Từ dinh thự của nữ nghệ sĩ balê đến túp lều Razliv

Thứ Tư, 11/11/2015, 14:30
Túp lều Razliv từ tháng 7/1917 đã trở thành bộ tham mưu bí mật của cuộc cách mạng vô sản. Chính ở nơi này, V.I. Lênin viết cuốn "Nhà nước và Cách mạng", tác phẩm sau này trở thành nền tảng lý luận cho chính quyền Xôviết. Gần 100 năm trôi qua, túp lều Razliv đã được dựng lại và tu sửa nhiều lần, vẫn là địa chỉ được nhiều người ghé thăm bất kể đó có phải là vào thời điểm gợi nhớ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Cuộc Cách mạng Tháng Hai nổ ra khi V.I. Lênin ở Zurich, Thụy Sĩ. Trong các bức thư viết gửi các đồng chí và các bài báo viết vào giai đoạn này, V.I. Lênin đã chứng minh cho  thấy sự cần thiết phải tiếp tục một cuộc đấu tranh cách mạng. Sự nghiệp cách mạng đòi hỏi Lênin phải quay về Tổ quốc ngay lập tức, nhưng để về được nước Nga Lênin phải đi vòng qua Pháp và Anh vì Chính phủ Anh và Pháp từ chối không cho những người Nga làm cách mạng và sống lưu vong được phép đi qua lãnh thổ của họ.

Đài tưởng niệm với túp lều bằng đá hoa cương xây dựng năm 1927.

Chính phủ lâm thời Nga cũng có động thái cản trở Lênin: Miliukov, Bộ trưởng Ngoại giao khi ấy, đã gửi điện cho Đại sứ quán của Nga ở Anh và Pháp yêu cầu họ không cấp visa cho các chiến sĩ Bolsheviks vào nước Nga. Nhưng nhờ các đảng viên Xã hội của Thụy Sĩ đã thuyết phục được Chính phủ Đức cho phép những người Nga Bolsheviks trở về Tổ quốc qua lãnh thổ Đức. Đợt đầu chỉ được 32 người, trong số đó có V.I. Lênin, người bạn đời đồng thời là bạn chiến đấu Krupskaya và 17 đảng viên Bolsheviks. Bí thư đảng Xã hội dân chủ Thụy Sĩ P. Platten đã đi cùng các chiến sĩ cách mạng Nga. Họ đi bằng tàu hỏa qua Đức, sau đó đi tàu thủy đến Thụy Điển rồi từ đó đi tàu hỏa về Nga.

Cuộc bắn giết đoàn người biểu tình vào tháng 7/1917 ở Petrograd.

12 giờ đêm ngày 3/4, đoàn tàu về đến Petrograd. V.I. Lênin được đón tiếp rất trọng thể. Maria Ilinhirna Ulianov - chị gái V.I. Lênin đã kể về cuộc đón tiếp đó như sau: ''Khi đoàn tàu vào ga thành phố Petrograd, nhân dân ra đón V.I. Lênin đông nghịt ở quảng trường nhà ga và các phố lân cận. Có hàng chục nghìn công nhân cầm cờ ra đón Lênin. Thủy thủ và binh lính tập hợp thành một đội vệ binh danh dự trên sân ga. Khi V.I. Lênin xuống tàu thì đội vệ binh đanh dự bồng súng chào Người, còn đàn nhạc quân đội cử hành bài Marseillaise''.

V.I. Lênin đã có một bài phát biểu ngắn trước quần chúng, sau đó, Người được đưa vào một căn phòng của nhà ga và được Chủ tịch Ban chấp hành Hội đồng Đại biểu công nhân và binh lính thành phố Petrograd đón tiếp.

Khi Lênin ra khỏi nhà ga, một nhóm binh lính và thủy thủ công kênh Người lên vai đưa lên xe bọc thép về dinh thự của nữ nghệ sĩ balê Ksesinska, nơi làm việc của Ủy ban Trung ương và Ủy ban thành phố Petrograd của Đảng Bolsheviks, V.I. Lênin đứng trên xe bọc thép vẫy chào những người công nhân và binh lính đứng xung quanh. Từ ban công của tòa dinh thự, V.I. Lênin phát biểu trước đám đông quần chúng nhân dân. Người kết thúc bài phát biểu của mình với lời kêu gọi: ''Cách mạng xã hội chủ nghĩa muôn năm!''.

