Trùm điệp viên Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên bị quên lãng

Thứ Sáu, 10/11/2017, 11:03
Donald Nichols đến bán đảo Triều Tiên năm 1946, tức ngay lúc bắt đầu cuộc Chiến tranh lạnh. Năm 1950, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Il Sung phát động cuộc chiến tranh tấn công miền nam với sự hỗ trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.

Lúc đó, sĩ quan tình báo Không quân Mỹ trẻ tuổi Donald Nichols đã xây dựng được mạng lưới gián điệp mật hoạt động trên khắp bán đảo. Nichols nói sõi tiếng Hàn hơn bất cứ người Mỹ nào khác và người thanh niên chỉ mới 23 tuổi này đã sẵn sàng cho cuộc chiến. Sứ mạng chính của Nichols là tìm kiếm những mục tiêu quan trọng cho không quân Mỹ ném bom. Giới chỉ huy không quân Mỹ mô tả Nichols là “cuộc chiến một người” và “người hoạt động tình báo giỏi nhất” ở vùng Viễn Đông. 

Câu chuyện về Donald Nichols được kể lại trong cuốn sách “King of Spies: The Dark Reign of Americas Spymaster in Korea” (tạm dịch: “Vua của các gián điệp: Thời đại đen tối của trùm gián điệp ở Triều Tiên”) xuất bản ngày 3-10-2017 của tác giả Blaine Harden.

Cuộc chiến của một người

Cuộc nã pháo dồn dập bắt đầu vào sáng chủ nhật, trước khi mặt trời mọc. Đó là ngày 25-6-1950. Vài giờ sau, hàng chục xe tăng Liên Xô cùng với khoảng 90.000 binh sĩ Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ồ ạt vượt vĩ tuyến 38 tấn công Hàn Quốc. Một ngày sau, từ căn cứ ở thủ đô Tokyo Nhật Bản, tướng Douglas MacArthur gửi báo cáo đánh giá tình huống ảm đạm trên bán đảo Triều Tiên về Washington.

Tác giả Blaine Harden viết trong cuốn sách “Vua của các gián điệp”: “Các nguồn tình báo của Nichols ở Bắc Triều Tiên tiết lộ rằng người Nga vận chuyển máy bay, pháo, súng và rất nhiều đạn dược đến đây. Nichols chuyển giao thông tin đến chỉ huy bộ phận tình báo tướng Douglas MacArthur là Charles Willoughby”. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài các báo cáo tình báo của Nichls không được quan tâm đến.

Donald Nichiols bên những con chó cưng.

Theo Harden, Nichols điều hành một đội chuyên viên giải mã nằm dưới sự lãnh đạo của một người Bắc Triều Tiên. Trước khi chiến tranh bùng nổ, người này đào thoát sang Hàn Quốc và mang theo cả bộ mã hóa của KPA. Đội chuyên viên của Nichols sử dụng bộ mã hóa này để nghe lén những đường truyền radio của KPA. Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, mạng lưới gián điệp của Nichols thu thập khá nhiều thông tin có giá trị nhờ vào bộ mã hóa này.

Chiến dịch rải thảm bom được tiến hành thành công và phá hủy nhiều thành phố ở miền bắc bán đảo Triều Tiên nhờ thông tin từ mạng lưới của Nichols. Trong thời gian 2 năm 1951 và 1952, hàng tháng Nichols thực hiện từ 500 đến 1.000 báo cáo tình báo.

Các báo cáo của Nichols chỉ rõ vị trí của những nhà máy sản xuất lựu đạn, nhà kho thực phẩm, kho đạn dược, xưởng in, một nhà máy giấy, một nhà máy kẽm, những căn hầm mới đào và cả căn cứ quân sự Nga cũng như những nơi đóng quân của Trung Quốc… Chiến dịch kéo dài liên tục suốt 3 năm chiến tranh, phá hủy 85% các tòa nhà và giết chết khoảng 1 đến 2 triệu người dân.

Trong suốt cuộc chiến, Nichols cũng tiếp nhận thêm nhiều người miền Bắc vượt biên sang miền Nam và trở thành nguồn tin có giá trị cao cho không quân Mỹ. Trước chiến tranh, Nichols đã học tiếng Hàn đồng thời có nhiều bạn bè có thế lực trong quân đội và cả trên chính trường Hàn Quốc – bao gồm “người bạn thân nhất” là Tổng thống Syngman Rhee (nhiệm kỳ từ tháng 7-1948 đến tháng 4-1960).

