Trùm tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và chiến lược an ninh khu vực

Thứ Bảy, 02/11/2013, 18:20

Trong cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng vào tháng 5/2013, Tổng thống Barack Obama đã cáo buộc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa cho vũ khí và chiến binh tràn vào Syria một cách ồ ạt, đôi khi bao gồm cả các chiến binh thánh chiến chống phương Tây. Nhưng, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lập tức bác bỏ lời cáo buộc này. ngồi cạnh thủ tướng thổ nhĩ kỳ Erdogan là Hakan Fidan, 45 tuổi, nhân vật được coi là trung tâm của những sự việc gây khó chịu cho ông chủ Nhà Trắng.

Từ nhân vật số 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ...

Hakan Fidan là Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Milli Istihbarat Teskilati (MIT), nhân vật quyền lực đứng sau những nỗ lực của Ankara nhằm ủng hộ phe nổi dậy và lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sau hàng loạt những biến động trong sự kiện Mùa xuân Arập, Hakan Fidan - nhân vật ít được biết đến bên ngoài khu vực Trung Đông - nổi lên như là "kiến trúc sư" chính cho chiến lược an ninh khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.

James Jeffrey, Đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, nhận định: "Hakan Fidan là gương mặt của một Trung Đông mới. Chúng ta cần làm việc với Fidan bởi vì ông ta thực hiện tốt chức trách của mình. Nhưng, chúng ta không nên đánh giá Fidan là người bạn của Mỹ bởi vì ông ta không là người như thế".

Hakan Fidan là 1 trong 3 trùm tình báo có tham vọng giúp đất nước mình nắm giữ vai trò lãnh đạo trong khu vực sau sự kiện Mùa xuân Arập. Một trong những đối tác của Hakan Fidan là Hoàng thân Bandar bin Sultan al-Saud - lãnh đạo tình báo Arập Xêút, người hiệp sức với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Syria nhưng lại gây phức tạp cho chính sách của Mỹ ở Ai Cập do sự ủng hộ cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở nước này. Người khác là thiếu tướng tình báo Qasem Soleimani - Tổng tư lệnh Quds Forces, nhánh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hoạt động ở hải ngoại và trực tiếp ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad.

Sự nổi lên của Hakan Fidan đi kèm với sự suy yếu đáng kể ảnh hưởng của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ lâu, Washington đã có mối quan hệ ấm cúng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng lớn hàng thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng, hiện nay các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phụ thuộc vào Thủ tướng Erdogan và hai cố vấn thân cận nhất là Hakan Fidan và Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu.

Sau khi giữ chức Giám đốc MIT năm 2010, Fidan bắt đầu lèo lái MIT trở thành công cụ đắc lực cho Erdogan. Hakan Fidan lấy bằng cử nhân chính trị Đại học Maryland chi nhánh châu Âu và học vị tiến sĩ chính trị Đại học Bilkent có tiếng ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2003, Fidan được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan Phát triển quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ, và đến năm 2007 ông trở thành cố vấn chính sách đối ngoại trong Văn phòng Thủ tướng Erdogan. Erdogan nhận định về Fidan với các phóng viên báo chí: "Fidan là người gìn giữ bí mật của tôi. Cũng là người gìn giữ bí mật quốc gia".

Vai trò đang lớn mạnh của Hakan Fidan gây nghi ngờ, bực tức xen lẫn sự kính trọng ở Washington, nơi đánh giá ông là người đại diện đáng tin cậy của Thủ tướng Erdogan trong việc giải quyết những vấn đề khu vực - như là tương lai của Ai Cập, Libya và Syria - rộng lớn hơn cả sự kiện Mùa xuân Arập. Trong những tháng gần đây, khi mà các chiến binh Hồi giáo cực đoan mở rộng hoạt động đến miền Bắc Syria dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức Ankara - dĩ nhiên chủ yếu là Hakan Fidan - bắt đầu xem xét hiệu chỉnh lại chính sách của họ vì lo ngại an ninh nước này cũng sẽ bị đe dọa.

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry (thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) trong cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Giám đốc MIT Hakan Fidan (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) ở Nhà Trắng.

