Trung Quốc: Lưu hành cẩm nang nhận diện gián điệp

Thứ Ba, 25/11/2014, 15:45

"Trên mạng Internet, không ai biết bạn là ai. Bạn có thể là một điệp viên Mỹ, hay một lực lượng thù địch nước ngoài nào đó". Đó là một đoạn trích từ quyển sách điện tử "Cẩm nang phản gián dành cho công dân Trung Quốc", một dạng sách cẩm nang đời sống được lưu hành trên mạng Internet. Quyển sách có nguồn gốc không rõ ràng này đã xuất hiện trên mạng Internet từ vài năm trước nhưng ít ai biết đến.

Một hai năm trở lại đây, nó bỗng trở nên phổ biến một cách kỳ lạ trên các trang mạng xã hội khiến cho giới chuyên gia đặt vấn đề về mục đích và tác giả của việc lưu hành quyển sách này.

Nội dung của quyển cẩm nang đưa ra cho các công dân Trung Quốc những lời "mách nước" rất thực tế về việc làm thế nào để phát hiện các điệp viên xung quanh mình. Đặc biệt, quyển sách đã được tờ Thời báo Hoàn cầu nhắc đến như một "bửu bối" sau khi xảy ra vụ việc cặp vợ chồng Kevin và Julia Garratt, người Canada, bị bắt giam hồi tháng 8 vừa qua ở thành phố Dandong, giáp biên giới Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, vì bị nghi ngờ làm gián điệp. Thời báo Hoàn cầu đã mô tả hai vợ chồng Garratt như những "điệp viên ngoại quốc điển hình giả dạng thường dân".

Quyển "Cẩm nang" đã dành khá nhiều dung lượng để kể các câu chuyện lấy bối cảnh trường đại học, và "khuyên" người Trung Quốc nên nghi ngờ các sinh viên nào tỏ ra hoạt bát, có thu nhập cao bất thường, vì tiền bạc là công cụ chủ yếu để chiêu mộ điệp viên. Bên cạnh đó, quyển "Cẩm nang" cũng khuyên người Trung Quốc nên nghi ngờ các sinh viên theo học các môn khoa học "phi lôgích", những sinh viên tỏ ra "yêu thích" chính trị, hoặc những sinh viên đề xuất bỏ chữ "nhân dân" trong tên gọi Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa hoặc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hoặc những người đề xuất loại bỏ Ngày Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Lao động hay Quốc tế Thiếu nhi khỏi danh sách các ngày lễ quốc gia. Quyển sách cảnh báo, những ai tỏ ra "khoái chí" khi đất nước xảy ra một vụ khủng hoảng và lập luận gay gắt theo quan điểm cực đoan đều có thể gây rắc rối.

Quyển "Cẩm nang" tiếp tục đưa ra những cảnh báo về môi trường mạng Internet. Chẳng hạn, quyển sách viết  rằng, chiến thuật phổ biến nhất mà các điệp viên hay sử dụng trên môi trường mạng là sử dụng các trang web quân sự để "khiêu khích hoặc dụ dỗ người dân để họ nói ra những gì họ biết, chẳng hạn như đưa lên những thông tin sai về các đơn vị quân sự hay tên lửa để nếu có ai biết có thể "chỉnh cho đúng". Pha trộn thông tin giả cùng với thông tin thật là chiêu thức của gián điệp nước ngoài nhằm thu hút người xem, và cũng để làm cho họ bị lẫn lộn.

Các điệp viên bậc thầy sẽ sử dụng một tài khoản Internet và dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để thu hút sự quan tâm của người Trung Quốc bằng những lý lẽ thuyết phục. Dần dần họ sẽ đưa ra các vấn đề nhạy cảm. Và điều này thật khó cho người Trung Quốc nhận ra - quyển sách viết.