Tác giả Harden mô tả Nichols là người “vừa ngang ngược vừa tàn nhẫn” giống như nhân vật hư cấu Đại tá Kurtz trong bộ phim “Apocalypse Now” của Hollywood và “ngày càng muốn làm gì thì làm theo ý muốn của mình”. Harden viết: “Nichols sẵn sàng ném bất cứ ai ra khỏi máy bay hay tàu thuyền hay bắn chết bất cứ người nào không tự nguyện trở lại Bắc Triều Tiên làm gián điệp. Nichols bắn chết không ít người ngay trong trụ sở của mình ở Seoul mà không hề lập báo cáo lên cấp trên”.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, quân đội và chính quyền Mỹ quyết định hành động đối với Donald Nichols. Harden nêu chi tiết trong cuốn sách: “Vào mùa hè năm 1957, quân cảnh Không quân Mỹ tìm đến nhà Nichols vào lúc nửa đêm và trói gô ông ta lại. Nichols bị tra tấn bằng sốc điện. Nichols bảo với gia đình rằng Không quân Mỹ muốn xóa sạch ký ức của ông. Nhưng ký ức của Nichols vẫn không bị mất đi và ông tiếp tục sống thêm 30 năm nữa”.

Nichols (cao nhất ở bìa trái) cùng với các sĩ quan Hàn Quốc và Mỹ ở Seoul.

Theo Harden, Nichols nắm giữ thông tin về chiến tranh Triều Tiên trong khi người Mỹ không muốn tiết lộ sự thật về những bí mật đen tối trong giai đoạn thảm khốc này. Harden dẫn lời của một chỉ huy của Nichols trong đó tiết lộ rằng trùm gián điệp cần phải ngồi tù sau khi chiến tranh kết thúc.

Donald Nichols chính thức rời khỏi Không quân Mỹ do sức khỏe kém vào năm 1962. Ngày 2-6-1992, Nichols qua đời trong Bệnh viện Cựu binh ở Tuscaloosa bang Alabama miền nam nước Mỹ. Sau khi Nichols chết, những hồ sơ mật liên quan đến chiến tích của ông ta trong Chiến tranh Triều Tiên mới được giải mật.

Mạng lưới gián điệp người phương Bắc

Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên trở nên khốc liệt hơn vào năm 1951, việc điệp viên di chuyển qua lại khu vực biên giới hai miền Nam – Bắc hầu như không thể thực hiện được. Các gián điệp nhảy dù xuống vùng lãnh thổ phía bắc thường bị bắt sống hay giết chết. Do đó, Donald Nichols quyết định nhanh chóng tuyển mộ thêm nhiều người Bắc Triều Tiên tự nguyện – hay thậm chí bị ép buộc - trở về nhà để làm tai mắt cho người Mỹ. Nhiệm vụ chính của mạng lưới điệp viên này là cung cấp thông tin cho phép không quân Mỹ tiến hành chiến dịch rải thảm bom xuống đúng các mục tiêu quan trọng.

Một trong số những người Bắc Triều Tiên được Nichols tuyển mộ là Kim Ji-eok. Năm 1951, để tránh bị cưỡng ép tòng quân vào KPA, Kim Ji-eok tìm việc làm trong ngành đường sắt quốc gia nhưng lúc đó nhu cầu thuê dụng công nhân rất ít do quá nhiều tuyến đường ray bị bom Mỹ phá hủy.

Do đó, Kim (lúc đó chỉ mới 19 tuổi) buộc phải làm việc trong nông trại nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên chừng 16km về phía tây. Mặc dù vậy, trong lòng Kim vẫn luôn nơm nớp lo sợ những quả bom Mỹ đã hủy diệt phần lớn Bình Nhưỡng và còn tiếp tục rơi xuống xung quanh thủ đô.

Kim cho rằng nếu muốn sống sót trước cuộc chiến thì phải vượt vĩ tuyến 38 vào phía nam để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người cô và chú ở thành phố Seoul. Kim thuê một người dẫn đường để ra đi vào một đêm tháng 4-1952. Sau đó, người dẫn đường đột nhiên biến mất và anh ta phải dò đường đi một mình. Cuối cùng tàu tuần tra Mỹ phát hiện Kim ở khu vực bờ biển phía tây nên đưa anh đến hòn đảo Yongmae gần đó do quân đội Mỹ kiểm soát.