Nhà phân tích tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Emre Uslu nhận xét: "Hakan Fidan là nhân vật số 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta có nhiều quyền lực hơn bất cứ bộ trưởng nào, thậm chí hơn cả Tổng thống Abdullah Gul của nước này". Mặc dù vậy, Fidan vẫn tỏ ra là người khiêm tốn. Các quan chức về hưu và đương nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đều mô tả Hakan Fidan là nhân vật mặc dù nắm nhiều quyền lực nhưng hòa nhã và không phô trương, hoàn toàn ngược lại với trùm tình báo Bandar bin Sultan al-Saud của Arập Xêút - người mà Mỹ đánh giá là cực kỳ khoe khoang và ngổ ngáo.

Năm 2012, Hakan Fidan bắt đầu mở rộng quyền lực của MIT bằng sự kiểm soát lực lượng tình báo quân đội từng một thời thống trị Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều tướng lĩnh hàng đầu có mối quan hệ mật thiết với Mỹ đều bị tống giam trong chiến dịch truy tố và buộc tội hàng loạt diễn ra năm 2013 sau âm mưu lật đổ chính quyền của Thủ tướng Erdogan. Giới chức Washington coi những án tù này là “hành động chiếu cố” đối với các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

...đến vấn đề Syria

Chiến dịch chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu quay trở lại có phần mạnh mẽ hơn của Ankara từ tháng 8/2013, khi đó Thủ tướng Erdogan kêu gọi Assad từ chức. Về sau, Fidan ra lệnh cho MIT tiến hành chiến dịch bí mật cung cấp vũ khí, tiền bạc lẫn hậu cần cho quân nổi dậy ở miền Bắc Syria - bao gồm cả vũ khí đến từ Arập Xêút, Qatar và các đồng minh Vùng Vịnh khác của Mỹ.

Giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao Trung Đông cho biết, MIT hành động như là "cảnh sát giao thông" khi điều tiết những đoàn xe vận tải chở vũ khí và hàng quân dụng lưu thông qua các chốt kiểm soát nằm dọc theo đường biên giới dài gần 1.000km với Syria. Một số thủ lĩnh phe nổi dậy ôn hòa ở Syria cho biết, họ nhìn thấy những chuyến hàng vũ khí né tránh họ mà tiếp tế thẳng đến cho các nhóm có quan hệ với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bởi vì đảng Công lý và Phát triển có gốc rễ Hồi giáo của Thủ tướng Erdogan ủng hộ các phong trào của tổ chức này khắp khu vực.

Salih Muslim - đồng Chủ tịch Liên minh Dân chủ Syria, đảng người Kurd mạnh nhất của Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cho phép các chiến binh cực đoan băng qua biên giới vào đất Syria để giao tranh với đội quân người Kurd. Thậm chí, các xe cấp cứu của Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng chốt tại vùng biên giới để chữa thương cho chiến binh Jabhat al Nusra, nhóm có quan hệ với Al-Qaeda chiến đấu chống Assad. Tháng 12/2012, Mỹ đã liệt Jabhat al Nusra vào danh sách các tổ chức khủng bố nhằm cảnh báo chính quyền Ankara nên có những bước đi cần thiết để kiểm soát chặt chẽ hơn những chuyến hàng vũ khí tiếp tế cho phe nổi dậy ở Syria.

Hiện nay, MIT cũng giảm bớt các chuyến hàng tiếp tế vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria do bắt đầu thấy lo ngại các nhóm cực đoan ở bên kia biên giới có thể quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ gây mất ổn định. Tháng 9/2013, Ankara đã cho đóng cửa một phần biên giới sau khi nổ ra cuộc chiến giữa phe nổi dậy ôn hòa và một nhóm chiến binh người Iraq liên quan đến Al-Qaeda. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cũng lên tiếng cảnh báo "các nhóm cực đoan là mối quan ngại to lớn cho an ninh quốc gia".