Lều cỏ Razliv, nơi Lênin sống và làm việc năm 1917.

Ngày hôm sau, 4/4, tại cuộc họp của các đảng viên Bolsheviks, các đại biểu công nhân và binh lính của Đại hội toàn Nga, V.I. Lênin đọc một bản báo cáo nổi tiếng đã đi vào lịch sử thế giới với tựa đề "Luận cương Tháng Tư". Người đã đưa ra kế hoạch cụ thể chuyển cuộc cách mạng tư sản dân chủ thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I. Lênin cho rằng, việc chuyển chính quyền của Chính phủ lâm thời cho các Hội đồng Xôviết có thể được thực hiện bằng con đường hòa bình. Chính phủ lâm thời tồn tại được là nhờ sự ủng hộ từ phía các Hội đồng Xôviết, mà các hội đồng này lại dựa vào công nhân và binh lính được vũ trang nên có thể giành được chính quyền. Do vậy, V.I. Lênin đã đưa ra khẩu hiệu: ''Không ủng hộ Chính phủ lâm thời. Tất cả chính quyền về tay các Hội đồng Xôviết''.

Tháng 6/1917, tại Petrograd, Đại hội toàn Nga lần thứ I quy tụ hơn 1.000 đại biểu công nhân và binh lính, trong đó có 105 đại biểu của đảng Bolsheviks. V.I. Lênin đã phát biểu tại Đại hội, Người cho rằng đã đến lúc phải tập trung tất cả quyền lực cho các Hội đồng Xôviết và những đảng viên Bolsheviks sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm vì vận mệnh của Tổ quốc.

Ngày 3/7, một binh đoàn súng máy đã đi ôtô đến Cung điện Tavritreski, nơi đóng trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Petrograd, nối theo sau là hàng nghìn công nhân, binh lính, thủy thủ… Đám đông biểu tình yêu cầu những người lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương phải giao quyền lực cho các Xôviết. Nhưng những người lãnh đạo Ban Chấp hành của đảng Mensheviks và Xã hội cách mạng đã cố tình kéo dài cuộc đàm phán với đại diện công nhân và binh lính, rồi bí mật thỏa thuận với Chính phủ lâm thời dùng quân đội đàn áp cuộc biểu tình. Theo lệnh của Bộ trưởng Chiến tranh Kerenski, các binh đoàn trung thành với Chính phủ được gọi về từ mặt trận phía Bắc.

Khu lưu niệm túp lều Razliv - Túp lều Lênin bên hồ Razliv.

Chiều ngày 4/7, các đội sĩ quan, kị binh và lính Kozak đã bắn vào đám đông biểu tình, làm gần 400 người chết và bị thương. Như vậy, các Hội đồng Xôviết của đảng Mensheviks và đảng Xã hội cách mạng trở thành cơ quan phục tùng Chính phủ lâm thời. Kerenski trở thành Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Chiến tranh. Ông ta đã ra lệnh đàn áp tất cả các cuộc đấu tranh cách mạng trong quân đội. Trên khắp nước Nga diễn ra làn sóng bắt bớ, đàn áp đảng viên Bolsheviks. Chính phủ lâm thời ra lệnh bắt giữ V.I. Lênin. Tướng Polovsev chỉ huy Quân đoàn Petrograd đã ra lệnh được phép bắn V.I. Lênin ngay tại chỗ nếu phát hiện. Bọn sĩ quan đã 3 lần đột nhập vào căn phòng của  Lênin, nhưng đều không bắt được Người.

