường, có gia đình nhưng với cuộc sống 2 mặt. Như là trường hợp của Ivan Kolaska, người di cư đến Toronto trong chương trình thâm nhập các cộng đồng người Ukraine ở hải ngoại của KGB. Theo đó, Ivan Kolaska có cuộc sống 2 mặt ở Toronto - làm nhân viên trong Tòa Thị chính Toronto và thường hay gặp các nhà ngoại giao Liên Xô.

Trong một cuộc gặp mặt nhân viên Đại sứ quán Liên Xô, Kolaska tiết lộ danh tính của hàng chục sinh viên Ukraine tổ chức một cuộc họp bí mật ở thành phố Kiev. Về sau, số sinh viên này đã bị chính quyền Xôviết bắt giữ. Danh tính của những người hợp tác với CIA cũng được nêu trong nhiều tài liệu giải mật của cơ quan. Trong tài liệu CIA, Natalie Bundza được ghi là "Natalka". Theo Bundza, chỉ có một số người trong cộng đồng người Ukraine ở Toronto mới biết bà được gọi là "Natalka". Bundza mặc dù không phải là Cộng sản, song CIA vẫn tin rằng bà giả vờ để dễ bề thâm nhập cộng đồng người Ukraie định cư ở Toronto.

Hoạt động gián điệp của Liên Xô ở Canada thời Chiến tranh lạnh bị lộ do sự phản bội đất nước của Igor Gouzenko - nhân viên Đại sứ quán Nga tại Ottawa. Theo tiết lộ của Gouzenko, KGB sử dụng Đại sứ quán ở Ottawa để thực hiện những chiến dịch gián điệp. Sau khi Liên Xô tan rã, người Nga vẫn tiếp tục gián điệp Canada. Năm 1996, chính quyền Canada bắt giữ và trục xuất cặp đôi điệp viên Nga - Dmitryi Vladmirovich Olshevskiy và Yelena Borisovna Olshevskaya. Cặp đôi điệp viên này đã sử dụng danh tính của Ian Lambert và Laurie Brodie, 2 người Canada đã chết khi còn nhỏ trong những năm 60 để hoạt động.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.