Trong những tháng gần đây, giới chức Ankara cho rằng, sự thiếu ủng hộ của Mỹ đối với phe nổi dậy ở Syria đã mở lối cho chủ nghĩa cực đoan lớn mạnh dần bởi vì họ tin rằng phương Tây đã bỏ rơi họ. Tháng 9/2013, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã có cuộc gặp mặt người đồng cấp Mỹ John Kerry để thông báo: Ankara đang lo ngại về sự lan tràn của chủ nghĩa cực đoan dọc theo biên giới Syria. Cũng trong tháng 9, Hakan Fidan gặp gỡ Giám đốc CIA John Brennan và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper. Tuy nhiên, nội dung cuộc gặp này không được tiết lộ.--PageBreak--

Mối quan hệ rạn nứt với Tình báo Israel

Vai trò của Hakan Fidan trong chính sách Thổ Nhĩ Kỳ đối với Iran cũng gây quan ngại sâu sắc cho Mỹ và Israel. Thậm chí, người Israel còn nhấn mạnh: Fidan "không là kẻ thù của Iran". Do đó, mối nghi ngờ đã hình thành trong quan hệ giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến việc gián điệp âm thầm lẫn nhau giữa CIA và MIT.

Căng thẳng càng trầm trọng thêm vào năm 2010 khi CIA bắt đầu nghi ngờ MIT dưới sự lãnh đạo của Hakan Fidan đã chuyển giao cho phía Iran thông tin tình báo nhạy cảm do Mỹ và Israel thu thập được, trong đó bao gồm các báo cáo mật của Mỹ về chính quyền Tehran. Lúc đó, Thủ tướng Erdogan đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Tehran.

Israel càng điên tiết hơn khi hôm 17/10 vừa qua tờ Washington Post đã tiết lộ vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ đã bóc trần danh tính của 10 điệp viên Mossad (đều là người Iran) của Israel hoạt động bí mật ở Iran. Hành động này của Ankara được giới phân tích cho là Thủ tướng Erdogan muốn công khai về lập trường chống Israel để củng cố sự ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới Hồi giáo. Và đây là cách Ankara muốn trả đũa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì đã từ chối xin lỗi Erdogan về vụ việc xảy ra vào tháng 5/2010, khi đó binh sĩ Israel đã tấn công chiếc tàu chở hàng nhân đạo Mavis Marmama của Thổ Nhĩ Kỳ làm chết 9 người nước này khi đang trên đường đến Gaza.

Cuối cùng, Thủ tướng Netanyahu chỉ xin lỗi Erdogan qua điện thoại sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhưng bất chấp lời xin lỗi, giới chức Israel tin Ankara vẫn tiếp tục mang mối thù hận trong lòng. Thậm chí, Israel còn mô tả Hakan Fidan là "trưởng trạm MOIS (Bộ Tình báo và An ninh Iran) ở Ankara".

Nhóm khủng bố Jabhat al Nusra.
Các chiến binh phe nổi dậy Syria.

Mặc dù coi vụ việc tiết lộ mạng gián điệp Israel ở Iran là một thất bại tình báo đáng tiếc cho Israel song Mỹ vẫn không ra mặt phản đối giới chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Mà ngược lại, mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục ấm lên đến mức Thủ tướng Erdogan được coi là một trong "những người bạn" chính của Tổng thống Barack Obama! Điều đó cho thấy sự tách biệt rõ ràng giữa các vấn đề tình báo và sự hoạch định chính sách là quan điểm lâu đời của người Mỹ.

Hiện thời, Washington vẫn chưa chắc chắn sự tiết lộ mạng gián điệp Israel của Ankara có phải là hành động trả đũa Thủ tướng Netanyahu hay đó là một hệ quả từ mối quan hệ Jerusalem - Ankara đang ngày càng xấu đi. MIT luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong nước cho nên dễ dàng kiểm soát được những cuộc họp bí mật của tình báo Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh tình báo Israel - Thổ Nhĩ Kỳ hình thành sau cuộc họp bí mật vào tháng 8/1958 ở Ankara giữa hai thủ tướng lúc đó là David Ben-Gurion của Israel và Adnan Menderes của Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh tình báo này được Yossi Melman mô tả trong cuốn sách "Spies Against Armageddon" (tạm dịch: "Các gián điệp chống Ngày phán xét cuối cùng: Bên trong những cuộc chiến bí mật của Israel") năm 2012 và Reuven Shiloah - Giám đốc thành lập Mossad - gọi là "Chiến lược liên minh quan trọng".

Thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược này, Mossad cung cấp những chương trình huấn luyện gián điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ và cả cho người Iran dưới thời chính quyền shah bị lật đổ năm 1979

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.