Từ người đoạt giải Nobel thành tội phạm chiến tranh

Thứ Sáu, 17/11/2006, 08:30

Được trao tặng giải Nobel Văn chương vào năm 1920, nhưng chỉ hơn hai thập niên sau, do công khai quan điểm cùng hành động ủng hộ chế độ Quốc xã của trùm phát xít Adolf Hitler, nhà văn người Na Uy Knut Hamsun đã bị truy tố về tội phản quốc như một tội phạm chiến tranh.

Knut Hamsun có tên thật Knud Pedersen, sinh ngày 4-8-1859 tại thị trấn Lom thuộc tỉnh Gudbransdal ở miền Trung Na Uy trong một gia đình nông dân nghèo. Mới 3 tuổi, Hamsun đã phải theo cha mẹ đi làm tá điền cho địa chủ. Lên 9 tuổi, Hamsun đã tự mình biết lao động để kiếm ăn. Năm 17 tuổi, Hamsun bắt đầu viết văn trong suốt 10 năm liền nhưng không gây được chú ý của dư luận.

Trong thời gian này, ông bỏ sang Mỹ hai lần, tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai và cũng để lấy cảm hứng viết văn và đã cho ra đời tác phẩm "Cuộc sống tâm linh của người Mỹ hiện đại", một tác phẩm sặc mùi phân biệt chủng tộc đối với người da màu và cả người Do Thái. Nhưng đến cuốn tiểu thuyết có nhan đề "Đói", được phát hành vào năm 1890 kể về những đau khổ của một nhà văn đói rét với lối văn chương mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa đã khiến ông bắt đầu được biết tiếng không chỉ ở Bắc Âu mà cả tại nhiều quốc gia phương Tây khác.

Năm 1898, Hamsun lập gia đình với Bergljot Goepfert, một bạn gái hồi còn hàn vi, nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài đến năm 1906 thì chấm dứt. Ba năm sau, Hamsun lập gia đình lần thứ hai với nữ diễn viên điện ảnh Marie Andersen. Là một người yêu văn, thơ và thiên nhiên, bà Andersen đã từ bỏ nghề diễn viên để giúp chồng hoàn thành nhiều tác phẩm văn học, trong đó đáng kể nhất là tác phẩm "Nhựa của đất" được trao tặng giải Nobel Văn học vào năm 1920. Thế nhưng, chính Andersen lại là người cổ vũ cho tư tưởng Quốc xã phát triển ở Hamsun.

Là một người chịu ảnh hưởng bởi nước Đức và nền văn hóa Đức, kiên quyết chống sự bành trướng của nước Anh và Liên Xô, Hamsun luôn tỏ thái độ ủng hộ nước Đức trong hai cuộc chiến tranh thế giới, nhất là chế độ Quốc xã cầm quyền tại Đức suốt gần 15 năm. Vào thập niên 30 thế kỷ XX, khi chế độ Quốc xã lên nắm quyền tại Đức, Hamsun cùng vợ đã nhiều lần đến Đức và trở thành khách mời danh dự của các trùm quốc xã như Hitler, Goebbels.

Năm 1934, trong một lần đến Đức để được tận tay Goebbels trao tặng huân chương Goethe, Hamsun tuyên bố sẽ làm hết sức mình để phát triển đảng Quốc xã tại Na Uy. Nói là làm, sau khi từ Đức về lại Na Uy, ông ta vận động thành lập một tổ chức chính trị có tên gọi Nasjonal Samling, có tôn chỉ và mô hình hoạt động rập khuôn theo kiểu đảng Quốc xã Đức. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, mặc cho Na Uy tuyên bố là quốc gia trung lập nhưng Hamsun vẫn khẩn thiết yêu cầu Hitler đưa quân đội đến bảo vệ Na Uy khỏi các cuộc can thiệp quân sự mà Hamsun cho là hành động xâm lược của Anh và Liên Xô. Đây chính là cái cớ để Hitler xua quân xâm chiếm Na Uy vào ngày 2/4/1940.

