Toto Koopman: Người mẫu, điệp viên, nữ anh hùng chống phát xít

Thứ Năm, 26/09/2013, 07:05

Mới đây, nhà văn Pháp Jean Noel Liaut đã công bố tác phẩm của ông mang tựa đề: “Cuộc sống muôn màu của Hoa hậu K: Toto Koopman-Người mẫu, Sự lặng lẽ, Điệp viên” để vinh danh và tưởng nhớ nữ anh hùng chống phát xít, Toto Koopman - một người mẫu tài sắc vẹn toàn, điệp viên xuất sắc của quân Đồng Minh trong Thế chiến II.

Sinh năm 1908, tại một ngôi làng dưới chân núi lửa Java, Indonesia là con gái của Đại tá Koopman người Hà Lan, có vợ là một người Indonesia lai Trung Quốc, Toto - tên thật là Catharina Koopman. Biệt hiệu Toto của Catherina đặt theo tên con ngựa mà cha cô thích cưỡi nhất.

Năm 1920, gia đình gửi Toto từ Indonesia sang Hà Lan để học trong trường nội trú. Toto học rất giỏi, đặc biệt là môn ngoại ngữ, chỉ sau 6 năm học phổ thông, cô đã thông thạo 4 thứ tiếng gồm: Anh, Pháp, Đức và Italia. Vốn xinh đẹp và gợi cảm, Toto ước mơ trở thành người mẫu. Do đó, năm 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Anh (năm cuối cấp Toto chuyển trường từ Hà Lan sang Anh), Toto đã đến thủ đô Paris, Pháp để thực hiện ước mơ của mình. Nhờ sắc đẹp trời phú cùng với sự khéo léo trong giao tiếp, biết nhiều ngoại ngữ. Toto đã sớm ký được hợp đồng làm việc 6 tháng với Coco Chanel, một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất ở Pháp lúc bấy giờ và ảnh chụp cô thường xuyên xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vougue - tạp chí thời trang của giới quý tộc châu Âu vào thời điểm đó.

Toto cũng  từng là người mẫu, cảm hứng sáng tác của nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt  Rochas Mainbocher - một ông trùm ngành thời trang, giải trí người Pháp gốc Mỹ. Sở hữu khuôn mặt sáng, dáng người thanh lịch nên mỗi khi sải bước, vẻ đẹp quý phái của Toto luôn làm sáng hộp đêm và sân khấu. Từ đó, Toto nhận thấy tương lai của mình nằm trong các bộ phim. Cô lập tức tới London, gặp Alexander Korda, người Hungary, một chủ hãng phim tư nhân rất được ưa chuộng ở Anh, Toto đã thử diễn xuất và bất ngờ được đóng vai nữ chính trong bộ phim “Đời tư của Don Juan”…

Năm 1934, Toto gặp Lord Beaverbrook là ông trùm của nhiều tờ báo ăn khách nhất của Anh khi đó như: Daily Express, Sunday Express và Evening Standard. Kể từ khi Thế chiến II nổ ra,  Beaverbrook đã là một chiến sĩ chống phát xít của Anh hoạt động bằng "vỏ bọc" báo chí. Sau khi quen Toto, Beaverbrook đã nhanh chóng nhận ra, cô gái tài sắc vẹn toàn này có khả năng trở thành một điệp viên.

Sau khi yêu Beaverbrook và được đào tạo, Toto bắt đầu "cặp kè" với nhiều tướng lĩnh quân đội phát xít Đức, Ý để moi thông tin tình báo thông qua những chuyến du lịch, nghỉ mát dài ngày. Thậm chí con rể trùm phát xít Ý Mussolini cũng chết mê chết mệt sắc đẹp lai Á - Âu của Toto, để rồi rất nhiều thông tin tuyệt mật về kế sách quân sự của phát xít Ý, Đức đã lọt vào tay Toto. Nhờ những thông tin do Toto cung cấp, nên các nước Đồng minh đã ngăn chặn và đánh lui nhiều cuộc tấn công thần tốc (Blizt) của phát xít Đức và Ý.

Mùa thu năm 1939, Toto chuyển hướng hoạt động về phía nam Italia để gặp gỡ với một số điệp viên quân Đồng minh "gắn mác" các nhà sưu tập nghệ thuật bàn phương án tác chiến tình báo trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến. Ở Florence, cô đã tham gia hoạt động dân vận  để quyên góp tài chính giúp mua vũ khí cho quân kháng chiến Italia chống chế độ độc tài phát xít Mussolini. Lúc này, hành tung của người đẹp Toto - nhân tình hờ bên các tướng lĩnh cấp cao đã bị nghi ngờ. Do đó, phát xít Đức, Ý bắt đầu "cài bẫy" Toto và vào mùa thu năm 1941, hoạt động bí mật của người mẫu gián điệp Toto đã bị bại lộ. Cảnh sát mật vụ SS đã bắt giữ cô trong một lần làm nhiệm vụ.

