Trung Quốc: Công nhân tự tử để phản kháng

Thứ Hai, 16/08/2010, 21:55
Khi cầm chiếc iPhone bóng lộn hoặc gõ lên bàn phím chiếc laptop Dell bóng loáng, ít người hình dung rằng đằng sau đó là câu chuyện dài của những cuộc đời rách nát, những phận người bán sức lao động với giá rẻ mạt, những thân phận nghèo nàn chôn chặt đời họ vào những phân xưởng lắp ráp điện tử...

"Tử Cấm Thành" Foxconn

Tính đến cuối tháng 7/2010 (kể từ tháng 1/2010), đã có ít nhất 13 vụ tự tử của công nhân điện tử làm việc cho Foxconn Technology Group (tức Phú Sĩ Khang tập đoàn, thuộc công ty mẹ tại Đài Loan là Hon Hai Precision Industry Co - Hồng Hải Tinh Mật công nghiệp cổ phần hữu hạn công ty - nhà thầu gia công thiết bị điện tử lớn nhất thế giới).

Thậm chí vào ngay ngày mà Tổng giám đốc điều hành Quách Thai Minh (Terry Gou) của Foxconn đến nhà máy lắp ráp Long Hoa (Thâm Quyến, Trung Quốc) để trấn an công nhân vốn hoang mang và kinh động trước loạt vụ tự tử (26/5/2010), một công nhân đã tìm đến con đường chết bằng cách cứa dao vào cổ tay rồi tiếp đó là một công nhân khác nhảy lầu kết liễu mạng sống.

Với Foxconn, việc công nhân tự sát thời gian gần đây đã trở thành chuyện chẳng còn lạ. Ngày 18/7/2007, nữ công nhân Tính Hầu (19 tuổi) treo cổ tự tử trong phòng tắm công ty. Ngày 16/7/2009, viên quản lý Foxconn Tôn Đan Dũng (25 tuổi) nhảy từ tầng 12 tại căn hộ chung cư mình ở Thâm Quyến (thư tuyệt mệnh nạn nhân để lại cho bạn bè kể rằng đương sự bị thẩm cung và tra khảo sau khi một mẫu iPhone bị mất)...

Khoảng sau 7h sáng, nửa giờ trước khi ca tối chuẩn bị ra về đổi ca lúc 8h, hàng ngàn công nhân trẻ lục tục xếp hàng bước qua chiếc cổng sắt khổng lồ, quét thẻ cá nhân lên những cánh cửa điện tử và đợi tín hiệu xanh để được phép vào bên trong phân xưởng. Họ hối hả trong quy trình chuẩn bị lên máy... Khoảng 300.000 người làm việc tại nhà máy lắp ráp khổng lồ vận hành 24/24 giờ này đặt tại nam Thâm Quyến, cùng chừng 120.000 công nhân khác làm việc tại khu phức hợp nhỏ hơn cách đó không xa.

Bên trong nhà máy khổng lồ của Foxconn, mệnh danh là một "Tử cấm thành" với những quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nếu không được phép, những người công nhân cặm cụi lắp ráp các sản phẩm điện tử cho những thương hiệu hàng đầu thế giới như Apple, Nintendo, Dell, HP, Motorola, Sony... Hầu hết trong số họ bán rẻ mạt sức lao động, sức khỏe và cả tính mạng.

Thân nhân (của một nạn nhân tự tử) gào khóc trước cổng nhà máy Long Hoa Foxconn.

Ma Xiangqian, 18 tuổi, là một ví dụ. Với đồng lương 1.940 tệ (285USD)/tháng, anh thanh niên gốc Hà Nam này đã biến thành một robot lắp ráp làm việc liên tục trong 12giờ/ca. Một buổi sáng tháng 1/2010, Ma nằm chết với thân thể nát bét trên nền gạch khu nhà tập thể. Nguyên nhân: nhảy lầu tự tử...

Nếu không bởi những vụ tự tử xảy ra liên tiếp mà nguyên nhân chính là sự uất ức bởi điều kiện làm việc cũng như đồng lương bèo bọt, "Tử cấm thành" Foxconn tại Thâm Quyến hẳn có thể là một "điển hình" của làng công nghiệp kỹ thuật cao tiên tiến thế giới.

Như được phóng viên Jason Dean (Wall Street Journal) kể, trung tâm vương quốc Foxconn của ông chủ Quách Thai Minh tại Thâm Quyến là Công viên kỹ thuật - khoa học Long Hoa. Trừ khách mời chính thức, chẳng người ngoài nào được lọt vào đây, kể cả nhà báo.