Trong thời gian Đức quốc xã chiếm giữ Na Uy, Hamsun vận động các đảng viên Nasjonal Samling hết lòng cộng tác với quân chiếm đóng, phối hợp truy bắt quân kháng chiến. Không những thế, Hamsun còn mạnh miệng tố cáo, lên án Thủ tướng Na Uy A. Hambro, lúc đó đang tị nạn tại Thụy Điển khi Đức Quốc xã xâm chiếm Na Uy, là một điệp viên của Anh và Liên Xô.

Tháng 8/1940, nhân sinh nhật lần thứ 81 của mình, Hamsun đã được đích thân trùm phát xít Hitler tiếp chuyện và tặng quà. Năm 1942, Hamsun là khách mời danh dự tại Hội nghị của trục phát xít Berlin-Tokyo-Roma tổ chức tại thủ đô Roma của Italia vào tháng 2-1942. Tại cuộc họp này, Hamsun đã tuyên bố với Hitler rằng: “Châu Âu không muốn của cải của người Do Thái và cả sống chung với họ”. Tuyên bố này của Hamsun chẳng khác nào cổ vũ cho hành động diệt chủng mà Hitler gây ra cho hàng triệu người Do Thái.

Tháng 5/1943, trong một lần đến thăm nước Đức, Hamsun đã tặng cho trùm phát xít Goebbels chiếc huy chương mang hình nhà bác học Nobel mà ông ta được nhận vào năm 1920 khi được trao tặng giải Nobel Văn chương. Hành động này của Hamsun đã khiến nhiều nhân vật từng được trao tặng giải Nobel đồng loạt lên tiếng phản đối. Tháng 6/1943, khi được Hitler tiếp kiến tại khu dinh thự Hang Sói ở miền Nam nước Đức, Hamsun còn mạnh miệng tuyên bố là cả Hitler và cả trùm phát xít Goering đều xứng đáng được trao tặng giải Nobel Hòa bình (?!).

Tháng 3/1945, khi Na Uy được Đồng minh giải phóng, Hamsun cùng vợ bị bắt giữ về tội phản bội Tổ quốc. Khắp Na Uy diễn ra các cuộc đốt sách của Hamsun và trả lại sách của độc giả. Các quốc gia Đồng minh còn đề nghị truy tố Hamsun ra trước tòa án quốc tế như một tội phạm chiến tranh. Bị giam giữ và thẩm vấn suốt nhiều tháng liền, chứng bệnh tâm thần của Hamsun đã phát triển.

Vào tháng 3/1946, một tòa án đặc biệt tại thủ đô Oslo đã xử phạt Hamsun 325.000 kroner (tương đương 70.000 USD) về tội tổ chức hoạt động của đảng quốc xã tại Na Uy, cộng tác với quân Đức Quốc xã chiếm đóng Na Uy, gây tội ác với nhân dân Na Uy và phản bội Tổ quốc. Thế nhưng Hamsun không bị phạt tù giam do được xác định ông ta mắc chứng tâm thần.

Việc xác định Hamsun mắc chứng tâm thần cũng giúp ông ta không bị truy tố như một tội phạm chiến tranh trước tòa án quốc tế. Riêng Marie Andersen, vợ của Hamsun bị tuyên phạt 3 năm lao động cưỡng bức về tội cổ vũ cho chế độ Quốc xã và cộng tác với quân chiếm đóng. Các con trai của Hamsun là Tore và Arild, đều tham gia quân đội Đức Quốc xã tham chiến tại mặt trận Liên Xô, bị tuyên phạt mỗi người 4 năm tù giam về tội cộng tác với chế độ Quốc xã và phản bội Tổ quốc. Knut Hamsun qua đời tại thành phố Norholm vào ngày 19/2/1952

Văn Hòa (Theo Historia)
.
.