Theo quyết định của Ủy ban Trung ương Đảng, V.I. Lênin phải chuyển sang hoạt động bí mật. Chiều muộn ngày 9/7, Lênin đến nhà ga Primorskji. Tại đây, Người gặp anh công nhân hoạt động bí mật Nikolai Alexandrovitch Emelianov, làm ở Nhà máy Sestroretsk. Sáng ngày 10/7, họ đến ga Razliv, nơi có nhà của Emelianov. Khi đó vì căn nhà của người công nhân này đang sửa nên gia đình họ phải tá túc tạm bợ trong nhà kho gần đó. Người dân vùng Razliv thường thuê người Phần Lan đi cắt cỏ ở bên kia hồ nước. Tên đầy đủ của hồ là Sestroretskij Razliv, gắn với địa danh khu vực này và được coi là một trong những hồ chứa nước cổ xưa nhất trên thế giới.

Năm 1721, người ta xây dựng ngay gần đó một nhà máy vũ khí. Emelianov đã lợi dụng điều này, ông ấy thuê một khu cắt cỏ, dựng ở đó một túp lều bện bằng cỏ và cành cây cho V.I. Lênin sống tại đây và giả là người cắt cỏ thuê. V.I. Lênin cạo râu, đội tóc giả và mặc bộ quần áo nông dân Phần Lan, nên đã không bị bọn mật thám nhận ra. Các con trai của Emelianov thường xuyên đem thức ăn và báo chí cho Lênin. Một số thành viên, Ủy ban Trung ương Đảng Bolsheviks cũng đến ở cùng Lênin.

Túp lều Razliv đã trở thành bộ tham mưu bí mật của cuộc cách mạng. Chính ở nơi này, V.I. Lênin viết cuốn "Nhà nước và Cách mạng", tác phẩm sau này trở thành nền tảng lý luận cho chính quyền Xôviết. Khi hết mùa phơi cỏ và bắt đầu mùa săn, ở trong rừng xuất hiện nhiều người nên việc ở lại lều cỏ Razliv là vô cùng nguy hiểm. Cuối tháng 7/1917, Đại hội lần thứ VI của đảng Bolsheviks đã họp bán công khai ở Petrograd. Lênin đang ở Phần Lan nên không đến dự Đại hội, nhưng thông qua các đồng chí có liên lạc với Người, Lênin đã đưa ra những chỉ thị cần thiết.

Đại hội nhận thấy rằng sau khi nền chuyên chính tư sản được thiết lập ở nước Nga thì không thể có một cuộc cách mạng tiến triển một cách hòa bình được. Chính phủ lâm thời đã bắt đầu nói chuyện với nhân dân bằng vũ khí. Đại hội của đảng Bolsheviks đã tiến hành phiên họp chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính phủ phản cách mạng.

Razliv những ngày này vẫn vẹn nguyên một đài tưởng niệm, được dựng lên từ năm 1927, có tấm biển đề: "Tại nơi đây, từ tháng 7 đến tháng 8-1917, trong túp lều làm từ các cành cây, nhằm tránh sự theo dõi của giai cấp tư sản, lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười viết cuốn "Nhà nước và Cách mạng". Để ghi nhớ về sự kiện này, chúng tôi - công nhân thành phố Lênin - xây dựng túp lều bằng đá hoa cương, 1927".

Ngay gần đó, người ta phục dựng lại túp lều cỏ huyền thoại, làm từ các cành cây và rơm rạ. Sinh thời, V.I. Lênin thường gọi đùa túp lều và khu rừng quanh đó là "Văn phòng xanh" của Người. Do điều kiện thời tiết, năm nào người ta cũng phải phục dựng lại túp lều này dành cho khách tham quan.

Gần 100 năm trôi qua, túp lều Razliv đã được dựng lại và tu sửa nhiều lần, vẫn là địa chỉ được nhiều người ghé thăm thường xuyên. Mỗi ngày, khu di tích này đón hàng trăm lượt người đến thăm và chụp ảnh lưu niệm. Túp lều giản dị và bé nhỏ được lợp bằng những thân cây lúa mì khô và được bảo vệ bằng một hàng rào sắt bao quanh. Một bảo tàng xây từ năm 1928 vẫn mở cửa đều đặn, bên trong trưng bày những kỷ vật gắn bó với Lãnh tụ V.I. Lênin và cuộc Cách mạng vô sản làm rung chuyển thế giới.

Đ.L.(tổng hợp)
.
.