Ngoài hàng chục phân xưởng và các khu nhà ở tập thể từ 5-12 tầng, Long Hoa còn có đội xe cứu hỏa riêng, bệnh viện, hồ bơi, nhà hàng, ngân hàng, siêu thị, sân bóng đá, tiệm càphê Internet... Tất cả trông chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ, tạo cho người tham quan nó là một môi trường thiên đường của người lao động.

Hơn 500 màn hình khắp Long Hoa cho biết chương trình rèn luyện thể dục công nhân, các đoạn băng hình về an toàn lao động cũng như bản tin cập nhật về tình hình hoạt động công ty. Mỗi ngày Long Hoa cung cấp hơn 150.000 suất ăn trưa tại 10 nhà ăn tập thể (trung bình 10,6 tấn gạo mỗi bữa với chỉ một tô cơm cho một suất). Mỗi ngày, nhóm thợ bếp Foxconn - Long Hoa nấu 3 tấn thịt heo, 3 tấn thịt gà, 60.000 quả trứng...

Ngoài lực lượng công nhân, Long Hoa còn có hơn 1.000 bảo vệ với nhiệm vụ sẵn sàng chặn đứng bất kỳ ai lò dò đến những khu vực "nhạy cảm" hoặc đơn giản hơn là giải quyết các vụ choảng nhau giữa công nhân...

Nếu không vì những vụ bê bối và vi phạm luật lao động liên tục bị phanh phui của Foxconn, Quách Thai Minh hẳn đã là mẫu mực của giới doanh nghiệp châu Á và thậm chí thế giới. Khi bắt tay xây dựng một công ty mà sau này trở thành Hồng Hải năm 1974, Quách gần như chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Với số vốn cỏn con tương đương 7.500USD mượn từ mẹ, Quách tạo dựng "cơ đồ" từ một cơ sở (đặt tại Đài Bắc), chuyên sản xuất nút đổi kênh (bằng nhựa) cho tivi trắng đen.

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, Quách tham gia công nghiệp phần cứng máy tính. Biết chút ít tiếng Anh và Nhật, Quách đến Mỹ và Nhật để tìm khách hàng. Năm 1988, với số đơn đặt hàng ngày càng nhiều, Quách lập nhà máy đầu tiên tại Hoa lục và phát triển không ngừng những hợp đồng gia công cho các hãng điện tử Mỹ và Nhật. Đến năm 2000, Hồng Hải đã có gần 30.000 công nhân với doanh thu 3 tỉ USD. Không chỉ có mặt tại Thâm Quyến, Hồng Hải còn mở nhà máy tại hơn 10 tỉnh ở  Trung Quốc (với lực lượng công nhân hiện tại khoảng 800.000 người); và không chỉ Trung Quốc, Foxconn cũng có mặt ở Hungary, Mexico, Brazil, Ấn Độ...

Sự phát triển công nghiệp gia công Foxconn đã đi kèm với vô số trường hợp vi phạm luật lao động, nhưng rồi bất chấp cảnh báo của những công ty đặt hàng (Apple chẳng hạn) hoặc từ chính quyền địa phương Trung Quốc, Foxconn vẫn hái liên tục những cành hồng lợi nhuận từ nước mắt chát đắng của công nhân tha hương trong khoảng 200 triệu lực lượng lao động di cư Trung Quốc...--PageBreak--

Cuộc cách mạng đòi sự công bằng

Không chỉ Foxconn, nhiều khu công nghiệp kỹ thuật cao khác tại Trung Quốc cũng bị chỉ trích bởi điều kiện làm việc tồi tệ và tình trạng ăn bớt ăn xén lương công nhân.

Meitai Plastics & Electronics (cũng của Đài Loan) tại Đông Hoản (Quảng Đông) là một ví dụ. Tại đây, có đến 2.000 công nhân, hầu hết là nữ, đang ngày đêm cắm đầu cắm cổ ráp bàn phím cũng như nhiều thiết bị điện tử cho các Hãng Hewlett-Packard, Dell, Lenovo, Microsoft và IBM. Cuộc sống ở đây còn kinh khủng hơn trại lính.

Công nhân không được nói chuyện, không được nghe nhạc, không được ngẩng đầu khỏi bàn làm việc, không được cho tay vào túi quần... Đến muộn một phút là bị phạt. Không cắt móng tay bị phạt. Giẫm lên cỏ cũng bị phạt. 12 giờ mỗi ngày, công nhân ngồi miệt mài trên cái bàn gỗ để lắp 500 bàn phím mỗi giờ.

Tất cả họ đều là những robot vô hồn: chính xác cứ 1,1 giây mỗi người phải gắn xong một phím. Thao tác tưởng chừng đơn giản trên được thực hiện 3.250lần/tiếng; 35.750lần/ngày; 250.250 lần/tuần hay hơn 1 triệu lần/tháng. Bởi dây chuyền lắp ráp chạy liên tục nên công nhân không thể bỏ bàn làm việc để đi bất kỳ nơi nào khác, kể cả vệ sinh cá nhân. Họ phải đợi cho đến giờ giải lao, được quy định là 30 phút giữa giờ để công nhân thực hiện những việc cá nhân như ăn cơm, vệ sinh...

