Chương tình đào tạo kỹ năng gián điệp cho doanh nhân

Thứ Năm, 02/07/2015, 07:35
Chính phủ Anh đang xem xét triển khai chương trình cho phép sinh viên mới tốt nghiệp đại học loại giỏi và xuất sắc gia nhập Cơ quan tình báo tín hiệu (GCHQ) một thời gian ngắn để được đào tạo  trước khi đi đến lựa chọn sẽ thành lập công ty khởi nghiệp công nghệ cao hay trở thành điệp viên suốt đời.

Ý  tưởng này bắt nguồn từ một chương trình của Israel mang tên "Teach First" - tuyển mộ sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào làm việc cho Unit 8200 (đơn vị tình báo tín hiệu giống GCHQ của Anh) trực thuộc quân đội Israel (IDF) trong thời gian ít nhất 2 năm trước khi dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh. Nhiều người sau thời gian phục vụ Unit 8200 đã thành lập các công ty công nghệ hàng đầu Israel.

Với ý tưởng này, chính quyền Anh, GCHQ sẽ thu hút và tận dụng những bộ não giỏi nhất, xuất sắc nhất giúp giải quyết mối đe dọa đang tăng của chủ nghĩa khủng bố trên khắp thế giới. Trong một bài diễn văn hồi tháng 12/2014, Chánh văn phòng Nội các Anh, Francis Maude tuyên bố: "Từ lâu, tôi đã thán phục Israel, quê hương của các công ty khởi nghiệp công nghệ cao tính theo đầu người cao hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là nền văn hóa sáng tạo của Israel. Đó là con người - và những mối quan hệ giữa con người - được coi là yếu tố chủ chốt. Ví dụ, một nhóm cá nhân, có lẽ chỉ 2 hay 3 người, ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp hay tranh luận về một ý tưởng mang tính đột phá. Họ cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau trải nghiệm và cuối cùng thành công. Chúng ta cũng có rất nhiều tài năng làm việc cho GCHQ và không thiếu những bộ não xuất sắc. Vấn đề là, chúng ta có thể tạo ra một không gian vững chắc mà ở đó doanh nghiệp hợp tác với GCHQ và xây dựng một hệ sinh thái giữa hai bên hay không".

Đầu năm nay, Francis Maude đã có chuyến viếng thăm Israel và gặp gỡ một số thành viên. Nội các Anh cho rằng, tài sản trí tuệ của GCHQ cũng có thể được phát huy theo cách đó. Theo một nguồn an ninh: "Chúng ta có thể học hỏi kiểu mẫu của Israel để phát triển những kỹ năng kỹ thuật mà nước Anh cần đề giải quyết những vấn đề an ninh mạng".

Chánh Văn phòng Nội các Francis Maude.

Giới chức chính quyền Anh cũng nhấn mạnh thực tế ở Israel là một vài sinh viên sau khi rời trường đại học đã đồng ý gia nhập Unit 8200 và sau đó thành lập các công ty công nghệ cao hàng đầu nước này - trong số đó có thể kể Công ty An ninh mạng Palo Alto Networks hiện nay trị giá đến 10 tỉ USD và Công ty Công nghệ máy tính ICQ (nổi tiếng thế giới với dịch vụ nhắn tin nhanh) nay đã bán lại cho Công ty Digital Sky Technologies (DST) của Nga với giá gần 200 triệu USD.

Mới đây, Hanan Gefen - tướng quân đội Israel, cựu chỉ huy Unit 8200 và hiện là chuyên gia cố vấn cho các công ty công nghệ cao - thừa nhận nhiều công ty hưởng lợi từ các công nghệ của Unit 8200: "Ví dụ như Nice, Comverse và Check Point là 3 trong số các công ty công nghệ lớn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các công nghệ Unit 8200".

Check Poin được thành lập bởi một nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học phục vụ Unit 8200. Tập đoàn công nghệ Comverse Technology Inc. cũng sử dụng công nghệ Unit 8200. Eyal Herzog, một trong những người sáng lập Metacafe (một trong những dịch vụ video lớn nhất thế giới, đối thủ của YouTube) cũng là cựu binh xuất sắc của Unit 8200. Roni Einav, cũng là một cựu binh Unit 8200, đã bán Công ty New Dimension Sofware cho một công ty công nghệ Mỹ với giá 675 USD năm 1999 và kể từ đó bắt đầu đầu tư vào hàng chục công ty khởi nghiệp Israel.

Trụ sở GCHQ ở Cheltenham.

Đầu năm 2015, GCHQ thành lập chương trình huấn luyện kỹ năng an ninh mạng chống khủng bố cho học sinh trung học nhằm mục đích săn tìm tài năng trẻ trong lĩnh vực này. Ứng dụng giáo dục đầu tiên của GCHQ dành cho học sinh trung học gọi là Cryptoy được thiết kế để dạy những công dân nhỏ tuổi của Anh làm quen với những nguyên lý cơ bản của khoa học mật mã. Ứng dụng cũng là một phần trong nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của Chiến lược An ninh Mạng Quốc gia - chương trình được thiết kế nhằm giúp các doanh nghiệp và chính quyền trong cuộc chiến chống những mối đe dọa hệ thống mạng tương tự như cuộc tấn công mạng vào Hãng phim vụ Pictures hồi cuối năm 2014 được cho là từ CHDCND Triều Tiên.

Với ứng dụng Cryptoy, học sinh được dạy cách tạo ra các thông điệp mã hóa có thể chia sẻ trên mạng xã hội hay email và cũng được giải mã bằng chính ứng dụng này. Ứng dụng được thiết kế bởi các sinh viên đang phục vụ ở GCHQ và nó được tải miễn phí về hệ điều hành Android, trong khi phiên bản dành cho Apple dự định sẽ được phát hành vào cuối năm nay.

Robert Hannigan, Giám đốc GCHQ, tuyên bố: "Xây dựng các kỹ năng toán học và khoa học máy tính cho thế hệ trẻ là yêu cầu cốt yếu để duy trì an ninh mạng cho nước Anh và giúp cho nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng".

Diên San (tổng hợp)
.
.