Tranh cãi xung quanh vai trò giám sát an ninh mạng của DHS

Thứ Sáu, 16/03/2012, 22:00

Eric Rosenbach, quan chức cao cấp về Chính sách An ninh mạng ở Bộ Quốc phòng Mỹ, khẳng định tại Hội nghị RSA Security ở San Francisco rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), một cơ quan dân sự, nên cùng phối hợp với FBI chịu trách nhiệm lãnh đạo bộ phận an ninh mạng trong nước Mỹ. Trong khi đó NSA, cơ quan tình báo quân đội gây nhiều tranh cãi, chỉ nên đóng vai trò phụ trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Từ vài năm qua, các quan chức về hưu và đang tại chức của Bộ Quốc phòng Mỹ thường lên tiếng quả quyết rằng, Cơ quan Tình báo quốc gia (NSA) nên có vai trò mạnh hơn trong việc giám sát sự lưu thông mạng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những cuộc tấn công hiểm độc trước khi chúng xảy ra. Ngoài vai trò gián điệp các cơ quan chính quyền khác, NSA còn có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các mạng bí mật của Chính phủ Mỹ và khả năng phòng vệ của NSA từng được đánh giá cao trong cộng đồng an ninh của nước Mỹ. Nhưng, sự dính líu của NSA trong chương trình nghe lén trái phép sau sự kiện ngày 11/9/2001 đã làm bùng phát những tranh cãi gay gắt quanh vấn đề liệu có nên tin tưởng giao phó cho NSA nhiệm vụ giám sát lưu thông mạng vì lý do an ninh hay không.

Trong những cuộc tranh cãi ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ, một số thành viên của đảng Cộng hòa không muốn NSA có vai trò mạnh hơn trong việc bảo đảm an ninh mạng nước Mỹ. Kết quả là sự ra đời của hai dự luật khác nhau. Dự luật thứ nhất cho phép Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) quyền kiểm soát các mạng viễn thông và mạng lưới điện quốc gia, đòi hỏi các công ty tư nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn an ninh của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia (NIST), NSA và các cơ quan khác. Dự luật thứ hai do Thượng nghị sĩ John McCain đề nghị tập trung nhiều hơn vào việc chia sẻ thông tin tình báo để bảo đảm an ninh cho các mạng nói trên.

Chính sách tập trung đang tăng vào lĩnh vực an ninh mạng của chính quyền Mỹ có thể thấy rõ qua yêu cầu ngân sách năm 2013 của DHS - đòi hỏi 769 triệu USD cho mọi nỗ lực bảo đảm an ninh mạng - cao hơn năm 2012 rất nhiều (đến 74%). Mặc dù con số chính thức được bảo mật, song người ta nhận định ngân sách Bộ Quốc phòng dành cho an ninh nước Mỹ chiếm hàng tỉ USD. Tại hội nghị về an ninh ở San Francisco, có một nhóm chuyên gia tham dự đưa ra nghi vấn về việc những kẻ thù của Mỹ có khả năng tiến hành cuộc tấn công hủy diệt nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này hay không.

Bất chấp việc quan chức chính quyền và cộng đồng tình báo Mỹ lớn tiếng tuyên bố nhóm hacker Anonymous, Iran, Al-Qaeda và những đối thủ khác có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước Mỹ bằng cuộc tấn công mạng, nhóm chuyên gia tham dự hội nghị an ninh vẫn khẳng định: Những kẻ thù trên họ không có đủ năng lực để làm điều đó. Nhóm chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề gián điệp kinh tế đóng vai trò hàng đầu trong những cuộc tấn công vào hệ thống mạng của các công ty Mỹ để đánh cắp những bí mật thương mại.  

Bên trong tổng hành dinh của DHS.

Về vai trò giám sát an ninh mạng của DHS, cơ quan này cũng bị chỉ trích dữ dội. Tháng 12/2011, một nhóm luật sư của Trung tâm Thông tin điện tử tư nhân (EPIC) tố cáo DHS tiến hành hoạt động giám sát các mạng truyền thông không nhằm mục đích bảo vệ an ninh mạng. Kết luận của EPIC căn cứ theo phân tích tài liệu dài 285 trang tiết lộ hợp đồng trị giá 11 triệu USD giữa DHS và General Dynamics có được qua Luật Tự do thông tin (FOIA). General Dynamics được DHS thuê để giám sát và cung cấp báo cáo về mọi giao tiếp trên các mạng xã hội và các blog.

Computerworld là một trong hàng chục trang thông tin và blog nằm dưới sự giám sát bí mật của DHS. Những nạn nhân khác của DHS bao gồm The New York Times, Wired, Huffington Post và Drudge Report. Những thông tin thu thập được từ các trang web này sẽ được General Dynamics chuyển đến cho Cục Kế hoạch và phối hợp chiến dịch (OOCP) của DHS để phân tích những mối đe dọa tiềm tàng gây nguy hiểm cho an ninh xã hội.

Ginger McCall, Giám đốc Dự án Công khai chính quyền (OGP) của EPIC, cho biết DHS còn muốn biết phản ứng của giới truyền thông về đề nghị di chuyển tù nhân Guantanamo đến một nhà tù địa phương ở Standish, bang Michigan. McCall cho rằng, hành động giám sát và thu thập thông tin từ các mạng xã hội của DHS gây tác động nguy hại đến quyền tự do ngôn luận ở nước Mỹ. Ngoài ra, EPIC còn có các chứng cứ cho thấy DHS theo dõi chặt chẽ những câu chuyện của giới truyền thông để biết sự chỉ trích nhằm vào DHS hay chính quyền Mỹ. 

Ngày 22/2 vừa qua, nữ nghị sĩ Jackie Speier lớn tiếng phê phán DHS trước Quốc hội, nói rằng bà rất tức giận khi DHS sử dụng tiền bạc vào việc giám sát các mạng xã hội như Facebook và Twitter, và còn dòm ngó đến các trang thông tin bao gồm Wired, WikiLeaks và Drudge Report. Trước Quốc hội Mỹ, bà Speier nhấn mạnh yêu cầu DHS phải ngay lập tức hủy bỏ chương trình giám sát vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ. Bà Speier cũng tuyên bố hợp đồng của DHS với General Dynamics để giám sát mọi hoạt động trên Internet là không cần thiết và cần được chấm dứt ngay

Trần Phong (tổng hợp)
.
.