Sau khi bị bắt, Toto đã nhiều lần vượt ngục thành công, thậm chí còn táo bạo cứu thoát nhiều tù chính trị kháng chiến chống phát xít của Ý, Đức, Anh, Pháp và Nga trốn vào vùng rừng núi Perugia, Ý. Nhưng, chỉ sau vài tháng thoát khỏi nhà lao phát xít, Toto đã bị bắt trở lại trong một chuyến đi bí mật đến Venice để tiếp tục hoạt động điệp báo. Quân phát xít Ý chuyển cô đến một trong những trại giam khét tiếng nhất có tên gọi: Ravens brück, ở miền bắc nước Đức.

Trại tập trung này nằm gần một vùng đầm lầy cách Berlin 50 dặm về phía bắc, được bao quanh bởi hàng rào dây kẽm gai dày đặc cài điện, nơi đây cũng chính là cơ sở đào tạo, huấn luyện các nữ mật vụ SS khét tiếng của phát xít Đức. Ở đây tù nhân bị ngược đãi, lao động khổ sai, quân phát xít Đức vắt kiệt sức lao động, ép họ phải chế tạo linh kiện sản xuất tên lửa cho chúng, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông mới có tầm chiến lược quân sự, chúng còn bán nữ tù nhân vào nhà thổ, thậm chí tận cùng sự tàn độc, chúng không những cưỡng hiếp, giết hại, lấy tù nhân làm vật thí nghiệm vũ khí sinh - hóa, mà còn trộn tro cốt nạn nhân vào nguyên liệu để sản xuất phân bón nông nghiệp.

Cũng như nhiều trại tập trung khác,  Ravensbruck có điều kiện vệ sinh rất tồi tệ, sốt phát ban, dịch tả  thường xuyên hoành hành, đặc biệt năm 1943, có rất nhiều tù nhân bị chết do bệnh tật. Do kiệt sức và suy dinh dưỡng nên nhiều người đã chết hoặc bị đẩy vào lò thiêu sống. Tổng cộng có 130.000 nữ tù bị giam cầm ở Ravensbruck và 92.000 trong số đó đã chết dưới bàn tay vấy máu của phát xít Đức.

Mặc dù bị đưa về Revensbruck, nhưng các tướng lĩnh phát xít rất "thương hoa, tiếc ngọc" không nỡ "vùi dập" người đẹp Toto: Nhờ trí thông minh, sắc đẹp của mình, Toto rất khéo léo khi thuyết phục được chỉ huy trại giam cùng bảo vệ rằng cô từng được đào tạo làm điều dưỡng viên y tế. Kể từ đó, Toto được làm việc tại phòng y tế với nhiệm vụ… cấp dưỡng.

Bảy tháng làm việc trong bệnh xá của trại tập trung Revensbruck, Toto đã bí mật lấy trộm thực phẩm cho các tù nhân, cứu sống được nhiều người, đồng thời động viên tinh thần đấu tranh chống phát xít và niềm tin hòa bình cho họ. Vào tháng 4/1945, chỉ một thời gian ngắn trước khi chiến tranh kết thúc, Đức Quốc xã đã phải đồng ý trao trả hàng trăm tù nhân cho quân Đồng minh thông qua đại diện là Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển. Toto là một trong số đó...

Sau chiến tranh, Toto gặp Brausen, một họa sĩ làm việc tại phòng triển lãm tranh Redfern London, ở Ascona, Ý. Hai vợ chồng mở một phòng triển lãm để kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật ở Panarea - một vùng quê yên ả nằm trên quần đảo Eolie, thuộc miền biển Tyrrhenus, ở phía bắc Sicilia, Ý, sống cuộc sống bình dị, nhưng tràn đầy tình cảm.

Sau khi bà Toto lâm trọng bệnh năm 82 tuổi, ông Brausen đã phải bán hết tài sản, gồm phòng tranh để lo thuốc thang cho vợ. Dù đã mời rất nhiều bác sĩ nhưng sức khỏe bà Toto ngày càng suy kiệt. Thương vợ nhưng không thể chống lại số mệnh, ông Brausen chỉ còn biết ngậm ngùi... Bà Toto đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1991 trong vòng tay ấm nồng cùng sự thương xót của chồng, người thân và bằng hữu gần xa

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.