Trung Quốc bắt doanh nhân Australia vì tội làm gián điệp

Thứ Năm, 23/07/2009, 08:35
Nguồn tin Chính phủ Australia hôm 9/7 vừa qua cho biết, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ lãnh đạo và 3 nhân viên cao cấp của Công ty Hầm mỏ Rio Tinto của Australia đang làm nhiệm vụ thương thuyết với Công ty Quốc doanh Trung Quốc, với lý do hoạt động gián điệp và ăn cắp tài liệu mật. Giới quan sát cho rằng, đây là một vụ bê bối mới nhất vừa mang tính chính trị lẫn kinh tế giữa Bắc Kinh và Canberra.

Chi tiết về việc bắt giữ được báo chí Trung Quốc ra ngày 9/7 cho biết, ông Stern Hu, công dân Australia, lãnh đạo chi nhánh Tập đoàn Khai thác sản xuất quặng Rio Tinto đặt trụ sở tại Thượng Hải và 3 cán bộ quản lý khác của tập đoàn đã bị bắt giữ, từ hôm 5/7 vừa qua.

Trong cuộc họp báo thường kỳ sáng ngày 9/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, cho biết: "Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã có đủ bằng chứng về việc 4 người này làm gián điệp, khi đã đánh cắp các bí mật nhà nước và gây ra những thiệt hại to lớn về lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc".

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Canberra lên để lưu ý rằng, chính quyền Australia rất quan tâm đến việc bắt giữ ông Hu.

Báo chí chính thức của Trung Quốc, trích dẫn nguồn tin của Cơ quan An ninh quốc gia thành phố Thượng Hải, khẳng định rằng ông Stern Hu và những người bị bắt khác đã có được những bí mật quốc gia, đặc biệt thông qua việc hối lộ những quan chức ngành công nghiệp sắt thép Trung Quốc.

Công ty Rio, chỉ mới xác nhận việc bắt giữ một ngày trước đây, cho hay họ có biết về những cáo giác từ phía Trung Quốc. Theo lời nữ phát ngôn viên Rio: "Chúng tôi được Chính phủ Australia cho hay về sự cáo giác đầy ngạc nhiên này. Chúng tôi không thấy có bằng chứng nào để có thể bị điều tra".

Tập đoàn Rio cho biết văn phòng Thượng Hải của họ, nơi các nhân viên bị bắt, chỉ làm công việc quảng cáo và bán hàng. Rio Tinto là một tập đoàn lớn, khai thác quặng sắt của Australia - Anh. Một số nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc bắt giữ các nhân viên của Tập đoàn Rio Tinto có thể liên quan đến hai sự kiện xảy ra trước đó.

Trước hết là việc Trung Quốc thất bại trong đàm phán với Rio Tinto về giá nhập khẩu quặng sắt hồi đầu tháng 7 này. Là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu quặng sắt, Trung Quốc đòi Australia phải giảm từ 40 đến 45% giá quặng sắt, tức là cao hơn mức giảm 33-34% được dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Tập đoàn Rio Tinto không chấp nhận.

Tổng Giám đốc Rio Tinto - Tom Albanese (phải) và Tổng Giám đốc BHP Billiton - Marius Kolppers, sau khi ký kết hợp đồng hồi tháng 6 gây bất bình từ phía Bắc Kinh.

Vụ thứ hai liên quan đến thỏa thuận không thành trong việc nâng mức vốn của Rio Tinto. Theo AFP, tháng 2/2009, Rio Tinto và Tập đoàn Chinalco của Trung Quốc ký thỏa thuận theo đó, Chinalco sẽ chi thêm 19,5 tỉ USD để có được 18% số vốn của Tập đoàn Rio Tinto. Thế nhưng, đến tháng 6 vừa qua, Rio Tinto xóa bỏ thỏa thuận với phía Trung Quốc, quay sang liên kết với Tập đoàn BHP Billiton, chấp nhận chỉ nâng mức vốn thêm 15,2 tỉ USD. Điều này làm cho Tập đoàn Chinalco bực bội, thậm chí chính quyền Trung Quốc còn chỉ trích Australia đơn phương hủy bỏ thỏa thuận. Ngay sau đó, báo chí nhà nước Trung Quốc đã mạnh mẽ đả kích quyết định này.

Vào lúc đó, Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã phải gặp riêng Chủ tịch Công ty Chinalco để giải thích rằng đây là một quyết định có tính cách thương mại của Rio và không liên hệ gì đến Chính phủ Australia. Trước đó các chính trị gia đối lập đã phản đối dự định để Chinalco, một khách hàng của Rio, đầu tư vì như thế phía Trung Quốc sẽ kiểm soát luôn cả phần cung ứng nguyên liệu.

Theo thượng nghị sĩ Australia Barnaby Joyce, thuộc phe đối lập, thì thất bại của Chinalco dường như là nguyên nhân dẫn đến việc bắt giữ ông Hu và 3 nhân viên khác của Tập đoàn Rio Tinto.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc gạt bỏ mọi liên hệ giữa hồ sơ kinh tế và việc bắt giữ các nhân viên Australia và kêu gọi không nên "chính trị hóa" vụ việc. Khi được hỏi liệu có mối liên quan nào giữa sự đổ bể của thương vụ kinh tế trên với việc bắt giữ này, ông Tần Cương nói: "Đây là một vụ án cá nhân. Thật là không thích đáng khi cứ nói quá về trường hợp này hoặc thậm chí chính trị hóa nó".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh luôn có thái độ tích cực trong quan hệ Trung Quốc - Australia, bao gồm cả giữa doanh nghiệp hai nước. Ông Tần Cương cho biết thêm, hiện các cơ quan điều tra Trung Quốc đang thu thập chứng cứ để có thể sớm đưa vụ việc ra xét xử theo đúng luật pháp nước sở tại.

"Tôi thấy có gì đó đúng trong tin đồn này"- Ngoại trưởng Australia Stephen Smith phát biểu trước báo chí ở Perth để trả lời nguồn tin cho rằng hành động bắt giữ có liên hệ tới vụ thương thảo hay dự án đầu tư của Chinalco. Ông Smith cũng cho biết, ông rất ngạc nhiên về việc bắt giữ cũng như lý do đưa ra và Chính phủ Australia hiện đang cố tìm cách liên lạc với ông Hu. Ông Smith cũng bày tỏ sự lo ngại ông Hu có thể bị truy tố tội hình sự theo luật Trung Quốc

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.