Những gián điệp của Nichols được huấn luyện nhảy dù và sử dụng bản đồ để xâm nhập miền Bắc.

Ban đầu, Kim tin rằng mình đã gặp may mắn: “Tôi nghĩ người Mỹ sẽ thả tôi và tôi sẽ gặp được cô và chú”. Nhưng Kim đã lầm - anh bị chuyển giao cho những sĩ quan không quân Hàn Quốc làm việc cho Donald Nichols. Kim bị giam lỏng trong một căn nhà cùng với 10 người Bắc Triều Tiên vượt biên khác.

Người Mỹ thẩm vấn từng người một về lý do muốn sống ở Hàn Quốc và có biết gì về những căn cứ quân sự của KPA – đặc biệt là căn cứ không quân, loại máy bay chiến đấu cũng như nhà chứa máy bay. Sau khi chắc chắn Kim không phải là gián điệp phương Bắc, anh được chuyển bằng tàu thủy đến thành phố Inchon của Hàn Quốc và sau đó đến Seoul. Nơi tiếp nhận Kim là tòa nhà trụ sở 2 tầng và 19 phòng – trước đó là trường nữ học – của Donald Nichols.

Tại đây, Nichols chỉ huy biệt đội gián điệp đông đảo bao gồm 52 sĩ quan không quân Mỹ, 178 sĩ quan không quân Hàn Quốc và chừng 700 người Bắc Triều Tiên. Sau khi thất bại trong nhiệm vụ đầu tiên là định vị sân bay quân sự Mirim nằm gần Bình Nhưỡng, nhóm của Kim cố chạy thoát về Hàn Quốc  và cuối cùng tìm đến được một hòn đảo do Mỹ kiểm soát rồi từ đây được chuyển về trụ sở của Nichols ở Seoul. Kim tiếp tục được đưa đến căn cứ không quân Hàn Quốc trên đảo Jebu để được huấn luyện nhảy dù và sử dụng bản đồ từ tháng 5 đến tháng 9-1952.

Phần đông trong số 60 học viên ở Jebu là người Hàn Quốc tình nguyện, còn lại là người Bắc Triều Tiên. Nhiệm vụ thứ 2 chuẩn bị giao cho Kim và một số người khác là nhảy dù xuống Triều Tiên, xác định những vị trí quan trọng ở phương bắc để Mỹ ném bom.

Nhóm gián điệp “bị cưỡng bức” của Kim, được gọi là “Class C”, không được trả lương cũng không có cấp bậc, số hiệu hay thẻ căn cước. Kim nói: “Chúng tôi không tồn tại chính thức”. Cứ vài ngày là có vài người trong trại huấn luyện trên đảo Jebu biến mất mà Kim nghi ngờ họ được chọn đến CHDCND Triều Tiên thi hành nhiệm vụ.

Cuốn sách “King of Spies”.

Những gián điệp là người phương Bắc giống như Kim Ji-eok rất cần thiết cho Donald Nichols. Họ bị buộc trở về Bắc Triều Tiên để thực hiện những sứ mạng cực kỳ nguy hiểm và tỷ lệ tử vong vào khoảng 40%. Sau khi nhóm “Class C” rời đảo Jebu để lên đường thực hiện nhiệm vụ, Kim Ji-eok quyết định “tìm kiếm cơ hội trốn thoát để sống còn”. Cùng với vài người khác, Kim tìm đường đến trụ sở không quân Hàn Quốc ở vùng ngoại ô Seoul.

Sau đó, tướng tham mưu trưởng không quân Kim Chung Yul cho phép họ gia nhập lực lượng. Kim được làm việc trong một bệnh viện không quân và nhờ đó mà anh sống sót qua khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc.

Sau 8 năm phục vụ không quân Hàn Quốc, Kim tìm được việc làm trong nhà hàng mì của người cô ở Seoul – đó là nơi Kim làm việc cho đến năm 2015, lúc đó đã 82 tuổi. Kim bình luận: “Người ta gọi Nichols là anh hùng nhưng tôi không dám chắc điều đó. Nếu bị Nichols tống trở lại Bắc Triều Tiên lần nữa thì chắc chắn tôi sẽ chết”.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.