Sau đó sách quay sang "cảnh báo" người dân Trung Quốc làm việc cho các cơ quan tình báo nước ngoài rằng, các cơ quan tình báo nước ngoài chẳng quan tâm đến việc các gián điệp người Trung Quốc của họ sống chết ra sao. Các cơ quan ấy chỉ huấn luyện họ một cách rất giản đơn. Do dân Trung Quốc có kiến thức rất kém về gián điệp, cho nên chỉ cần dạy họ bấy nhiêu cũng là đủ rồi.

Yuan Yi, giáo sư chính trị học tại Đại học Quốc gia Chengchi - Đài Loan nhận định: Nhìn chung quyển sách chứa nhiều điều có vẻ đáng tin cậy. Những lời khuyên đại loại như "làm thế nào để sử dụng Internet một cách an toàn", hay cảnh báo về nguy cơ các gián điệp nước ngoài lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, làm hại người Trung Quốc,…

Những lời khuyên kiểu này nghe có vẻ rất hợp lý vì đây cũng là lời cảnh báo chung đối với người dùng Internet toàn cầu. Và quyển sách đưa ra những câu chuyện, những bối cảnh rất thật, rất chi tiết và hợp lôgích cho nên dễ thuyết phục người xem. Các thông tin, dữ liệu trong sách dễ khiến người xem có cảm giác đây là những thực tế có thật, vì vậy khi mới xem qua quyển sách, nhiều người sẽ tin ngay đó là những câu chuyện thật, là vấn đề thiết thực mà họ cần phải cảnh giác.

An ninh mạng Trung Quốc hoạt động ráo riết nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của gián điệp nước ngoài.

Giáo sư Yuan Yi đặt câu hỏi: Ai đã xuất bản ra quyển sách này, và nhằm mục đích gì? Và giáo sư Yi tự trả lời, có vẻ như tác giả quyển "Cẩm nang" là Chính phủ Trung Quốc vốn đang tự xem mình là "nạn nhân" bị "vây hãm". "Ở Trung Quốc, người ta thường xuyên gặp phải những áp lực về an ninh từ phía nhà nước. Các biện pháp an ninh liên tục thay đổi" - giáo sư Yi nói.

Thời báo Hoàn cầu hồi tháng 9 vừa qua đã phản ánh về những sai sót của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề gián điệp nước ngoài. Trong bài báo nhan đề: "Hãy coi chừng những cạm bẫy gián điệp xung quanh chúng ta", lập luận rằng, do chính sách "bưng bít" thông tin và tình trạng kiểm duyệt quá  nghiêm ngặt, công chúng đã không thể có được thông tin tốt về vấn đề gián điệp. Chẳng hạn, các kịch bản phim về gián điệp thường không thể lọt qua cửa kiểm duyệt.

"Do đó sáng tạo văn chương trong lĩnh vực tình báo cũng có xu hướng bị cấm cửa" - bài báo viết. Những vụ án gián điệp gần đây, như vụ vợ chồng Garratt người Canada bị bắt hồi tháng 8 vừa qua, đã không được thông tin rộng rãi cho công chúng biết, vô hình trung tự đánh mất cơ hội giáo dục cho công chúng về vấn đề "mối đe dọa từ gián điệp nước ngoài", tờ Thời báo Hoàn Cầu viết tiếp.

Việc lưu hành quyển sách "Cẩm nang phản gián dành cho công dân Trung Quốc" trên mạng Internet cùng với việc tờ Thời báo Hoàn cầu nêu vấn đề "giáo dục phản gián" trong công chúng được giới phân tích giải thích rõ rằng, đó là vì chính quyền Trung Quốc đang bắt đầu xem trọng vấn đề phản gián và có thể sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của người nước ngoài tại đại lục, và ngay cả những người Trung Quốc làm việc cho nước ngoài.

Một năm trước, Bắc Kinh đã cho ra đời Ủy ban An ninh Quốc gia với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trước các mối đe dọa từ nước ngoài. Ngày 1/11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký ban hành Luật Phản gián - một bước đi quan trọng đánh dấu mối quan tâm sâu sắc của Bắc Kinh đối với vấn đề tình báo nước ngoài

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.