Từ điệp viên trở thành ẩm thực gia hàng đầu nước Mỹ

Thứ Hai, 02/07/2007, 15:00
Khi còn là điệp viên, bà Julia có dịp học hỏi những bí quyết của nền văn hóa ẩm thực nước Pháp. Và tiếng tăm của Julia Child về ẩm thực bắt đầu được người dân Mỹ biết đến khi cuốn sách “Nghệ thuật ẩm thực theo kiểu Pháp” do bà soạn thảo ra đời.

Với nhiều thế hệ người dân Mỹ, cái tên Julia Child đã trở thành quen thuộc như những món ăn ngon mà bà thường dạy cho họ qua chương trình truyền hình hay được học tại Học viện Ẩm thực Mỹ (ATWP) do bà thành lập tại thành phố Napa, bang California vào năm 1981.

Nhưng ít ai biết rằng bà Julia Child còn là một điệp viên của Mỹ tại châu Á và châu Âu từ năm 1941 đến năm 1954 và được trang web chuyên về tình báo Spy Eyes xếp vào danh sách những điệp viên Mỹ nổi tiếng trong thế kỷ XX.

Julia Child tên thật là Julia Carolyn McWilliams, sinh ngày 15/8/1912 tại thành phố Pasadena, bang California, trong một gia đình gốc gác người Anh di cư đến Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Sau khi tốt nghiệp khoa Sử, Đại học California, Julia đến thành phố New York làm việc trong ngành quảng cáo.

Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, bà xung phong gia nhập Hội Chữ thập đỏ Mỹ (ARC). Sau đó, do thông thạo nhiều thổ ngữ và am hiểu lịch sử nhiều quốc gia châu Á, bà được Cục Công tác chiến lược (OSS - tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ - CIA - ngày nay) tuyển dụng dưới lốt nhân viên ARC.

Năm 1942, Julia được OSS giao nhiệm vụ đến thành phố Kandy của Sri Lanka để tổ chức mạng lưới điệp báo của OSS tại Nam Á chuyên thu thập thông tin về các hoạt động quân sự của phát xít Nhật. Dưới lốt nhân viên ARC, Julia tiến hành cứu trợ nhân đạo tại nhiều địa phương ở Sri Lanka, Ấn Độ và cả Myanmar nhưng thực chất là để tuyển mộ các cộng tác viên là dân địa phương hoạt động tình báo.

Các nguồn tin tình báo do mạng lưới điệp báo được Julia gây dựng đã tạo điều kiện cho quân đội Mỹ nâng cao hiệu quả tác chiến trên mặt trận Thái Bình Dương, nhất là sự phối hợp tấn công của hải, lục, không quân vào các cứ điểm, các hoạt động vận chuyển quân sự của quân Nhật.

Không những phát triển mạng lưới điệp báo tại Nam Á, Julia còn nghiên cứu phát triển nhiều kỹ thuật tình báo sao cho phù hợp với hoạt động điệp báo nằm vùng tại các khu vực nhiệt đới.

Chính Julia là người đã khai sinh ra phương pháp lấy nước từ cơ thể cá tươi để uống nhằm giúp các nhân viên điệp báo nằm vùng bị bao vây hay không nhận được tiếp tế kịp thời chống chọi với những cơn khát nước. Bà còn là người đã phát minh ra kỹ thuật dùng thiết bị từ trường gắn vào mìn thủy lôi cài đặt dưới nước để bảo vệ các căn cứ quân sự nhằm chống lại việc gây nổ bởi những cú đớp của cá mập.

Khi chiến tranh đi vào giai đoạn cuối Julia là một trong những điệp viên OSS được phái đến Trung Quốc để xây dựng mạng lưới điệp báo tại các thành phố lớn như Nam Kinh, Thượng Hải... nhằm thu thập thông tin về các hoạt động tháo chạy của quân Nhật. Ngay khi chiến tranh kết thúc, Julia được điều động về Mỹ làm việc tại Ban châu Âu của OSS.

Khi OSS giải thể để thành lập CIA, bà cùng chồng là Paul Child, cũng là một điệp viên OSS, được điều động đến làm việc tại thủ đô Paris của Pháp dưới lốt nhân viên Cơ quan Thông tin Mỹ (USIA). Trong khi nhiệm vụ của Paul Child là xây dựng mạng lưới điệp báo nhằm thu thập thông tin về hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài ở Pháp, thì nhiệm vụ của Julia là tuyên truyền phổ biến văn hóa Mỹ tại Pháp sau chiến tranh.

Chính trong thời gian hoạt động tại Pháp, bà Julia đã có dịp tiếp cận, học hỏi những bí quyết của nền văn hóa ẩm thực vốn rất phong phú của nước Pháp. Năm 1953, được cấp trên cho phép, bà theo học tại trường dạy nấu ăn nổi tiếng có tên gọi Cordon Bleu của Pháp.

Năm 1954, Julia thôi làm việc cho CIA và tập trung học hỏi về các cách nấu ăn mang phong cách châu Âu. Cũng trong thời gian này, bà tham gia thành lập Câu lạc bộ nấu ăn Cercle des Gourmettes cùng với 2 chuyên gia ẩm thực hàng đầu của Pháp là Simone Beck và Louisette Bertholde và bắt đầu thu thập tài liệu để viết sách dạy nấu ăn theo kiểu Pháp cho người dân Mỹ.

Năm 1958, sau khi Paul Child thôi làm việc cho CIA, bà cùng chồng đi chu du nhiều quốc gia châu Âu để học cách nấu ăn rồi sau đó cả hai quay về Mỹ năm 1960.

Tiếng tăm của Julia Child về ẩm thực bắt đầu được người dân Mỹ biết đến khi cuốn sách dạy nấu ăn có nhan đề “Nghệ thuật ẩm thực theo kiểu Pháp” do bà nghiên cứu soạn thảo, dày 734 trang, khi được phát hành vào năm 1961 liền trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất lúc bấy giờ.

Sau thành công của cuốn sách này, Julia được nhiều tờ báo lớn ở Mỹ mời làm người phụ trách chuyên mục ẩm thực. Năm 1963, chương trình truyền hình có tên gọi “Ẩm thực gia bậc thầy Julia” bắt đầu được phát trên kênh của Hãng Truyền hình PBS ở thành phố Boston rồi sau đó được phát rộng rãi khắp nước Mỹ.

Tháng 12/1969, chương trình truyền hình “Vào bếp với bậc thầy dạy nấu ăn Julia” đã được trao tặng giải thưởng Peabody và Emmy dành cho tiết mục truyền hình được người dân Mỹ quan tâm nhất.

Với việc phát hành liên tiếp hai cuốn sách dạy nấu ăn, cũng gặt hái thành công vang dội sau đó, bà Julia được tôn vinh là chuyên gia ẩm thực hàng đầu của nước Mỹ.

Năm 2001, ở tuổi 89, bà Julia mới chịu nghỉ ngơi sau khi quyết định hiến một phần gia sản bao gồm bất động sản, tiền bạc cho Trường trung học Smith ở thành phố Santa Barbara, là ngôi trường mà bà theo học thuở nhỏ. Một phần gia sản khác được bà hiến tặng cho Viện Bảo tàng quốc gia Smithsonian.

Bà Julia Child qua đời một cách thanh thản tại nhà riêng tại thành phố Santa Barbara vào ngày 13/8/2004. Tên tuổi của bà còn được khắc vào bảng đồng danh sách những điệp viên CIA đặt tại trụ sở chính của CIA ở Langley

Văn Hòa (theo Spy Eyes)
.
.