Nhà máy vận hành 24/24giờ với 2 ca, suốt 7 ngày trong tuần. Công nhân được nghỉ 2 ngày mỗi tháng và nghỉ không đúng ngày sẽ bị trừ 2 ngày rưỡi công. Trung bình, công nhân phải ở phân xưởng 87 tiếng/tuần, làm việc 74 tiếng (trừ thời gian giải lao) trong đó có 34 tiếng làm việc ngoài giờ - tức vượt quá giờ cho phép của Luật Lao động Trung Quốc 318%!

Lương cơ bản của công nhân Meitai Plastics & Electronics được trả 0,64USD/giờ; tuy nhiên, trừ tiền này tiền nọ (phòng thuê tập thể, ăn uống...), họ chỉ còn 0,41USD. Công nhân được sắp xếp ở từng nhóm 10-12người/phòng, ngủ trên chiếc giường sắt gắn vào tường. Mùa đông, họ phải cuốc bộ xuống tầng trệt để lấy nước nóng về tắm... 

Sự uất ức bởi cảm giác bị bóc lột đã khiến công nhân Trung Quốc làm việc cho các công ty nước ngoài không chỉ thể hiện thái độ phản kháng bằng hành động tự tử mà còn ở những cuộc biểu tình có tổ chức.

Chính xác 1,1 giây mỗi công nhân phải gắn xong một phím.

Theo tuần san Outlook Weekly (Trung Quốc), các tòa án khắp Trung Quốc đã thụ lý đến hơn 280.000 vụ kiện liên quan người lao động chỉ trong năm 2008. Quảng Đông, một trong những nơi thu hút giới đầu tư nước ngoài nhiều nhất Trung Quốc, đã chứng kiến ít nhất 36 cuộc biểu tình chỉ từ ngày 25/5 đến 12/7/2010 - theo China Daily.

Bóng dáng của cuộc đấu tranh giai cấp chống tư bản bóc lột đang hình thành tại Trung Quốc, nơi có lực lượng lao động nhiều nhất thế giới với hơn 112 triệu người vào thời điểm cuối năm 2006; và là nơi có lực lượng lao động rẻ mạt với lương trung bình 0,81USD/giờ (chỉ bằng 2,7% so với công nhân Mỹ). Hàng loạt vụ biểu tình đã có kết quả tích cực. Một số thành phố ở Trung Quốc đã nâng mức lương tối thiểu lên 20% (riêng Foxconn, công ty này đã hứa tăng 30% lương, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2010)...

Cảnh sống của người lao động tha hương tại các thành phố lớn Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề gì cũng có mặt trái. Làn sóng đòi tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc trước hết đang làm khốn đốn giới sản xuất gia công nhỏ tại Trung Quốc. Với những công ty vốn không mạnh, lại gặp phải tình trạng đòi tăng lương, họ dễ dàng đối mặt với khó khăn nhiều hơn và mức độ rủi ro trong doanh thu cao hơn.

Còn với những công ty mạnh, như Foxconn chẳng hạn, họ đang nghĩ đến giải pháp tự động hóa dây chuyền sản xuất. Nếu điều đó xảy ra, một lực lượng lao động bị thải ra chắc chắn không ít. Giải pháp thứ nhì là chuyển nhà máy sang nước khác có chi phí thuê mướn lao động thấp hơn. Liệu các nhà máy nội địa của giới chủ Trung Quốc đủ sức để "thầu" hết tất cả lực lượng lao động bị thải ra từ công ty nước ngoài như vậy không? Liệu công nhân Trung Quốc, đối mặt với nguy cơ mất việc và từ nay không còn tiền để gửi về quê nuôi bố mẹ già, họ có đủ can đảm để tiếp tục đứng lên đòi quyền lợi, trong bối cảnh mà lực lượng ở độ tuổi lao động tại Trung Quốc đang ngày càng ít dần?

Chẳng ai có thể đoan chắc bên nào, cuối cùng, sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến quyền lợi này. Giới chủ công ty hay người làm thuê? Tuy nhiên, như nhà bình luận William Pesek viết trên Bloomberg Markets, rằng: "Ông thần lương dù sao cũng đã thoát ra khỏi cái chai và việc nhét ông trở lại là điều không thể, một khi công nhân Trung Quốc bắt đầu đòi hưởng nhiều hơn miếng bánh thịnh vượng của kinh tế quốc gia"

Mạnh Kim (tổng hợp)
.
.